Xem thêm:
- Những kiến thức về đồng CAD mà mọi Trader cần biết
- Đồng CNY có gì đặc biệt? Trung Quốc quản lý tiền tệ như thế nào?
- ECB là gì và có tác động như thế nào đến thị trường Forex
Thông tin cơ bản về đồng CHF
CHF là tiền gì?
Đồng CHF, hay còn được gọi là đồng Franc Thụy Sĩ, là tiền tệ chính thức của quốc gia này. Đồng CHF chính thức được công nhận là tiền tệ của Thụy Sĩ vào tháng 5 năm 1850, thay thế cho nhiều loại tiền khác nhau do từng bang phát hành riêng biệt trước đó.
CHF là ký hiệu viết tắt của cụm từ Confoederatio Helvetica Franc, trong đó Confoederatio Helvetica là tên Latinh của Liên đoàn Thụy Sĩ, Franc là tên gọi của tiền tệ ở các nước châu Âu. Hiện nay, CHF chính là đồng franc duy nhất còn được phát hành và sử dụng ở châu Âu, vì các quốc gia khác trước đây sử dụng các loại franc đều đã sử dụng đồng Euro – đồng tiền chung của khu vực này.
Xem thêm: Bảng Anh là một trong những đồng tiền giá trị nhất thế giới
Lịch sử của đồng CHF
Trước hết, bạn cần biết Thụy Sĩ là một đất nước liên bang, bao gồm 26 bang và sử dụng 4 loại ngôn ngữ, đó là Đức, Ý, Pháp và Romash (trong đó tiếng Đức có thể coi là ngôn ngữ chính). Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ năm 1848 đã quy định rằng chỉ có chính phủ liên bang mới có thể phát hành đồng CHF – cũng là đồng tiền chung được sử dụng trên toàn liên bang.
Tuy nhiên, trước đó tình hình tiền tệ ở Thụy Sĩ có thể nói là khá “loạn” với rất nhiều loại tiền khác nhau ở từng bang. Cụ thể, tính đến năm 1798, khoảng 75 tổ chức đã đúc tiền ở Thụy Sĩ, dẫn đến 860 loại tiền khác nhau được lưu hành với mệnh giá, trọng lượng và cấu trúc tiền tệ khác nhau.
Năm 1798, cộng hòa Helvetic (tên gọi Thụy Sĩ lúc đó), đã áp dụng một cấu trúc tiền tệ mới, dựa trên Berne thaler (một loại tiền tệ của bang Berne), và nó tương đương với 6,75 gram bạc nguyên chất. Cấu trúc tiền tệ này được sử dụng cho tới khi Cộng hòa Helvetic kết thúc vào năm 1803, nhưng sau đó nó vẫn là cơ sở cho việc cải cách tiền tệ của một số bang của liên minh Thụy Sĩ.
Đến năm 1848, hiến pháp liên bang Thụy Sĩ mới quy định rằng tổ chức duy nhất được phép phát hành tiền tệ trong nước là Chính phủ liên bang. Luật tiền tệ đầu tiên phát hành vào ngày 7 tháng 5 năm 1850 đã xác định đồng franc là đơn vị tiền tệ duy nhất ở Thụy Sĩ. Đồng franc Thụy Sĩ và franc Pháp lúc đó được đưa vào sử dụng đồng thời.
Từ năm 1865 đến những năm 1920, liên minh tiền tệ Latinh được thành lập bởi Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ và Ý. Giá trị tiền tệ của cả bốn quốc gia này được liên kết với bạc. Sau đó, Thụy Sĩ tham gia vào thỏa thuận Bretton Woods, với chế độ bản vị vàng và duy trì tỷ giá ổn định giữa tiền tệ của các quốc gia thành viên. Hệ thống này được duy trì đến những năm 1970 thì sụp đổ. Tiếp đó, tỷ giá của đồng CHF được kết nối với giá vàng cho đến tháng 5 năm 2000.
Có thể bạn quan tâm: Tại sao vàng và CHF có tính tương quan cao?
Những đặc điểm đáng chú ý của đồng CHF
Sau khi tìm hiểu về quá trình hình thành, chúng ta sẽ điểm qua những đặc điểm thú vị của đồng CHF để hiểu rõ hơn về đồng tiền này, bao gồm cả một số vấn đề đã được phân tích phía trên, nhưng mình vẫn sẽ hệ thống lại để anh em tiện theo dõi:
- Đồng CHF còn được gọi với cái tên swissie ở trên thị trường ngoại hối
- Đồng CHF được giao dịch nhiều thứ 7 trên thế giới
- Franc Thụy Sĩ là đơn vị tiền tệ chính thức ở 3 quốc gia / vùng lãnh thổ: ngoài Thụy Sĩ, đồng CHF còn được sử dụng như phương tiện thanh toán hợp pháp cũng như đơn vị tiền tệ chính thức ở Liechtenstein và khu vực Campione d’Italia của Ý.
- Đồng CHF chính thức được lập ra vào năm 1850: Hiến pháp Thụy Sĩ đã quy định chỉ có chính phủ liên bang mới được phát hành tiền, và sau đó hai năm, vào tháng 5 năm 1850, đồng CHF chính thức ra đời cùng với đạo luật đúc tiền liên bang.
- Franc được liên kết với bạc và vàng: từ những năm 1865 đến 1920, đồng Franc được liên kết với giá bạc, sau đó nó được liên kết với giá vàng từ năm 1970 đến khoảng những năm 2000
- Franc Thụy Sĩ là đồng Franc duy nhất còn lại ở châu Âu: như chúng ta đã nói phía trên, các quốc gia khác ở châu Âu có sử dụng đồng franc đã chuyển hết sang đồng tiền chung Euro, chỉ còn Thụy Sĩ sử dụng loại tiền này.
- Đồng CHF là đồng tiền mạnh và luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn, hay còn gọi là tiền tệ trú ẩn an toàn. Mình sẽ có một bài phân tích sâu hơn về vấn đề này để anh em hiểu được tại sao lại như vậy.
- Thụy Sĩ có 6 mệnh giá tiền giấy: tiền giấy với mệnh giá nhỏ nhất là 10 franc, tiếp đó là 20, 50, 100, 200 và 1000 franc là tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất. Tờ 1000 franc được phát hành năm 2019 và khi đó đã trở thành một trong những tờ tiền có giá trị cao nhất thế giới, với trị giá khoảng 1.132 USD hoặc 930 EUR (tính theo tỷ giá năm 2020).
- Đồng CHF lưu hành tại Thụy Sĩ chủ yếu dưới dạng tiền xu, với 7 loại mệnh giá: 5, 10, 20, 50 centimes, cùng với các xu 1, 2 và 3 franc. Trong đó, 1 franc được chia thành 100 centimes.
- CHF là một trong những loại tiền giấy an toàn nhất: tiền giấy của Thụy Sĩ là một trong những loại tiền chống giả mạo tốt nhất toàn thế giới, với các tiêu chuẩn sản xuất cao được áp dụng. Trong năm 2019 chỉ có 982 trường hợp tiền giả được phát hiện, và con số liên tục giảm trong nhiều năm.
Tìm hiểu thêm: USD vượt mặt tiền tệ trú ẩn trong biến cảnh Covid-19
Sức mạnh của đồng CHF đến từ đâu?
Tiền tệ trên thế giới luôn được giao dịch theo cặp, do đó chúng được xác định là mạnh hơn hay yếu hơn so với một loại tiền tệ khác. Và đồng CHF về cơ bản đã mạnh lên so với đồng USD và EUR trong nhiều năm trở lại đây. Một phần lý do giải thích cho điều đó là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và chính sách tiền tệ của cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã góp phần thúc đẩy giá trị đồng franc, giúp cho sức mạnh của đồng CHF gia tăng.
Xem thêm:
- Kiến thức về đồng USD mới nhất
- Yếu tố tác động đến Đô la Mỹ
- Quá trình hình thành và phát triển đồng EURO
Để hiểu được tại sao sức mạnh của đồng CHF lại tăng nhiều như vậy, chúng ta sẽ đến với một sự kiện vào năm 2015. Vào ngày 15 tháng 1 năm 2015, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã bất ngờ loại bỏ liên kết đồng CHF với đồng EUR với tỷ giá cố định 1,2 franc / 1 euro.
Tuy nhiên, chúng ta lại trở về thời gian trước đó thêm một chút, khi mà giá trị đồng franc vẫn được đặt ở mức 1,2 so với đồng EUR.
Vào khoảng năm 2011, sau khi cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro (2008) diễn ra đã khiến cho các nhà đầu tư đổ xô vào đồng franc để tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn. Đồng CHF được coi là nơi trú ẩn dựa vào sự ổn định của chính phủ Thụy Sĩ và hệ thống tài chính của nước này. Lãi suất mua vào tại thời điểm đó đã khiến cho giá đồng franc tăng cao, và điều đó gây tổn hại cho nền kinh tế Thụy Sĩ vì hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh về giá hơn.
Chưa dừng lại ở đó, chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ vào giai đoạn đó, cụ thể là khả năng tăng lãi suất của cục dự trữ liên bang cũng làm cho đồng EUR suy yếu. Đồng thời, chương trình nới lỏng định lượng của ECB cũng được cho là làm suy yếu giá trị đồng euro. Và do franc lúc này được liên kết với euro, nên khả năng euro suy yếu khiến cho SNB phải in thêm nhiều franc hơn nữa để duy trì giới hạn, bằng cách sử dụng chúng để mua euro.
Việc liên tục in thêm đồng franc dẫn đến lo ngại về siêu lạm phát có thể diễn ra, và công chúng đã gây áp lực lên SNB, đó cũng là tác động quan trọng khiến ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ thực hiện việc loại bỏ tỷ giá hối đoái cố định so với euro mà chúng ta vừa nói ở trên.
Tìm hiểu thêm:
Sự kiện này đã làm sức mạnh của đồng CHF, hay nói cách khác là giá trị của nó, tăng 30% so với đồng EUR và 25% so với USD ngay trong các phản ứng ban đầu. Thậm chí, động thái này của SNB đã gây ra sự biến động rất lớn trên thị trường, và buộc một số nhà môi giới ngoại hối buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh của mình do không phản ứng kịp với biến động.
Nhìn chung, sức mạnh của đồng CHF lớn như vậy là do nó thu hút các nhà đầu tư với vai trò là tiền tệ trú ẩn an toàn, cùng với đó là bối cảnh kinh tế những năm 2015 đã tạo ra những tác động khiến cho đồng tiền này càng tăng giá mạnh hơn so với EUR và USD.
Xem thêm: USD Index – chỉ số buộc phải theo dõi khi giao dịch với đồng Đô la Mỹ
Tại sao CHF lại là nơi trú ẩn an toàn
Chúng ta đã biết rằng sức mạnh của đồng CHF đến từ việc nó là tiền tệ trú ẩn, nhưng tại sao lại như vậy?
Tiền tệ trú ẩn là gì?
Trước hết, bạn cần hiểu tại sao một đồng tiền lại có thể trở thành phương tiện dự trữ /trú ẩn.
Bởi vì để đảm bảo an ninh tài chính, các tổ chức lớn và cả các chính phủ luôn có một phần dự trữ thặng dư bằng vàng và ngoại tệ. Đồng đô la mỹ vẫn luôn là đồng tiền dự trữ chính, nhưng CHF cũng đã nổi lên như một lựa chọn thay thế trong trường hợp đồng USD cũng giảm bớt sự an toàn.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân hoặc các tổ chức tài chính ở cấp độ nhỏ hơn, họ cũng luôn tìm kiếm lợi nhuận đi kèm với sự an toàn. Trong khi trái phiếu có mức độ an toàn cao, thì lợi nhuận của nó lại thấp. Ngược lại, cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt nhưng rủi ro lại cao hơn. Do đó, các nhà đầu tư tìm kiếm những tài sản mang đến sự cân bằng, trong đó vàng và đô la Mỹ là tài sản truyền thống. Và như đã nói, franc Thụy Sĩ cũng đã và đang nổi lên như một lựa chọn đầu tư tiềm năng đảm bảo sự cân bằng này.
Tại sao CHF là tiền tệ trú ẩn an toàn
Để lý giải cho sức mạnh của đồng CHF cũng như vai trò đồng tiền trú ẩn của nó, chúng ta sẽ phân tích vào những điều kiện kinh tế – chính trị của Thụy Sĩ, cụ thể như sau:
- Hệ sinh thái địa chính trị và kinh tế: Thụy Sĩ có hệ thống kinh tế mạnh, tốc độ tăng trưởng không quá cao nhưng rất thực tế, với các điều kiện được kiểm soát tốt. Lợi thế của Thụy Sĩ còn nằm ở quy mô dân số nhỏ, tài nguyên thiên nhiên có sẵn và đầu tư hợp lý hỗ trợ kinh tế tăng trưởng ổn định. Bằng chứng cho nền tài chính ổn định của Thụy Sĩ ở việc nước này là chủ nợ lớn thứ 7 của Hoa Kỳ (tính đến tháng 6 năm 2018).
- Không thâm hụt: thu nhập của Thụy Sĩ luôn vượt qua chi phí, vì vậy không có thâm hụt. Điều này giúp Thụy Sĩ tự chủ và ổn định tiền tệ. Nền kinh tế nước này cũng không có kế hoạch cho bất kỳ khoản đầu tư nào quá lớn, do đó đảm bảo được nguồn tiền ổn định.
- Là một giải pháp thay thế được cho vàng: các nhà đầu tư đến với vàng thường là do lạm phát. Khi xem xét lịch sử lạm phát của Thụy Sĩ, các nhà giao dịch có thể thấy sự ổn định kể cả trong những thời kỳ thế giới rơi vào lạm phát cao, do đó nhiều khoản đầu tư lớn vào đồng CHF để phòng ngừa lạm phát tương tự như vàng.
Tìm hiểu thêm:
- Chính sách tiền tệ độc lập: Đồng franc Thụy Sĩ không được hỗ trợ bởi vàng. Trong khi các ngân hàng trung ương khác liên kết tiền tệ của mình với vàng, cụ thể là quyết định lượng tiền dựa trên vàng dự trữ, thì Thụy Sĩ có thể in bất kỳ số lượng tiền tệ nào mà không cần dự trữ. Đây có thể coi là một hình thức nới lỏng định lượng với hiệu quả tương đương, cho phép ngân hàng trung ương kiểm soát tỷ giá tiền tệ một cách độc lập mà không dựa vào giá trị tài sản khác.
- Quy mô nợ nhỏ: Quy mô nợ của Thụy Sĩ khá nhỏ, làm tăng thêm lợi thế kinh tế của nó. Ngoài ra, thị trường nhỏ nên đất nước này không yêu cầu có các quỹ nước ngoài, và không có thâm hụt nên không quốc gia nào khác có thể kiểm soát nợ của Thụy Sĩ, từ đó nền kinh tế được bảo vệ và sức mạnh của đồng CHF được giữ ổn định.
- Các yếu tố khác: GDP cao, không có thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lĩnh vực dịch vụ tài chính có đóng góp đáng kể, thu nhập bình quân đầu người cao, và là nơi cung cấp tiền thông qua tài khoản ngân hàng bí mật,… là những yếu tố khác giúp cho đồng franc Thụy Sĩ là khoản đầu tư an toàn. Xem chi tiết: GDP là gì?
Trên đây là các điều kiện khiến cho đồng franc luôn được đánh giá cao, tuy nhiên để nó trở thành một phương tiện trú ẩn an toàn phổ biến thì cũng không thể không kể đến các sự kiện sau đây đã “nâng tầm” địa vị và sức mạnh của đồng CHF:
- Nga kiếm được hàng tỷ USD nhờ bán dầu khí. Trước đây số tiền đó được giữ an toàn bằng đô la Mỹ, chứng khoán Mỹ và vàng. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt ngày càng nhiều mà Hoa Kỳ và liên minh châu Âu đặt lên Nga đã khiến nước này phải tìm kiếm lựa chọn thay thế. Đồng rúp của Nga giảm cũng khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nga tìm kiếm các loại tiền tệ an toàn hơn. Và franc Thụy Sĩ đã trở thành lựa chọn của cả chính phủ cũng như các nhà đầu tư Nga.
- Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu từ 2009 đến 2013 đã khiến dòng tiền đáng kể từ châu Âu hướng về Thụy Sĩ, với mục tiêu đảm bảo tiền tệ của họ (đồng euro)
- Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt nguồn từ Hoa Kỳ cũng chứng kiến việc chuyển tiền tệ và chứng khoán của Hoa Kỳ sang tài sản của Thụy Sĩ.
Xem thêm: Khủng hoảng tiền tệ là gì? Hãy học cách đối mặt với nó!
Tại sao Thụy Sĩ không sử dụng đồng tiền chung châu Âu?
Thụy Sĩ là một quốc gia lớn ở châu Âu, và có nhiều người sẽ thắc mắc rằng tại sao nước này không sử dụng đồng tiền chung châu Âu mà vẫn giữ tiền tệ riêng của mình, đó là đồng CHF.
Trên thực tế, có một quan niệm sai lầm khá phổ biến là tất cả các quốc gia thuộc châu Âu đều là một phần của liên minh châu Âu, và đều sử dụng Euro làm đơn vị tiền tệ chính thức. Thụy Sĩ chính là trường hợp điển hình để phủ nhận quan niệm trên.
Thụy Sĩ có biên giới chung với Đức, Pháp, nhưng hoàn toàn không phải là một phần của EU. Người dân Thụy Sĩ đã bỏ phiếu không tham gia Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) với tỷ lệ khoảng trên 59% vào năm 1992. Trong khoảng 10 năm từ 1992 đến 2002, chính phủ Thụy Sĩ đã ký hàng loạt thỏa thuận song phương với liên minh châu Âu, để cho phép người dân tự do đi lại dù không phải là một phần trong khối.
Thụy Sĩ và EU cũng phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt. EU giống như một đối tác thương mại lớn của quốc gia này. Theo Ủy ban châu Âu, các mối quan hệ kinh tế và thương mại của Thụy Sĩ với EU đã được đàm phán, theo đó cho phép Thụy Sĩ tiếp cận thị trường chung của liên minh sau khi chính phủ nước này chấp thuận một số điều luật của EU.
Việc Thụy Sĩ không tham gia liên minh châu Âu chính là lý do quan trọng nhất, và cũng không cần thêm bất cứ lý do nào khác để giải thích cho việc nước này không sử dụng đồng Euro làm tiền tệ quốc gia của mình. Đồng CHF đã được ấn định là tiền tệ chính thức và duy nhất, nên EUR được coi là ngoại tệ, giống như tiền tệ của các quốc gia khác.
Vậy, EUR có được sử dụng tại Thụy Sĩ hay không?
Câu trả lời là CÓ. Đồng Euro vẫn có thể được sử dụng trong thanh toán hàng ngày tại Thụy Sĩ, nhưng vì nó là ngoại tệ, nên tiền lẻ (tiền thừa) sẽ được trả lại bằng tiền Thụy Sĩ với tỷ giá của thời điểm đó.
Thông tin thêm để anh em tham khảo và có cái nhìn đa chiều hơn, đó là đồng USD không được sử dụng ở Thụy Sĩ như đồng EUR. Có nghĩa là ở Thụy Sĩ, người ta có thể chấp nhận thanh toán bằng EUR nhưng không chấp nhận USD. Anh em bắt buộc phải đổi USD sang đồng CHF thì mới có thể sử dụng. Tất nhiên, cũng có thể đổi USD sang EUR, nhưng đã mất công đổi thì có lẽ không ai làm như vậy cả.
Kiến thức thực chiến cho các nhà giao dịch
Là một nhà giao dịch, chúng ta luôn phải hướng đến sự chuyên nghiệp dù là trader toàn thời gian hay chỉ là trading trong những thời gian rảnh dỗi. Và để làm được điều đó, bạn cần có tầm nhìn bao quát được toàn bộ thị trường, cũng như có những kiến thức phân tích cơ bản chứ không thể chỉ dừng lại ở việc phân tích biểu đồ.
Với việc tìm hiểu về sức mạnh của đồng CHF, và vai trò tiền tệ trú ẩn của đồng tiền này, chúng ta cũng rút ra được một số kiến thức hỗ trợ cho việc thực chiến trên thị trường Forex, anh em hãy tham khảo để có cái nhìn toàn diện hơn nhé.
Đầu tiên, chúng ta đã biết CHF là một đồng tiền mạnh. Trong hàng thập kỷ, tỷ giá EURCHF vẫn liên tục nằm trong một đà giảm dài hạn, cho thấy sức mạnh của đồng CHF đã tăng nhiều so với đồng euro. Anh em có thể xem biểu đồ EURCHF khung tháng dưới đây để dễ dàng thấy được điều đó.
Tính từ khoảng năm 2008 cho đến nay, tỷ giá EURCHF liên tục giảm, và có những đợt giảm rất mạnh, điều đó cho thấy đồng CHF vẫn đang mạnh lên so với đồng EUR. Mặc dù những năm gần đây, tỷ giá đã ổn định hơn nhưng vẫn không hề có một đợt tăng nào đáng kể so với sự giảm sút, có nghĩa là sức mạnh của đồng CHF vẫn được duy trì.
Từ thông tin này, chúng ta có thể rút ra rằng, trong dài hạn không nên mua EURCHF, vì rất ít khi giá trị đồng CHF giảm so với đồng EUR nên tỷ giá dài hạn luôn trong xu hướng giảm hoặc sideway chứ không tăng. Thay vào đó, anh em nên tìm kiếm cơ hội để bán mỗi khi giá tăng trở lại những vùng kháng cự cứng.
Đối với các cặp tiền tệ khác chứa CHF, anh em cũng có thể thấy được diễn biến tương tự, và đưa ra các quyết định tương tự như vậy.
Xem thêm: Kiếm tiền Forex với những cặp tiền tệ đáng giao dịch nhất
Một đặc điểm khác mà chúng ta đã phân tích, đó là CHF đóng vai trò tiền tệ dự trữ. Điều đó có nghĩa là mỗi khi thế giới có biến động lớn, lượng mua vào đối với đồng CHF sẽ tăng cao.
Chúng ta có một ví dụ hết sức rõ ràng, với một đợt diễn biến rất mạnh của các cặp tiền trong khoảng thời gian cuối tháng 2 – đầu tháng 3 năm 2022 gần đây, trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina nổ ra.
Tiếp tục quan sát biểu đồ EURCHF ở khung ngày dưới đây, anh em có thể thấy sự tăng vọt về khối lượng giao dịch trong những phiên cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Cùng với đó là tỷ giá giảm mạnh cho thấy sức mạnh của đồng CHF được thể hiện trong khủng hoảng, khi mà người ta mua vào đồng tiền này rất nhiều.
Điều tương tự cũng có thể dễ dàng nhận thấy ở cặp tiền GBPCHF qua biểu đồ bên dưới:
Tuy nhiên, không giống EURCHF và GBPCHF, có sự khác biệt đáng kể đối với cặp tiền USDCHF mà anh em cần lưu ý. Mặc dù khối lượng giao dịch vẫn tăng vọt, nhưng chúng ta có thể thấy tỷ giá không giảm rõ rệt mà chỉ sideway. Điều này xảy ra là vì không chỉ CHF là tiền tệ trú ẩn, mà USD cũng vậy. Có nghĩa là trong khủng hoảng, các nhà đầu tư mua vào cả USD và CHF khiến cho tỷ giá cặp tiền này ít thay đổi mặc dù khối lượng tăng đột biến.
Tóm lại, anh em có thể nắm bắt cơ hội mua vào đồng CHF trong các cặp tiền khác nhau, khi thị trường xảy ra khủng hoảng hoặc suy thoái. Thế nhưng, anh em cũng cần lưu ý các đồng tiền khác trong cặp, vì có thể nó cũng chuyển động cùng hướng với CHF khiến giá sideway, hoặc thậm chí có biến động mạnh hơn khiến cho tỷ giá đi ngược lại so với dự tính về đồng CHF. Anh em cần phân tích thêm thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ quyết định giao dịch nào.
Tìm hiểu thêm:
Những vấn đề cần quan tâm khi giao dịch đồng CHF
Với định nghĩa và những đặc điểm như vậy về đồng CHF, nó sẽ giúp gì cho việc giao dịch đồng tiền này trong thị trường Forex?
Điều đầu tiên nghe có vẻ đơn giản, nhưng có thể nhiều nhà giao dịch ít kinh nghiệm có thể sẽ bỏ qua, đó là biết được mình đang giao dịch cái gì. Hãy tưởng tượng trường hợp một trader mở tradingview, vô tình tìm đến biểu đồ USDCHF và thấy một cơ hội nào đó theo phương pháp đang sử dụng và vội vã thực hiện ngay một lệnh giao dịch mà không hề biết CHF là đồng tiền gì. Điều đó thật thiếu chuyên nghiệp và cũng có thể khiến anh ta chịu rủi ro lớn hơn.
Có rất nhiều nhà đầu tư, nhà giao dịch thành công đã đưa ra lời khuyên rằng “hãy chỉ đầu tư và giao dịch những gì mà bạn hiểu rõ.” Vì thế, anh em cũng nên coi trọng hơn về việc tìm hiểu các đồng tiền phổ biến cũng như nền kinh tế đằng sau đồng tiền đó.
Xét cụ thể hơn về tính chất của đồng CHF, cũng có những điểm đáng lưu ý và có thể hỗ trợ cho nhận định của anh em khi giao dịch.
Chúng ta đã biết rằng CHF là một đồng tiền mạnh. Trong những năm gần đây, nó vẫn duy trì được tỉ giá cao hơn so với đồng USD. Hãy nhìn vào biểu đồ USDCHF dưới đây, anh em có thể thấy rõ điều đó.
Tính từ năm 2003-2004 đến nay, tỷ giá USDCHF liên tục giảm, và có những đợt giảm rất mạnh, điều đó cho thấy đồng CHF vẫn đang mạnh lên so với đồng USD. Những năm gần đây, tỷ giá ổn định hơn ở dưới mức 1, có nghĩa là CHF đã có giá trị cao hơn USD và vẫn luôn duy trì được trạng thái đó.
Điều này cho chúng ta biết rằng, trong dài hạn không nên mua USDCHF, vì rất ít khi giá trị đồng CHF giảm so với đồng USD nên tỷ giá dài hạn luôn trong xu hướng giảm hoặc sideway chứ không tăng.
Một vấn đề nữa có thể được áp dụng, là bất cứ khi nào tỷ giá USDCHF trở lại mức 1 có thể là đang ở mức cao, và anh em có thể tìm kiếm cơ hội bán xuống. Lý do là vì trong ít nhất 3 năm gần đây (từ 2019), CHF chưa lần nào thấp hơn USD, nói cách khác là tỷ giá này luôn dưới mức 1, và nếu mức đó đạt được sau thời gian dài như vậy là một điều bất thường.
Tất nhiên, đây chỉ là ví dụ mình đưa ra cho anh em dễ hình dung, còn thực tế thì anh em cần phân tích kỹ lưỡng hơn rất nhiều nếu muốn đưa ra một lệnh giao dịch bất kỳ.
Ngoài ra, khi đã biết về đồng CHF, anh em có thể dễ dàng phân tích sâu hơn vào nền kinh tế Thụy Sĩ để biết “tình trạng sức khỏe” của đồng tiền này, từ đó so sánh tương quan với những đồng tiền khác để hỗ trợ cho quyết định giao dịch cặp tiền bất kỳ chứa đồng CHF.
Xem thêm:
- Cách đầu tư vào Franc Thụy Sĩ và thực chiến giao dịch đồng CHF
- Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có vai trò thế nào đối với sức mạnh của đồng CHF?
- Những thị trường Forex trader cần biết để đầu tư
Kết luận
Tóm lại, sau khi tìm hiểu về đồng CHF anh em sẽ có những hiểu biết sâu hơn, cũng như phân tích dễ dàng hơn rất nhiều khi đã có những kiến thức cơ bản về đồng tiền này. Với việc học thêm những kiến thức tưởng như đơn giản mà nhiều người thường bỏ qua này, anh em đã tự nâng mình lên một bậc, và tự cho mình thêm một phần cơ hội để thành công trên thị trường. Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.
VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính