VNREBATES

GDP là gì? 3 cách tính GDP

24.08.2020, 08:43 13 phút đọc

GDP là một thuật ngữ chuyên ngành quen thuộc trong lĩnh vực kinh tế và là một trong những con số đầu tiên được đề cập đến khi nói về thông tin kinh tế các quốc gia. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng hiểu rõ GDP là gì. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về GDP và cách tính GDP qua bài viết này. 

GDP là gì? 3 cách tính GDP

GDP là gì? 3 cách tính GDP

1.      GDP là gì? GDP bình quân đầu người là gì?

a.      GDP là gì?

GDP là từ viết tắt của cụm “Gross Domestic Product” nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội (tổng sản phẩm nội địa).

Trong kinh tế học, tổng sản phẩm nội địa được hiểu là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Nếu tính trong phạm vi quốc gia, GDP được gọi là tổng sản phẩm quốc nội. Một số báo cáo sẽ sử dụng thuật ngữ tiếng Anh National Gross Domestic Product- NGDP để chỉ tổng sản phẩm quốc nội, Regional/Provincial Gross Domestic Product để chỉ tổng sản phẩm nội địa của địa phương.

GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ nào đó.

Xét về bản chất, GDP chính là tổng giá trị thị trường của tất cả các sản phẩm và dịch vụ thành phẩm của tất cả các đơn vị tập trung trong nền kinh tế của một quốc gia hoặc một lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định.

b.      GDP bình quân đầu người là gì?

Chỉ số GDP bình quân đầu người (GDP per capita) thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh tính bình quân trên đầu người của một quốc gia trong một năm.

Công thức tính GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm cụ thể được tính bằng cách chia GDP của quốc gia tại thời điểm đó cho tổng số dân của quốc gia cũng tại thời điểm đó.

2.      Cách tính GDP và ý nghĩa của chỉ số GDP đối với một quốc gia

Cách tính GDP và ý nghĩa của chỉ số GDP đối với một quốc gia

Cách tính GDP và ý nghĩa của chỉ số GDP đối với một quốc gia

GDP là chỉ số thường được sử dụng để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

GDP có thể tính theo các phương pháp khác nhau, tùy theo góc độ đánh giá. 3 cách tính GDP thông dụng nhất bao gồm:

  • Phương pháp sản xuất
  • Phương pháp sử dụng cuối cùng
  • Phương pháp thu nhập

Tất cả các phương pháp tính đều cho ra một kết quả GDP duy nhất. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu từng cách tính GDP qua nội dung chia sẻ dưới đây.

a.      Phương pháp sản xuất

Khi tính GDP theo phương pháp sản xuất, GDP là tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế một nước trong một thời gian nhất định và được tính bằng công thức:

GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu

Giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế bao gồm các thông số dưới đây:

  • Thu nhập của người sản xuất
  • Tiền công
  • Bảo hiểm
  • Thuế sản xuất
  • Khấu hao tài sản cố định
  • Giá trị thặng dư…
  1. Phương pháp sử dụng cuối cùng

Xét về góc độ sử dụng / chi tiêu, tổng sản phẩm quốc nội được tính như sau:

GDP = C + I + G + NX

Cụ thể:

  • C: tổng giá trị tiêu dùng cho sản phẩm và dịch vụ của các hộ gia đình trong quốc gia đó
  • I: tổng giá trị tiêu dùng của các nhà đầu tư
  • G: tổng giá trị chi tiêu của chính phủ
  • NX: xuất khẩu ròng, là hiện sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu trong quốc gia đó

Theo phương pháp tính này, tổng sản phẩm quốc nội bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu của một đất nước.

c.       Phương pháp thu nhập

Tính theo phương pháp thu nhập, tổng sản phẩm quốc nội bao gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ của một đất nước.

GDP = W + R + I + Pr + Ti + De

Cụ thể:

  • W: tiền lương
  • R: tiền thuê
  • I: tiền lãi
  • Pr: lợi nhuận
  • Ti: thuế gián thu ròng
  • De: khấu hao tài sản cố định

d.      Ý nghĩa của chỉ số GDP

Như đã nói ở trên, chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội  – GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Chỉ số này thể hiện sự biến động của sản phẩm hay dịch vụ theo thời gian.

Các quốc gia có GDP suy giảm cho thấy nền kinh tế nước này đang trong tình trạng diễn biến xấu. Suy thoái GDP có thể là biểu hiện của những tình trạng kinh tế tiêu cực như suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, mất giá đồng tiền… và cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân đang bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.

3.      Những hạn chế của chỉ số GDP

Có thể nói, thông qua GDP bình quân đầu người, ta biết được mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, chỉ số này còn có một số hạn chế sau đây:

Trước hết, GDP không tính và không định lượng được giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức. Nói cách khác, GDP chỉ tính trên dữ liệu chính thức thống kê được.

Thứ hai, GDP không tính đến lợi nhuận các công ty nước ngoài kiếm được trên lãnh thổ đang xét đến nếu họ chỉ trả lợi nhuận này cho công ty mẹ ở nước ngoài.

Thứ ba, GDP bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu và giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp. Chỉ số này chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới.

Cuối cùng, sự tăng trưởng GDP không thể hiện thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia mà chỉ tính đến sản lượng đo đếm được. Nói cách khác, chỉ số này không cho biết chính xác sự phát triển của một quốc gia hay sức khỏe của đời sống công dân trong quốc gia đó.

4.      Các câu hỏi thường gặp về GDP

a.      Có các loại GDP nào?

GDP bao gồm GDP danh nghĩa và GDP thực tế, trong đó:

  • GDP danh nghĩa là giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ tính theo giá hiện hành. Chỉ số này tính bằng tổng của lượng hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong một năm nhân với giá của hàng hoá và dịch vụ ấy trong năm đó. Giá cả sản phẩm dịch vụ sẽ được tính theo phương pháp bình quân gia quyền của các mức giá trong năm đó.
  • GDP thực tế là giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ hiện hành của nền kinh tế được đánh giá theo mức giá cố định của năm cơ sở (năm gốc). Chỉ số này tính bằng tổng của lượng hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong một năm nhân với giá cố định của các hàng hoá và dịch vụ ấy trong năm gốc.

b.      So sánh GDP và GNP

So sánh GDP và GNP

So sánh GDP và GNP

GDP là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa (trong nước) còn GNP là tổng sản lượng quốc gia (trong & ngoài nước).

GDP khác với tổng sản phẩm quốc dân (GNP) ở chỗ GDP loại bỏ việc chuyển đổi thu nhập giữa các quốc gia. Nói cách khác, GDP được quy theo lãnh thổ mà sản phẩm được sản xuất ở đó hơn là thu nhập nhận được ở đó.

c.       GDP các nước trên thế giới qua các năm

GDP các nước trên thế giới qua các năm

GDP các nước trên thế giới qua các năm

  • Theo Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (ước tính năm 2019)
STT Quốc gia/Vùng lãnh thổ GDP (triệu US$)
 Toàn cầu 87,265,226
1  Hoa Kỳ 21,439,453
 Liên minh châu Âu 18,705,132
2  Trung Quốc 14,140,163
3  Nhật Bản 5,154,475
4  Đức 3,863,344
5  Ấn Độ 2,935,570
6  Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland 2,743,586
7  Pháp 2,707,074
8  Ý 1,988,636
9  Brazil 1,847,020
10  Canada 1,730,914
  • Theo Ngân hàng Thế giới (2018)
STT Quốc gia/Vùng lãnh thổ GDP (triệu US$)
 World 85.804.391
1  Hoa Kỳ 20.494.100
2  Trung Quốc 13.608.152
3  Nhật Bản 4.970.916
4  Đức 3.996.759
5  Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland 2.825.208
6  Pháp 2.777.535
7  Ấn Độ 2.726.323
8  Ý 2.073.902
9  Brazil 1.868.626
10  Canada 1.712.51
  • Theo Liên Hiệp Quốc (2017)
STT Quốc gia/Vùng lãnh thổ GDP (triệu US$)
   Toàn cầu 80.501.413
1  Hoa Kỳ 19.485.394
2  Trung Quốc 12.234.781
3  Nhật Bản 4.872.415
4  Đức 3.693.204
5  Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland 2.631.228
6  Đức 2.582.492
7  Ấn Độ 2.575.666
8  Brazil 2.055.512
9  Ý 1.943.835
10  Canada 1.64

 

5.      GDP Việt Nam qua các năm có sự tăng trưởng như thế nào?

  • Năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam được ghi nhận là 202 tỷ USD, tương đương với 595 tỷ USD sức mua
  • Năm 2017, GDP Việt Nam là 223.9 tỷ USD, ước tính tăng 6,81% so với năm 2016
  • Năm 2018, GDP Việt Nam đạt mức kỷ lục, tăng 7,08% và được xem là mức cao nhất kể từ năm 2008
  • Năm 2019, tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam đạt 7,02% so với năm 2018
GDP Việt Nam qua các năm

GDP Việt Nam qua các năm

Có thể nói, sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã có bước tiến bộ lớn. Từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần. Năm 2019, GDP đầu người đạt trên 2.700 USD với hơn 45 triệu người thoát nghèo.

Năm 2019, số liệu sơ bộ cho thấy GDP thực tăng khoảng 7% trong năm 2019, gần với tỉ lệ tăng trưởng năm 2018. Trong thời kỳ này, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Năm 2020, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với các biện pháp đối phó chủ động ở cả các cấp trung ương và địa phương, quý I năm 2020, nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng GDP 3,8%. Nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít bị ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19 hơn so với nhiều quốc gia khác.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 đứng thứ 5 thế giới với con số dự báo đạt 2,8%. Số liệu  này được đưa ra dựa trên cơ sở GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% – mặc dù là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Lời kết

Trong bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ cùng bạn khái niệm GDP là gì và cách tính GDP cũng như những nội dung khác xoay quanh chỉ số này. Mong rằng qua những thông tin trên đây, bạn sẽ có được những kiến thức bổ ích. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng để lại bình luận dưới đây.

Tổng hợp bởi VnRebates

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.