Tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đều có trách nhiệm cao nhất trong việc điều tiết thị trường tài chính thông qua các chính sách tiền tệ của đất nước mình. Ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ cũng không ngoại lệ. Đặc biệt là khi đồng CHF của quốc gia này thu hút rất nhiều sự chú ý từ giới đầu tư, thì những chính sách của ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ lại càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Tìm hiểu về ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, tên quốc tế là Swiss National Bank, hay còn được viết tắt là SNB, là tên gọi của ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ. Được thành lập vào năm 1906, SNB có trụ sở tại Berne và Zurich, ngoài ra còn có 6 văn phòng khác trên khắp đất nước và một chi nhánh tại Singapore.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ hoạt động như một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia và đảm bảo sự ổn định giá cả của đất nước, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ được quản lý bởi hội đồng quản trị, lãnh đạo cao nhất hiện tại là chủ tịch Thomas Jordan. SNB gồm 13 cơ quan, bộ phận với nhiệm vụ duy trì việc cung cấp tiền tệ quốc gia – đồng CHF.
Trong khi hội đồng quản trị có vai trò giám sát việc quản lý tài sản, chính sách tiền tệ, hợp tác quốc tế… thì hội đồng ngân hàng của SNB sẽ có vai trò giám sát các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hội đồng ngân hàng của SNB có 11 thành viên, mỗi người phục vụ theo nhiệm kỳ 4 năm, và không được làm liên tục quá 12 năm.
SNB có mô hình hoạt động giống như một công ty cổ phần, có nghĩa là nó phát hành cổ phiếu, do các ngân hàng quốc doanh và các nhà đầu tư khác nắm giữ.
Tóm lại, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có những nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện chính sách tiền tệ
- Phát hành và duy trì nguồn cung tiền của quốc gia
- Tham gia vào hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng của Thụy Sĩ, hỗ trợ các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt
- Quản lý vấn đề dự trữ tiền tệ của quốc gia
- Đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính
- Làm việc với các cơ quan liên bang trong những trường hợp hợp tác tiền tệ quốc tế.
2. Hoạt động của ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và vai trò đối với đồng CHF
2.1. Chính sách tiền tệ của ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ
SNB theo đuổi chính sách tiền tệ phục vụ lợi ích của cả nước. Các chính sách này phải có mục tiêu chung là ổn định giá cả, đồng thời tính đến các diễn biến kinh tế có thể xảy ra.
Các chính sách tiền tệ của SNB chủ yếu dựa trên các dự báo về lạm phát trong tương lai nhiều hơn là dựa theo lạm phát hiện tại, bởi các chính sách sau khi được đưa ra sẽ ảnh hưởng thực tế đến sản xuất và giá cả với độ trễ đáng kể.
Chiến lược chính sách tiền tệ của SNB bao gồm ba yếu tố chính:
- Ổn định giá cả: SNB đánh giá sự ổn định giá cả theo mức CPI tăng dưới 2% mỗi năm.
- Dự báo lạm phát có điều kiện trong trung hạn
- Mức hoạt động, phạm vi mục tiêu cho lãi suất tham chiếu
2.2. Vai trò của SNB đối với đồng franc Thụy Sĩ
Chúng ta đã biết đồng CHF là một loại tiền tệ rất mạnh mẽ và ổn định. Để có được vị thế đó, là do chính sách không lạm phát từ lâu đời của ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, và sự độc lập về chính trị của quốc gia này.
Đồng CHF được đánh giá cao ở trong những giai đoạn bất ổn về kinh tế và chính trị trên toàn thế giới, ví dụ như trường hợp năm 2008 khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nổ ra. Một cách tổng quát hơn, đồng CHF được coi là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư, các định chế tài chính và cả các chính phủ trong những điều kiện bất ổn hay khủng hoảng kinh tế.
Năm 2011, trong lúc cuộc khủng hoảng nợ công vẫn tiếp tục bùng phát, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến đồng franc khiến cho giá trị của đồng tiền này tăng vọt. Và việc đồng CHF mạnh lên quá mức đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế của Thụy Sĩ, cụ thể là giảm sự cạnh tranh về xuất khẩu, gây thiệt hại đáng kể đến giá trị thương mại.
Chính vì vậy, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm giới hạn sự tăng vọt của đồng CHF.
2.3. Các chính sách hạn chế sức mạnh của đồng CHF
Tiếp tục những diễn biến phía trên trong cuộc khủng hoảng nợ công, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ khi đó đã khởi xướng một số chính sách tích cực để can thiệp vào thị trường tiền tệ, trong đó có việc giảm lãi suất để hạ giá trị của CHF so với đồng Euro, nhưng dường như nó không phát huy nhiều hiệu quả.
Trong hoàn cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách quyết định giới hạn đồng tiền của họ ở mức cố định là 1 franc = 1,2 euro, nhằm ngăn chặn đồng CHF tiếp tục tăng quá cao. Để duy trì mức liên kết cố định này, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã in thêm franc và dùng chúng để mua euro.
Tỷ giá cố định này được ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ duy trì đến tháng 1 năm 2015, khi cuộc khủng hoảng euro đã cơ bản qua đi. Với sự hồi phục của đồng euro, SNB đã bỏ liên kết tỷ giá cố định với kỳ vọng tỷ giá CHF so với EUR sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, động thái này đã diễn ra một cách bất ngờ, và tạo ra một cú sốc đối với toàn thị trường ngoại hối. Đồng franc đã không những không giảm xuống mà còn tăng vọt một cách đột biết chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi quyết định được công bố.
Sau tình huống này, rất nhiều nhà giao dịch và nhà môi giới đã phải chịu tổn thất lớn, thậm chí một số nhà môi giới đã phải đóng cửa vì không chịu nổi cú sốc. SNB dau đó đã phải cam kết không can thiệp vào tỷ giá tiền tệ một cách tương tự trong tương lai.
Bất chấp những nỗ lực của ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ trong việc hạn chế sức mạnh của đồng CHF, đồng tiền này vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn, vì được hỗ trợ bởi hệ thống tài chính mạnh mẽ và nền kinh tế cạnh tranh.
Xem thêm: Sức mạnh của đồng CHF – tại sao CHF là tiền tệ trú ẩn an toàn?
Thực_chiến_NGHỀ_Trading
3. SNB và thực chiến trên thị trường Forex
Với những thông tin mà chúng ta vừa tìm hiểu về ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, anh em có thể rút ra được nhiều điều hữu ích khi giao dịch đồng CHF trên thị trường.
Điều quan trọng nhất chính là cho dù đã có những biến động và tác động ngoài ý muốn, nhưng ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ từ trước đến nay vẫn luôn tìm kiếm những biện pháp, những chính sách tối ưu nhất để giữ cho đồng CHF ổn định, duy trì được sức mạnh và vị thế là đồng tiền trú ẩn an toàn của mình.
Đồng thời, qua thời gian, chúng ta cũng biết được rằng các nhà giao dịch từ cá nhân tới tổ chức vẫn luôn tin tưởng vào sức mạnh và sự an toàn của đồng franc Thụy Sĩ.
Vậy điều chúng ta rút ra được ở đây là gì? Đó là đồng CHF gần như chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục là đồng tiền mạnh, ổn định và thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là trong những bối cảnh bất ổn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu xa hơn, đồng CHF ổn định có nghĩa là nó sẽ ít biến động trong ngắn hạn, mà chỉ duy trì sức mạnh về lâu dài. Hãy quan sát biểu đồ EURCHF theo khung tháng và khung ngày dưới đây, anh em sẽ thấy rõ điều đó:
- Ở khung tháng, chúng ta có thể thấy rõ xu hướng giảm chủ đạo trong hàng chục năm qua, có nghĩa là sức mạnh của đồng CHF vẫn ổn định và tăng đều so với đồng EUR
- Tuy nhiên, đối với biểu đồ khung ngày chúng ta không thể thấy rõ được điều đó. Trong ngắn hạn, chúng ta ít khi nhìn thấy được xu hướng giảm một cách rõ rệt như khung tháng. Nếu anh em so sánh cặp tiền này, hoặc bất kỳ cặp CHF nào với những cặp tiền tệ khác, anh em cũng sẽ thấy được sự biến động của CHF là khá thấp.
Dựa vào các yếu tố này, hành động của chúng ta là nên giao dịch CHF theo phong cách swing trade với hướng giao dịch chủ đạo là mua vào đồng CHF, và nắm giữ dài hạn, chứ việc giao dịch ngắn hạn với các cặp tiền chứa CHF là không tối ưu.
Tuy nhiên, việc giao dịch ngắn hạn với các cặp CHF không hoàn toàn là không thể. Anh em vẫn có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để tìm kiếm các cơ hội mua hoặc bán. Ngoài ra, anh em cũng có thể tận dụng những tin tức từ ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để tối ưu những cơ hội giao dịch, vì khi công bố tin tức, giá thường biến động mạnh hơn và cơ hội sẽ lớn hơn.
Tất nhiên, biến động lớn hơn có nghĩa là rủi ro cao hơn. Đồng CHF được yêu thích một phần cũng là vì nó ổn định và an toàn, nên nếu lựa chọn cách tận dụng các biến động lớn, thì anh em cần có các phương pháp quản lý vốn thật tốt nhé.
Xem thêm: Áp dụng phương pháp quản lý vốn Kelly một cách hiệu quả
4. Kết luận
Với vị thế vốn có và chính sách điều hành hợp lý của ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, đồng CHF chắc chắn vẫn sẽ là một kênh đầu tư ổn định và an toàn trong tương lai. Nó sẽ thật sự phù hợp với những anh em thích an toàn và giao dịch theo phong cách nắm giữ dài hạn. Nếu thấy bản thân mình là một trader như vậy, anh em hãy cân nhắc về các cặp tiền CHF nhé, biết đâu chúng sẽ trở thành tài sản yêu thích của anh em.
Ngoài ra, anh em cũng đừng quên cập nhật kiến thức hàng ngày cùng wp.vnrebates.io để hoàn thiện kỹ năng giao dịch của mình hơn nữa nhé. VnRebates sẽ luôn đồng hành cùng anh em trên con đường chinh phục NGHỀ Trading.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ