Đồng bảng Anh vẫn luôn là một trong những loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường Forex, vì thế các động thái liên quan đến đồng tiền này, cũng như liên quan đến nền kinh tế Anh luôn nhận được sự quan tâm từ các nhà giao dịch. Trong đó, những động thái được mong đợi nhất là hành động của Ngân hàng Anh (BOE) và Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC).
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về hai tổ chức quan trọng này của vương quốc Anh, từ đó hiểu được cách hoạt động cũng như sự tác động của nó đối với giá trị của đồng GBP.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. BOE là gì?
BOE là viết tắt của cụm từ Bank of England – là ngân hàng Trung ương của vương quốc Anh, hay chúng ta có thể gọi tắt là ngân hàng Anh.
BOE có trách nhiệm tương tự như hầu hết các ngân hàng Trung ương khác trên thế giới, đó là thiết lập chính sách tiền tệ và phát hành tiền tệ, cũng như điều tiết các ngân hàng thương mại, ngân hàng thành viên. Ngân hàng trung ương Anh cũng đóng vai trò là người cho vay cuối cùng, cung cấp các khoản vay cho các ngân hàng và tổ chức đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngân hàng Anh là một trong những ngân hàng lâu đời nhất trên thế giới, vì vậy nó được sử dụng làm hình mẫu cho ngân hàng Trung ương của rất nhiều các quốc gia khác.
Ngân hàng Anh đôi khi còn được gọi với cái tên “Old Lady” (tạm dịch: bà đầm già). Đây là biệt danh từ thế kỷ 18 của ngân hàng này, là phiên bản rút gọn của cụm từ Old Lady of Threadneedle Street, ám chỉ địa chỉ của ngân hàng Anh nằm giữa thủ đô London.
Về lịch sử, ngân hàng Anh vốn được thành lập như một tổ chức tư nhân vào năm 1694 với quyền huy động tiền cho Chính phủ bằng cách phát hành trái phiếu. Ngoài ra, nó cũng hoạt động như một ngân hàng thương mại cho vay và nhận tiền gửi.
Đến năm 1844, đạo luật điều lệ ngân hàng lần đầu tiên đã cho phép ngân hàng Anh độc quyền phát hành tiền giấy ở Anh và xứ Wale, đó là một bước tiến quan trọng để BOE trở thành một ngân hàng Trung ương hiện đại.
Xem thêm: Hoạt động dự trữ vàng của các Ngân hàng trung ương ảnh hưởng gì đến giá vàng?
2. Ủy ban chính sách tiền tệ MPC
MPC là viết tắt của Monetary Policy Committee, tức ủy ban chính sách tiền tệ. Đây có thể coi là một tổ chức trực thuộc ngân hàng Anh. BOE không trực tiếp thiết lập lãi suất, mà nó được thực hiện qua MPC với sự thống nhất của các thành viên.
MPC bao gồm 9 thành viên, được lãnh đạo bởi Thống đốc ngân hàng Anh, ba phó Thống đốc lần lượt phụ trách chính sách tiền tệ, ổn định tài chính, cuối cùng là thị trường và ngân hàng. Thành viên thứ năm là kinh tế trưởng của BOE. Bốn thành viên còn lại được bổ nhiệm bởi Chancellor of the Exchequer, chức vụ tương đương với Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ.
MPC họp 8 lần một năm để xem xét sự cần thiết phải thay đổi chính sách lãi suất so với mục tiêu lạm phát của Chính phủ. Mỗi thành viên ủy ban có một phiếu biểu quyết để lấy quyết định cho mỗi lần họp. Sau khi kết quả được thông qua, BOE sẽ tăng hoặc giảm tỷ giá ngân hàng, áp dụng cho các ngân hàng trong nước.
Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt (thường là khủng hoảng kinh tế), khi việc điều chỉnh lãi suất không giúp kinh tế phục hồi thì MPC sẽ có những biện pháp bổ sung cụ thể hơn.
Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2008, việc giảm lãi suất từ 5% xuống 0,5% không đủ để kích thích nền kinh tế, MPC đã bổ sung thêm cơ chế mua bán tài sản, một quá trình được gọi là nới lỏng định lượng (QE – quantitative easing). Hiểu một cách đơn giản, QE là việc BOE mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán có đảm bảo dài hạn hơn, để tăng lượng tiền trong lưu thông và thúc đẩy hoạt động kinh tế.
3. Hoạt động của ngân hàng Anh và MPC ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá GBP
3.1. Vai trò của ngân hàng Anh đối với kinh tế Anh và đồng GBP
Mặc dù ngân hàng trung ương Anh không trực tiếp ấn định tỷ giá hối đoái của đồng GBP, nhưng hoạt động của họ sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá này theo hai cách sau:
Thay đổi lãi suất:
Ngân hàng Anh sẽ thay đổi lãi suất để kiểm soát sự lạm phát, hỗ trợ cho một nền kinh tế ổn định. Để làm điều đó, BOE sử dụng một loại lãi suất gọi là tỷ giá ngân hàng.
Thông thường, nếu tỷ giá ngân hàng tăng thì sức mạnh của đồng bảng cũng tăng và ngược lại, nguyên nhân là do lãi suất cao khiến cho các nhà đầu tư có nhu cầu lớn hơn với GBP và làm cho nó tăng giá.
Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào lạm phát vượt kế hoạch thì ngân hàng Anh cũng sẽ tăng lãi suất, có những trường hợp khi tăng trưởng GDP còn thấp, BOE bắt buộc vẫn phải giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích nền kinh tế.
Giữ cho nền kinh tế ổn định
Việc đưa ra các chính sách liên quan để giữ được sự ổn định của nền kinh tế là vai trò thứ hai của ngân hàng Anh. Nói rộng hơn, đó là nhiệm vụ duy trì một nền kinh tế và hệ thống tài chính ổn định. Khi nền kinh tế Anh được coi là an toàn và lành mạnh, đầu tư vào quốc gia này sẽ tăng, và hiển nhiên kéo theo giá trị đồng bảng Anh cũng tăng lên.
Như vậy, dù không trực tiếp quyết định tỷ giá, nhưng những chính sách và quyết định của BOE có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tỷ giá cũng như sức mạnh của đồng bảng Anh trên thị trường quốc tế. Do đó, khi giao dịch các cặp GBP anh em cần chú ý đến những tin tức liên quan đến BOE để nắm bắt được thị trường.
3.2. Hoạt động của MPC và tác động của nó lên đồng bảng Anh
Mặc dù BOE là người công bố các thay đổi về lãi suất, nhưng MPC mới là những người nghiên cứu và đưa ra quyết định điều chỉnh như thế nào.
Chúng ta đã phân tích ảnh hưởng của lãi suất đối với sự thay đổi tỷ giá bảng Anh, và các nhà giao dịch thì luôn rất quan tâm đến những diễn biến xung quanh việc thay đổi lãi suất của BOE. Do đó, họ sẽ theo dõi và cố gắng dự đoán những gì MPC quyết định trong các cuộc họp, để có được những manh mối sớm nhất trước khi có thông báo chính thức từ BOE.
Nhìn chung, ảnh hưởng của MPC đối với tỷ giá bảng Anh hoàn toàn tương tự với ngân hàng Anh, thông qua sự thay đổi lãi suất. Thế nhưng việc theo dõi MPC giúp các nhà giao dịch có được những thông tin sớm hơn, đổi lại nó có thể xảy ra sai sót vì quyết định chính thức chưa được BOE công bố.
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
4. Cách theo dõi tin tức về BOE khi giao dịch
Mặc dù ngân hàng Anh và MPC còn nhiều hoạt động khác, tuy nhiên điều quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm khi giao dịch đó là các quyết định liên quan đến lãi suất của họ.
Về mặt lý thuyết, phản ứng của thị trường đối với lãi suất như sau:
- Nếu lãi suất được công bố cao hơn kỳ vọng của thị trường, sức mạnh đồng bảng Anh tăng do nguồn tiền đổ vào đồng bảng lớn hơn
- Nếu lãi suất được công bố thấp hơn kỳ vọng, sức mạnh đồng bảng sẽ giảm so với các loại tiền tệ khác.
Cụ thể hơn, có thể xảy ra một số kịch bản phổ biến sau đây mỗi khi MPC và BOE công bố lãi suất:
Kỳ vọng | Thực tế | Tác động |
Lãi suất tăng | Giữ nguyên lãi suất | Bảng Anh giảm |
Lãi suất giảm | Giữ nguyên lãi suất | Bảng Anh tăng |
Lãi suất không đổi | Tăng lãi suất | Bảng Anh tăng |
Lãi suất không đổi | Giảm lãi suất | Bảng Anh giảm |
Trong đó:
- Kỳ vọng là dự đoán của thị trường, thường được đưa ra bởi các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới
- Thực tế là mức lãi suất được MPC quyết định và công bố bởi BOE
Ngoài ra, còn một trường hợp khác là thực tế diễn ra đúng như kỳ vọng, thì tác động thường không lớn, tức là đồng bảng Anh thường biến động không đáng kể sau khi quyết định được công bố.
Trên thực tế, anh em có thể theo dõi các quyết định lãi suất của ngân hàng Anh cũng như thông tin các cuộc họp của MPC tại một số trang thông tin tài chính hàng đầu thế giới như Forex Factory, Investing hoặc anh em cũng có thể theo dõi trực tiếp trên Tradingview.
Các tin tức được cập nhật theo thời gian thực, có lịch chờ, và quan trọng nhất là mọi thông tin được cập nhật đầy đủ, chính xác giúp anh em kịp thời đưa ra những quyết định liên quan.
5. Kết luận
Nếu anh em thích giao dịch các cặp tiền chứa GBP, thì hoạt động của ngân hàng Anh là những tin tức hàng đầu mà anh em cần theo dõi, kể cả đối với những anh em chỉ thuần phân tích kỹ thuật. Mỗi khi lãi suất được công bố, đồng bảng Anh thường có biến động rất mạnh, và các công cụ kỹ thuật có thể tạm thời hoạt động không hiệu quả.
Tất nhiên, ngoài việc theo dõi tin tức, anh em cần trang bị cho mình những chiến lược cũng như kế hoạch giao dịch tốt nhất, để tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro mỗi khi những tin tức quan trọng như công bố lãi suất được phát hành. Hãy cùng wp.vnrebates.io cập nhật kiến thức hàng ngày và xây dựng các chiến lược phù hợp nhất với bản thân nhé.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
Xem thêm: Các bước xây dựng chiến lược giao dịch Forex hiệu quả
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ