ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Hoạt động dự trữ vàng của các Ngân hàng trung ương ảnh hưởng gì đến giá vàng?

24.01.2021, 06:00 16 phút đọc

Hoạt động dự trữ vàng của các Ngân hàng trung ương là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến biến động giá vàng. Theo các chuyên gia, trong năm tới việc các ngân hàng trung ương chưa có dấu hiệu sẽ giảm lượng vàng dự trữ sẽ là trợ lực lớn giúp vàng giữ được đà tăng trưởng.

Trong suốt chiều dài lịch sử, vàng luôn được xem là tài sản quý giá nhất đối với nhân loại và được con người không ngừng tích trữ vì nhiều lý do khác nhau. Vàng không chỉ là vật trang sứ quý giá mà còn được xem là chuẩn mực giá trị cho các loại tiền tệ trên thế giới.

Mặc dù giá trị của vàng trường tồn cùng thời gian nhưng giá vàng lại dễ dàng biến động và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố tác động bên ngoài. Hiểu biết đầy đủ về thị trường vàng cũng như nắm được mọi yếu tố ảnh hưởng đến biến động giá vàng là vô cùng quan trọng, quyết định thành bại của nhà đầu tư trong thị trường đặc thù này.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng như nguồn cung cầu vàng như : giá trị đồng USD, giá dầu, lãi suất thực, khủng hoảng toàn cầu, v.v. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cùng các động thái của Ngân hàng trung ương đặc biệt là hoạt động dự trữ vàng cũng đóng vai trò quyết định đến sự lên xuống của giá vàng.

Trong bài viết này, Vnrebates sẽ cùng bạn phân tích hoạt động dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương ảnh hưởng gì đến giá vàng ?

Xem thêm: Top 10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới năm 2020

Tích trữ vàng

Hoạt động dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương

Tại sao vàng là hàng hóa dự trữ được ngân hàng trung ương lựa chọn

Không có nghi ngờ gì khi nhận định vàng luôn có vị trí đặc biệt trong kho bạc của Ngân hàng trung ương và nguyên tắc này được áp dụng cho mọi ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Nhìn chung, việc các ngân hàng trung ương luôn đưa vàng vào danh mục đầu tư đều dựa trên ba nguyên tắc chính về tính an toàn, khả năng thanh khoản và lợi nhuận của kim loại quý này.

Dưới đây là 3 nguyên nhân chính khiến vàng là hàng hóa dự trữ được các ngân hàng quốc gia lựa chọn.

Tích trữ vàng để giảm thiểu rủi ro

Vàng luôn được xem là một khoản đầu tư trú ẩn an toàn nổi tiếng có xu hướng hoạt động tích cực trong giai đoạn bất ổn và biến động của thị trường. Loại tài sản đặc biệt này nói không với trách nhiệm pháp lý lại có khả năng phòng ngừa rủi ro cực tốt.

Huyền thoại phố Wall J. P. Morgan với câu nói nổi tiếng “Gold Is Money, Everything Else Is Credit” (tạm dịch: Vàng là tiền, mọi thứ khác chỉ tín dụng) đã làm bật lên lợi ích nội tại của vàng – chính là sức mua bền vững của nó.

Các ngân hàng trung ương tìm cách mua vàng như một hàng rào chống lại việc đồng USD đang suy yếu hoặc bất kỳ loại tiền tệ fiat nào khác. Vai trò của vàng như một danh mục đầu tư hoặc công cụ đa dạng hóa đầu tư cũng hỗ trợ khả năng giảm thiểu rủi ro của nó.

Nhiều nhà phân tích tin rằng vàng là “mỏ neo” đáng tin cậy của hệ thống tài chính, và nếu toàn bộ hệ thống tài chính sụp đổ, nguồn cung vàng sẽ cung cấp tài sản đảm bảo để vực dậy cả hệ thống. Chính vàng là yếu tố tạo niềm tin vào sức mạnh của bảng cân đối ngân hàng trung ương cũng như tạo ra “cảm giác an toàn”.

Vàng là hàng rào phòng ngừa lạm phát

Động thái mua vàng của ngân hàng trung ương chính là nhằm mục đích phòng ngừa tác động của lạm phát đến nền kinh tế. Lạm phát được hiểu nôm na là hiện tượng cung tiền tệ kéo dài làm cho mức giá cả chung của nền kinh tế tăng liên tục trong 1 khoảng thời gian nhất định. Do đó, để ngăn chặn việc lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính phủ sẽ yêu cầu các khoản đầu tư không neo đến đồng USD. Yêu cầu này được thực hiện thông qua việc mua vàng hay các kim loại quý khác.

Nhiều chuyên gia xem vàng như thước đo giá trị của các công cụ ngoại hối. Giá trị gia tăng của vàng được coi là bằng chứng cho thấy tiền tệ đang dần mất giá.

Dự trữ vàng để tạo điều kiện ổn định và tăng trưởng

Chức năng chính của các ngân hàng trung ương là thúc đẩy sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nên, khi tiền tệ ngày càng mất giá, các ngân hàng phải đảm bảo các nền kinh tế tương ứng của họ không gặp khó khăn. Do đó, vàng được sử dụng để kiểm soát quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Việc mua vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga là ví dụ rõ rệt nhất trong việc khẳng định vàng chính là biện pháp để ngăn chặn rủi ro đối với các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường tự do quá mức làm tổn hại ngành công nghiệp.

Xem thêm: Xauusd là gì? 1 lot Xauusd là bao nhiêu? Chiến lược giao dịch Vàng hiệu quả

Hoạt động dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương ảnh hưởng như thế nào đến giá vàng

Động thái của các Ngân hàng trung ương và các bộ phận khác của khu vực chính thức (official sector) có thể có tác động quan trọng đến giá vàng. Lý do cho nhận định trên là việc các ngân hàng trung ương là tổ chức nắm giữ trữ lượng vàng lớn, sở hữu khoảng 30.500 tấn trong năm 2010 và khoảng 33.000 tấn trong năm 2020, chiếm khoảng 15% tổng số vàng dự trữ trên mặt đất.

Do đó, các chính sách của ngân hàng trung ương về mua và bán vàng có thể tạo ra những tác động đáng kể đến biến động giá vàng trong đó bản thân các chính sách này đã có nhiều thay đổi trong nhiều thập kỷ.

Trong những năm 1950 và 1960, thời kỳ hoàng kim của chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods (Bản vị hối đoái vàng), động thái chung của hầu hết các ngân hàng trung ương là mua ròng vàng, vốn là một phần quan trọng trong dự trữ của họ.

Sau khi chế độ Bản vị hối đoái vàng này sụp đổ vào thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, xu hướng mua ròng vàng của ngân hàng trung ương khá ổn định nhưng sau đó đến những năm 1990 là lúc thời kỳ bán ròng lên ngôi. Trong giai đoạn này, vàng không được còn được các ngân hàng trung ương ưa chuộng do sự kết hợp của giá giảm, lợi nhuận vượt trội từ các tài sản khác và bối cảnh kinh tế và chính trị nhìn chung là ổn định.

Làn sóng bán vàng tăng cao khi lãi suất cơ bản tăng, chính sách tiền tệ  thắt chặt vào đầu thập niên 1980. Sau khi giảm tới 2/3 so với mức đỉnh cao, giá vàng dao động quanh mức 300 USD/ounce cho đến khi đợt tăng giá tiếp theo bắt đầu vào năm 2000.

Doanh số bán hàng của khu vực chính thức (bao gồm cả IMF) từ 1989-2009 đạt gần 8.000 tấn và cắt giảm 1/5 dự trữ vàng chính thức trong khi chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung vàng. Trong suốt 2 thập kỷ liên tục bán ròng vàng là nguyên nhân chính của việc giá vàng bị đẩy xuống và tạm thời che khuất mối quan hệ bình thường của vàng với các biến số kinh tế khác trong những năm 1990 đã nêu ở trên.

Tình hình mua/bán vàng của khu vực chính thức giai đoạn 1985-2010

Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ sự ra đời của Thỏa thuận vàng đầu tiên của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Gold Agreement) vào năm 1999 nhằm hạn chế việc bán vàng trong tương lai. Thỏa thuận này đã loại bỏ mối đe dọa từ việc bán ròng vàng và thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với vàng.

Đáng chú ý, vàng đã bắt đầu cho thấy một mối tương quan tích cực với căng thẳng tài chính vào đầu những năm 2000, chẳng hạn như sau sự gia tăng chênh lệch tín dụng đi kèm với cuộc suy thoái của Mỹ và thị trường chứng khoán sụt giảm trong giai đoạn 2001-2003.

Theo dữ liệu GFMS – lần mua ròng vàng đầu tiên kể từ năm 1988 nhưng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 mà chính thức là vào năm 2009 khu vực chính thức mới thực sự đẩy mạnh mua vàng, chấm dứt hai thập kỷ liên tục bán ra. Nhiều nước trên thế giới bắt đầu điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại hối theo hướng tăng dự trữ vàng, điều này phản ánh những thay đổi lớn trong quan điểm của một số ngân hàng trung ương về thói quen dự trữ ngoại hối.

Năm 2010, khu vực chính thức đã mua ròng tổng cộng 77 tấn vàng. Lượng vàng mua ròng trong 2 năm 2011 và 2012 còn tăng cao hơn với khối lượng lần lượt 457 và 533 tấn. Kể từ năm 2009, FED của Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Anh và ở một mức độ nhỏ hơn là ECB đều thực hiện chính sách nới lỏng định lượng.

Các ngân hàng trung ương mua ròng vàng từ năm 2010

Lập trường chính sách nới lỏng tiền tệ (QE) của Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác đã làm tăng nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát cao trong tương lai và chỉ riêng điều này có thể đã đủ để kích thích nhu cầu của nhà đầu tư đối với vàng như một “hầm trú ẩn an toàn”. 

Trong năm 2019, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 668,5 tấn vàng, nhiều nhất kể từ khi các định chế tài chính quốc gia này trở thành lực lượng mua ròng vàng vào năm 2010.

Cụ thể, kể từ khi các Ngân hàng trung ương mua ròng vàng một thập kỷ trước, giá vàng đã tăng 88%. Năm 2010, giá một ounce vàng là 1.096USD/ounce và đỉnh điểm vào tháng 8 năm 2020, vàng đã thiết lập kỷ lục mới với giá 2.070 USD/ounce.

Xem thêm: Hướng dẫn học cách đầu tư Vàng 2021 hiệu quả từ A-Z

Đại dịch Covid và việc tăng cường dự trữ vàng của Các ngân hàng trung ương

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quan chức ngân hàng trung ương đều có chung quan điểm rằng sự bùng phát của COVID‑19 không thay đổi cách các ngân hàng trung ương nhìn nhận về vàng. Phần lớn các quan chức đều cho rằng vàng là một phần quan trọng trong khuôn khổ quản lý dự trữ của họ và do đó không bị ảnh hưởng bởi các động thái thị trường.

Dẫn lời từ một quan chức của 1 ngân hàng trung ương ở Châu Á: “Vàng đã là một phần không thể thiếu trong dự trữ của chúng tôi bất kể điều kiện thị trường như thế nào, và trong tương lai cũng như vậy”. Cùng quan điểm đó là nhà quản lý ngân hàng TW ở Trung Âu cho biết: “Chúng tôi rất tích cực về vai trò của vàng trong bất kỳ danh mục dự trữ ngoại hối nào, ngay cả trước Covid‑19, và điều đó không thay đổi”.

Ngoài ra, hầu hết các nhà quản lý ngân hàng trung ương đều thể hiện quan điểm về sức mạnh của vàng trong khủng hoảng: “Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn căng thẳng tài chính và chính trị. Các điều kiện thị trường hiện tại không ảnh hưởng đến vai trò chiến lược của nó đối với dự trữ ngoại hối.”

Suốt ba thập kỷ qua, vàng đã luôn tỏ ra vượt trội so với các tài sản rủi ro trong gần như mọi cuộc suy thoái thị trường. Điều tương tự vẫn tái diễn trong đại dịch COVID-19, qua đó củng cố sức hấp dẫn của kim loại quý này trong bối cảnh còn quá nhiều bất ổn.

Có thể nói đại dịch COVID-19 đã tạo ra thêm lý do chính đáng để các ngân hàng trung ương tích lũy thêm vàng. Trong bối cảnh nền kinh tế chao đảo và bất ổn tăng cao, lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng thêm 145 tấn trong quý I/2020.

Về số liệu cụ thể, trang web Finbold.com đã thực hiện 1 cuộc khảo sát đối với 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy các ngân hàng trung ương của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã tích lũy được một lượng vàng khổng lồ 208,34 tấn từ tháng 3 đến đầu tháng 12 năm 2020.

du tru vang

Tình hình các quốc gia dự trữ vàng trong đại dịch COVID-19

Hoa Kỳ đang là quốc gia đứng đầu về trữ lượng vàng với số lượng bằng tổng ba quốc gia đứng sau cộng lại và cường quốc này vẫn tiếp tục mua vàng trong bối cảnh đại dịch. Theo FED, việc mở rộng tiền tệ lớn giữa đại dịch nhất thiết đòi hỏi phải xây dựng bảng cân đối tài sản tài chính khổng lồ, trong đó vàng là một phần không thể thiếu.

Trong những năm gần đây, nước Nga liên tục đẩy mạnh dự trữ vàng và ngoại tệ và mới đây nhất, kho dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã tăng thêm 5,1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tuần.

Những bất ổn địa chính trị như vậy là một phần nguyên nhân khiến NHTW Nga tăng kho dự trữ vàng trong những năm qua. Nga quyết định thực hiện mục tiêu tham vọng vượt mặt Trung Quốc và Úc để trở thành quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới vào năm 2029 với hệ thống các dự án khai thác vàng mới “hiệu quả hơn”.

Trung Quốc cũng là quốc gia gia tăng dự trữ vàng trong bối cảnh đại dịch. Giờ đây, Trung Quốc đã là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, vượt cả Nam Phi trong khi lượng vàng dự trữ chính thức của Trung Quốc chỉ còn kém Mỹ, Đức, Pháp, Italia và Thụy Sĩ. Việc tích lũy của Trung Quốc đã góp phần làm vàng lên giá.

Hầu hết các nghiên cứu về các yếu tố quyết định giá vàng cho đến nay đều tập trung vào Hoa Kỳ, phản ánh sức nặng kinh tế và tài chính của cường quốc và vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng nhìn xa trong vài thập kỷ tới, vị thế tương đối của Mỹ có thể sẽ thay đổi khi cơ sở địa lý cho sức mạnh kinh tế dịch chuyển sang các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh, đặc biệt là ở châu Á. 

Tuy nhiên, có thể thấy quá trình gom vàng của Trung Quốc được thực hiện một cách từ từ và không phải là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn đi đầu trong việc trở lại với “bản vị vàng” trước đây. Chính vì vậy, những động thái vừa qua chỉ thể hiện khát vọng của Trung Quốc muốn có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trên thị trường.

Như vậy, không chỉ riêng Hoa Kỳ mà chính những động thái của các cường quốc châu Á mà đặc biệt là Trung Quốc về tích trữ vàng có tác động mạnh mẽ đến xu hướng giá của vàng. 

Hiện tại, một số quốc gia như Nga đã tạm dừng mua vàng nhưng theo khảo sát trong khoảng thời gian 1 năm tới không có dấu hiệu gì cho thấy các ngân hàng trung ương sẽ giảm lượng vàng đang nắm giữ. Do đó, chính động thái này chính là trợ lực vĩ mô tốt giúp vàng nắm giữ một loạt lợi thế để duy trì đà tăng trưởng mạnh như năm 2020. 

Xem thêm: Lịch sử ra đời của sàn giao dịch vàng (sàn Forex) – Top 3 sàn vàng uy tín nhất năm 2021

Kết luận

Sự tăng giá mạnh mẽ của vàng trong những năm gần đây và đặc biệt là lần đạt đỉnh cao nhất thời đại giữa tâm điểm của đại dịch COVID-19 là kết quả của tổng hòa các yếu tố ảnh hưởng ngắn hạn như đồng USD yếu, lãi suất thực thấp, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các chính sách nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương. Và 1 lý do cũng không kém phần quan trọng đó là động thái tăng cường dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, đã và đang đa dạng hóa lượng vàng dự trữ của mình. Xu hướng này được dự báo vẫn còn tiếp diễn vì vàng có thể đem lại tác động tích cực đối với việc cân đối tỷ lệ lợi nhuận rủi ro/lợi nhuận trong danh mục dự trữ.

Theo gold.org

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.