Những cuộc tranh luận về “Vàng là kênh đầu tư an toàn hay rủi ro tiềm ẩn” vẫn luôn tồn tại thậm chí vẫn giữ nguyên độ “hot” trong giới đầu tư tài chính. Vấn đề ở đây là không hề dễ dàng để đưa ra lựa chọn chính xác – có lẽ vàng không hẳn là tài sản rủi ro và cũng không phải hoàn toàn là nơi trú ẩn toàn toàn. Điểm mấu chốt ở đây nằm ở “kho giá trị” của kim loại quý lấp lánh này.
Lịch sử đã chứng kiến những thời điểm khi các thị trường tài chính coi vàng là “thiên đường” trú ẩn an toàn cuối cùng, song cũng có lúc nhà đầu tư coi thứ kim loại quý này như một loại tài sản đầy rủi ro phải bán tháo khi các nguy cơ tài chính tăng lên. Vậy, trong bài viết sau đây Vnrebates sẽ cùng bạn tìm hiểu câu trả lời cho thắc mắc muôn thuở trên.
Xem thêm :Tại sao vàng lại quý? Đi tìm câu trả lời cho giá trị của vàng
Hiểu về “nơi trú ẩn an toàn” và “tài sản rủi ro” trong giới đầu tư
Khái niệm Nơi trú ẩn an toàn (Safe Haven) là gì ?
Trong giới đầu tư, nơi trú ẩn an toàn (Safe Haven) được hiểu là tài sản giữ được giá trị của nó bất chấp những biến cố bất ngờ và khắc nghiệt. Tài sản trú ẩn an toàn là những khoản đầu tư được kỳ vọng là sẽ ổn định hay thậm chí có thể tăng giá trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái hay thậm chí là đại khủng hoảng. Các nhà đầu tư tìm đến tài sản này với mong muốn hạn chế thua lỗ trong lúc thị trường suy thoái.
Trên thực tế không có tài sản nào hoàn toàn không có rủi ro và danh sách các kênh đầu tư trú ẩn an toàn có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào biến động của thị trường nên để xác định một Safe haven asset không hề đơn giản với mọi nhà đầu tư.
Đặc điểm nổi bật của tài sản trú ẩn an toàn bao gồm: tính thanh khoản cao, thường là các khoản đầu tư dài hạn, ít nhạy cảm với biến động lãi suất, có nguồn cung hạn chế và không bị hao mòn theo thời gian. Do đó một loại kênh đầu tư trú ẩn an toàn nổi bật mang đầy đủ các đặc điểm trên chính là vàng – được xem là thiên đường trú ẩn an toàn nhất trong giới đầu tư.
Ngoài vàng thì trái phiếu kho bạc Mỹ – tài sản được đảm bảo bởi uy tín của nhà nước và đồng Franc Thụy Sĩ cũng được xem là một tài sản trú ẩn an toàn. Đặc biệt, khi sự tăng vọt gần đây của giá Bitcoin đã dấy lên nhiều niềm tin rằng đồng coin mạnh nhất thế giới tiền điện tử này đã gia nhập hàng ngũ các tài sản trú ẩn an toàn.
Tài sản rủi ro (Risk asset) là gì?
Trong khi đó, tài sản rủi ro (Risk asset) được hiểu là những tài sản sinh lợi phụ thuộc vào rủi ro tín dụng cũng như rủi ro lãi suất và được đầu tư vào những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, có khả năng biến động về giá cao và dễ thua lỗ.
Bất động sản và tiền tệ được xem là 2 đại diện nổi bật của tài sản rủi ro. Tuy nhiên các nhà kinh tế và đầu tư chuyên nghiệp cho biết tất cả các lĩnh vực có thu nhập cố định, ngoại trừ trái phiếu chính phủ chất lượng cao đều được coi là tài sản rủi ro.
Vấn đề liên quan đến tranh luận “Vàng – kênh đầu tư tài chính an toàn hay rủi ro tiềm ẩn”
Một trong những lý do khiến cuộc tranh luân về việc liệu vàng có phải là tài sản rủi ro hay là nơi trú ẩn an toàn vẫn luôn tồn tại. Thực tế là 1 ounce vàng có giá trị tiền tệ được định giá bằng tiền fiat và giá trị tiền tệ này luôn biến động lên xuống.
Do vậy, giới đầu tư tài chính ưa thích gọi vàng là tài sản rủi ro hoặc nơi trú ẩn an toàn dựa trên cách mà giá trị tiền tệ fiat hoạt động so với các tài sản khác như cổ phiếu hay thu nhập cố định (fixed income). Khi bạn sở hữu vàng như một kho lưu trữ giá trị trong một thế giới bị chi phối bởi tiền tệ fiat, điều duy nhất cần quan tâm đối với chủ sở hữu là số ounce vàng mà họ sở hữu.
Một khía cạnh hấp dẫn khác về cuộc tranh luận về vàng chính là tương quan nghịch giữa vàng và đồng bạc xanh. Tuy nhiên có những thời điểm mà cụ thể là vào năm 2008, khi đồng đô la Mỹ tăng đáng kể so với các loại tiền tệ khác thì giá vàng tính theo đồng Mỹ kim này cũng tăng vọt.
Cuối cùng, cuộc tranh luận về việc liệu vàng là tài sản rủi ro hay nơi trú ẩn an toàn là vô nghĩa đối với nhà đầu tư mua kim loại quý này như một vật lưu trữ giá trị. Cụ thể, người ta nên tranh luận về việc phân bổ các khoản đầu tư vào vàng hay các tài sản có giá trị khác như bạc, bạch kim và thậm chí có thể là đồng.
Xem thêm : Hướng dẫn học cách đầu tư Vàng 2020 hiệu quả từ A-Z
Vàng là tài sản rủi ro hay nơi trú ẩn an toàn trong khủng hoảng vì đại dịch Covid-19?
Giới đầu tư tài chính luôn có sẵn công cụ phòng ngừa rủi ro cho mình, đặc biệt trong các giai đoạn thị trường chao đảo. Khi bán tháo các danh mục cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ tìm đến các tài sản trú ẩn tạm thời như kim loại quý (vàng, bạc), đồng tiền mạnh (USD, CHF), trái phiếu Mỹ hay thậm chí là tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum) để bảo vệ giá trị tài sản của mình.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc lưu trữ vàng sẽ bảo vệ giới đầu tư khỏi những rủi ro liên quan đến sự sụt giá của đồng đô la Mỹ và kim loại màu vàng này cũng được nhiều người sử dụng như một “vịnh tránh bão” trước sự bất ổn của kinh tế toàn cầu hay lo sợ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán hay nỗi lo về giảm phát và lạm phát.
Theo một số nghiên cứu về vai trò của vàng trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, vàng đã thể hiện hiệu quả là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, đối với cuộc khủng hoảng lần này không có nhiều dấu hiệu cho thấy tính hiệu quả của vàng trong vai trò là tài sản trú ẩn an toàn.
Cụ thể vào năm 2008, trong 10 ngày thị trường bị chao đảo mạnh nhất có 6/10 ngày vàng được xem là cứu cánh cho nền kinh tế. Trong khi đó, trong 10 ngày chao đảo của thị trường vào tháng 3-2020 thì vàng chỉ hiệu quả trong 3/10 ngày.
Cũng theo những nghiên cứu này, có sự thay đổi như vậy là do nhu cầu vàng vào những ngày này không còn như trước và tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn quan ngại giai đoạn 2012-2015 khi vàng bị mất giá đến 45%. Trong khi đó đồng CHF hay trái phiếu của Mỹ lại được xem là nơi trú ẩn an toàn cho cả hai cuộc khủng hoảng.
Điểm tương đồng rõ rệt nhất giữa 2 cuộc khủng hoảng 2008 và 2020 là các nhà đầu tư đã quay trở lại với vàng như là phản ứng với các gói kích thích kinh tế khổng lồ lên tới 12.000 tỷ USD mà các ngân hàng trung ương đã tung ra, điều làm giảm lợi suất trái phiếu và tăng nguy cơ lạm phát, qua đó khiến các tài sản khác và tiền tệ mất giá.
Giá vàng thế giới từ cuối tháng 3-2020 tăng liên tục và có lúc giá vàng đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vượt mốc 2.000 USD/ounce. Điều này cho thấy đang có xu hướng nhà đầu tư tìm đến vàng là tài sản ẩn náu trong khi thị trường chứng khoán vẫn biến động trong biên độ bình thường.
Như vậy, vàng đã tăng và giảm cùng pha với thị trường chứng khoán, cho thấy vàng đóng vai trò một tài sản ủng hộ đà tăng của cổ phiếu chứ không phải là tài sản để phòng hộ danh mục đầu tư chứng khoán của bạn. Do đó, việc khẳng định vàng có thực sự là nơi trú ẩn như những lần trước hay không vẫn còn chưa chắc chắn.
Vậy chúng ta giải thích việc này như thế nào? Câu trả lời có lẽ nằm ở lãi suất thực (được xác định bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi kỳ vọng lạm phát) chính là động lực quan trọng của việc tăng hay giảm giá vàng. Thực tế là bất cứ khi nào lãi suất thực giảm thì vàng có xu hướng tăng do việc nắm giữ trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Tương tự, khi tâm lý rủi ro xấu đi, lãi suất danh nghĩa giảm thì kỳ vọng lạm phát cũng giảm theo. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại khi lợi suất danh nghĩa về cơ bản đã chạm đáy kể từ tháng 3 khiến vàng không còn phản ứng tích cực với tin xấu nữa.
Thay vào đó, kỳ vọng lạm phát lại trở thành yếu tố chính khiến lãi suất thực biến động. Khi điều kiện kinh tế cải thiện sẽ kéo vàng tăng theo. Do đó, vàng hoạt động giống như một kênh đầu tư rủi ro nhạy cảm với lạm phát hơn là một tài sản trú ẩn an toàn.
Xem thêm : 6 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá vàng trên thị trường vàng
Có nên “tất tay” với vàng trong thời điểm này không?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rung lắc mạnh do đại dịch, giới chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần tỉnh táo để lựa chọn kênh đầu tư ít rủi ro và có tính thanh khoản cao.
Trong các tài sản thì vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn và có tính thanh khoản cao khi kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu nên rất khó để xác định “giá trị thực” nên khá rủi ro với nhà đầu tư chọn sai thời điểm mua vào.
Việc giá lên cao hơn sẽ khiến giới đầu tư tin vào quyết định của mình nhưng chúng ta đừng quên bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi khả năng “trái bong bóng” trên thị trường “xì hơi” vẫn không phải là không có khả năng.
Do đó, để biết được vàng là tài sản rủi ro hay là kênh đầu tư an toàn phần lớn phụ thuộc và hình thức đầu tư của bạn. Giới phân tích khuyên các nhà đầu tư tốt nhất nên đa dạng hóa danh mục đầu tư và nên ưu tiên kênh đầu tư dài hạn và tránh lướt sóng do giá vàng thế giới và trong nước có sự chênh lệch lớn đặc biệt trong trường hợp thị trường biến động mạnh.
Theo seekingalpha