ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
VNREBATES

Tiết lộ mối tương quan giữa Vàng và tiền Fiat

25.01.2021, 06:00 18 phút đọc

Giá vàng được niêm yết bằng đồng USD nhưng không chỉ đồng Mỹ kim mà tất các biến động từ các loại tiền fiat khác đều có mối tương quan mật thiết đến giá vàng. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để thấy biến động tiền tệ cùng với giá vàng trong 20 năm qua.

Từ cổ chí kim, không những các chuyên gia mà các nhà đầu tư luôn ca tụng vàng là một “kho giá trị” và “hàng rào chống lại lạm phát”. Trong bài viết trước Vàng – kênh đầu tư tài chính an toàn hay rủi ro tiềm ẩn chúng ta đã đúc kết được việc vàng là “thiên đường trú ẩn”  khi kinh tế bất ổn tuy nhiên do rất khó xác định “giá trị thực” nên vẫn tồn tại rủi ro nếu nhà đầu tư chọn sai thời điểm mua vào.

Để tiếp nối chuỗi bài viết về các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng, mình sẽ đi sâu vào giải đáp những thắc mắc liên quan đến mối tương quan giữa vàng và tiền fiat hay cách thức hoạt động của vàng theo thời gian, không chỉ được đo lường bằng đô la Mỹ mà còn bằng các loại tiền tệ fiat khác.

Tại sao không lại là các đồng fiat khác bên cạnh USD? Xét cho cùng thì các tiền fiat cũng rất quan trọng trong mối tương quan với vàng vì 95% thế giới sử dụng một hình thức tiền tệ khác với USD trong các giao dịch hàng ngày. Đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ này, giá trị của các tiền tệ này so với đô la Mỹ cũng quan trọng không kém mối quan hệ đối với giá vàng.

Xem thêm: Hướng dẫn học cách đầu tư Vàng 2021 hiệu quả từ A-Z

Vàng và tiền fiat

Đôi nét về Fiat money – Tiền định danh (tiền pháp định)

Fiat money là gì?

Tiền định danh (fiat money) là tiền tệ do chính phủ phát hành, không có giá trị nội tại được xác lập bằng tiền theo quy định của chính phủ, mà được gán giá trị nhờ quyền lực của chính phủ hay được chính phủ quốc gia đó tuyên bố là hợp pháp.

Trong lịch sử, hầu hết các loại tiền tệ dựa trên hàng hóa vật chất như vàng hoặc bạc. Tuy nhiên, các chính phủ không thể tăng nguồn cung kim loại quý theo ý muốn, vì vậy họ đã dần dần đưa ra tiền định danh.

Giá trị của tiền fiat được xây dựng từ mối quan hệ giữa cung và cầu cũng như sự ổn định của chính phủ phát hành, chứ không phải là giá trị của hàng hóa dùng để đảm bảo như đối với tiền tệ hàng hóa.

Hiện tại, hầu như toàn bộ tiền giấy hiện đại được xem là tiền định danh. Đô la Mỹ chính là đồng tiền fiat phổ biến nhất bên cạnh các đồng fiat khác là đồng EURO, đồng Yên Nhật, đồng Franc Thụy Sĩ và các loại tiền tệ lớn khác trên toàn cầu.

Tiền fiat đã thay thế bản vị vàng và các hệ thống dựa trên hàng hóa khác trong việc thiết lập giá trị của tiền pháp định. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng hệ thống tiền fiat để mua hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và tiết kiệm.

Những đặc tính cơ bản của fiat money

Tiền Fiat và Bản vị vàng

  • Nếu như hệ thống bản vị vàng cho phép chuyển đổi tiền giấy thành vàng hay tất cả tiền giấy được đảm bảo bằng lượng vàng hữu hạn do chính phủ nắm giữ thì trong hệ thống tiền fiat, tiền có thể không được chuyển đổi sang bất kỳ thứ gì khác và chính phủ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hệ thống tiền tệ như trực tiếp tác động đến giá trị của tiền và gắn nó vào các điều kiện kinh tế.
  • Trong hệ thống tiền fiat tỷ giá hối đoái thả nổi tự do và ngân hàng có thể thực hiện các biện phát dự trữ phân đoạn hoặc nới lỏng định lượng.

Vai trò của tiền fiat: Tiền fiat đóng vai trò là một loại tiền tệ tốt nếu nó có thể xử lí các vai trò mà đơn vị tiền tệ của một quốc gia cần như: lưu trữ giá trị, cung cấp một tài khoản số và tạo điều kiện trao đổi trong thương mại quốc tế. Thu nhập từ phát hành tiền của tiền pháp định cũng rất lớn trong khi chi phí tạo ra lại phải chăng.

Bất cập của tiền fiat

  • Về mặt lý thuyết, tiền fiat có thể được in không có giới hạn và vì giá trị của nó chỉ dựa trên niềm tin nên không đảm bảo được giá trị.
  • Do tiền fiat không có giá trị nội tại hay không dựa vào dự trữ vật chất, chẳng hạn như dự trữ vàng, nên nó có nguy cơ mất giá trị do lạm phát hoặc thậm chí trở nên vô giá trị trong trường hợp siêu lạm phát. Nếu mọi người mất niềm tin vào tiền tệ của một quốc gia, tiền sẽ không còn giữ được giá trị.

Xem thêm: 6 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá vàng trên thị trường vàng

Mối tương quan giữa Vàng và tiền fiat

Vàng đã từng được dùng để hỗ trợ tiền fiat

Ngay từ đế chế La Mã Phương Đông (Byzantine), vàng đã được sử dụng để hỗ trợ tiền định danh hoặc các loại tiền tệ khác được coi là hợp pháp tại quốc gia xuất xứ của chúng. Vàng cũng được dùng như tiền dự trữ của thế giới trong khoảng thời gian gần cuối thế kỷ 20. Mỹ đã sử dụng hệ thống kim bản vị cho đến năm 1971 khi Tổng thống Nixon quyết định xóa bỏ chế độ này.

Mặc dù khi chế độ kim bản vị bị bãi bỏ, các nước không thể dễ dàng in tiền định danh trừ khi họ sở hữu một số lượng vàng tương đương.

Biến động tiền tệ trong mối tương quan với giá vàng

vang vs tien fiat

Những đợt tăng và giảm giá vàng

Giá vàng phản ánh giá trị của vàng và được tính theo đồng USD bằng đơn vị ounce. Người mua dùng đồng USD để đổi lấy vàng vật chất, cổ phần trong quỹ ETF vàng hoặc cổ phần trong các công ty khai thác vàng. Nếu không có đồng USD, người mua vàng phải dùng đơn vị tiền tệ của mình để chuyển đổi sang đô la Mỹ.

Lấy ví dụ một người Canada muốn mua vàng, do đồng CAD luôn yếu hơn đồng bạc xanh, vì vậy họ sẽ phải trả nhiều hơn, thường là khoảng 30% trên 1 ounce vàng so với 1 người Mỹ mua (USD $ 1 = CAD $ 1,28 tỷ giá hối đoái của tính đến thời điểm hiện tại).

Trong hai biểu đồ tiếp theo, hãy lưu ý sự biến động của các loại tiền tệ fiat so với đồng USD được phản ánh như thế nào trong giá vàng của các loại tiền tệ đó. Trong khi vàng tăng 33% trong năm qua tính theo đô la Mỹ, thậm chí mức tăng này còn khả quan hơn so với đồng Nhân dân tệ và đồng bảng Anh (đường màu xanh lá cây và xanh lam đậm), so với đồng franc Thụy Sĩ và yên Nhật (đường màu tím và cam).

Tại sao như vậy? Bởi vì trong năm qua sức mạnh của đồng franc và đồng yên so với đồng USD tăng lên đã khiến cho giá vàng trên các đồng tiền fiat này giảm đi. Ngược lại, trong năm qua cả 2 đồng Nhân dân tệ và đồng bảng Anh đều giảm so với đồng đô la Mỹ, khiến giá vàng trên các loại tiền tệ đó tăng lên.

Biến động giá vàng so với các đồng tiền Fiat

Biểu đồ trên đây thể hiện mối tương quan giữa tiền fiat và vàng trong 20 năm qua. Ở đây, chúng ta thấy vàng tính theo bảng Anh, được xem là đồng yếu nhất so với đồng đô la Mỹ, trong số các loại tiền tệ được thể hiện trên biểu đồ, có mức tăng tốt nhất, 699%.

Chúng tôi làm rõ hơn 1 chút ở đây, trong hầu hết thế kỷ 20, đồng bảng Anh giảm giá so với đô la Mỹ. Sự sụt giảm này khiến đồng bảng Anh trở thành một loại tiền tệ yếu, mặc dù có giá trị hơn 1 USD. Kể từ tháng 9 năm 2003, đồng bạc xanh tăng gần gấp đôi từ $ 1,00 = GBP0,49 lên $ 1,00 = GBP0,81 (tỷ giá hối đoái hiện tại).

Ngược lại, vàng tính theo đồng franc Thụy Sĩ (thể hiện ở cuối biểu đồ), chỉ tăng 294%, do sức mạnh tương đối của nó so với đồng đô la Mỹ. Trên thực tế, trong suốt 20 năm đồng franc đã hoạt động tốt với vai trò là một đồng tiền trú ẩn an toàn. Vào tháng 9 năm 2003, chỉ cần 0,73 đô la Mỹ để mua một franc Thụy Sĩ, tuy nhiên đến tháng 8 năm 2011, người Mỹ sẽ phải bỏ ra 1,31 đô la cho mỗi franc, và hiện tại một franc Thụy Sĩ có giá 1,02 đô la.

Hãy xem sự thay đổi giá vàng trong đô la Canada. Mức tăng 481% của CAD khá sát với mức 510% của đô la Mỹ, bởi vì 2 đồng CAD và USD đã giao dịch trong một phạm vi khá chặt chẽ trong suốt 20 năm qua. Hầu hết thời gian đồng CAD nằm trong khoảng từ 75 đến 100 xu so với đồng bạc xanh (có một thời gian ngắn đạt mức ngang bằng vào năm 2010).

Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp nguy hiểm, với 71 xu hiện tại của đồng CAD so với đô la Mỹ đang kiểm tra mức thấp nhất trong 16 năm là CAD $ 1,00 = USD $ 0,74.

Bên cạnh việc so sánh giá trị của vàng theo các loại tiền tệ khác nhau, chúng ta cũng có thể xem xét hoạt động của vàng so với từng loại tiền tệ.

Chúng ta cùng xét 1 ví dụ, Voima Gold – 1 công ty fintech về vàng tại Phần Lan đã nghiên cứu việc giá vàng hoạt động như thế nào kể từ khi đồng tiền chung của Liên minh Châu Âu – đồng Euro ra đời. Quan sát của họ cho thấy trong suốt 20 năm, giá vàng tính theo Euro đã tăng 555% (khá sát với mức 501% được thấy trong đường màu hồng của biểu đồ ở trên) vào ngày 23 tháng 4 năm 2020 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 51.000 Euro/kg vàng.

Biến động giá vàng và đồng Euro từ năm 1999 đến 2020

Voima Gold cho thấy vào năm 1999, phải mất một Euro để mua 0,13 gam vàng. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn € 1 = 0,02 gram vàng, có nghĩa là trong 21 năm qua, đồng Euro đã mất 85% giá trị so với vàng. Nói cách khác, sức mua của đồng Euro so với vàng đã giảm đáng kể.

 

 

 

Giá trị của đồng Euro giảm đáng kể so với vàng (1999-2020)

Tương quan mật thiết giữa vàng USD – Tiền fiat

Tương quan giữa vàng – USD và các tiền fiat khác

Vì giá vàng được niêm yết bằng đồng USD, do đó biến động của chỉ số USD có ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng. Bên cạnh ảnh hưởng bởi tỷ giá quy đổi giữa vàng và USD thì ngay trong bản thân các yếu tố tác động đến sự tăng – giảm của chỉ số USD cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng theo từng thời điểm nhất định.

Cụ thể, về mặt quy đổi trong mối tương quan của các cặp tiền tệ, chúng ta nhận thấy, khi đồng USD tăng thì giá vàng được định giá bằng đồng USD sẽ trở nên đắt hơn so với các loại tiền tệ khác, ngay lập tức giá vàng sẽ được điều chỉnh giảm. Ngược lại, khi đồng USD giảm giá, vàng sẽ tăng giá trị vì nó trở nên rẻ hơn đối với các loại tiền tệ khác.

Vì chỉ số USD được thiết lập bởi các đồng tiền EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF, nên khi các đồng tiền mạnh trong rổ tiền tệ khi tăng hoặc giảm thì ít nhiều ảnh hưởng đến đến chỉ số USD. Do đó, chúng ta có thể hình dung rằng, giá trị thời điểm của các đơn vị tiền tệ này ảnh hưởng gián tiếp đến giá vàng.

Giá trị của vàng là bao nhiêu trong mỗi loại tiền tệ không chỉ phụ thuộc vào giá trị của vàng được đo bằng đồng tiền đó, mà còn phụ thuộc vào giá trị của đồng tiền đó so với đô la Mỹ, bởi vì vàng luôn được định giá bằng đô la Mỹ.

Xem thêm: Hướng dẫn học cách đầu tư Vàng 2021 hiệu quả từ A-Z

Vai trò của lạm phát trong mối quan hệ giữa vàng và tiền fiat – Sức mua của vàng và tiền fiat

Trong hệ thống tiền tệ fiat, khi cung lượng tiền lưu hành trong nước tăng, chẳng hạn do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đồng tiền trong nước không mất giá so với ngoại tệ hay do các chính sách nới lỏng định lượng (QE) của ngân hàng trung ương làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Khi vàng tăng giá hoặc giảm giá, nó vốn dĩ không mất giá, thứ đã thay đổi chính là giá trị của tiền giấy, đồng USD hay các tiền fiat khác. Khi bạn mua vàng để chống lại lạm phát – việc giá cả tăng cao ăn mòn khoản tiết kiệm của bạn bằng cách giảm sức mua của bạn, thì việc đó được gọi là “hàng rào chống lạm phát”.

Voima Gold cũng đã thực hiện các khảo sát về sức mua của vàng so với đồng Euro để lưu trữ giá trị ở Phần Lan, Đức và Ý – những quốc gia được coi là đại diện cho giá tiêu dùng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Giả sử lãi suất hiện tại là 0% và trừ đi 1% một năm cho lạm phát, có nghĩa là đồng Euro mất khoảng 1% sức mua mỗi năm ở các quốc gia đó.

Mặt khác, vàng đã tăng 39% trong 12 tháng qua và nếu trừ đi 1% lạm phát tạo ra tỷ lệ sức mua tăng lên là 38%. Thậm chí khi tính đến những năm giá vàng không tăng nhiều hoặc thậm chí giảm, biểu đồ dưới đây vẫn cho thấy sức mua tăng “bất thường” của vàng.

Sức mua của vàng và đồng Euro trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu

Bảng trên cho thấy, kể từ năm 1999 sức mua của vàng đã tăng lên trong khu vực đồng Euro với 1 con số đáng kinh ngạc 350% trong suốt 20 năm, có nghĩa là giá vàng đã vượt xa giá tiêu dùng. Dù có những khoảng thời gian giá vàng biến động giảm nhưng về dài hạn, vàng vẫn duy trì sức mua mà không có bất kỳ rủi ro nào, chứng tỏ khả năng chịu được mọi khủng hoảng của vàng.

Theo đó, đồng Euro là một đồng tiền “non trẻ” nhưng đã mất 85% giá trị so với vàng, cho thấy sự bất ổn của tiền fiat. Ngoài ra khi so sánh với trái phiếu, vàng đã hoạt động tốt hơn hẳn trong suốt 2 thập kỷ qua khi vàng tăng 510% so với lợi suất trái phiếu kho bạc thời hạn 2, 10, và 20 năm tương ứng là 95%, 88% và 78%.

Biểu đồ so sánh giá vàng và lợi suất trái phiếu kho bạc 2, 10 và 30 năm từ năm 2000 đến 2020

Sự kiện “thiên nga đen” – đại dịch Coronavirus gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm thổi bùng lên ngọn lửa giá vàng khi phá vỡ kỷ lục năm 2011 và thiết lập đỉnh cao nhất thời đại là 2.070 USD/ounce vào ngày 7/8/2020 cũng như với hầu hết các tiền tệ khác chứng tỏ sức mua của vàng vô cùng lớn so với không chỉ đồng USD mà với mọi đồng fiat khác.

Xem thêm: Lãi suất, lạm phát và giá vàng – Mối quan hệ giữa giá vàng và lãi suất là gì?

Kết luận

Có thể khẳng định rằng, theo thời gian vàng là một vật lưu trữ giá trị vì nó không phải chịu áp lực lạm phát như các loại tiền tệ fiat. Kể từ năm 1913, đồng đô la Mỹ đã mất 96% giá trị và cũng trong 20 năm qua, lạm phát ở Mỹ dù không phải là xấu, nhưng nó vẫn ăn mòn 57% sức mua của đồng bạc xanh này. Trong khi đó, một nhà đầu tư đã mua vàng vào năm 1999 và vẫn giữ nó cho đến nay, mức tăng mà người đó nhận lên tới 510%!

Với những đặc tính ưu việt như là kho giá trị bền vững với thời gian, khả năng chống lạm phát và chịu đựng tốt đối với khủng hoảng chính trị và kinh tế vàng đôi khi được xem là “mối nguy hiểm” đối với hệ thống tiền Fiat.

Theo đó, nhiều người ủng hộ chế độ bản vị vàng cho rằng việc quay lại chế độ này là “liều thuốc tiên” chữa lành mọi chứng thâm hụt hiện nay, từ tài khóa tới thương mại. Tuy nhiên việc này gần như là không thể bởi thế giới không có đủ số vàng cần thiết để làm điều đó cũng như nhiều trở ngại như Mỹ thâm hụt thương mại quá lớn còn Trung Quốc thặng dư quá nhiều, đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp hay các nước thi nhau phá giá đồng tiền và xuất hiện nhiều khối chính trị khu vực.

Dù vậy, theo nhiều nhà phân tích trong khi thị trường trái phiếu đã trở nên xã hội hóa, việc sở hữu trái phiếu kho bạc ở bất kỳ thời hạn nào ít có khả năng tăng giá và có thể chịu rủi ro đáng kể do lạm phát thì vàng được xem là “thuốc giải độc” cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nhà đầu tư có thu nhập cố định.

Theo aheadoftheherd

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.