Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới Warren Buffett từng nói rằng: “Vàng chính là kênh đầu tư dài hạn khi thị trường đang lo sợ”. Quả đúng như vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã biến một cuộc khủng hoảng sức khỏe thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì vàng ngày càng khẳng định vai trò là tài sản trú ẩn an toàn và được các nhà đầu tư săn đón.
Trong hệ thống tiền tệ của một quốc gia, việc dự trữ ngoại hối và cụ thể là dự trữ vàng là trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương với mục đích tích lũy giá trị cũng như đảm bảo giá trị đồng tiền. Như vậy, nói đến trữ lượng vàng của một quốc gia chính là đề cập đến khối lượng vàng mà Ngân hàng trung ương của đất nước đó tích trữ.
Mặc dù chế độ “bản vị vàng” (Gold Standard) đã không còn được sử dụng từ thập niên 1970 nhưng các Ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tích trữ vàng bởi tính thanh khoản cao của nó cũng như để duy trì sự ổn định trước những biến động chính trị hoặc kinh tế.
Theo một số nhà phân tích, nhu cầu về vàng của Ngân hàng trung ương luôn là sự hỗ trợ thiết yếu đối với thị trường vàng và cũng là một điểm tựa vững chắc cho kim loại quý này. Đặc biệt, nhu cầu này đang ngày càng tăng nhanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng nặng nề từ đại dịch.
Xem thêm : Đánh bại Bạch Kim, vàng được lịch sử lựa chọn là “lý tưởng” nhất cho vai trò tiền tệ
Tổng lượng vàng dự trữ trên thế giới trong những năm qua
Bắt đầu từ năm 2010 các ngân hàng trung ương đã chuyển từ bán vàng ròng sang mua vàng ròng. Theo số liệu của Hiệp hội vàng thế giới (WGC), trong năm 2019 các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào tổng 650.3 tấn vàng, mức cao thứ 2 trong vòng 50 năm qua – con số này chỉ đứng sau mức mua vào 656.2 tấn của năm 2018.
Điều này cho thấy nhu cầu đối với vàng ngày càng tăng cao trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mua nhiều vàng nhất để dự trữ với số lượng là 159 tấn vào kho dự trữ. Cũng theo WGC, các ngân hàng trung ương đã mua 5.019 tấn trong thập kỷ qua để bù lại 4.426 tấn bán ròng từ năm 2000 đến 2009. Tính đến tháng 7/2020, dự trữ vàng hiện tại là 34.900 tấn thấp hơn 12% so với mức cao nhất mọi thời đời là 38.491 tấn vào năm 1966.
Tuy nhiên, không có nhiều quốc gia có khối lượng vàng dự trữ lớn và trên thực tế, khoảng 80% trữ lượng vàng trên thế giới hiện do ngân hàng trung ương và bộ tài chính 25 quốc gia nắm giữ.
Top 10 ngân hàng trung ương có lượng vàng dự trữ lớn nhất hầu như không thay đổi trong vài năm qua. Hoa Kỳ vẫn nắm chắc vị trí số một với hơn 8.000 tấn vàng dự trữ – gần bằng ba quốc gia ở vị trí tiếp theo cộng lại.
Vậy những quốc gia nào đang nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới? Dưới đây, Vnrebates sẽ liệt kê ra Top 10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới (theo số liệu đến tháng 8 năm 2020 và không bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tư cách là một quốc gia, nếu không IMF sẽ giữ vị trí số ba.
Xem thêm : 6 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá vàng trên thị trường vàng
Top 10 quốc gia dự trữ vàng lớn nhất thế giới
#1 Hoa Kỳ
Dự trữ vàng chính thức: 8.133,5 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 79%
Với hơn 8000 tấn vàng dự trữ, Hoa kỳ là nước có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, gần bằng ba quốc gia ở các vị trí tiếp theo cộng lại. Quốc gia này cũng có tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối cao nhất là 79%.
Theo những gì được công bố thì phần lớn số vàng của Hoa Kỳ được cất giữ tại kho vàng Fort Knox ở Kentucky trong khi phần còn lại được giữ tại Philadelphia Mint, Denver Mint, San Francisco Assay Office và West Point Bullion Depository. Đặc biệt bang Texas đã thể hiện độ trọng vàng đến mức tạo ra Kho lưu ký vàng thỏi của riêng mình để bảo vệ vàng của các nhà đầu tư.
#2 Đức
Dự trữ vàng chính thức: 3.363,6
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 75,6%
Năm 2017, Đức đã kết thúc hành trình hồi hương kéo dài 4 năm để chuyển tổng cộng 674 tấn vàng từ Banque de France và Ngân hàng Dự trữ Liên bang NewYork về kho dự trữ riêng của mình tại Frankfurt. Mặc dù nhu cầu vàng giảm trong năm 2017 sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2016, quốc gia châu Âu này đã ghi nhận việc đầu tư vàng tăng đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
#3 Italia
Dự trữ vàng chính thức: 2.451,8 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 71,3%
Với sự trợ giúp từ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi, quốc gia Nam Âu này đã duy trì quy mô dự trữ vàng của mình trong những năm qua. Số vàng 2.451,8 tấn hiện được cất giữ trong các kho vàng ở Rome, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Anh.
Trong một phát biểu trước báo giới vào năm 2013, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý cho biết “vàng là một nguồn dự trữ an toàn và nó mang lại cho bạn sự bảo vệ khá tốt trước những biến động chống lại đồng đô la Mỹ. Mặc dù đang đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, chính phủ Italia chưa có ý định bán số vàng dự trữ này.
#4 Pháp
Dự trữ vàng chính thức: 2,436.0 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 65.5%
Phần lớn số vàng này được Pháp mua vào trong những năm 50 và 60 và hiện được cất giữ trong các hầm vàng của Ngân hàng trung ương Pháp. Trong những năm gần đây, Ngân hàng trung ương Pháp gần như không bán vàng đồng thời thể hiện động thái sẽ sớm chấm dứt hoạt động bán vàng này. Marine Le, chủ tịch Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của Pháp chịu trách nhiệm về hoạt động ngăn chặn việc bán vàng của quốc gia cũng như hồi hương toàn bộ số vàng từ các kho vàng ở nước ngoài.
#5 Nga
Dự trữ vàng chính thức: 2,299.9 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 23.0 %
Trong 7 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nga là đơn vị mua ròng vàng nhiều nhất thế giới và từ năm 2018 đã vượt qua Trung Quốc để có trữ lượng vàng lớn thứ 5 toàn cầu. Vào năm 2017, Nga đã mua ròng 224 tấn vàng thỏi trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ vì mối quan hệ của nước này với phương Tây xấu đi kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga từ giữa năm 2014.
#6 Trung Quốc
Dự trữ vàng chính thức: 1,948.3tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 3.4 %
Từ mùa hè năm 2015, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc bắt đầu chia sẻ hoạt động mua vàng hàng tháng lần đầu tiên kể từ năm 2009. Nước này thực chất mua vàng kể từ cuối năm 2018 và đến tháng 8 năm 2019 số lượng vàng nước này đã mua là gần 1000 tấn. Mặc dù Trung Quốc đứng thứ 6 về trữ lượng vàng nhưng kim loại màu vàng này chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ (hơn 3.4%) trong tổng thể dự trữ.
Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng thị phần khai thác kim loại quý này trên toàn cầu. Đất nước tỷ dân này cũng là thị trường tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới và nhu cầu ngày càng tăng mạnh do tầng lớp trung lưu ở quốc gia này ngày càng giàu lên.
Xem thêm : Đầu tư vàng CFDs – Rủi ro và cơ hội khi giao dịch vàng qua hợp đồng chênh lệch
#7 Thụy Sĩ
Dự trữ vàng chính thức: 1,040.0 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 6.5%
Dù chỉ đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng những quốc gia có trữ lượng vàng nhiều nhất thế giới nhưng với dân số chỉ tầm 8.4 triệu người Thụy Sĩ lại đứng đầu về trữ lượng vàng bình quân trên đầu người.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia trung lập này trở thành trung tâm buôn bán vàng ở châu Âu, thực hiện các giao dịch với cả phe Đồng minh lẫn phe Phát Xít. Ngày nay, phần lớn giao dịch vàng của nước này được thực hiện với Hồng Kông và Trung Quốc đai lục.
Xem thêm : Lịch sử lập đỉnh giá vàng – 2020 có phải là năm giá vàng cao nhất từ trước đến nay
#8 Nhật Bản
Dự trữ vàng chính thức: 765.2 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 3.2%
Theo IMF vào năm 2018 tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu của Nhật Bản đã tăng lên 5,2% – mức cao nhất trong vòng 15 năm. Tuy vậy kim loại quý này chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ, tương đương với tỷ lệ của Trung Quốc là 3.4%.
Nhật Bản là quốc gia thực hiện tích cực nhất các hoạt động nới lỏng định lượng. Cụ thể vào đầu năm 2016 Ngân hàng trung ương của Nhật đã hạ lãi suất xuống dưới mức 0% – điều này đã thúc đẩy nhu cầu vàng trên khắp thế giới.
Trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch, với vị thế là nền kinh tế thứ 3 thế giới, Nhật Bản đã tung nhiều gói kích thích kinh tế làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát cũng như giá đồng Yên, khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào mua vàng nhiều hơn để trú ẩn. Dù có một số mỏ vàng nhưng trong nhiều thập kỷ qua nước này chỉ khai thác một số lượng nhỏ và Nhật cũng đang tích cực mua vào kim loại quý này để đối phó với rủi ro.
#9 Ấn Độ
Dự trữ vàng chính thức: 657.7 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 7.5 %
Không có gì ngạc nhiên khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ là một trong những kho vàng lớn nhất thế giới. Quốc gia Nam Á với dân số khoảng 1,25 tỷ người là thị trường tiêu thụ vàng nhiều thứ 2 thế giới chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu trang sức và dự trữ tài sản của các hộ gia đình thay vì trữ trong những kho dự trữ ngoại hối.
Trong 2 năm gần đây, Ấn Độ đã mua vào hơn 70 tấn vàng. Phần lớn vàng của Ấn Độ được nhập khẩu từ nước ngoài vì quốc gia này có rất ít mỏ vàng đang được khai khác.
#10 Hà Lan
Dự trữ vàng chính thức: 612.5 tấn
Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 71.4%
Vài năm gần đây, Hà Lan cũng bắt đầu hồi hương lượng trữ vàng lớn từ nước ngoài về. Năm 2019, ngân hàng trung ương Hà Lan đã nhận định vàng là biểu tượng cho sự tin tưởng và là neo an toàn cho hệ thống tài chính và hy vọng việc chuyển một phần dự trữ vàng tại NewYork về nước sẽ có tác động tích cực đến niềm tin của công chúng.
Xem thêm : Vàng – kênh đầu tư tài chính an toàn hay rủi ro tiềm ẩn
Kết luận
Trong năm vừa qua trước những biến động của thị trường thế giới, “cơn bão” giá vàng đã đổ bộ toàn cầu khi liên tục lập đỉnh. Mặc dù không có chính phủ nào áp dụng chế độ bản vị vàng nữa nhưng họ vẫn không ngừng tăng dự trữ vàng để bảo vệ đất nước khỏi khủng hoảng kinh tế. Vậy, chắc chắn trong tương lai vàng vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong thị trường ngoại hối.
Theo usfunds