ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Lạm phát là gì? Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?

11.12.2021, 06:41 25 phút đọc

Lạm phát là gì? Lạm phát là một trong chỉ số quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia. Lạm phát ổn định ở mức hợp lý là điều kiện tốt cho sự phát triển. Do đó, các nền kinh tế trên thế giới đều tìm mọi cách để kiểm soát và duy trì tỷ lệ lạm phát mục tiêu thay vì triệt tiêu lạm phát.

Lạm phát đang là một trong những chủ đề nóng nhất toàn cầu. Kỳ vọng phục hồi kinh tế mạnh sau khủng hoảng, chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ, đứt gãy chuỗi cung ứng… khiến lo ngại về lạm phát leo thang không chỉ là áp lực của chính phủ các nước, là vấn đề lo ngại của các nhà kinh tế mà còn len lỏi vào từng câu chuyện thường nhật của mỗi người dân cũng như trở thành tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu.

Vậy, mục đích của bài viết dưới đây là mang đến những kiến thức cơ bản nhất như lạm phát là gì? Lạm phát được lo lường như thế nào, phân tích các nguyên nhân gây ra lạm phát và đặc biệt là việc nhà đầu tư chọn kênh đầu tư nào và đầu tư như thế nào trong thời kỳ lạm phát để tránh rủi ro và kiếm lời.

1. Lạm phát là gì? – Các mức độ của lạm phát cùng các khái niệm liên quan

1.1 Lạm phát là gì?

Lạm phát là gì?

Lạm phát (inflation) là hiện tượng cung tiền tệ kéo dài làm cho mức giá cả chung của nền kinh tế tăng lên liên tục trong một thời gian nhất định. Lạm phát còn được hiểu đơn giản là sự mất giá của đồng tiền. Hiểu nôm na, khi mức giá cả chung tăng lên thì cùng với một lượng tiền tệ, người tiêu dùng sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn trước đây.

Chúng ta cùng hình dung tình trạng lạm phát trong ví dụ sau: Năm 2019, người tiêu dùng mua 1 cân gạo với giá 15.000 đồng, nhưng đến năm 2020 cũng loại gạo đó nhưng phải mất 20.000 đồng mới mua được.

Ví dụ minh họa của tình trạng lạm phát

Lạm phát là một phạm trù bắt buộc phải có ở nền kinh tế thị trường và xảy ra trong mọi lĩnh vực, mọi ngành khi tồn tại mối quan hệ hàng hóa tiền tệ, cũng như toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia.

Vì lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ của một quốc gia, nên khi so sánh với nền kinh tế khác thì lạm phát thể hiện sự suy giảm giá trị của đồng nội tệ so với tiền tệ của các quốc gia khác (ngoại tệ).

Xem thêm: Đánh bại Bạch Kim, vàng được lịch sử lựa chọn là “lý tưởng” nhất cho vai trò tiền tệ

1.2 Phân loại lạm phát và các mức độ của lạm phát

Dựa theo tính chất, lạm phát được phân làm 2 loại :

  • Lạm phát dự kiến (expected inflation) hay kỳ vọng về lạm phát (expectation of inflation): là tỷ lệ lạm phát được dự kiến sẽ xảy ra vào thời gian nhất định nào đó trong tương lai, dựa trên dự báo và phân tích của các chuyên gia.
  • Lạm phát không dự kiến (unexpected inflation): là lạm phát thực tế cao hơn hoặc thấp hơn so với dự kiến. Nếu lạm phát dự kiến được định giá vào thị trường và không gây sốc thì lạm phát không dự kiến được xem là một nguồn biến động cho thị trường, gây bất ngờ và không kiểm soát được.

Lạm phát được tính theo tỷ lệ phần trăm – Tỷ lệ lạm phát (inflation rate) và dựa theo mức độ, lạm phát được phân thành 3 mức độ: 

  • Lạm phát tự nhiên hay lạm phát một con số: từ 0% đến dưới 10%

Ở mức độ lạm phát tự nhiên, mức giá cả chung tăng ổn định và có thể dự đoán được. Do đó, nền kinh tế có thể hoạt động bình thường, đời sống người dân ổn định. Thông thường, mỗi quốc gia lấy một tỷ lệ làm lạm phát mục tiêu: ở Mỹ lạm phát mục tiêu là 2% còn ở Việt Nam lạm phát mục tiêu là dưới 4%.

Ví dụ: Tại Việt Nam, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất 6 năm, CPI tháng 5/2021 chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, vẫn trong tầm kiểm soát.

  • Lạm phát phi mã hay lạm phát 2 hoặc 3 con số: 10% đến dưới 1000%

Ở mức độ lạm phát này, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên với tốc độ nhanh gây biến động lớn về kinh tế. Khi đó, người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa, vàng bạc, bất động sản…

Hiện nay, lạm phát leo thang phi mã tại các quốc gia như Venezuela, Iran, Mông Cổ…

  • Siêu lạm phát (hyperinflation): trên 1000%

Ở mức độ lạm phát này, giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang với tốc độ chóng mặt và không thể kiểm soát được. Điều này khiến cho thị trường tài chính trở nên bất ổn, đồng tiền của quốc gia bị mất giá nghiêm trọng, lượng cầu tiền tệ giảm đi đáng kể, phá hoại nặng nề nền kinh tế.

Tình trạng siêu lạm phát sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn tuy nhiên không thường xảy ra. Trong quá khứ, các quốc gia đã từng trải qua tình trạng siêu lạm phát bao gồm: Áo (năm 1922, lạm phát ở Áo chạm mức 1.426), Trung Quốc đã từng 2 lần trải qua giai đoạn siêu lạm phát, lạm phát có lần chạm 2.178% vào tháng 5 năm 1949, Đức vào tháng 11 năm 1923, tỷ lệ lạm phát lên tới 29.525%, và gần nhất là Zimbabwe từ năm 2007 đến năm 2009 mà đỉnh điểm là vào năm 2009 khi mà tỷ lệ lạm phát lên tới 231 triệu %.

Siêu lạm phát ở Đức năm 1923

1.3 Các khái niệm khác liên quan đến lạm phát

Ngoài ra, còn có một số khái niệm khác liên quan đến lạm phát bao gồm :

  • Giảm phát (deflation): là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục. Cũng có thể nói giảm phát là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm. Cùng với tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống, giá trị của đồng tiền cùng với đó cũng tăng lên.
  • Thiểu phát (Disinflation): được dùng để miêu tả tỷ lệ lạm phát giảm nhẹ trong một thời gian ngắn.
  • Lạm phát kèm suy thoái (stagflation): là tình hình sản lượng suy giảm (suy thoái) trong khi giá cả tăng (lạm phát). Tình trạng lạm phát kèm suy thoái đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước trong những năm 1970 và 1980 và hiện tại cũng là mối lo ngại của nhiều quốc gia.

2. Lạm phát được đo lường như thế nào?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là thước đo lạm phát phổ biến nhất

Lạm phát được đo lường bằng cách theo dõi sự thay đổi giá cả của một lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế, dựa trên dữ liệu được thu thập và khảo sát bởi các tổ chức nhà nước, cục lao động hay thống kê và các tạp chí kinh tế…

Cụ thể, giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ được tổ hợp lại, sau đó được tính toán để đưa ra một chỉ số thể hiện mức giá cả trung bình. Tỷ lệ lạm phát là tỷ lệ phần trăm mức tăng của các chỉ số này.

Không có một phép đo chính xác duy nhất cho chỉ số lạm phát vì giá trị của chỉ số này phụ thuộc vào tỷ trọng được gán cho mỗi hàng hóa trong chỉ số, phụ thuộc vào phạm vi khu vực kinh tế mà mà các khảo sát thực hiện, và mỗi nền kinh tế có những cách thức đo lường lạm phát khác nhau.

Hiện nay, một số chỉ số được xem là thước đo tỷ lệ lạm phát phổ biến bao gồm: CPI (chỉ số giá tiêu dùng), PPI (Chỉ số giá sản xuất), PCE (Chi tiêu tiêu dùng cá nhân), HICP (Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Đã Cân Đối) và GDP Deflator (chỉ số điều chỉnh GDP).

  • Chỉ số CPI – Consumer Price Index: đo lường giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định từ quan điểm của người mua, bao gồm thực phẩm, ô tô, giáo dục và giải trí. Đây được xem là thước đo lạm phát phổ biến nhất.

Ví dụ: Ở Mỹ, vào tháng 4 năm 2021, Chỉ số CPI tăng 0,8% trên cơ sở điều chỉnh theo mùa sau khi tăng 0,6% trong tháng Ba. Khi so sánh với năm trước, chỉ số đầy đủ tăng 4,2%, đây là mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 9 năm 2008.

  • Chỉ số PPI: là một nhóm chỉ số đo lường sự thay đổi trung bình theo thời gian của giá bán mà các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước nhận được. Nếu như CPI quen thuộc hơn cũng như xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông thì PPI có vẻ ít được biết đến hơn nhưng chỉ số được xem như thước đo lạm phát từ quan điểm của người sản xuất có tác động mạnh mẽ đến thị trường tiền tệ, nên nhà đầu tư cũng cần theo dõi thường xuyên.
  • Chỉ số PCE: Đo lường sự thay đổi trong giá cả hàng hóa và dịch vụ được người tiêu dùng thu mua với mục đích tiêu dùng, ngoại trừ thực phẩm và năng lượng.
  • Chỉ số HICP: Chỉ số giá tiêu dùng đã cân đối, cũng giống như CPI, nhưng với một rổ các sản phẩm chung cho tất cả các quốc gia thành viên khu vực đồng Euro.
  • Chỉ số điều chỉnh GDP – GDP Deflator: Biểu hiện sự biến động mức giá chung của tất cả hàng hóa, dịch vụ sản xuất ra trong lãnh thổ của một quốc gia, là chỉ số so sánh giữa GDP thực tế và GDP danh nghĩa. GDP Deflator tính cả hàng hóa, dịch vụ được chi tiêu bởi doanh nghiệp và chính phủ, không tính đến hàng hóa nhập khẩu và cần được đo lường mỗi năm để đạt độ tin cậy cao.

Xem thêm: Chỉ số PPI là gì và cách sử dụng chỉ số ppi hiệu quả trong Forex Trading

3. Những nguyên nhân chính gây ra lạm phát là gì?

3.1 Lạm phát cho chi phí đẩy (Cost-Push inflation)

lam phat la gi

Lạm phát do chi phí đẩy xảy ra khi giá cả tăng lên do tăng chi phí sản xuất, chẳng hạn như nguyên vật liệu và tiền lương. Cầu hàng hoá không đổi trong khi cung hàng hoá giảm do chi phí sản xuất cao hơn. Kết quả là, chi phí sản xuất tăng thêm được chuyển cho người tiêu dùng dưới hình thức giá thành phẩm cao hơn.

Một trong những dấu hiệu của lạm phát do chi phí đẩy có thể được nhìn thấy là giá hàng hóa tăng như dầu và kim loại vì chúng là đầu vào sản xuất chính.

Ví dụ: Nếu giá kim loại đồng tăng, các công ty sử dụng đồng để sản xuất sản phẩm có thể tăng giá hàng hóa của họ. Nếu nhu cầu về sản phẩm độc lập với nhu cầu về đồng, doanh nghiệp sẽ chuyển chi phí nguyên vật liệu cao hơn cho người tiêu dùng. Kết quả là người tiêu dùng sẽ chịu giá cao hơn mà không có bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu đối với sản phẩm được tiêu thụ.

Tiền lương cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và thường là khoản chi phí lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Khi nền kinh tế hoạt động tốt và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tình trạng thiếu lao động có thể xảy ra. Đến lượt mình, các công ty tăng lương để thu hút những ứng viên có năng lực, khiến chi phí sản xuất của công ty tăng lên. Nếu công ty tăng giá do tiền lương của nhân viên tăng, thì lạm phát do chi phí đẩy sẽ xảy ra.

Thiên tai cũng có thể khiến giá cả tăng cao. Ví dụ, nếu một cơn bão phá hủy một loại cây trồng như ngô, giá có thể tăng trên toàn nền kinh tế vì ngô được sử dụng trong nhiều sản phẩm.

3.2 Lạm phát do cầu kéo (Demand-pull inflation)

lam phat la gi

Lạm phát do cầu kéo có thể do nhu cầu của người tiêu dùng đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ tăng mạnh. Khi nhu cầu về nhiều loại hàng hóa trong nền kinh tế tăng đột biến, giá của chúng có xu hướng tăng. Mặc dù điều này thường không phải là mối lo ngại đối với sự mất cân bằng cung và cầu trong ngắn hạn, nhưng nhu cầu duy trì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và làm tăng chi phí cho các hàng hóa khác, kết quả là lạm phát do cầu kéo xảy ra.

Niềm tin của người tiêu dùng có xu hướng cao khi tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng – dẫn đến chi tiêu nhiều hơn. Mở rộng kinh tế có tác động trực tiếp đến mức chi tiêu của người tiêu dùng trong nền kinh tế, có thể dẫn đến nhu cầu cao về sản phẩm và dịch vụ.

Khi nhu cầu về một hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể tăng lên, thì nguồn cung khả dụng sẽ giảm xuống. Khi có ít mặt hàng hơn, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn để có được mặt hàng đó — như được nêu trong nguyên tắc kinh tế của cung và cầu. Kết quả là giá cả cao hơn do lạm phát do cầu kéo.

Các công ty cũng đóng một vai trò trong lạm phát, đặc biệt nếu họ sản xuất các sản phẩm phổ biến. Một công ty có thể tăng giá đơn giản vì người tiêu dùng sẵn sàng trả số tiền tăng thêm. Các công ty cũng tự do tăng giá khi mặt hàng để bán là thứ mà người tiêu dùng cần cho sự tồn tại hàng ngày, chẳng hạn như dầu và khí đốt. Tuy nhiên, chính nhu cầu từ người tiêu dùng đã cung cấp cho các tập đoàn đòn bẩy để tăng giá.

Xem thêm: Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế – bài toán hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng hậu đại dịch

3.3 Chính sách tiền tệ mở rộng (Expansionary Fiscal Policy)

Chính sách tiền tệ mở rộng của các chính phủ có thể tăng lượng thu nhập tùy ý cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu chính phủ cắt giảm thuế, các doanh nghiệp có thể chi nó vào việc cải thiện vốn, trả lương cho nhân viên hoặc tuyển dụng mới. Người tiêu dùng cũng có thể mua nhiều hàng hơn. Chính phủ cũng có thể kích thích nền kinh tế bằng cách tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Kết quả là có thể làm tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, dẫn đến giá cả tăng.

Chính sách tiền tệ mở rộng của các Ngân hàng trung ương có thể làm giảm lãi suất. Các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm chi phí cho các ngân hàng cho vay, điều này cho phép các ngân hàng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay nhiều tiền hơn. Sự gia tăng lượng tiền có sẵn trong toàn nền kinh tế dẫn đến chi tiêu và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn.

4. Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế và những biện pháp kiểm soát lạm phát

Như đã nói, lạm phát là phạm trù bắt buộc trong nền kinh tế thị trường, và không phải lạm phát là xấu. Tuy nhiên nếu lạm phát tăng mất kiểm soát có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế buộc chính phủ các nước phải có các biện pháp kiềm chế lạm phát và duy trì nó ở mức độ lạm phát tự nhiên (thường từ 2-5% đối với các nước phát triển và dưới 10% đối với các nước đang phát triển.

4.1 Tác động tích cực và tiêu cực của lạm phát đến nền kinh tế

lam phat la gi

Lạm phát có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh thế

Lợi ích tích cực của lạm phát: Lạm phát tự nhiên với tốc độ vừa phải sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho nền kinh tế, cụ thể:

  • Kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.
  • Lạm phát có thể cung cấp cho các doanh nghiệp sức mạnh định giá và làm tăng tỷ suất lợi nhuận của họ. Nếu tỷ suất lợi nhuận đang tăng lên, điều đó có nghĩa là giá mà các công ty tính cho sản phẩm của họ đang tăng với tốc độ nhanh hơn mức tăng của chi phí sản xuất.
  • Lạm phát ở một tốc độ vừa phải để giữ cho giảm phát ở mức thấp là một điều tốt cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của giảm phát
  • Tiền lương của người lao động tăng lên. Khi lạm phát đẩy giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn, nó cũng có mối tương quan thuận với mức lương cao hơn.
  • Đối với chính phủ, tỷ lệ lạm phát tự nhiên cho phép chính phủ kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên nhờ mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội để đạt được những mục tiêu như kỳ vọng.

Tỷ lệ lạm phát cao tác động tiêu cực đến nền kinh tế

Lạm phát tăng cao khiến cho thu nhập thực tế giảm xuống:

Đây được xem là tác động rõ rệt và trực quan nhất của tỷ lệ lạm phát cao. Cụ thể, trong khi thu nhập hay tiền lương của người dân không đổi mà lạm phát tăng cao hay giá cả tăng cao, người dân buộc phải chi nhiều tiền hơn, sẽ dẫn đến thu nhập thực tế giảm đi.

Lạm phát cao dẫn đến lãi suất sao:

Theo lý thuyết hiệu ứng Fisher (1993), lãi suất danh nghĩa bằng kỳ vọng lạm phát cộng với lãi suất thực. Như vậy, nếu lạm phát tăng cao, và muốn duy trì lãi suất thực dương thì lãi suất danh nghĩa buộc phải tăng lên.

Trong hoàn cảnh lãi suất tăng, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong vấn đề vay nợ và không thể thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp, đe dọa suy thoái kinh tế.

Lạm phát cao gây áp lực nặng lên nợ chính phủ

Lạm phát cao thường đi kèm với tỷ giá hối đoái lao dốc, hay đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng, khiến cho chính phủ sẽ trả nợ nước ngoài nhiều hơn so với trước đó. Áp lực trả nợ của chính phủ tăng dẫn đến gia tăng thuế, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cuối cùng là gây bất ổn nền kinh tế.

Đặc biệt tình trạng giảm phát (tỷ lệ lạm phát bằng 0 hoặc âm) là nguy hiểm đối với nền kinh tế với tác động ngang với lạm phát phi mã. Bởi vậy, tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều tìm mọi cách để kiểm soát và duy trì tỷ lệ lạm phát mục tiêu thay vì triệt tiêu lạm phát.

4.2 Những phương án kiểm soát lạm phát

Có nhiều biện pháp mà chính phủ các nước đã áp dụng để kiểm soát lạm phát nhưng ở mỗi nền kinh tế sẽ có những khác biệt cũng như các biện pháp đều có độ trễ hoặc chỉ tác dụng trong ngắn hạn. Một trong những biện pháp phổ biến bao gồm:

  • Kiềm chế lạm phát thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa: Nâng lãi suất, ngừng phát hành tiền vào trong lưu thông nhằm giảm lượng tiền đưa vào lưu thông trong xã hội, phát hành trái phiếu.
  • Ngân hàng trung ương bán vàng và ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.
  • Giảm chi tiêu ngân sách: Là việc giảm chi tiêu chính phủ thường xuyên và cắt giảm đầu tư công.
  • Tăng tiền thuế tiêu dùng nhằm giảm bớt nhu cầu chi tiêu cá nhân trong xã hội, tăng hàng hóa dịch vụ cung cấp trong xã hội.
  • Giảm thuế quan hoặc đi vay tiền viện trợ từ nước ngoài.
  • Phát triển kinh tế số, các kênh phân phối điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt vừa hỗ trợ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường phân phối hàng hóa kịp thời, giảm áp lực lạm phát vừa tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế.

Xem thêm: Trái phiếu (Bond) và công thức tính giá trái phiếu được thực hiện như thế nào ?

5. Lạm phát và nhà đầu tư – Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?

Lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mọi “ngõ ngách” của thị trường tài chính, từ các ông lớn công nghệ cho đến các giao dịch theo chu kỳ. Việc chuẩn bị trước kịch bản xây dựng danh mục khi lạm phát tăng cao sẽ giúp nhà đầu tư chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của nền kinh tế.

5.1 Lạm phát trong khoảng 4-8% vẫn phù hợp với đầu tư chứng khoán

lam phat la gi

Lạm phát trong khoảng 4-8% vẫn phù hợp với đầu tư chứng khoán

Do tác động của lạm phát tới thị trường chứng khoán không đơn thuần là mối quan hệ nhân quả mà phụ thuộc vào mặt bằng lạm phát đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cũng như triển vọng duy trì mặt bằng lạm phát như thế nào.

Cụ thể tại Việt Nam, môi trường lạm phát vẫn rất thuận lợi cho chứng khoán và đang trong mức tối ưu để chứng khoán tăng trưởng: VN-Index tăng trung bình tới 15,9%/năm; cao hơn áp đảo so với mức tăng 6,4%/năm của lạm phát.

Cụ thể, trong bối cảnh lạm phát, nhà đầu tư có thể tham khảo việc lựa chọn rót tiền vào một số ngành như:

  • Thép (giá thép vẫn đang ở mặt bằng giá cao và mặc dù khi sóng giá thép đi qua nhu cầu thị trường vẫn ổn định với các dự án đầu tư công và xây dựng)
  • Nhóm ngành ngân hàng (chọn những mã cổ phiếu có quy mô tín dụng không bị ảnh hưởng quá nhiều như TCB, VCB. MBB.
  • Nhóm ngành bảo hiểm (VH, PVI, BMI được đánh giá cao)
  • Nhóm ngành Nông nghiệp, Thực phẩm với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát.

Xem thêm: Top những cổ phiếu tăng trưởng tốt tính đến quý 3 năm 2021

5.2 Vàng là kênh đầu tư được ưa thích trong giai đoạn lạm phát

lam phat la gi

Vàng luôn được xem là một kênh đầu tư hấp dân trong thời kỳ lạm phát

Quan niệm vàng đóng vai trò là “hầm trú ẩn an toàn” hay một hàng rào chống lại biến động thị trường và rủi ro lạm phát đã ăn sâu vào suy nghĩ của giới đầu tư nhiều năm qua. Thực tế là, kim loại quý này đã tạo ra lợi nhuận hàng năm là 5,81% trong 5 năm qua và 8,85% hàng năm trong 15 năm qua.

Bên cạnh mua vàng vật chất với nhiều rủi ro, nhà đầu tư có thể lựa chọn một số hình thức đầu tư vàng khác nổi bật là: vàng tài khoản (vàng Forex), quỹ ETF vàng, vàng tương lai (gold futures), cổ phiếu công ty khai thác vàng. Mỗi hình thức đầu tư có ưu và nhược điểm riêng nhưng hầu hết là những giải pháp thay thế vô cùng đáng để trải nghiệm.

Cụ thể, Giao dịch với các quỹ ETF vàng với 2 lựa chọn phổ biến là SPDR Gold TrustiShares Gold Trust đang dành được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư.

Ngoài ra, giao dịch vàng online trên sàn Forex với mã XAU/USD với khả năng thu lợi nhuận cả khi giá vàng lên hoặc xuống cũng đang được giới trader ưa chuộng với tính thanh khoản cũng không hề kém cạnh các cặp tiền chính.

Tuy nhiên, giao dịch vàng online, độ rủi ro cũng cao đòi hỏi nhà đầu tư phải có đầy đủ kiến thức cần thiết cùng với độ nhạy bén và dày dặn kinh nghiệm chinh chiến.

Bên cạnh đó, đầu tư bất động sản cũng là một kênh đầu tư được nhiều người ưa thích trong giai đoạn lạm phát. Dù vậy, đây là kênh đầu tư nhiều rủi ro lại yêu cầu số vốn khá lớn nên nhà đầu tư cũng cần thận trọng, tính toán kỹ càng cũng như chọn được thời điểm mua thích hợp.

Xem thêm: Có nên đầu tư vào vàng vật chất trong thời kỳ lạm phát hay không?

6. Lời kết

Lạm phát có tác động vô cùng lớn và sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế và của từng người dân và cũng là chủ đề cần đặc biệt quan tâm đối với nhà đầu tư như chúng ta.

Hy vọng, những thông tin cơ bản cùng những phân tích chuyên sâu xung quan vấn đề lạm phát mà Vnrebates cung cấp sẽ có những đóng góp hữu ích đối với bạn đọc trong việc xây dựng danh mục đầu tư cũng như có những quyết định đầu tư phù hợp và hiệu quả nhất.

 

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.