ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Những kiến thức về đồng CAD mà mọi Trader cần biết

28.03.2022, 14:18 12 phút đọc

Đồng CAD là đồng tiền tệ chính thức của Canada, đồng thời cũng là đồng tiền được giao dịch rất nhiều trong thị trường Forex. Đồng tiền này thường có mức biến động tương đối cao, khiến nó trở thành phương tiện giao dịch ưa thích của nhiều người. Vậy nền kinh tế Canada có gì nổi bật mà đồng tiền của quốc gia này lại được thế giới tài chính quan tâm nhiều như vậy? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khi tham gia vào thị trường Forex, anh em luôn cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức từ những điều cơ bản nhất, bao gồm cả kiến thức về các đồng tiền trong thị trường này. Trong đó, đồng CAD cũng là một đồng tiền quan trọng mà anh em cần biết. Vậy đồng CAD có đặc điểm gì, và nền kinh tế phía sau đồng tiền này có gì nổi bật?

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Đồng CAD là tiền gì?

1.1. Thông tin cơ bản về đồng CAD

Trong thị trường Forex, chỉ có 8 loại tiền tệ phổ biến nhất chiếm đến 80% tổng khối lượng được giao dịch, và đồng CAD là một trong số đó. CAD là ký hiệu của đồng đô la Canada, tiền tệ chính thức của quốc gia này.

Đồng CAD còn được gọi với cái tên là “loonie”, nguyên nhân là do sự xuất hiện của “loon” – một loại vịt ở mặt sau của đồng 1 đô. Đồng tiền này phản ánh sức mạnh kinh tế – tài chính của Canada, đồng thời cũng là đại diện cho các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này. Canada là một đất nước xuất khẩu nhiều hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, vì vậy đồng CAD cũng còn được biết đến như một đồng tiền hàng hóa – tương tự như đồng AUD của Úc.

đồng CAD

Đồng 1$ Canada có hình “loon” nên còn được gọi là loonie

1.2. Lịch sử của đồng CAD

Đồng đô la Canada được hình thành và sử dụng ngay sau khi liên minh Canada thành lập năm 1876. Trước khi đồng tiền này ra đời, cư dân ở khu vực này đã chấp nhận bảng Anh và các đơn vị tiền tệ liên kết với đô la Mỹ để thanh toán hàng hóa.

Đồng CAD ban đầu được liên kết với vàng giống như nhiều loại tiền tệ khác trong quá khứ. Tuy nhiên, Canada đã rời bỏ bản vị vàng vĩnh viễn sau khi Anh làm như vậy, trong cuộc đại suy thoái năm 1931. Kể từ đó, đồng CAD sử dụng tỷ giá cố định, và sau đó là thả nổi cho đến ngày nay, tức là giá trị của nó phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường.

Trước đây, có rất nhiều ngân hàng trong nước được phát hành tiền CAD, tuy nhiên, sau đó các ngân hàng thương mại ngày càng có ít quyền lực đối với việc này. Cho đến giữa thế kỷ 20, chỉ còn duy nhất ngân hàng trung ương của Canada có thẩm quyền phát hành tiền giấy.

Xem thêm: Bản vị vàng – Liệu thế giới có quay trở lại chế độ kim bản vị này hay không?

2. Nền kinh tế Canada có gì nổi bật

Canada là nền kinh tế đứng thứ 9 về quy mô GDP vào năm 2020, với GDP là 1,5 nghìn tỷ đô la Canada, tăng một bậc so với thứ hạng số 10 vào năm 2017. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng trong thời gian gần đây của Canada là khá đáng kể.

Không chỉ thời gian gần đây, mà trong 20 năm qua đất nước này vẫn luôn có đà tăng trưởng tương đối mạnh. Trong giai đoạn 1990 và 2009, Canada đã trải qua hai đợt suy thoái tương đối ngắn, với lạm phát cao. Tuy nhiên, nhờ những chính sách tài khóa tốt, thâm hụt ngân sách đã được cải thiện, lạm phát thấp hơn và tỷ lệ lạm phát cũng được kiểm soát tốt.

Khi phân tích về kinh tế Canada, điều quan trọng nhất chính là xem xét mức độ ảnh hưởng của đất nước này đối với các loại hàng hóa trên thế giới.

Có thể nói, lịch sử nền kinh tế Canada là một hành trình từ một xã hội săn bắn, nông nghiệp bản địa với việc buôn bán lông, da thú, cho đến quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa sau khi người châu Âu đến đây định cư (thế kỷ 16). Đến giai đoạn này, tài nguyên thiên nhiên của Canada đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, gồm dầu mỏ, khí tự nhiên, gỗ và nhiều loại khoáng sản khác.

Hiện nay, Canada là một nhà sản xuất, nhà xuất khẩu quan trọng trên thế giới đối với các mặt hàng nêu trên. Thương mại xuất khẩu của đất nước này rơi vào khoảng 390 tỷ USD, với đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ, với 338,2 tỷ USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 18,8 tỷ USD hàng hóa được nhập khẩu từ Canada.

Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, Canada cũng khá phụ thuộc vào Mỹ với 51,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của mình, lên tới 222 tỷ USD (năm 2020).

Nhìn chung, với vai trò quan trọng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa đối với nền kinh tế, nên không khó hiểu khi giá cả hàng hóa đặc biệt có tầm ảnh hưởng tới giá trị của đồng CAD. Cũng chính vì thế, nên đồng CAD còn được gọi là đồng tiền hàng hóa.

đồng cad

Nền kinh tế của Canada có gì nổi bật?

3. Ngân hàng Canada và những chính sách tiền tệ

Tất cả các loại tiền tệ trên thế giới đều được hỗ trợ bởi một ngân hàng trung ương. Đối với đồng CAD, đó là Ngân hàng Canada.

Ngân hàng Canada chính là ngân hàng trung ương của đất nước này, viết tắt là BOC (Bank of Canada), được thành lập vào năm 1934 theo đạo luật ngân hàng của Canada. Đạo luật này tuyên bố rằng BOC được thành lập để thúc đẩy phúc lợi kinh tế và tài chính của đất nước.

Đạo luật này đã được cựu thủ tướng Canada, William Lyon Mackenzie King ký thành luật chính thức. Trước khi luật này được ký, ngân hàng lớn nhất của Canada lúc bấy giờ là Ngân hàng Montreal, đóng vai trò là ngân hàng của chính phủ.

Ngân hàng Canada chịu trách nhiệm về 4 lĩnh vực chính, bao gồm:

  • Chính sách tiền tệ
  • Quy định việc cung ứng tiền lưu thông trong nền kinh tế
  • Thiết kế và phát hành tiền giấy
  • Quản lý quỹ

Ngoài ra, BOC cũng quản lý nợ công và dự trữ ngoại hối của chính phủ Canada.

Thống đốc BOC là người chịu trách nhiệm về nhiều chức năng khác nhau của ngân hàng. Thống đốc là người được hội đồng quản trị của BOC bầu ra, phục vụ trong nhiệm kỳ 7 năm. Các thành viên của hội đồng quản trị lại được bầu ra bởi hôi đồng thống đốc Canada, và phục vụ trong nhiệm kỳ 3 năm.

Thống đốc đầu tiên của ngân hàng này là Graham F.Towers đã tái nhiệm nhiều lần và phục vụ trong vòng 20 năm. Thống đốc hiện nay là Tiff Macklem, nhậm chức từ năm 2020 và là thống đốc thứ mười của BOC.

bank of canada

Ngân hàng trung ương Canada

BOC và chính sách tiền tệ

Thiết lập lãi suất chính là một trong những vai trò và nhiệm vụ quan trọng nhất của BOC. Chính sách tiền tệ của Canada thường được thiết lập theo một bộ khung để duy trì lạm phát ở mức thấp và ổn định.

Lãi suất được quyết định 8 lần một năm, thông qua các cuộc họp định kỳ của BOC. Trong năm 2007, lãi suất của đồng CAD đã tăng lên đến mức rất cao đối với đồng tiền này, 4%. Sau đó, theo thời gian lãi suất được hạ xuống, còn 1% vào năm 2010 và tiếp tục được cắt giảm chỉ còn 0,5% vào năm 2015.

Từ năm 2015, tỷ lệ này đã được tăng vài lần, lên đến 1,75% vào năm 2020, nhưng lại tiếp tục được điều chỉnh giảm còn 0,25% vào tháng 12 năm 2021. BOC thường áp dụng việc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế.

Xem thêm: Central Bank – Ngân hàng trung ương và tác động của nó đến thị trường Forex

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị đồng CAD

Đồng CAD là đồng tiền hàng hóa, vì vậy ngoài các yếu tố kinh tế cơ bản, đồng tiền này cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giá cả hàng hóa thế giới. Hiểu được mối quan hệ này sẽ giúp anh em phân tích các cặp tiền CAD một cách đa chiều hơn và hỗ trợ đưa ra quyết định giao dịch chính xác hơn.

4.1. Các yếu tố kinh tế cơ bản

Giống như hầu hết các loại tiền tệ khác, đồng CAD chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng nền kinh tế của Canada. Những thay đổi về các chỉ số kinh tế cơ bản có thể khiến cho đồn CAD giảm giá hoặc tăng giá so với các đồng tiền khác, do cung cầu của các nhà đầu tư thay đổi.

Cụ thể, anh em sẽ cần quan tâm đến các vấn đề sau đây khi giao dịch đồng tiền này:

  • Lãi suất: lãi suất có thể nói là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với giá trị bất cứ đồng tiền nào. Lãi suất tăng ở Canada sẽ làm tăng nhu cầu của đồng CAD, thông qua chứng khoán hoặc đầu tư trực tiếp qua thị trường ngoại hối.

Ngược lại, lãi suất giảm sẽ làm giảm nhu cầu đối với đồng tiền này, và có thể sẽ khiến cho nó giảm giá.

đồng CAD

đồng CAD

Tin lãi suất từ BOC và ảnh hưởng của nó tới tỷ giá hối đoái (biểu đồ: tradingview.com)

  • Tỷ lệ lạm phát: nếu lạm phát của Canada tăng cao hơn so với lạp phát trung bình của các nước khác, sức mua đồng CAD sẽ giảm, và qua đó cũng trực tiếp làm giảm giá trị của nó. Tuy nhiên, lạm phát tương đối thấp và ổn định ở Canada đã luôn ảnh hưởng tích cực đến đồng tiền này.
  • Thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế: khi một quốc gia thặng dư thương mại, xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (xuất siêu) sẽ làm động lực tăng tỷ giá hối đoái (do cầu lớn hơn cung). Ngược lại, khi nước này nhập siêu sẽ gây áp lực khiến tỷ giá hối đoái giảm. Tất nhiên Canada cũng không ngoại lệ và đồng CAD chịu những ảnh hưởng tương tự.
  • Đầu tư nước ngoài và thanh toán nợ: dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Canada làm tăng nhu cầu nước ngoài với đồng tiền của nước này, đẩy tỷ giá hối đoái tăng lên. Ngược lại, việc đầu tư của người Canada ra nước ngoài có tác dụng ngược lại, việc thanh toán nợ cho nước ngoài sẽ đẩy tỷ giá giảm xuống.
  • Năng suất: năng suất nền kinh tế tức là lượng sản phẩm được tạo ra tính theo một mức đầu vào nhất định. Năng suất có thể ảnh hưởng đến giá cả và cạnh tranh quốc tế. Ví dụ, nếu năng suất của Canada tăng nhanh hơn Hoa Kỳ, giá cả ở Canada sẽ cạnh tranh hơn, và sản lượng xuất khẩu theo đó tăng lên khiến cho nhu cầu đồng đô la Canada tăng.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố kinh tế khác mà anh em có thể sử dụng dựa theo phương pháp phân tích cơ bản để giao dịch đồng đô la Canada một cách hiệu quả hơn.

Xem thêm: Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật – lựa chọn hay kết hợp

4.2. Yếu tố giá cả hàng hóa

Giá cả hàng hóa là một sự ảnh hưởng đặc trưng đối với đồng CAD, đó cũng là lý do mà đồng tiền này được gọi là đồng tiền hàng hóa như chúng ta đã được biết ở phía trên.

Hàng hóa có tỷ trọng xuất khẩu rất lớn ở Canada so với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Khi giá hàng hóa tăng lên, các điều khoản thương mại được cải thiện vì hàng hóa của nước này có giá trị hơn. Điều đó dẫn đến sức mua hàng của thế giới đối với hàng hóa Canada tăng, cuối cùng khiến cho tỷ giá hối đoái tăng.

Điều ngược lại cũng hoạt động theo cách tương tự. Nếu giá hàng hóa giảm, giá trị thương mại của Canada giảm và dẫn đến đồng tiền của họ bị giảm giá trị so với ngoại tệ.

Hàng hóa mà chúng ta đang nhắc đến bao gồm các sản phẩm rất đa dạng như dầu mỏ, khí tự nhiên, kim loại, gỗ, các loại khoáng sản khác… Theo dõi giá của các loại hàng hóa này sẽ giúp anh em liên hệ nó với tỷ giá của đồng CAD.

Một loại hàng hóa đặc biệt nhất có liên hệ với CAD có thể kể đến chính là dầu mỏ. Đây cũng là một loại tài sản được giao dịch trên thị trường Forex, cũng như là loại tài sản phổ biến trên toàn thế giới, do đó rất thuận tiện để anh em theo dõi và phân tích giá cả của nó, từ đó trở thành thông tin hỗ trợ tốt cho quá trình giao dịch đồng CAD.

đồng CAD

Tương quan giá dầu và tỷ giá hối đoái CAD (biểu đồ: tradingview.com)

Về mối liên hệ giữa tỷ giá hối đoái của CAD với giá dầu và giá hàng hóa, VnRebates đã có một bài phân tích riêng giúp anh em hiểu sâu hơn và áp dụng dễ hơn. Nếu quan tâm anh em có thể tham khảo thêm nhé.

5. Kết luận

Thị trường Forex đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam, bởi sự đơn giản và tiềm năng lợi nhuận của nó. Tuy nhiên, đi kèm với lợi nhuận là rủi ro vô cùng lớn, do đó đòi hỏi bất cứ ai muốn thành công trên thị trường đều phải có kiến thức cũng như tích lũy kinh nghiệm qua thời gian.

Những kiến thức về đồng CAD cũng như các đồng tiền khác tưởng chừng cơ bản và nhiều người thường bỏ qua, nhưng đôi khi nó cũng cực kỳ quan trọng để giúp anh em biết được mình đang giao dịch cái gì. Do đó, anh em nên không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của những kiến thức này. Hãy cùng VnRebates tìm hiểu về tất cả các loại tiền tệ phổ biến nhất trên thị trường Forex trước khi bắt đầu giao dịch nhé.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.