Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EU (Eurozone) hay nền kinh tế Vương quốc Anh đều là những nền kinh tế hùng mạnh và lâu đời. Đây cũng là những đồng minh toàn diện lớn nhất của Mỹ, hai khu vực này song hành với nhau trên nhiều phương diện từ kinh tế, chính trị hay liên minh quân sự NATO. Cả hai cũng có sức ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, tài chính thế giới. Trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng phân tích hai nền kinh tế này nhé.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EU (Eurozone)
1.1. Eurozone là gì?
Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EU – là khu vực kinh tế các nước thuộc Liên minh Châu Âu sử dụng đồng EUR làm đồng tiền thanh toán chung. Tới nay có 19/27 quốc gia thành viên của Liên minh đủ điều kiện gia nhập Eurozone. Tiêu chí xét duyệt vào hệ thống Eurozone là rất khắt khe và không phải thành viên nào trong liên minh cũng được gia nhập, việc này sẽ giúp giảm gánh nặng và ổn định tỷ giá cho đồng tiền.
Ở bài viết hôm nay chúng ta không xét toàn bộ nền kinh tế Liên minh Châu Âu mà chỉ xem xét kinh tế khu vực đồng tiền chung EU, bởi vì các nền kinh tế không đủ điều kiện tham gia vào hệ thống thì hầu như không có sức ảnh hưởng đến EUR.
1.2. Tổng quan nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EU
*Lưu ý: các phân tích dữ liệu chỉ có giá trị tại thời điểm dữ liệu được công bố
Năm 1951 Liên minh Châu Âu (EU) được thành lập với 6 quốc gia, tới nay phát triển thành một liên minh hùng mạnh về mọi mặt với 27 thành viên. Tuy nhiên chỉ 19 thành viên ưu tú nhất được lọt vào hệ thống Eurozone.
- Các quốc gia thành viên: Áo, Bỉ, Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha.
- Tổng diện tích: 4.381.394,22 km²
- Dân số: 337 triệu người (2019)
- Mật độ: 77 người/ km²
Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EU, trong năm 2019 tạo ra GDP là 11,9 nghìn tỷ EUR. Là một nền kinh tế định hướng dịch vụ, dịch vụ chiếm khoảng 70% GDP trong tổng GDP!
Với cơ cấu 70% GDP đến từ dịch vụ nhưng không phải như Mỹ là dự trữ tài nguyên mà Eurozone vì có diện tích không được lớn lắm, mật độ dân số lớn nên khó lòng phát triển ngành khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp. Hơn nữa tuy chung liên minh nhưng tài nguyên thiên nhiên là của riêng mỗi quốc gia chứ không phải tài sản chung.
Châu Âu được mệnh danh là lục địa già, ít tài nguyên thiên nhiên nên nền kinh tế bắt buộc phải định hướng theo dịch vụ. Việc này sẽ khiến liên minh này đặc biệt phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu tài nguyên lớn, đặc biệt là dầu của Nga. Tuy nhiên vì xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao nên kinh tế khu vực đồng tiền chung EU lại thặng dư trong quá trình thương mại, cụ thể thặng dư 2019 là 361 tỷ EUR.
Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc, xe cộ, máy bay, nhựa, dầu thô, hóa chất, dệt may, kim loại
Các mặt hàng xuất khẩu chính: Máy móc, xe có động cơ, máy bay, nhựa, dược phẩm và các hóa chất khác
Như anh em có thể thấy Eurozone nói riêng và EU nói chung phải nhập khẩu rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Đất nước kiếm được nhiều tiền của Eurozone nhất là Trung Quốc – xứng với danh hiệu là công xưởng của thế giới.
Về cán cân thương mại, tuy nhập khẩu rất nhiều nhưng Eurozone lại là khu vực có thặng dư thương mại vì đặc tính kinh tế dịch vụ và trình độ công nghệ cao, các mặt hàng xuất khẩu thường là giá trị cao, cụ thể 2019 thăng dư của khu vực là 361 tỷ EUR. Trung bình mỗi nước chỉ thặng dư ~19 tỷ EUR.
Nhìn chung cán cân thương mại của Eurozone có xu hướng giảm nhưng vẫn thặng dư là tốt rồi anh em ạ.
Với tư cách là một liên minh kinh tế, Eurozone có một hệ thống luật được tiêu chuẩn hóa, đặc biệt là về thương mại. Quy mô của toàn bộ nền kinh tế của họ làm cho đồng EUR trở thành một một đồng tiền lớn trên trường thương mại quốc tế, là đồng tiền dự trữ lớn trong thương mại quốc tế, để giao thương với Eurozone các quốc gia phải có đủ số EUR để hỗ trợ cho tỷ giá của họ.
Lạm phát có xu hướng đi lên trong khi thay đổi GDP theo chiều hướng đi xuống, điều này làm cho người dân trong Eurozone ngày càng nghèo đi theo đúng nghĩa đen. Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tiêu dùng trong nước, khi thị trường giảm chi tiêu thì đồng EUR theo đó cũng sẽ mất dần nhu cầu dẫn đến mất giá.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone nhìn chung có xu hướng giảm ổn định vì chính sách tự do lao động trong liên minh giúp khu vực này duy trì ổn định tỷ lệ thất nghiệp hơn so với Mỹ. Đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi càng nhiều người có việc làm thì chi tiêu sẽ nhiều, điều này sẽ quay lại kích thích sản xuất kinh doanh tạo thành vòng lặp thúc đẩy kinh tế đi lên nếu tín dụng được kiểm soát tốt.
Tình hình nợ công trong Eurozone nhìn chung có xu hướng giảm, việc này chứng tỏ các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của khu vực ngày càng tỏ ra có hiệu quả, gánh nặng nợ lên nền kinh tế giảm đi sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho khu vực. Liên minh sẽ có thêm nhiều tiền để tài trợ cho nền kinh tế trong khu vực hơn, cải thiện môi trường kinh doanh, các điều kiện sinh sống tốt hơn để thu hút thêm nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế dịch vụ này.
Về tỷ giá hối đoái khi so sánh với USD, mỗi EUR/USD = 1.04 (05/2022). Con số này đã giảm khá nhiều từ 1.2 (01/2021). Việc này giúp cho Mỹ và Eurozone dễ mua bán hơn khi hàng hóa của Eurozone không quá đắt với người Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Eurozone) và cũng giúp đồng EUR cạnh tranh phần nào với các đồng tiền của Trung Quốc, Nhật hay Nga. Tuy nhiên người dân trong khu vực sẽ phải mua hàng đắt hơn cộng với tăng trưởng GDP giảm, lạm phát tăng thì họ sẽ càng nghèo đi.
Từ một góc nhìn khác thì các sản phẩm mà Eurozone xuất khẩu là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thương hiệu vững mạnh nên sức cạnh tranh của họ vẫn rất lớn trong thị trường xuất khẩu hàng hóa toàn cầu.
So với Mỹ – một nền kinh tế tăng trường thì Eurozone là một khu vực kinh tế ổn định, sức ảnh hưởng thì vô cùng lớn khi mà các thành viên đều là những nền kinh tế top đầu thế giới. Vừa hay EU lại là đồng minh lớn nhất của Mỹ nên có thể nói hai khu vực này gắn chặt với nhau và tạo một thế lực khổng lồ trong nền kinh tế thế giới. Đã là nhà đầu tư hay trader thì anh em không thể không quan tâm đến nền kinh tế anh em với Mỹ này.
Tuy nhiên anh em cũng không nên đánh đồng các chuyển động của hai thị trường này nhé, chúng ta vẫn cần xem xét các yếu tố riêng của chúng vì có là đồng minh thì mỗi quốc gia đều sẽ tính lợi cho mình trước tiên.
1.3. Nền chính trị tại Eurozone
Chính trị tại Eurozone nói riêng và Liên minh EU nói chung có thể miêu tả bằng cụm từ “phức tạp”. Các hiệp ước của Liên minh được xếp trên luật pháp các quốc gia thành viên, tuy nhiên luôn có sự xung đột trong hai hệ thống luật này.
Như hình phía trên anh em có thể thấy có rất nhiều tổ chức nhỏ trong khu vực Châu Âu, không chỉ trong Liên minh EU mà còn của Liên minh với các quốc gia khác. Điều này xuất phát từ việc các quốc gia có những yêu cầu riêng cần đáp ứng và mỗi lần như thế lại mở ra một tổ chức hay một hiệp định mới.
Nhìn chung trong khu vực Châu Âu rất ít xảy ra xung đột giữa các nước, nền chính trị tại đây khá ổn định không gây ra nhiều cú sốc cho thị trường như Mỹ, Nga hay Trung Quốc,… Chủ trương chính trị của khu vực này là ôn hòa, mở rộng hợp tác nên rất thu hút hợp tác, giao thương quốc tế.
Tuy nhiên không hẳn không có xung đột, điển hình là tổ chức NATO và Nga luôn canh chừng và chạy đua với nhau về sức ảnh hưởng, đây vẫn luôn là mối quan tâm lớn của thế giới vì hai thế lực quân sự này vẫn luôn xung đột ngầm thông qua viện trợ cho các lực lượng đối lập nhau. Kịch bản NATO và Nga trực tiếp đối đầu có thể nói là kịch bản xấu nhất cho thế giới thời hiện đại.
1.4. EUR – the Anti Dollar!
Đối với anh em trader chúng ta thì EUR hẳn không còn xa lạ, cặp EUR/USD cũng là cặp giao dịch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị trường forex.
Sở dĩ gọi EUR là the Anti Dollar bởi vì đây được xem là đồng tiền dự trữ kế tiếp mỗi khi Dollar có biến động. Muốn kiếm lợi nhà đầu tư sẽ tìm đến USD, còn muốn an toàn thì họ sẽ có xu hướng chạy sang EUR vì tính ổn định của nó.
Xem thêm: Lí do đồng Euro luôn ổn định tỷ giá?
Mỹ mong muốn biến USD thành đồng tiền của thế giới và thoải mái in tiền, tuy nhiên với qui mô và vị thế nền kinh tế của cả một liên minh thì EUR cũng có nhu cầu rất lớn trên thị trường.
Không bán hàng cho Mỹ thì bán cho Châu Âu, người Châu Âu nhập khẩu và tiêu dùng cũng rất nhiều vì sự già cỗi của lục địa này nên nhu cầu với EUR cũng rất lớn và đe dọa tới vị thế của USD.
2. Nền kinh tế Vương quốc Anh (UK)
Vương quốc Anh (UK) là một liên hiệp gồm 4 lãnh thổ là Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland. Trước kia UK từng là thành viên của EU, tuy nhiên vào năm 2020 một cuộc “ly hôn” (brexit) đã xảy ra và giờ đây UK là một nền kinh tế độc lập.
Xem thêm: Brexit là gì? Thỏa thuận Brexit đã tác động thế nào tới đồng bảng Anh?
Với vị thế là trung tâm tài chính lâu đời nhất thế giới (London) và cho đến nay vẫn là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới thì tầm quan trọng và sức ảnh hưởng cũng không kém những khu vực như USA hay Eurozone. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem nền kinh tế UK có gì thú vị nhé.
2.1. Tổng quan nền kinh tế UK
*Lưu ý: các phân tích dữ liệu chỉ có giá trị tại thời điểm dữ liệu được công bố
- Tổng diện tích: 242.495 km²
- Dân số: 67 triệu người (2019)
- Mật độ: 276,3 người/ km²
UK là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và thứ hai ở khu vực EU sau Đức với GDP 2.828 tỷ USD (2019). Nơi đây từng là cái nôi của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất sau đó lan tỏa ra toàn thế giới tạo nên một cú chuyển mình cho nền kinh tế toàn cầu.
GDP của UK đang có xu hướng giảm mạnh, điều này khiến công dân UK nghèo đi rất nhanh, đây là môt tình trạng báo động khi mà GDP 2019 tăng gần 2% thì qua năm 2020 đột ngột giảm xuống -9,4% tức thay đổi hơn 11%. Vẫn công sức đó, thậm chí hơn nhưng người dân kiếm được ít tiền hơn. Đây là tác động của các đợt bùng phát covid diện rộng để lại.
Với cơ cấu GDP thì UK tương tự EU có 70% đóng góp từ nhóm ngành dịch vụ, có thể nói đây là cách mà các nền kinh tế phát triển kiếm tiền. Họ bán chất xám thay vì tài nguyên thiên nhiên. Cũng như EU, UK là một vương quốc lâu đời, diện tích nhỏ và dần trở nên khan hiếm tài nguyên nên định hướng kinh tế dịch vụ là điều dễ hiểu.
Các đối tác thương mại chính của UK là các quốc gia thuộc Liên minh EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Anh em có thể thấy Trung Quốc luôn là đối tác lớn của các nền kinh tế giàu có nhất thế giới, khá thú vị phải không anh em. Hẹn anh em tìm hiểu về Trung Quốc ở một bài khác nhé.
Các mặt hàng xuất khẩu chính: ô tô, tuabin khí, vàng, dầu thô, thuốc đóng gói
Các mặt hàng nhập khẩu chính: vàng, ô tô, dầu thô, dầu tinh chế, thiết bị phát sóng.
Quá khứ tuy có hào hùng, thuộc địa trải dài, sở hữu nền công nghiệp mạnh mẽ trong quá khứ nhưng vì tụt hậu công nghệ và cạn kiệt tài nguyên nên bây giờ trong nền kinh tế hiện đại UK lại là khu vực thâm hụt thương mại thường niên.
Thâm hụt thương mại tại UK có xu hướng ngày càng lớn, khi mà tài nguyên đã cạn kiệt, thay đổi tỷ lệ sản xuất công nghiệp năm 2019 thậm chí còn -1,4%.
Lạm phát 2020 tăng đột ngột lên hơn 5%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2000. Lại một con số báo động nữa, khi mà người GDP suy giảm thì lạm phát lại tăng, điều này bào mòn mạnh mẽ nền kinh tế và khiến mất giá GBP (trong năm 2020 GBP/USD đã có đợt giảm giá ~15%) và ảnh hưởng nghiêm trọng lên cán cân thương mại.
Khi GBP giảm giá thì UK xuất được ít tiền mà nhập lại phải trả nhiều tiền, thì người dân sẽ mỗi lúc mỗi nghèo đi, đây là một thách thức lớn cho chính phủ trong giai đoạn sau 2020.
Nhìn vào tình hình việc làm ở UK, đây có thể chính là nguồn cơn dẫn đến lạm phát khi mà tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm và tạo đáy tại năm 2019. Chính phủ thường hi sinh lạm phát để đổi lấy việc làm hoặc ngược lại thông qua việc bơm tiền ra thị trường. Khi hạ lãi suất tiền sẽ được bơm ra và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, tạo thêm việc làm nhưng lại gây ra lạm phát.
Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp sau 2020 đang có xu hướng tăng trở lại, đây có lẽ là ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế và chính phủ phải điều tiết lại các chính sách tài chính (cuối năm 2020 GBP/USD đã tăng trở lại 17% tìm về đỉnh cũ)
Nợ công 2019 của UK là 85,4% GDP. Con số này giảm nhẹ qua các năm, nhưng GDP cũng giảm, lạm phát lại tăng dẫn đến nguồn tiền trả nợ ngày một ít, còn các khoản nợ một lúc nào đó sẽ đến hạn và chính phủ có khả năng sẽ tăng thêm nợ công để đáo hạn các khoản nợ trước.
Tuy nhiên vẫn phải xem xét thêm để biết khả năng trả nợ của UK anh em nhé, không cần phải quá bi quan khi đánh giá tín dụng của UK cũng rất tốt
Về tỷ giá hối đoái: từ 01/2022 đến tháng 05/2022
-
- GBP/USD đã giảm hơn 10% còn 1.2.
- GBP/CNY cũng giảm 6%
- GBP/EUR có vẻ ổn định với mức dao động khoảng 3%
Việc giá GBP giảm có thể giúp hàng hóa của UK trở nên hấp dẫn hơn, dễ bán hơn tuy nhiên cũng sẽ khiến UK thu được ít tiền hơn mà phải mua hàng đắt hơn. Với đặc điểm nền kinh tế ít tài nguyên có thể 2022 sẽ lại là một năm thâm hụt thương mại của UK, đặc biệt là trong thời điểm giá dầu tăng mạnh do chiến tranh như thế này!
Xem thêm: Chiến tranh dầu mỏ và khủng hoảng vàng đen – hai mặt sáng tối của dầu thô
2.2. Nền chính trị tại UK
Nền chính trị UK là chế độ quân chủ lập hiến, đã từng là nhà Vua nắm quyền lực chính nhưng bây giờ quyền lực chủ yếu nằm trong tay Thủ Tướng và Quốc hội. Hoàng gia Anh chỉ còn mang ý nghĩa tinh thần trong dân chúng tuy Nữ hoàng vẫn được công nhận là một nguyên thủ và có quyền tư vấn cho Chính phủ.
Ba đảng lớn nhất là Đảng Lao động, Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do chiếm phần lớn quyền hành trong nền chính trị vương quốc này. Vì là một liên hiệp các lãnh thổ nên vẫn luôn tồn lại mối nguy chia rẽ, điển hình là 3/4 lãnh thổ Ireland đã tách ra khỏi UK năm 1922, tuy nhiên đây là nguy cơ không lớn vì đã gần 100 năm trôi qua không có sự phân tách nào nữa.
Nhìn chung đây là một nền chính trị tương đối ổn định khi không xảy ra xung đột hay tham gia vào các cuộc chiến trên thế giới, bởi bản thân UK cũng không phải một cường quốc quân sự.
Về hệ thống luật pháp UK sử dụng hệ thống thông luật, vậy nên trong môi trường kinh tế phức tạp và độ tinh vi của các nhà kinh doanh thì các vụ kiện dưới hệ thống luật này trở nên đắt đỏ và kéo dài với phần thắng không chắc chắn.
2.3. GBP – Không dành cho trader yếu tim!
GBP là đồng tiền có lượng giao dịch lớn thứ 3 trên thị trường ngoại hối hàng ngày, với khoảng 14% thanh khoản toàn thị trường. Đây là trung tâm tài chính lâu đời và phát triển bậc nhất toàn cầu, các dịch vụ tài chính ở Anh rất tốt và chính xác, nhanh chóng với lượng tiền dồi dào đổ về đây.
GBP là đồng tiền có biên độ giao động rất mạnh trong ngày đặc biệt là phiên giao dịch London, là anh em trader chúng ta có thể tận dụng phiên giao dịch này để kiểm lợi nhuận và rút nhanh khỏi thị trường trong buổi chiều. Tuy nhiên anh em cũng cần cẩn thận với stop loss của mình. Thêm nữa giao dịch GBP khá tốn kém vì các khoản spread phải trả khá lớn.
GBP cũng là một đồng tiền dự trữ của thế giới nhằm hỗ trợ tỷ giá cho đồng nội tệ của các nước tham gia giao thương với UK nói riêng hay thế giới nói chung.
Cơ quan có tác động lớn nhất lên GBP là BoE (Bank of England), những chính sách của ngân hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đồng GBP anh em cũng cần theo dõi thêm cơ quan này nữa nhé.
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
3. Các chỉ báo theo dõi nền kinh tế Eurozone và UK
3.1. Các chỉ báo theo dõi nền kinh tế Eurozone
*Lưu ý: Sự so sánh các căp chỉ số dưới đây sẽ không thể có tương quan 100% vì nền kinh tế được cấu thành từ nhiều yếu tố, anh em cần kết hợp các chỉ số có cái nhìn bao quát nền kinh tế.
Tương tự như nền kinh tế Mỹ các chỉ báo để theo dõi sớm các biến động ở thị trường này thường có như các chỉ số chứng khoán, GDP, số liệu việc làm, lãi suất,… ngoài ra, với đặc điểm là một liên minh anh em cũng cần xem xét thêm một số dữ liệu sau:
- Tình hình kinh tế Đức, Pháp: đây là hai nền kinh tế lớn nhất liên minh nên sức khỏe hai nền kinh tế này cũng tương đồng với sức khỏe nền kinh tế cả liên minh.
Trên hình anh em có thể thấy mỗi khi lạm phát ở Đức giảm thì đồng EUR tăng giá (EUR/USD tăng giá), và ngược lại. Tuy nhiên mức độ tương quan này không thể là 100% vì trong nền kinh tế Eurozone vẫn còn nhiều nền kinh tế nữa, hơn nữa ảnh hưởng lên cặp EUR/USD còn có các dữ liệu kinh tế Mỹ. Ví dụ lạm phát ở Đức hay Pháp giảm làm EUR tăng giá nhưng lạm phát ở Mỹ giảm hơn và GDP Mỹ tăng cao hơn thì USD vẫn sẽ được quan tâm hơn EUR khiến EUR/USD giảm.
- Tin tức về nền kinh tế Mỹ: Mỹ và EU là đồng minh toàn diện nên kinh tế Mỹ cũng ảnh hưởng rất nhiều lên khu vực EU, hơn nữa vì EUR là đồng tiền dự trữ sau USD nên việc nếu lãi suất ở Mỹ cao hơn thì các nhà đầu tư sẽ có xu hướng rời EUR sang USD và ngược lại.
Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1998 đến 2008, đây là giai đoạn mà tương quan giữa lãi suất ở Mỹ và cặp tỷ giá EUR/USD thể hiện rõ nhất. Mỗi lần lãi suất ở Mỹ tăng làm cho USD trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư hơn EUR và làm cho EUR/USD giảm và ngược lại.
- Các chính sách của ECB: đây là ngân hàng chung của Eurozone, mỗi chính sách đưa ra đều ảnh hưởng trực tiếp lên EUR, thậm chí còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Anh em cần theo dõi những chính sách này để bắt kịp các biến động.
Khoảng thời gian hơn 20 năm từ 2000 đến nay, cặp tiền EUR/USD có tương quan khá tốt với lãi suất của khu vực EU. Mỗi lần ECB tăng lãi suất khiến EUR trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư làm cho cặp EUR/USD tăng giá và ngược lại mỗi khi ECB giảm lãi suất thì EUR/USD cũng giảm theo. Tuy nhiên mức độ nhanh hay chậm độ trễ như thế nào trong tương quan các chỉ số này thì còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế lúc đó, anh em không nên coi đây như là công thức tuyệt đối.
3.2. Các chỉ số để theo dõi nền kinh tế UK
Tương tự như nền kinh tế Mỹ hay Eurozone. UK là một nền kinh tế phụ thuộc cao vào dịch vụ nên các chỉ báo để theo dõi nền kinh tế này cũng tương tự là các chỉ số chứng khoán, lạm phát, GDP, số liệu việc làm, lãi suất,…. đây là những chỉ báo đặc biệt nhạy cảm với nền kinh tế UK.
Tuy nhiên vì đặc điểm thương mại là chủ yếu của mình, với các đối tác lớn nhất là Mỹ, EU và Trung Quốc thì anh em cũng cần theo dõi thêm các nền kinh tế bạn hàng này. Bất kỳ một thay đổi nào trong kinh tế của các bạn hàng đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến UK, Nhất là Mỹ và EU vì đây là ba khu vực liên kết nhiều mặt từ quân sự, chính trị cho tới kinh tế tài chính.
BoE cũng là một cơ quan anh em cần lưu ý như mình đã nói ở trên.
4. Kết luận
Trong bài viết trên là những kiến thức cơ bản về nền kinh tế của hai khu vực kinh tế hàng đầu thế giới tại châu Âu, luôn có ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên để có thể kiếm được lợi nhuận và biến trading thành nghề anh em cần phân tích sâu hơn nữa thông qua những gợi ý phía trên, kết hợp thêm nhiều yếu tố để có những nhận định riêng của mình, đừng quên cả quản lý vốn anh em nhé.
Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho anh em những kiến thức hữu ích cho công việc đầu tư, giao dịch của anh em.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ