Mỹ là một quốc gia quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, là một nền kinh tế top đầu mọi quyết sách của Mỹ đề là chủ đề được các nhà đầu tư trên toàn thế giới quan tâm và theo dõi sát sao. Việc thấu hiểu nền kinh tế này sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho các nhà giao dịch như anh em chúng ta, trong bài viết hôm nay hãy cùng mình đọc vị nền kinh tế Mỹ nhé.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Tổng quan nền kinh tế Mỹ
Mỹ hay Hoa Kỳ là một quốc gia chắc hẳn không xa lạ với anh em, nhất là anh em trader chúng ta đã quá quen với USD. Nền kinh tế Mỹ luôn nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ cũng luôn là cái nôi của những phát minh về khoa học công nghệ.
Dân số Mỹ với hơn 331 triệu dân là quốc gia đông dân thứ 3 thế giới. Tuy nhiên đây là nguồn lao động có thể nói là trình độ cao nhất thế giới, giá thuê là vô cùng đắt. Các nhà đầu tư thường ưu tiên đầu tư vào Mỹ ở những lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp/nông nghiệp công nghệ cao,… những ngành nghề đòi hỏi trí tuệ rất nhiều.
Nền kinh tế Mỹ được cho là hết sức cởi mở và minh bạch – nơi mà tổng thống phải hầu tòa vì nghi vấn trốn thuế, đây luôn là thiên đường khởi nghiệp cho các doanh nhân trẻ, nơi đầu tư ưu thích của các nhà đầu tư công nghệ và là thị trường xuất khẩu mơ ước của các quốc gia sản xuất, vì người Mỹ tiêu thụ rất nhiều và thường xuyên, với Mỹ luôn là những bản hợp đồng lớn và lâu dài.
Lãnh thổ Mỹ rộng lớn với 50 bang (+ một đặc khu liên bang) và diện tích lên tới hơn 9.8 triệu km², trong đó diện tích đất chiếm hơn 95%. Quốc gia này nằm ngay giữa châu Mỹ, với tên gọi “hợp chủng quốc”, tuy nhiên chủ yếu dân số ở đây là người da trắng. Theo thống kê 2020, có tới 61% dân số là người da trắng và 65% dân số theo đạo Cơ đốc.
Mỹ là một quốc gia đa đảng với hai đảng lớn nhất là Cộng hòa và Dân chủ thay nhau nắm quyền qua các nhiệm kỳ tổng thống, việc đảng nào nắm quyền điều hành đất nước thì sẽ ảnh hưởng lên nền kinh tế Mỹ theo những cách của đảng đó, đây là một điều mà các nhà đầu tư rất quan tâm và họ luôn chi tiền ủng hộ những chính trị gia có tư tưởng phù hợp với, có lợi cho công việc kinh doanh của họ.
Sở giao dịch New York của Mỹ cũng là sở giao dịch lớn nhất thế giới, trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay mỗi biến động ở nền kinh tế Mỹ thì đều ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế, tài chính toàn thế giới. Vậy nên anh em trader chúng ta tất nhiên là phải lưu tâm thị trường này rồi.
2. Các chỉ số kinh tế vĩ mô
* Lưu ý: vì có thời điểm công bố khác nhau nên trong bài này các chỉ số thống kê có thể chứa dữ liệu từ các năm khác nhau. Các nguồn khác nhau cũng có thể cho dữ liệu khác nhau.
2.1. GDP (sức mua tương đương)
Với GDP lên tới 22.675 nghìn tỷ USD (2021) nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế có tổng thu nhập lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc tính theo sức mua tương đương (PPP). Đây là lượng thu nhập khổng lồ nếu đem so với Việt Nam chúng ta chỉ xấp xỉ 1000 tỷ USD (theo IMF, 2021).
* Thường GDP theo tỷ giá hối đoái được chia cho đồng USD nên ở bài này chúng ta sẽ không nhắc đến GDP theo tỷ giá anh em nhé.
Với lượng thu nhập khổng lồ đó đem chia ra thì GDP – bình quân đầu người ở Mỹ là 68.309 xếp thứ 7 thế giới (2021). Điều này giúp đem lại cho người Mỹ cuộc sống đầy đủ và tạo điều kiện cho chính phủ phát triển nhiều mặt nữa của xã hội.
- Tăng trường GDP
Năm 2020 là năm đại dịch, lockdown toàn thế giới nên GDP của Mỹ -3.4 %, điều này thì khá dễ hiểu. Tuy nhiên trở lại với 2021 hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều phục hồi mạnh mẽ, theo cục thống kê kinh tế Hoa Kỳ nền kinh tễ Mỹ cũng tăng trưởng 6.9%.
Mức tăng 6.9% là một mức tăng ấn tượng đối với các nền kinh tế đã phát triển, thậm chỉ kể cả những nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên anh em cần xem xét kỹ mục này, vì nó tăng lên từ -3.4% tức là nó chỉ tăng trưởng 3.5% (chưa điều chỉnh) so với 2019, nhìn lại thì cũng không ấn tượng lắm phải không anh em.
2.2. Cơ cấu GDP
Cơ cấu GDP này sẽ giúp anh em nhìn rõ nguồn thu nhập trong nền kinh tế Mỹ chủ yếu đền từ đâu, chúng ta cùng xem xét một số phân loại nhé.
* Lưu ý: Cộng tổng các phân loại trong Cơ cấu GDP anh em sẽ đc 100%
- GDP – theo thành phần
Chi tiêu chính phủ: 17.3%
Chi tiêu hộ gia đình: 68.4%
Thống kê trên anh em có thể nhìn rõ, chi tiêu/ tiêu dùng của chính phủ chiếm tỷ trọng khá thấp trong tổng GDP, tuy nhiên là khá thấp của Mỹ anh em nhé, 17.3% của hơn 22.675 nghìn tỷ là khoảng 3922 tỷ USD, con số này thậm chí còn gấp gần 10 lần GDP của Việt Nam cơ. Số tiền này sẽ được tài trợ cho các khoản chi của chính phủ hàng năm để hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Ngược lại thì tỷ lệ chi tiêu/ tiêu dùng của các hộ gia đình Mỹ lại chiếm tới 68.4%, con số này cho thấy người dân Mỹ tiêu dùng rất mạnh lên tới hàng chục nghìn tỷ USD. Đây chính là thị trường mơ ước của các nhà xuất khẩu, các công ty bán lẻ.
- Xuất khẩu – nhập khẩu: 12.1% – 15% = -2.9%
Về xuất nhập khẩu thì cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt tới 2.9%, nó nói lên rằng Mỹ nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu, chứng tỏ sản xuất trong nước không đủ phục vụ nhu cầu nội địa. Tuy nhiên chỉ 2.9% không thể làm khó Mỹ nếu có những biến động như mất nguồn hay biến động tỷ giá ( nếu cặp tỷ giá USD/ XXX giảm sẽ làm việc nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, và ngược lại)
- GDP – theo mục đích sử dụng
Các loại tài sản cố định thường thấy như đường xá, máy móc sản xuất, phương tiện,… việc chi tiền đầu tư vào nguồn này giúp đảm bảo năng lực sản xuất, vận tải,… của nền kinh tế Mỹ, để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và các đơn đặt hàng ngoài nước. Cơ sở hạ tầng của Mỹ thuộc hàng top thế giới với những quy hoạch rõ ràng từng khu vực theo từng mục đích, hệ thống đường cao tốc hiện đại, máy móc và những phương tiện sản xuất tiên tiến, công suất cao,….
Việc hàng tồn kho của Mỹ chỉ chiếm 0.1% GDP tức là hàng hóa sản xuất ra bán hết tới 99,9%. Anh em cũng thấy từ phân loại GDP – theo thành phần thậm chí Mỹ còn phải đi nhập thêm tới mức thâm hụt thương mại (2.9%) để đáp ứng nhu cầu trong nước. Lại môt lần nữa người Mỹ tiêu dùng rất nhiều!
- GDP – cơ cấu theo ngành
Phân loại này sẽ giúp anh em nhận ra là quốc gia này liệu đang “múc dầu bán” hay dùng trí thông minh kiếm tiền.
Việc nhóm ngành dịch vụ đóng góp tới 80% GDP có thể thấy người Mỹ kinh doanh chủ yếu từ chất xám của họ hay những ngành nghề không bào mòn tự nhiên. Điều này rất quan trọng anh em nhé, lãnh thổ Mỹ rất lớn và việc nhiều tài nguyên là hiển nhiên, kể cả là đất trơn thôi thì cũng có thể canh tác lương thực – đây là tiền. Dự trữ tài nguyên mà vẫn kiếm được tiền tức là Mỹ sẽ ngày càng giàu lên. Khi thị trường thiếu cung như trong chiến tranh Mỹ vẫn còn đầy một bầu gạo trong góc nhà.
2.3. Điểm Chỉ số Dễ Kinh doanh
Ở chỉ số này nền kinh tế Mỹ xếp thứ 6 trên thế giới với hơn 85 điểm. Đây là một sự tụt hạng, nếu quay lại 2006 thì Mỹ là quốc gia xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên số điểm này chỉ ra rằng kinh doanh ở Mỹ vẫn là rất dễ, được bảo hộ rõ ràng, luật pháp và các thủ tục minh bạch, nhanh chóng.
Đây là điều kiện tốt để thu hút đầu tư vào Mỹ, tuy nhiên nếu kết hợp với chỉ số GDP đầu người của Mỹ anh em sẽ thấy là cũng không hấp dẫn lắm nếu phải trả hơn 68.000$ cho một người để sản xuất cùng một mặt hàng thay vì chỉ 3700$ như ở Việt Nam. Vậy nên khi phân tích anh em hay kết hợp cả các chỉ số với nhau nữa nhé.
2.4. Dân số dưới mức nghèo khổ (%)
Là một nền kinh tế hàng đầu tỷ lệ dân số sống dưới mức 1.9$ mỗi ngày của Mỹ chỉ xấp xỉ 1% (2019). Đây là một con số cực kỳ ấn tượng, nó sẽ giúp giảm thiểu các tệ nạn xã hội, chính phủ sẽ chỉ phải chi một phần rất nhỏ để hỗ trợ nhóm đối tượng này và sẽ có nhiều tiền để đầu tư phát triển đất nước.
Nền kinh tế liên tục tăng trưởng và tỷ lệ nghèo đói luôn giảm hoặc khống chế ở mức thấp sẽ giúp guồng quay kinh tế trơn tru và càng lớn mạnh theo thời gian như “hiệu ứng hòn tuyết lăn – càng lăn càng lớn”.
2.4. Lực lượng lao động
Với nền kinh tế Mỹ những người có khả năng lao động nằm trong độ tuổi 15-64 chiếm khoảng 65% dân số (2021), với dân số trên 331 triệu thì Mỹ có khoảng hơn 215 triệu người có khả năng lao động. Đây là nguồn nhân lực dồi dào và nhóm trực tiếp tạo ra phần lớn GDP cho nền kinh tế này.
Độ tuổi trung bình của người dân Mỹ là 38,5 tuổi, kết hợp với 65% dân số trong độ tuổi lao động thì anh em có thể tưởng tượng rằng nếu loại bỏ hết các yếu tố khác thì thêm 26 năm nữa vẫn là những năm mà nền kinh tế Mỹ có đủ nguồn nhân lực để phục vụ cho nhu cầu kinh tế của họ.
Về phân bố dân số thì có tới 83% dân số tập trung tại đô thị, thêm việc Mỹ có diện tích đất đai vô cùng lớn thì tỷ lệ tập trung cao tại thành phố sẽ giúp Mỹ có nhiều đất đai hơn để sản xuất, anh em có thể thấy Mỹ có những nông trường rất lớn, canh tác công nghệ cao bằng máy móc hiện đại cho ra năng suất rất cao.
- Lực lượng lao động – theo ngành nghề
Việc đọc thống kê lao động theo ngành nghề sẽ giúp anh em chúng ta nhìn thấy ngành nghề nào nhiều lao động, việc đầu tư vào các ngành này sẽ không lo thiếu nhân lực. So sánh thêm chỉ sổ này với tỷ trọng GDP mà ngành nghề đó đóng góp sẽ cho chúng ta thấy hiệu suất lao động của họ hay các lợi thế hoặc bất lợi của họ trong ngành nghề đó.
Như anh em thấy ở hình trên, nền kinh tế Mỹ có lực lượng lao động tập trung cao nhất ở nhóm dịch vụ, quản lý, công nghiệp, công nghệ. Các nhóm tập trung ít lao động nhất là nông lâm ngư nghiệp. Cơ cấu này khá tương đồng với câu cấu GDP theo nhóm ngành. Có thể thấy tuy đất đai rộng lớn nhưng người Mỹ không mấy chú trọng vào nông nghiệp. Như vậy an ninh lương thực của Mỹ có thể sẽ bị đe dọa nếu chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
2.6. Tỷ lệ thất nghiệp (%)
Biểu đồ trên cho thấy từ 2010 tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ giảm liên tục tới đầu năm 2019 (<4%). Sau đó đồ thị nhảy dốc lên 8% tức tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi trong một năm, con số này là đáng báo động khi mà các khoản chi hỗ trợ an sinh xã hội sẽ phải tăng rất nhiều. Tuy nhiên nếu xét đến nguyên nhân thì khoảng thời gian đó là năm đại dịch, lockdown toàn cầu.
Sau 2020, đây cũng là khoảng thời gian dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5,4%, vậy chúng ta có thể nhận định nền kinh tế đã phục hồi, các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất, chính phủ Mỹ đang làm chính sách rất tốt, sắp tới các khoản chi sẽ giảm đi, nền kinh tế có thể sẽ lại khởi sắc.
2.7. Phân phối thu nhập hộ gia đình hoặc tiêu dùng theo tỷ lệ phần trăm
Đây là chỉ số thể hiện sự phân hóa giàu nghèo của Mỹ, nó sẽ chỉ cho chúng ta 10% hoặc 20% dân số kiếm được nhiều nhất hoặc ít nhất. Đối với các nhà kinh doanh họ sẽ biết rằng nhóm khách hàng mà mình nhắm tới có đủ khả năng chi trả cho sản phẩm của họ hay không. Chỉ số này cũng giúp các nhà hoạch định chính sách đề ra các chính sách phù hợp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
- 10% dân số kiếm được nhiều nhất
Từ suốt 2010 đến 2018, 10% số người kiếm được nhiều nhất liên tục tăng thu nhập của họ từ 29,3% lên tới 30,7%, điều này chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ đã làm không tốt về mặt này. Trong khi trước đó, từ 2006 đến 2010 chỉ số này đã giảm rất mạnh, khiến cho thu nhập được phân bố xuống các nhóm nghèo nhất được nhiều hơn, giúp chính phủ phải chi ít hơn cho an sinh xã hội, có nhiều tiền để tài trợ các vấn đề cấp thiết khác.
- 10% dân số kiếm được ít nhất
10% những người kiếm được ít nhất chỉ kiếm được ~1,8% tổng GDP. Đây có thể xem là con số tệ hại. với hơn 22,657 nghìn tỷ USD và hơn 331 triệu dân. Làm một phép tính nhanh anh em có thể tính ra 31 triệu dân chỉ nhận được 408 tỷ USD → ~1000$/người/ tháng. Đây là con số chỉ bằng ~20% thu nhập trung bình ở Mỹ.
Nhìn biểu đồ 10% dân số kiếm được nhiều nhất anh em sẽ thấy giai đoạn thu nhập nhóm cao nhất giảm mạnh thì thu nhập nhóm thấp nhất chỉ tăng nhẹ. Như vậy thu nhập chảy vào nhóm ở giữa. Lại một lần nữa chính sách không tốt, khi mà nhóm nghèo đói nhất hầu như qua hàng chục năm không được cải thiện cuộc sống. Đây chính là nguồn cơn của bất ổn chính trị, tệ nạn xã hội.
2.8. Phân phối thu nhập gia đình – Chỉ số Gini
Thêm một chỉ số phân hóa giàu nghèo nữa để anh em chúng ta theo dõi nhé.
Chỉ số này cho thấy sự tương đồng trong khoảng thời gian 2006 đến 2010 và 2010 về sau với biểu đồ 10% những người kiếm được nhiều nhất. Chỉ số này chạy từ 0-100, tuy chỉ 41.5 điểm Gini nhưng kết hợp với hai đồ thị phía trên anh em có thể thấy mực dộ phân hóa giàu nghèo ở đây là không nhỏ
Với chỉ số này Đan Mạch là quốc gia mà khoảng cách giàu nghèo là thấp nhất chỉ 24,7%. Đây luôn là thiên đường cho những người lao động, tuy nhiên lại không phải nơi mà các nhà kinh doanh muốn đầu tư, vì thu nhập của họ sẽ không được giữ lại nhiều mà bị chính phủ tìm cách luân chuyển xuống dưới.
Anh em hãy nhìn vào phần Nam Mỹ và Nam Phi, là những nơi thu nhập bất bình đẳng nhất, tình hình chung anh em cũng biết những quốc gia này nổi tiếng với đói nghèo, tệ nạn xã hội tràn lan, hạ tầng tồi tàn và tội phạm hoành hành khắp nơi.
2.9. Ngân sách
Ngân sách này là nguồn thu của chính phủ Mỹ (2017) nhằm mục đích tài trợ cho các chương trình của chính phủ, tình hình ngân sách của Mỹ hay hầu hết các chính phủ nói chung thì đều thu không đủ chi, tình hình ngân sách cụ thể của Mỹ năm 2017 như sau:
Thu: 3,315 nghìn tỷ USD
Chi: 3,981 nghìn tỷ USD
Như anh em thấy là bị thâm hụt, nguyên nhân có thể kể đến rất nhiều như lách thuế, trì hoãn thuế, tham nhũng, sử dụng ngân sách không hiệu quả,… Để tài trợ cho các khoản thâm hụt này thì giải pháp sẽ là đi vay (trong, ngoài nước) dẫn tới nợ công ngày một lớn. Tuy nhiên xem xét thêm yếu tố này nữa nhé
- Thuế và các khoản thu khác: 17% GDP (GDP 2017 là hơn 19 nghìn tỷ USD)
Vậy với 17% GDP là ~3,2 nghìn tỷ. Vậy gần như toàn bộ nguồn thu ngân sách của Mỹ đến từ việc thu thuế, có thể nói chính phủ gần như không sở hữu các hoạt động kinh doanh, nên phải đi vay để tài trợ cho khoản chi lên tới 3,98 nghìn tỷ tức vay khoảng hơn 700tỷ USD trong năm 2017. Số nợ này thường là dài hạn và tích lũy lại qua các năm thành một khoản khổng lồ, có rất nhiều quốc gia đã vỡ nợ và đồng nội tệ gần như trở thành vô giá, đây chính là cơ hội short rất đẹp cho anh em.
2.10. Nợ công
Theo IMF nợ công của Mỹ đến nay đã vượt hơn 100% GDP vì các khoản trợ cấp trong đại dịch, trong tình hình GDP giảm và nợ công tăng mạnh sẽ rất dễ dẫn đến vỡ nợ. Tuy nhiên đặc điểm của khoản nợ này thường là rất lâu nên chính phủ Mỹ vẫn có thể xoay xở với nền kinh tế Mỹ trong tương lai để có thể trả các khoản nợ.
Anh em còn nhớ các phân tích ở mục cơ cấu GDP theo ngành chứ, Mỹ vẫn còn rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác, có thể khai thác để trả nợ bất cứ lúc nào nền kinh tế nguy cấp.
2.11. Tỷ lệ lạm phát (%)
Lạm phát là chủ đề được nhắc rất nhiều trong các thông tin kinh tế, luôn là chỉ số được quan tâm hàng đầu bởi mọi đối tượng chứ không chỉ các nhà đầu tư hay các nhà hoạch định chính sách vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của mỗi người chúng ta.
Phí trên hình anh em có thể thấy Mỹ kiểm soát lạm phát khá tốt, kể cả trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008 hay 2011. Như vậy người dân Mỹ có thể tiêu khá thoải mái mà không lo đến giá cả qua các năm. Hơn nữa lạm phát ổn định cũng giúp Mỹ nhập khẩu ổn định không bị đắt quá hay rẻ quá. Điều này vô cùng có lợi cho nền kinh tế Mỹ, mỗi chỉ số vĩ mô như thế này ổn định là lại giảm bớt một phần gánh nặng cho chính phủ và hỗ trợ cho các mặt khác của nền kinh tế.
Xem thêm: Lạm phát là gì? Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kì lạm phát?
2.12. Xếp hạng tín dụng
Đây là xếp hạng mà các công ty nghiên cứu thị trường đánh giá nền kinh tế Mỹ, khả năng vỡ nợ hay mức độ an toàn khi cho nước Mỹ vay nợ.
Ở bảng trên anh em có thể thấy Mỹ đã đạt xếp hạng cao nhất của cả 4 tổ chức đánh giá rồi, gần như là an toàn tuyệt đối khi cho nước Mỹ vay nợ. Nhờ vậy mà trái phiếu Mỹ bán rất chạy trên thị trường và nước Mỹ vay nợ rất dễ để tài trợ cho nền kinh tế và các vấn đề của họ.
2.13. Các ngành nghề chính
Nền kinh tế Mỹ có tính đa dạng cao, là một trong những nền kinh tế dẫn đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ, dịch vụ và công nghiệp.
- Về công nghệ: Mỹ nổi tiếng với thung lũng Silicon, được coi là cái nôi của những phát minh công nghệ trên thế giới. Mỹ cũng sở hữu các công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Facebook, Apple, Amazon, Microsoft,… hàng năm đều đem lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế.
- Dịch vụ và công nghiệp: đây là hai nhóm ngành đóng góp nhiều nhất vào GDP của Mỹ, đất nước này sở hữu các công ty khổng lồ như Boeing, American Airlines,…
Những ngành nghề này với trình độ cao của người Mỹ giúp họ kiếm bộn tiền mà vẫn bảo toàn tốt môi trường tự nhiên, đảm bảo cho người dân một môi trường sống tốt, và tiết kiệm rất nhiều tiền cho chính phủ khi mà các vấn đề sức khỏe, môi trường không phát sinh nhiều.
2.14. Tình hình xuất nhập khẩu
Mỹ nổi tiếng là quốc gia có lượng thâm hụt thương mại rất lớn tính theo số tuyệt đối lên tới hàng trăm tỷ USD, hầu như tất cả các năm đều thâm hụt. Tuy nhiên so với GDP của Mỹ chỉ là vài % nên việc này có thể nói là không đáng lo ngại. Hơn nữa đồng dollar Mỹ là đồng tiền khá đặc biệt, niềm tin vào nền kinh tế Mỹ khiến nhu cầu USD rất cao và chính phủ Mỹ luôn có thể in tiền để bù đắp các khoản chi tiêu, dĩ nhiên là in trong kiểm soát anh em nhé.
- Các mặt hàng xuất khẩu và đối tác chính.
Trong thương mại quốc tế thì biến động kinh tế của các nước bạn hàng lớn nhất cũng sẽ ảnh hưởng tới Mỹ, anh em cũng cần xem xét khoản này nhé.
Các mặt hàng xuất khẩu chính là xăng dầu tinh luyện, dầu thô, ô tô và phụ tùng xe, mạch tích hợp, máy bay.
- Các mặt hàng nhập khẩu và đối tác chính
Các mặt hàng nhập khẩu chính là ô tô, xăng dầu thô, máy vi tính, thiết bị phát thanh truyền hình, thuốc đóng gói.
Dựa theo hai biểu đồ trên anh em có thể thấy Mỹ có thâm hụt với Trung Quốc là lớn nhất lên tới 11%, đây là lý do cho cuộc chiến thương mại gây chú ý toàn cầu dưới thời tổng thống Donal Trump.
Xem thêm: Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung, một cuộc chiến dai dẳng mới
2.15. Tỷ giá hối đoái
Mình và anh em sẽ cùng phân tích một chút về những tác động của tỷ giá qua cặp tỷ giá USD/CNY = 6.7 nhé. Việc giá 1USD có thể đổi ra gần 7CNY sẽ giúp cho Trung Quốc dễ dàng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ vì lúc này tiền Trung Quốc đang rẻ hơn. Còn Mỹ khi bán hàng sang Trung Quốc sẽ thu về được ít tiền hơn. Điều này rõ ràng là gây thâm hụt thương mại cho Mỹ, đã từng có thời điểm Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá (USD/CNY >7) và đánh thuế rất nặng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trên thị trường USD là đồng tiền chính được giao dịch nhiều nhất,một số cặp tỷ giá chính với USD có thể kể tới như EUR/USD, GBP/USD, USD/JPY, USD/CHF,… đây là những cặp tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường Forex. Khi giao dịch những cặp này anh em sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá tiền nhờ spread thấp đấy.
Các cặp tiền kể trên thường biến động mạnh từ cuối phiên Á, đầu phiên Âu cho tới giữa phiên Mỹ. Đây là thời điểm mà anh em có thể lên thị trường để tìm kiếm những cú trade nhanh chóng trong ngày.
3. Nền chính trị Mỹ
Một số tính từ có thể miêu tả nền chính trị Mỹ là dân chủ, đa đảng, ổn định, hùng mạnh. Đây là quốc gia rất dân chủ khi mà mọi vấn đề đều được công khai cho dân chúng biết, tổng thống có thể bị kiện và phanh phui các bê bối nếu có. Hai đảng luân phiên nhau lãnh đạo nước Mỹ là đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ.
Mỹ có quan hệ chính trị với rất nhiều quốc gia và khu vực, liên tục tìm cách ảnh hưởng lên các khu vực trọng yếu của thế giới như Châu Âu, Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông,… có thể nói là gần như toàn cầu.
Với vị thế là nền kinh tế hàng top thế giới, lực lượng quân sự hùng mạnh, kể từ sau khi độc lập khỏi Anh nước Mỹ chưa từng bị xâm lược, như vậy việc kinh doanh ở Mỹ có thể nói là khá an toàn cho cơ sở vật chất và tài sản của các doanh nhân. Thậm chí trong chiến tranh như thế chiến I, nước Mỹ còn là nhà cung cấp chính cho các mặt hàng như nhu yếu phẩm, vũ khí,….
Ở vị thế lớn và việc can thiệp vào nhiều khu vực trên thế giới cũng khiến Mỹ trở thành kẻ thù của nhiều tổ chức khủng bố. Chắc hẳn anh em đã nghe nhiều về các vụ đặt bom, xả súng,… tuy nhiên tỷ lệ này có thể nói là rất nhỏ và tình hình an ninh của Mỹ nói chung là rất tốt so với các quốc gia đang phát triển hay nghèo đói.
Nhiệm kỳ tổng thống của Mỹ là 5 năm sau đó là bầu cử. Kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên nền kinh tế, nếu một đảng thắng cử nhiều nhiệm kỳ liên tiếp thì các biến động sẽ xảy ra nhỏ và nền kinh tế khả năng cao sẽ tiếp tục vận động theo xu hướng hiện tại.
4. USD – đồng tiền bá chủ
Là trader thì hẳn anh em đã quá quen thuộc với USD, ở mục này chúng ta sẽ cùng xem xét vị thế của USD trên thị trường quốc tế xem thế nào nhé.
- Là đồng tiền mua bán, dữ trữ của toàn thế giới
USD là đồng tiền được tin tưởng vì sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Các nước khác mua USD để thêm vào quỹ dự trữ của mình bên cạnh những đồng tiền khác, nhằm trợ giá cho đồng nội tệ hoặc để thanh toán các khoản mua bán trong thương mại quốc tế vì nước nào cũng sở hữu USD và chỉ chấp nhận USD làm tiền thanh toán.
- Mua dầu bằng USD và in tiền thoải mái!
Các quốc gia nhiều dầu mỏ thường là những nơi xảy ra chiến tranh để giành nguồn vàng đen này. Mỹ tới và nói “hãy bán dầu bằng USD của chúng tôi và các ông sẽ được bảo kê bởi Mỹ”, thế là Petrodollar được hình thành, kể từ đây nhu cầu với đồng USD liên tục tăng cao giúp Mỹ chỉ việc in tiền và đổi lấy của cải cho mình, trong bối cảnh nhu cầu với đồng USD cao thì việc in tiền của Mỹ sẽ kiềm hãm giảm phát hóa ra lại thành có lợi.
Chỉ cần Mỹ còn giữ được vị thế của mình trên trường quốc tế thì Petrodollar vẫn được đảm bảo và Mỹ vẫn có thể in tiền đổi thóc, tuy nhiên hệ thống này đang bị thách thức và dần thu hẹp thị phần trước sự nổi lên của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga với nền kinh tế và quân sự sánh ngang Mỹ, thậm chí vượt trội hơn ở một số mặt.
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
5. Các chỉ báo để theo dõi nền kinh tế Mỹ
Để theo dõi một nền kinh tế cách nhanh nhất là thông qua các chỉ số thống kê, mình sẽ giới thiệu tới anh em một số chỉ báo nhanh nhạy và được coi là tác động nhanh nhất đến nền kinh tế.
*Lưu ý: các giao động trong các ví dụ dưới đây mang tính nguyên lý, tuy nhiên không thể hoàn hảo 100% anh em cần kết hợp thêm các phân tích để nhận diện rõ bối cảnh kinh tế
- Các nhóm chỉ số tài chính như Dow, S&P500, DXY...: Đây là nhóm phản ứng nhanh nhất với thị trường, thậm chí còn phản ứng trước thị trường vì các cá mập và lợi thế nguồn tin họ luôn hành động trước, với quy mô vị thế của họ khi chúng ta quan sát thấy nhóm các chỉ số này biến động mạnh chứng tỏ sắp có sự biến động mạnh trong nền kinh tế thực.
Như hình trên anh em có thể thấy chỉ số S&P 500 (500 công ty lớn nhất NYSE) đã tạo phân kỳ với chỉ báo RSI từ tháng 05/2007 (trên khung thời gian 1W) và phá vỡ vùng hỗ trợ một cách mạnh mẽ vào tháng 01/2008. Mãi sau đó ngày thứ 2 đen tối mới thực sự xảy ra vào 06/10/2008 và hàng loạt các ngân hàng lớn thi nhau phá sản, nhiều thị trường ngừng giao dịch. Với trader tinh ý anh em hoàn toàn có thể thực hiện một giao dịch bán khống và thu về hàng trăm % lợi nhuận.
Sau đó hơn một năm, một lần nữa S&P 500 phá vỡ đáy thất bại và hội tụ với RSI tạo cơ hội cho các trader bắt trọn con sóng tăng của nền kinh tế 10 năm sau đó.
- Lãi suất: đây là một công cụ điều tiết thị trường rất mạnh của FED, việc FED tăng hay giảm lãi suất thì luôn ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu thông qua vị thế của đồng USD.
Xem thêm: Đừng cố chống lại thị trường, đừng cố chống lại FED
Các biến động của chỉ số DXY gần như tương đồng với lãi suất của đồng USD, khi lãi suất tăng nhìn chung USD có xu hướng tăng và ngược lại. Khi lãi suất tăng các nhà đầu tư có xu hướng mua vào USD để hưởng lợi nhuận cao hơn so với các đồng tiền khác, và anh em trader chúng ta hoàn toàn cũng có thể tận dụng các quy luật này để kiếm lợi nhuận.
- Số liệu việc làm: Số liệu việc làm cho thấy nền kinh tế đang mở rộng hay thu hẹp, tăng trưởng hay suy thoái. Thêm nữa khi số lượng thất nghiệp gia tăng là chính phủ phải gia tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, một nền kinh tế thất nghiệp cao thì không thể là một nền kinh tế phát triển được anh em ạ.
Anh em có thể quan sát thấy khi tỷ lệ thất nghiệp giảm chứng tỏ một nền kinh tế mạnh, của cải được tạo ra nhiều hơn thì USD có xu hướng tăng và ngược lại. Tuy nhiên các biến động không thể hoàn hảo 100% vì giá USD còn bị tác động bởi nhiều yếu tố cần được kết hợp lại để cho ra bức tranh tổng thể về nền kinh tế.
- Lạm phát: Đây là chỉ số ảnh hưởng trực tiếp lên túi tiền người dân Mỹ, nếu thu nhập không theo kịp lạm phát thì việc vỡ nợ là đương nhiên, đây cũng là một chỉ báo rất nhạy, được nhắc đến rất nhiều và tác động rất mạnh lên thị trường cũng như vị thế của USD.
Trong lịch sử mỗi lần lạm phát giảm thì USD có xu hướng tăng và ngược lại, anh em hoàn toàn có thể dùng chỉ báo này để củng cố các nhận định và tăng xác suất thắng cho giao dịch của mình.
Các chỉ số phía trên có thể nhanh nhạy nhưng các chỉ số khác trong hồ sơ kinh tế Mỹ cũng rất quan trọng anh em nhé, nó sẽ giúp anh em hiểu được nguyên nhân và đưa ra các dự báo sớm, chắc chắn hơn.
6. Kết luận
Nền kinh tế Mỹ luôn là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, mọi biến động ở đây đều được mọi nhà đầu tư quan tâm, nếu muốn kiếm lợi nhuận anh em chúng ta cũng không nên chống lại xu thế của thị trường.
Việc nghiên cứu hồ sơ kinh tế của một quốc gia sẽ giúp anh em nắm bắt được những đặc tính của nền kinh tế đó, tuy nhiên không chỉ đọc mà anh em còn cần nghiền ngẫm và kết hợp các chỉ số với nhau để đưa ra những nhận định chính xác nhất. Theo sát thị trường, liên tục cập nhật kiến thức và rèn luyện khả năng phân tích dù là cơ bản hay kỹ thuật để sống với nghề anh em nhé.
Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho anh em một lượng kiến thức cơ sở nhất định và giúp ích cho công việc trading của anh em.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ