“Thực tế, tôi có thể nghe văng vẳng bên tai giọng nói trầm ấm của ông ấy ‘đừng cố chống lại thị trường, đừng cố chống lại Fed’”, ông Cramer cho biết.
Martin Zweig – Huyền thoại Phố Wall đã mất vào năm 2013 – trở nên nổi tiếng khi dự báo đúng cú sập của thị trường trong ngày Thứ Hai Đen tối năm 1987. Ông Cramer đề cập tới huyền thoại quá cố này như một trong những người thầy tốt nhất của ông về giao dịch.
“Tôi chưa bao giờ gặp Marty, nhưng tôi theo dõi ông ấy mỗi ngày thứ Sáu, mỗi khi ông ấy lên chương trình ‘Wall Street Week’ và nhớ rõ mọi lời nói của ông”, vị chủ trì chương trình “Mad Money” cho biết. “Ông có tài năng mà ít ai sánh kịp về chuyện lý giải thị trường chứng khoán cho những nhà đầu tư thông thường”.
Ông Cramer nhớ lại những bài giảng của huyền thoại Martin Zweig sau khi chứng kiến đà tăng mạnh của Phố Wall trong ngày 16/06. Dow Jones khép phiên tăng 527 điểm (tương đương 2.04%) lên 26,289.98 điểm. S&P 500 cộng 1.9% lên 3,124.74 điểm, còn Nasdaq Composite tiến 1.8% lên 9,895.87 điểm.
Trong bối cảnh Mỹ cố gắng chặn đứng đà suy thoái vì Covid-19, ông Cramer cho biết nhà đầu tư không nên “đặt cược đi ngược với” Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell – người cho biết Fed sẵn lòng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẽ trong ngàt 15/06. Đây là động thái mới nhất mà Fed đưa ra để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Những biện pháp này rất khác với những động thái mà Fed thực hiện trong suốt cuộc Đại Suy thoái và Đại Khủng hoảng, ông Cramer nói.
“Fed có thể in tiền, điều này có nghĩa là họ có đạn dược không giới hạn. Họ chỉ quyết định xem có sử dụng nó hay không thôi”, ông nói. “Lần này, ông Powell không chờ cho mọi thứ sụp đổ rồi mới sử dụng. Ông ấy đã hành động quyết liệt bảo vệ các ngân hàng. Giờ đây Chủ tịch Fed cũng bảo vệ cho các khách hàng lớn nhất của các ngân hàng… Vì thế ‘đừng cố chống lại Fed’”.
Xét về diễn biến giá cổ phiếu, chứng khoán Mỹ đã leo dốc liên tục 3 phiên liên tiếp sau đợt bán tháo thảm khốc trong ngày 11/06 và tiếp tục giãn khoảng cách với mức đáy hồi tháng 3/2020. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh ngay khi xuất hiện dữ liệu bán lẻ tích cực và thông tin về phương pháp điều trị Covid-19, cùng với lời đồn thổi về gói kích thích 1 ngàn tỷ USD từ chính quyền Trump.
“Đột nhiên, virus này trông có vẻ ít nguy hiểm hơn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chuyển động giá cổ phiếu”, ông Cramer cho biết. “Hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư sở hữu cả đống tiền đang tìm kiếm nơi để đặt cược. Bạn không thể đánh bại dòng người mua. Đó là lý do tại sao bạn không nên đi ngược với thị trường”.
Vị chuyên gia này nói thêm: “Điều này không có nghĩa là bạn luôn luôn phải đi theo dòng chảy này. Điều này cũng không có nghĩa là không nên đặt cược đi ngược với thị trường. Thế nhưng, khi bạn chứng kiến kiểu mua này và khi mà gần như tất cả mọi thứ đều tăng, bạn cố chống lại nó thì bạn đang chống lại lịch sử đấy”.
Về tín hiệu tích cực nền kinh tế Mỹ, FED nói gì?
Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Powell cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không phục hồi hoàn toàn, trừ phi người tiêu dùng cảm thấy tự tin rằng COVID-19 đã bị đánh bại.
Theo ông Powell, dù tỷ lệ việc làm đã phục hồi trong tháng Năm, song nền kinh tế Mỹ đã mất tới gần 20 triệu việc làm kể từ đầu tháng Hai vừa qua.
Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 sẽ giảm ở mức kỷ lục.
Chủ tịch Fed thận trọng nhận định rằng dù dữ liệu có khả quan, song sản lượng và việc làm vẫn ở mức rất thấp so với thời kỳ trước đại dịch, trong khi còn nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thời điểm và sức phục hồi của kinh tế.
Ông đánh giá gánh nặng từ việc đóng cửa các doanh nghiệp nhằm kiểm soát dịch bệnh đã không được chia đều cho tất cả người dân Mỹ. Nếu như không kiểm soát được tình hình dịch bệnh, suy thoái kinh tế sẽ làm tăng sự bất bình đẳng về thu nhập.
Ông Powell cũng tái khẳng định cam kết của Fed trong việc sử dụng mọi công cụ chính sách nhằm đảm bảo sự phục hồi, sau khi khủng khoảng kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến nhóm người thu nhập thấp và các cộng đồng thiểu số.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các động thái của Fed chỉ là một phần trong các biện pháp ứng phó của lĩnh vực công, chỉ có sự hỗ trợ trực tiếp được Quốc hội Mỹ thông qua mới có thể đem lại sự khác biệt lớn khi không chỉ giúp đỡ các gia đình và doanh nghiệp vào thời điểm cấp thiết, mà còn hạn chế tác động tiêu cực lâu dài tới nền kinh tế.
Cùng ngày, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ đã tăng tới 17,7% trong tháng Năm, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đang phục hồi sau đại dịch. Doanh thu bán lẻ trong tháng trước đã lên tới 485,5 tỷ USD gần như cao gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích.
Theo CNBC