Đối với các anh em trader thì việc cập nhật các tin tức và báo cáo quan trọng trong ngày là một phần bắt buộc của công việc trading. Và khi anh em giao dịch các sản phẩm liên quan đến USD thì có một yếu nhân của FED khi phát biểu luôn làm cho thị trường phải nóng lên và các trader phải săn đón tin tức đó chính là Jerome Powell.
Vậy Jerome Powell là ai? Ông ta có vai trò gì đối với nền kinh tế Mỹ? Nếu so sánh với Tổng thống Joe Biden thì ai sẽ là người có quyền lực về các quyết sách kinh tế của Mỹ? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết này của Vnrebates.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Tổng thống Hoa Kỳ – Chức năng và quyền hạn của người đứng đầu
1.1. Chức năng và quyền hạn của Tổng thống Hoa kỳ
Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống phải đảm nhiệm hai chức năng, vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa đứng đầu ngành hành pháp.
Với tư cách người đứng đầu Nhà nước, Tổng thống phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ lễ tân, như tiếp nhận thư ủy nhiệm của đại sứ các nước khác, chủ trì các bữa tiệc khánh tiết, khai mạc một số hoạt động văn hoá nghệ thuật và thể thao quan trọng.
Tổng thống ký lệnh ban hành các đạo luật đã được Quốc hội thông qua, ký kết các hiệp định với nước ngoài và bổ nhiệm các quan chức cao cấp trong chính quyền liên bang.
Tổng thống cũng có quyền triệu tập phiên họp bất thường của bất cứ viện nào, hoặc của cả hai viện Quốc hội.
Còn đối với vai trò là người đứng đầu ngành hành pháp, Tổng thống có nhiệm vụ ký kết các hiệp định; bổ nhiệm Đại sứ, Bộ trưởng, cố vấn, Thẩm phán Toà án Tối cao và các quan chức cao cấp khác của chính quyền liên bang.
Tổng thống cũng phải thông báo về tình hình liên bang cho hai viện Quốc hội; kiến nghị một số dự luật, đề ra các điều lệ, quy định và chỉ thị có hiệu lực giống như luật của các cơ quan Liên bang mà không cần phải thông qua Quốc hội.
Về mặt lập pháp, Tổng thống có quyền phủ quyết (veto) bất cứ đạo luật nào từ Quốc hội, trừ khi có hơn 2/3 số nghị sĩ trong mỗi viện bác bỏ phủ quyết.
Bên cạnh quyền phủ quyết dự luật, Tổng thống còn có trách nhiệm kiến nghị về một số dự luật để Quốc hội xem xét thông qua.
Kiến nghị về dự luật của Tổng thống thường được thể hiện trong Thông điệp liên bang đầu năm, trong dự thảo ngân sách và trong những kiến nghị cụ thể. Hầu hết những kiến nghị này của Tổng thống cũng chính là đòi hỏi của ngành hành pháp đối với ngành lập pháp.
Những kiến nghị này có thể trở thành luật hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chính trị của Tổng thống và ưu thế tương đối của đảng của Tổng thống trong Quốc hội.
Về mặt tư pháp, Tổng thống có quyền bổ nhiệm các thẩm phán liên bang, kể cả các thẩm phán trong các Toà án tối cao, nhưng phải được Thượng viện chấp thuận.
Có thể nói, Tổng thống là trung tâm của nền chính trị Mỹ. Tổng thống có quyền lực rất lớn trong lĩnh vực đối ngoại và quân sự, nhưng thường không mạnh trong các quyết sách về đối nội vì còn phải tùy thuộc vào Quốc hội, Hạ – Thượng Viện và các Cơ quan nội bộ khác như FED chẳng hạn.
1.2. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden
Joe Biden và người đồng tranh cử Kamala Harris đã đánh bại tổng thống đương nhiệm Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Biden là tổng thống lớn tuổi nhất, người đầu tiên có một nữ phó tổng thống, người đầu tiên đến từ Delaware và người Công giáo thứ hai sau John F. Kennedy.
Những hoạt động đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống tập trung vào việc đề xuất, vận động hành lang và ký ban hành Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ 2021 nhằm giúp Hoa Kỳ phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cuộc suy thoái đang diễn ra.
Các điều luật của Biden đề cập đến đại dịch và đảo ngược một số chính sách của chính quyền Trump, bao gồm việc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chấp nhận thực hiện Hành động trì hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (Deferred Action for Childhood Arrivals; DACA).
Biden hoàn thành việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 9 năm 2021; trong thời gian này, chính phủ Afghanistan sụp đổ và Taliban chiếm quyền kiểm soát quốc gia này, khiến Biden phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích về cách thức rút quân.
Biden đề xuất “Kế hoạch Xây dựng lại Tốt hơn”, các khía cạnh của nó đã được đưa vào Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng, được Biden ký ban hành vào tháng 11 năm 2021.
2. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang – Jerome Powell, người ảnh hưởng đến nền tài chính Mỹ
2.1. Chức năng và vai trò của Chủ tịch FED
Chức danh này được đặt ra theo Luật Ngân hàng của Hoa Kỳ năm 1935 và là chức vụ do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm và phải được Thượng viên Hoa Kỳ chấp thuận. Tuy nhiên, chức vụ này không phải là một vị trí trong nội các.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang là 4 năm. Mỗi năm 2 lần, vị chủ tịch này phải chịu điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ.
Chủ tịch FED có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Chỉ đạo thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn
- Chịu trách nhiệm giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng
- Quản trị FED nhằm duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính
- Hoạch định cơ chế để FED cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
2.2. Jerome Powell – Chủ tịch FED đương nhiệm của Hoa Kỳ
Jerome Powell (sinh ngày 4 tháng 2 năm 1953) là Chủ tịch thứ 16 và hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang, phục vụ tại văn phòng đó kể từ tháng 2 năm 2018. Ông được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn.
Jerome Powell có bằng chính trị tại Đại học Princeton năm 1975 và tiến sĩ luật từ Trung tâm Luật Đại học Georgetown năm 1979. Ông chuyển sang đầu tư ngân hàng năm 1984, và từ đó đã làm việc cho một số tổ chức tài chính.
Ông có một thời gian ngắn làm việc tại Bộ Tài chính trong nước dưới thời Tổng thống George H. W. Bush vào năm 1992. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang không có bằng tiến sĩ ngành Kinh tế từ năm 1987, và không có bằng cấp ngành kinh tế nào.
Vào ngày 2 tháng 11 năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã đề cử Powell giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang. Vào ngày 5 tháng 12 năm 2017, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đã chấp thuận đề cử của Powell làm Chủ tịch trong một cuộc bỏ phiếu 22 – 1, trong đó Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren bỏ phiếu bất đồng.
Đề cử của ông đã được Thượng viện phê chuẩn vào ngày 23 tháng 1 năm 2018 với 84 phiếu thuận và 13 phiếu chống. Ngày 5 tháng 2 năm 2018, Powell tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang.
2.3. Quyền lực kinh tế thuộc về ai?
Sau khi xem qua các quyền hạn và trách nhiệm của Tổng thống và Chủ tịch FED, anh em có thể dễ dàng nhận ra một nguyên tắc đó là:
- Tổng thống chỉ có các quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp và đại diện Quốc gia, không có các quyền đưa ra chính sách cụ thể cho nền tài chính Mỹ.
- Chức danh Chủ tịch FED được chính Tổng thống đề cử nhưng phải được thông qua bởi Thượng Viện, Tổng thống chỉ có vai trò đề cử trong quá trình bổ nhiệm chức danh này.
- Vì không thuộc nội các chính phủ nên Chủ tịch FED không chịu sự chi phối của Tổng thống và làm việc độc lập.
- Nguyên tắc làm việc của Chủ tịch FED chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế và chính sách tiền tệ đơn thuần không để các vấn đề chính trị chi phối các quyết định.
Chính vì vậy, có thể thấy các chính sách về kinh tế và tiền tệ của FED ban ra dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch FED là độc lập, không bị chi phối. Hay nói cách khác Jerome Powell có quyền và trách nhiệm với các quyết sách của FED đối với nền kinh tế Mỹ.
3. Chính sách diều hâu (Hawkish) và bồ câu (Dovish) của FED
Trong các cuộc hợp của FED hoặc bài phát biểu của Jerome Powell khi được phát hành anh em có thể sẽ thường nghe các trang tin tài chính viết “FED áp dụng chính sách diều hâu”, “Jerome Powell phát biểu với giọng điệu hawkish – diều hâu” hay “Liệu FED có áp dụng chính sách bồ câu trong tương lai?”.
Vậy thế nào chính sách diều hâu (hawkish) hoặc chính sách bồ câu (dovish) trong các báo cáo, chính sách hay giọng điệu phát biểu của các lãnh đạo FED?
Anh em có thể cập nhật hính xác và nhanh chóng các tin từ FED thông qua kênh tin tức tổng hợp của Tradingview
Tại 8 cuộc họp thường niên, một nhóm từ Cục Dự trữ Liên bang kiểm tra các chỉ số kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI), và nó xác định liệu tỷ giá sẽ tăng hay giảm. Những người ủng hộ lãi suất cao là phe Hawkish, trong khi những người ủng hộ lãi suất thấp được dán nhãn phe Dovish.
Xem thêm: Chỉ số PPI là gì và cách sử dụng chỉ số PPI hiệu quả trong Forex Trading
3.1. Hawkish – Phe diều hâu
Hawkish hay còn gọi là phe diều hâu thường ủng hộ lãi suất tương đối cao để kiểm soát lạm phát. Nói cách khác, diều hâu ít quan tâm đến tăng trưởng kinh tế hơn so với áp lực suy thoái gây ra bởi tỷ lệ lạm phát cao.
Phe Hawkish có chính sách về lãi suất ngược lại hoàn toàn với phe Dovish (bồ câu), với Dovish thường thích mức lãi suất ở mức thấp nhằm kích thích tăng việc làm.
- Hawkish là phe các nhà hoạch định chính sách và cố vấn ủng hộ lãi suất cao hơn để kiểm soát lạm phát.
- Đối lập với phe diều hâu là bồ câu, các nhà hoạch định chính sách thích chính sách lãi suất phù hợp hơn, nghĩa là nó thấp hơn và kích thích chi tiêu trong nền kinh tế.
- Tùy thuộc vào tình trạng của nền kinh tế Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách chuyển đổi giữa việc theo phe hawkish hay dovish.
Ví dụ: Kể từ năm 2018, Esther George, chủ tịch Fed tại Thành phố Kansas, được coi là theo phe diều hâu. George ủng hộ việc tăng lãi suất và lo ngại bong bóng giá tiềm năng đi kèm với lạm phát.
Xem thêm: Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế – bài toán hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng hậu đại dịch
3.2. Dovish – Phe bồ câu
Dovish (phe bồ câu) lãi suất thấp như một phương tiện khuyến khích tăng trưởng kinh tế vì chúng có xu hướng tăng nhu cầu vay tiêu dùng và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng .
Do đó, phe bồ câu tin rằng tác động tiêu cực của lãi suất thấp là tương đối không đáng kể. Tuy nhiên, nếu lãi suất được giữ ở mức thấp trong một khoảng thời gian không xác định, lạm phát sẽ tăng.
- Dovish được coi là quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy tăng trưởng công việc thông qua lãi suất thấp hơn so với việc kiểm soát lạm phát.
- Một chính sách tiền tệ ôn hòa không được kiểm soát có thể dẫn đến lạm phát.
- Lý tưởng nhất là người thiết lập chính sách tiền tệ có khả năng chuyển đổi giữa lập trường diều hâu và bồ câu khi tình huống yêu cầu.
Xem thêm: Lạm phát là gì? Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?
Ví dụ: Janet Yellen chủ tịch FED nhiệm kì trước Jerome Powell là một người theo phe bồ câu, với các chính sách giữ lãi suất thấp trong thời gian hoạt động của mình.
4. Kết luận
Đối với nền Tài chính và Tiền tệ Mỹ thì FED là cơ quan có quyền quyết định các chính sách tiền tệ và kinh tế của Đất nước, mà dẫn đầu là chủ tịch FED – người có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm với các chính sách mà mình đã hoạch định.
Các chính sách và quan điểm của FED nói chung hay Chủ tịch FED Jerome Powell nói riêng là hoàn toàn độc lập và không phụ thuộc vào hệ thống hành pháp và tư pháp – với người đại diện là Tổng thống Mỹ.
Trong nội bộ FED có thể chia thành nhiều phe bao gồm diều hâu, bồ câu hay trung lập. Các quan điểm này sẽ tác động sâu sắc đến lãi suất đồng USD và từ đó tác động trực tiếp đến thị trường ngoại hối.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ