Xem thêm:
- Sự khác nhau giữa vùng sự kiện với các vùng hỗ trợ và kháng cự là gì?
- Kinh nghiệm giao dịch vùng Cung – Cầu kết hợp Kháng cự và Hỗ trợ
- 9 mẹo giúp bạn vẽ các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự như 1 Pro đích thực
Hỗ trợ và kháng cự trong Forex là gì?
Câu hỏi đầu tiên chúng ta cần trả lời đó là ngưỡng hỗ trợ kháng cự là gì? Về mặt khá niệm, hỗ trợ và kháng cự trong Forex (hay còn gọi là Key levels) là các mốc kỹ thuật quan trọng mà tại đó giá có thể chịu áp lực bán hoặc mua tăng mạnh hơn bình thường.
Các nhà giao dịch Forex chuyên nghiệp thường tìm kiếm các mốc hỗ trợ và kháng cự để đặt lệnh giao dịch một cách hiệu quả. Những mốc này có khả năng làm tăng sự biến động và tốc độ di chuyển của giá khi nó đến gần. Nhìn chung, các mức hỗ trợ và kháng cự trong Forex đóng vai trò như các rào cản khiến giá gặp khó khăn trên đường di chuyển.
Vùng hỗ trợ (Support) là gì?
Hỗ trợ là một vùng giá nằm dưới mức giá hiện tại, tại các mức này, giá thường gặp khó khăn với việc phá vỡ qua nó để tiếp tục di chuyển xuống dưới. Các vùng này đem lại tín hiệu rằng người mua có thể tham gia thị trường để đẩy giá quay đầu tăng trở lại. Với đặc điểm này, giá sẽ thường hình thành lên các vùng đáy tại đây và giá thường không giảm được qua mức đáy này trong một khoảng thời gian tiếp theo.
Vùng kháng cự (Resistance) là gì?
Ngược lại với hỗ trợ, các mức kháng cự nằm ở trên mức giá thị trường hiện tại, là nơi mà giá gặp khó khăn trong việc tăng lên và thường hình thành lên các đỉnh, cung cấp tín hiệu để phe bán tham gia vào thị trường và đẩy giá giảm xuống.
Nhìn chung, các mức hỗ trợ và kháng cự trong Forex hoạt động giống như những cánh cửa hoặc bức tường. Khi giá tiệm cận đến những vùng này, các cánh cửa này một là sẽ đóng lại, hai là sẽ bị phá vỡ. Việc của các nhà giao dịch là phải nhận biết được khi nào nó sẽ đóng lại và khi nào có thể bị phá vỡ.
Tham khảo thêm: Chiến lược giao dịch sử dụng nến Nhật kết hợp với hỗ trợ và kháng cự
Ý nghĩa của vùng hỗ trợ kháng cự trong giao dịch forex
Vùng hỗ trợ và kháng cự là một trong những công cụ phân tích kỹ thuật forex quan trọng và phổ biến. Mang ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng trader, cụ thể:
- Đánh dấu mốc tâm lý khi giao dịch ngoại hối
Nguồn gốc hình thành vùng kháng cự và hỗ trợ chính là tâm lý và thói quen sợ hãi, tham lam hoặc tiếc nuối quá khứ của các trader. Cho nên, ngưỡng hỗ trợ kháng cự không phải ngẫu nhiên mà nó phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Tại vùng kháng cự, nhiều trader khi đã mua được ở vùng giá tốt, nhưng khi thị trường biến động nhẹ thì mang tâm lý sợ giá sẽ giảm trở lại nên quyết định bán ra để chốt lời sớm. Ngược lại, với vùng hỗ trợ, nhiều nhà đầu tư có tâm lý tham lam vì trước đó không mua nhiều hơn hoặc bị tiếc nuối vì trước đó không mua được với giá tốt. Dẫn đến khi giá vừa quay đầu, nhiều trader liền quyết định mua.
- Cơ sở để vào và thoát lệnh quan trọng
Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ là những vùng mà tại đó giá sẽ chạm mốc và quay đầu trở lại. Trường hợp khi giá có dấu hiệu phá vỡ và đi qua vùng này và có xu hướng Tăng/Giảm mạnh mẽ. Từ đó, các nhà đầu tư có thể quyết định nhanh chóng vào lệnh hoặc thoát lệnh để đảm bảo an toàn cho giao dịch.
- Quản lý rủi ro và điểm cắt lỗ, chốt lời
Không chỉ cung cấp cơ sở vào lệnh hoặc thoát lệnh, vùng kháng cự/hỗ trợ còn giúp nhà đầu tư thiết lập các điểm dừng lỗ và chốt lời phù hợp. Nói cách khác, đây là cơ sở để trader xác định cơ hội để tham gia hay rời khỏi giao dịch có lợi nhuận.
Các loại hỗ trợ và kháng cự trong Forex
Trong Forex có 4 loại hỗ trợ và kháng cự khác nhau mà bạn cần nắm bắt được để sử dụng trong mọi trường hợp với các điều kiện thị trường khác nhau.
Các mức hỗ trợ và kháng cự nằm ngang
Đây là loại hỗ trợ và kháng cự trong Forex phổ biến nhất và được các nhà giao dịch sử dụng nhiều nhất để phân tích biểu đồ và thực hiện giao dịch.
Giống như tên gọi của nó, loại key level này là các đường nằm ngang đi qua các mức đỉnh cao nhất (đối với kháng cự) hoặc đáy thấp nhất trước đó (đối với hỗ trợ). Hiểu một cách đơn giản, các nhà giao dịch có thể kỳ vọng khi giá di chuyển đến các khu vực đỉnh hoặc đáy trước đó thì sẽ có phản ứng và đảo chiều.
Chúng ta sẽ đi thẳng vào các ví dụ để bạn dễ hiểu hơn.
Ví dụ 1 đối với cặp tiền EUR/USD trong biểu đồ khung ngày:
Trong biểu đồ này, đường màu đỏ là các mức key level dài hạn, còn đường màu xanh là mức ngắn hạn. Chúng là các đường nằm ngang đi qua các đỉnh hoặc đáy trước đó.
Như bạn có thể thấy, các đường này có thể đi qua nhiều đỉnh / đáy cũ nhưng cũng có thể chỉ cần kẻ qua một đỉnh / đáy duy nhất. Đó cũng là lý do khiến chúng trở nên phổ biến nhất và dễ sử dụng nhất. Tuy nhiên, nếu càng đi qua nhiều đỉnh / đáy thì vùng key level này sẽ càng có sức mạnh lớn hơn, bởi vì nó đã được xác nhận nhiều lần rằng khi giá chạm đến đây sẽ có phản ứng và khả năng đảo chiều khá cao.
Ví dụ tiếp theo về biểu đồ khung ngày của cặp tiền GBP/USD:
Để học cách vẽ đường kháng cự hỗ trợ loại này, bạn chỉ cần xác định các đỉnh và đáy gần đây trên biểu đồ và kẻ một đường nằm ngang đi qua chúng, rồi theo dõi mỗi khi giá tiếp cận đến khu vực này để tìm kiếm tín hiệu giao dịch.
Tất nhiên, có một số lưu ý để thực hiện những điều này một cách chính xác và hiệu quả nhất, chúng ta sẽ cùng thảo luận chi tiết hơn ở các phần tiếp theo.
Hỗ trợ và kháng cự không nằm ngang
Ngoài các đường hỗ trợ và kháng cự nằm ngang, bạn cũng có thể sử dụng một loại key level khác được vẽ đi qua các đỉnh và đáy nhưng không nhất thiết phải nằm ngang. Đó chính là các đường xu hướng và kênh giá.
Khác với hỗ trợ và kháng cự nằm ngang có thể sử dụng trong mọi điều kiện thị trường, các đường xu hướng chỉ vẽ được khi thị trường đang ở trong một xu hướng rõ rệt. Do đó, việc sử dụng chúng với vai trò là các mức hỗ trợ và kháng cự cũng bị giới hạn trong các trường hợp thị trường không có xu hướng.
Cụ thể hơn, ở trong xu hướng tăng, chúng ta thường thấy xuất hiện các đáy cao dần lên, đường xu hướng trong trường hợp này sẽ nằm bên dưới mức giá hiện tại và đóng vai trò như một mức hỗ trợ. Khi giá tiếp cận đến gần đường này sẽ thường khó giảm tiếp và có xu hướng quay đầu tăng lên.
Ngược lại, ở trong xu hướng giảm chúng ta sẽ có các đỉnh thấp dần, đường xu hướng đi qua các đỉnh này sẽ đóng vai trò như một mức kháng cự. Giá mỗi khi đến vùng này sẽ khó tiếp tục đà tăng và có nhiều khả năng quay đầu giảm xuống.
IVới những tính chất trên, bạn có thể rút ra rằng các mức hỗ trợ và kháng cự không nằm ngang có một vài hạn chế so với các mức nằm ngang, đó là chỉ sử dụng được trong một số điều kiện thị trường nhất định, cụ thể là mức hỗ trợ chỉ sử dụng được trong xu hướng tăng và mức kháng cự chỉ dùng được trong xu hướng giảm. Ngoài ra, chúng ta cần có ít nhất 2 đỉnh hoặc hai đáy để xác định được các key level này thay vì chỉ cần 1 đỉnh / đáy như loại nằm ngang.
Để vẽ được các mức hỗ trợ và kháng cự trong Forex theo loại này, bạn chỉ cần thành thạo cách xác định và vẽ các đường xu hướng. Chúng ta cũng sẽ có một vài lưu ý giống như loại hỗ trợ và kháng cự nằm ngang sẽ được thảo luận ở phần sau.
Xem thêm: Phương pháp giao dịch breakout trong Forex
Các mức hỗ trợ và kháng cự động
Loại hỗ trợ và kháng cự trong Forex thứ 3 mà bạn cần biết là các mức động. Động ở đây đơn giản là chuyển động, có nghĩa là chúng không nằm im một chỗ. Ở hai loại hỗ trợ kháng cự phía trên, bạn vẽ các mức đi qua các đỉnh hoặc đáy và chúng sẽ nằm yên ở đó để chờ giá di chuyển tới, còn loại này thì không phải như vậy.
Các mức hỗ trợ và kháng cự động sẽ thay đổi liên tục dựa theo các biến động của giá, và do tính chất chuyển động của nó nên chúng ta không thể tự vẽ được các mức này bằng tay mà cần đến sự hỗ trợ của các chỉ báo. Cụ thể hơn, chúng ta có thể sử dụng các đường trung bình động (MA), các đường MA đóng vai trò là chỉ báo xác định hỗ trợ kháng cự trong trường hợp này.
Trước hết, bạn cần phải nắm vững kiến thức về đường trung bình động để biết nó có thể trở thành hỗ trợ và kháng cự như thế nào. Nếu còn băn khoăn về loại chỉ báo này, hãy tham khảo bài viết dưới đây của chúng mình:
Giống như các mức hỗ trợ và kháng cự không nằm ngang, các mức động cũng chỉ có thể sử dụng tốt trong điều kiện thị trường có xu hướng.
Trong một xu hướng giảm, bạn sẽ thấy những đường MA nằm phía trên đường giá và đóng vai trò như một mức kháng cự, mỗi khi giá chạm đến vùng này thường bị giảm lực tăng và có thể quay đầu giảm xuống.
Ngược lại, trong một xu hướng tăng, các đường MA sẽ nằm bên dưới đường giá và đóng vai trò như một mức hỗ trợ. Giá mỗi khi giảm sẽ gặp khó khăn nếu muốn phá qua các đường này và thường sẽ có nhiều khả năng quay đầu tăng trở lại.
Xem thêm: 6 mẹo xác định xu hướng thị trường
Các mức hỗ trợ và kháng cự số tròn (mức tâm lý)
Đây có lẽ là loại key level khá xa lạ và cũng tương đối khó tiếp cận đối với bạn. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu thì có thể thấy nó cũng khá đơn giản và dễ hiểu.
Mức tâm lý là các mức quan trọng ở các mốc giá có số tròn, và đóng vai trò như các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, ví dụ như các mốc 0.5, 1.25, 2.5, 2.75…
Nguồn gốc của loại hỗ trợ và kháng cự này xuất phát từ chính tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường, do đó nó còn được gọi là các mức tâm lý. Sự hỗ trợ và kháng cự xuất hiện cơ bản là do tâm lý của con người. Và một góc độ tâm lý hết sức đơn giản của con người đó là coi trọng sự giản dị, nó được thể hiện trong việc định giá ở các mức số nguyên trong giao dịch.
Các nhà giao dịch thường có xu hướng chọn các mức giá tròn để làm điểm vào lệnh hoặc thoát lệnh, cụ thể hơn là điểm vào lệnh, điểm stop loss và take profit. Chính hành vi này có thể làm thay đổi dòng lệnh và tạo nên các mức giá quan trọng trên thị trường.
Các nhà giao dịch cũng thường gọi các mức số tròn này là “số 0 kép”, vì nó ở các số chẵn và có nhiều số 0 (ít nhất là 2) ở phần thập phân. Ví dụ như mức 1.31000 trên cặp EUR/USD, 1.57000 trên GBP/USD hay 132.00 trên GBP/JPY…
Đôi khi, một số nhà giao dịch cũng thích thực hiện lệnh của mình trên các mức giữa các số nguyên, tức là ở mức thập phân 50, chẳng hạn 1.31500, 157500 hay 132.50 tương ứng với các cặp tiền phía trên. Nó cũng có cách hoạt động và hiệu quả tương tự như các mức “số 0 kép”.
Từ các định nghĩa trên, bạn có thể hiểu cách xác định các mức số tròn đơn giản là chú ý vào các mức giá chẵn như trên. Bạn có thể thử quan sát biểu đồ và sẽ thấy được thị trường khá thường xuyên có phản ứng tại các mức này. Không phải tất cả các mức này đều hoạt động như một mức key level nhưng đa số chúng đều sẽ gây sự chú ý cho các nhà giao dịch.
Có thể bạn sẽ thấy loại hỗ trợ và kháng cự này giống với các mức nằm ngang, điều đó cũng có vẻ là đúng. Tuy nhiên khác biệt là những mức ngang này được xác định ở các mức giá chẵn, và nó có thể khiến các mức này có sức mạnh lớn hơn so với những mức ngang thông thường.
3 quy tắc quan trọng để xác định hỗ trợ và kháng cự trong Forex
Để học được cách xác định điểm hỗ trợ và kháng cự, cũng như cách xác định vùng cản mạnh trên biểu đồ, chúng ta cần nắm được một số quy tắc quan trọng dưới đây. Những quy tắc này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc học cách xác định level quan trọng và áp dụng được cho cả 4 loại hỗ trợ kháng cự mà chúng ta vừa tìm hiểu.
Phân tích và nhận ra một sự từ chối chính xác
Sự từ chối mà mình muốn nói đến ở đây là sự phản ứng đảo ngược của giá. Điều quan trọng nhất là bạn phải xác định được những sự từ chối chính xác để biết được đó có là một ngưỡng hỗ trợ và kháng cự đáng tin cậy hay không. Nói một cách đơn giản, bạn cần xác định xem một đỉnh / đáy được tạo ra có thực sự là một đỉnh / đáy hợp lệ hay không.
Bạn cần lưu ý rằng không phải tất cả các từ chối đều là mức hỗ trợ và kháng cự hợp lệ, bên cạnh đó cũng có những sự từ chối mạnh hơn so với những sự từ chối khác, cho thấy đó có thể là ngưỡng hỗ trợ kháng cự mạnh.
Để trở thành một nhà giao dịch thành công và có lợi nhuận đều đặn, bạn cần phải xác định được những từ chối thích hợp và học được cách giao dịch dựa vào chúng, dưới đây là hai đặc điểm tạo ra tính thích hợp cho sự từ chối mà bạn có thể áp dụng:
- Một sự từ chối sẽ càng mạnh nếu sau đó thị trường đảo ngược càng lâu. Tức là nếu sau khi phản ứng, giá di chuyển theo hướng ngược lại trong thời gian càng dài thì sự từ chối được coi là càng mạnh, mức hỗ trợ và kháng cự tại đó cũng mạnh hơn.
- Một sự từ chối càng có giá trị nếu sau khi phản ứng giá di chuyển một khoảng cách càng lớn. Ví dụ như trong cùng một biểu đồ, nếu sau một sự từ chối giá đảo chiều với khoảng cách 300 pips sẽ là một sự từ chối chính xác hơn so với một sự đảo ngược 100 pips.
Những đỉnh / đáy gần đây có giá trị cao hơn
Khi vẽ các mức hỗ trợ và kháng cự trong Forex, bạn nên cân nhắc những đỉnh và đáy gần đây vì đó là những vùng quan trọng nhất. Những đỉnh và đáy quá cũ rồi có thể sẽ không còn nhiều giá trị ở hiện tại hoặc tương lai.
Những sự từ chối gần đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về cách thị trường sẽ phản ứng với các vùng đó trong tương lai gần, lưu ý rằng chúng ta đang nói về những đỉnh / đáy hợp lệ đã được hình thành với những đặc điểm như chúng ta vừa thảo luận phía trên. Các nhà giao dịch thường sẽ đợi hoặc đặt sẵn lệnh ở các mức này và chờ giá phản ứng.
Những đỉnh/đáy ở khung thời gian càng lớn có độ tin cậy càng cao
Bạn nên phân tích biểu đồ trong các khung thời gian lớn như khung ngày, khung 4h hoặc đôi khi có thể dùng cả khung tuần. Ở các khung thời gian thấp hơn, bạn có thể thấy rất nhiều những vùng đỉnh hoặc đáy được hình thành, nhưng chúng cũng có thể bị phá vỡ khá dễ dàng nên sẽ rất khó để xác định sự từ chối nào là đáng tin hay không.
Một số sai lầm của Trader khi xác định hỗ trợ và kháng cự trong Forex
Trong quá trình vẽ hỗ trợ và kháng cự, một số Trader có những quan niệm khá sai lầm dẫn đến sự thiếu chính xác và làm giảm hiệu quả giao dịch của mình. Mình đã tổng hợp được một vài sai lầm phổ biến nhất dưới đây để bạn tham khảo và rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình
Tốn thời gian để tìm kiếm mức hỗ trợ và kháng cự hoàn hảo
Có nhiều nhà giao dịch dành rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm các vị trí vẽ hỗ trợ và kháng cự một cách hoàn hảo với các đỉnh hoặc đáy bằng nhau tuyệt đối. Bạn cần hiểu rằng các mức key level không đơn giản là các dòng, các đường thẳng mà nó là một loạt các khái niệm. Sẽ thật vô ích nếu như cứ cố gắng vẽ ra một đường thẳng lý tưởng trong khi thực tế chúng không thể hoàn hảo.
Khi thị trường hoạt động, các đường hỗ trợ và kháng cự có thể di chuyển một vài pips vì những đáy gần đây sẽ không hoàn toàn giống với các đáy trước đó. Ngoài ra, có thể trong lần tới giá di chuyển đến vùng này, nó cũng có thể đi quá một vài pips, hoặc thiếu một vài pips nữa mới chạm đến vùng được vẽ.
Thị trường không được vận hành bởi máy móc mà là do con người, do đó không thể có sự chính xác tuyệt đối. Đó là lý do tại sao việc cố tìm kiếm sự hoàn hảo cho các mức hỗ trợ và kháng cự là vô ích. Các đỉnh và đáy có thể lệch nhau một chút cũng không sao cả, bạn vẫn hoàn toàn có thể vẽ được một mức hỗ trợ hay kháng cự đi qua chúng một cách tương đối.
Thiếu sót khi chỉ vẽ hỗ trợ và kháng cự dựa trên râu nến
Một quan niệm khá phổ biến nhưng lại không hoàn toàn đúng là chỉ vẽ các mức hỗ trợ và kháng cự dựa vào râu nến. Nhiều nhà giao dịch vẽ các mức hỗ trợ và kháng cự đi qua mức thấp nhất hoặc cao nhất của một râu nến ở đáy hoặc đỉnh và cho rằng giá sẽ phản ứng khi chạm đến đây. Điều đó đôi khi là đúng, nhưng khá nhiều trường hợp nó sẽ khiến họ mắc sai lầm.
Trên thực tế, nếu giá phá qua phạm vi thân nến nhưng vẫn nằm trong bóng nến và đóng cửa tại đó, thì mức hỗ trợ/kháng cự tại râu nến có thể không còn hợp lệ. Việc phá vỡ và đóng cửa ngoài phạm vi thân nến có thể là dấu hiệu cho thấy các mức hỗ trợ và kháng cự tại đó đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
Lời khuyên cho bạn là chúng ta nên vẽ các mức hỗ trợ và kháng cự tại mức giá đóng cửa thay vì mức giá thấp nhất hoặc cao nhất của râu nến, bởi dù sao đi nữa thì giá đóng cửa vẫn đóng vai trò quan trọng hơn để xác định xem một mốc giá nào đó có thể bị phá vỡ hay không. Nếu vẽ thêm các đường tại râu nến thì chúng chỉ nên đóng vai trò bổ trợ thêm mà thôi.
Không phải mọi đường thẳng đi qua đỉnh và đáy đều là mức hỗ trợ và kháng cự
Đôi khi các nhà giao dịch mắc sai lầm khi vẽ các đường ở bất cứ các đỉnh hay đáy mà họ nhìn thấy trên biểu đồ. Họ đã quên mất rằng không phải mọi đỉnh hay đáy đều có thể là hỗ trợ hay kháng cự, giống như chúng ta đã thảo luận ở phía trên, đặc biệt là ở các biểu đồ khung thời gian thấp.
Nếu bạn hành động như vậy, hãy nhìn lại và bạn sẽ thấy rằng biểu đồ của mình cuối cùng chỉ là một mớ hỗn độn đầy các đường thẳng, đường chéo… Do đó, bạn sẽ bị rối loạn trong các tín hiệu giả và không thể giao dịch thành công.
Cách sử dụng hỗ trợ và kháng cự trong Forex
Nếu đã nắm bắt được những nội dung phía trên, có lẽ bạn cũng đã hiểu được ứng dụng và cách sử dụng của các mức hỗ trợ và kháng cự trong Forex. Sau khi đã vẽ được các mức hỗ trợ và kháng cự, việc của bạn chỉ đơn giản là tìm kiếm các cơ hội để giao dịch đảo chiều tại các vùng này.
Sau khi đã có cho mình các đường hỗ trợ kháng cự thuộc bất cứ loại nào mà chúng ta vừa tìm hiểu, bao gồm các mức nằm ngang, các đường trend line, hoặc sử dụng indicator hỗ trợ kháng cự như các đường trung bình động… bạn hãy theo dõi diễn biến của thị trường. Ngay khi thấy giá tiếp cận đến các vùng này và xuất hiện các mô hình nến đảo chiều thì hãy nắm bắt lấy cơ hội vào lệnh, thiết lập các vị trí cắt lỗ và chốt lời hợp lý, sau đó chờ đợi để thị trường làm việc còn lại.
Mình muốn nhấn mạnh rằng bạn nên chờ đợi một tín hiệu nến đảo chiều trước khi quyết định vào lệnh, bởi vì chỉ kháng cự hoặc hỗ trợ thôi là không đủ. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, nếu các tín hiệu này không xuất hiện thì bạn nên bỏ qua và tìm kiếm cơ hội ở một lần khác nhé.
Kết luận
Hỗ trợ và kháng cự trong Forex là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với phương pháp giao dịch Price Action, do đó bạn bắt buộc phải nắm vững về nó như những kiến thức nhập môn để có thể phát triển kỹ năng giao dịch của mình.
Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết này, bạn đã hiểu được về chỉ báo hỗ trợ và kháng cự cũng như cách vẽ các mức này trên biểu đồ và cách áp dụng chúng để giao dịch. Bạn hãy thực hành và luyện tập thường xuyên để thành thạo và biến chúng thành vũ khí đem lại lợi nhuận cho mình một cách đều đặn trên thị trường nhé.
Nếu bạn có mong muốn tím hiểu sâu hơn nhằm mục đích xác định được điểm hỗ trợ tiềm năng, hãy tham khảo khóa học phân tích price action kết hợp sử dụng khối lượng giao dịch hoàn toàn miễn phí của chúng tôi.
VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính