VNREBATES

Sự khác nhau giữa vùng sự kiện với các vùng hỗ trợ và kháng cự

19.08.2021, 22:16 12 phút đọc

Vùng sự kiện có lẽ là một khái niệm còn khá xa lạ với anh em Trader Việt Nam. Thế nhưng, xa lạ không có nghĩa là nó không hữu ích. Thậm chí nếu hiểu rõ về nó, chắc hẳn anh em sẽ đồng ý với mình rằng nó còn quan trọng hơn so với các vùng hỗ trợ và kháng cự.

“Vùng sự kiện” là một khái niệm được đưa ra bởi nhà giao dịch Nial Fuller, một nhà giao dịch nổi tiếng với trường phái Price Action. Anh đã định nghĩa vùng giá quan trọng này và cho rằng nó là một thành phần không thể thiếu đối với các nhà giao dịch Price Action.

Bài viết hôm nay VnReabates gửi đến bạn cũng chính là những chia sẻ của tác giả – nhà giao dịch Nial Fuller về vùng sự kiện, thứ mà anh cho rằng quan trọng không kém các vùng hỗ trợ và kháng cự, nếu không muốn nói là quan trọng hơn.

1. Định nghĩa về vùng sự kiện

Thị trường có một “trí nhớ” đáng kinh ngạc đối với các sự kiện lớn xảy ra trên biểu đồ, những sự kiện mà giá ở đó tạo nên các vùng hay các mức quan trọng, trong đó bao gồm cả các mức hỗ trợ và kháng cự. Nói như vậy là bởi vì các vùng kể trên có thể xuất hiện lặp lại và đóng vai trò tương tự như nó đã từng, sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trời.

các sự kiện lặp lại tại vùng sự kiện sau nhiều năm

Biểu đồ khung tháng thể hiện rõ các sự kiện lớn có xu hướng lặp đi lặp lại thậm chí sau nhiều năm

Chắc hẳn đã có đôi lần bạn thấy thị trường đảo chiều tại một vị trí nào đó, rồi sau đó bạn thu nhỏ biểu đồ lại và thấy cách đây vài năm cũng đã có một sự đảo chiều tại đúng vị trí này. Đây được gọi là dấu chân của hành động giá, thứ mà chúng ta cần học cách tận dụng vào trong giao dịch của mình.

Vùng sự kiện được định nghĩa là một khu vực nằm ngang trên biểu đồ, trong khu vực đó đã từng xuất hiện các tín hiệu Price Action, hoặc ở đó đã bắt đầu một động thái mạnh mẽ của giá như đảo chiều, hoặc đột phá sau một thời gian dài side way… hoặc là hợp lưu của các sự kiện trên.

Những khu vực sự kiện này có thể coi như là một điểm nóng trên biểu đồ mà chúng ta cần theo dõi vì nó còn có thể xảy ra lặp lại trong tương lai. Chúng ta có thể kỳ vọng rằng lần tiếp theo giá đi tới khu vực này, nó sẽ tạm dừng và “suy nghĩ” về việc liệu có đảo chiều ở đó hay không.

2. Các ví dụ về vùng sự kiện

Như chúng ta vừa thảo luận, vùng sự kiện sau khi hình thành sẽ vẫn còn hoạt động tốt trong tương lai. Khi giá thị trường quay trở lại đến các vùng này, chúng sẽ tạo ra một cơ hội tốt để tìm kiếm một tín hiệu vào lệnh. Do đó, nếu bạn đã bỏ lỡ khi vùng sự kiện xuất hiện thì cũng không cần lo lắng, vì sớm hay muộn thị trường cũng sẽ quay lại đây để đón bạn.

Vậy lý do tại sao thị trường lại quay lại các vùng này. Đó là do các sự kiện quan trọng trên thị trường thường được ghi nhớ, và các nhà giao dịch chuyên nghiệp biết điều này. Thị trường sẽ quay trở lại đó chỉ đơn giản là vì có rất nhiều các nhà giao dịch cùng kỳ vọng giá sẽ quay về và đảo chiều tại đây, họ đã chờ đợi sẵn để thực hiện các giao dịch của mình.

Hãy cùng đến với các ví dụ để hiểu rõ hơn

Có lẽ cách dễ nhất để nhận biết được một vùng sự kiện là dựa vào các tín hiệu Price Action. Nếu ở đâu đó xuất hiện một tín hiệu Price Action và giá phản ứng với tín hiệu đó một cách mạnh mẽ, ví dụ như khi bạn thấy có một cây Pinbar tăng xuất hiện, theo sau đó là một đà tăng rất mạnh, thì đó có thể chính là sự khởi đầu cho một vùng sự kiện.

Xem thêm: 3 mẫu hình Price Action cơ bản và dễ sử dụng

Ví dụ bên dưới là biểu đồ giá vàng khung ngày. Bạn có thể thấy một vùng sự kiện ở quanh mốc 1305.00. Mình sẽ giải thích rõ tại sao đây là một vùng sự kiện:

  • Ở thời điểm số 1, giá có sự đảo chiều. Đây không phải là một động thái mạnh nên chưa được coi là hình thành vùng sự kiện tại đây.
  • Ở khoảng thời gian số 2, giá liên tục từ chối vùng giá 1305.00 nhiều lần và xuất hiện cây Pinbar lớn. Kết hợp với sự đảo chiều trước đó ở thời điểm số 1, ta đã có thể coi đây là một vùng sự kiện vì đã có nhiều động thái tương đối mạnh xảy ra.
  • Đến khoảng thời gian số 3, giá lại tiếp tục bật tăng lên sau khi chạm vùng 1305.00, nhưng không lâu sau đó xuất hiện một lực phá vỡ vô cùng mạnh mẽ, giá đã tụt qua khỏi vùng này. Các động thái mạnh mẽ xảy ra tại đây đã khẳng định thêm rằng đây là một vùng sự kiện mạnh.
  • Sau khi giá đã phá qua vùng sự kiện, anh em có thể tin tưởng rằng nó sẽ sớm quay trở lại đây và đem lại cơ hội giao dịch. Trên thực tế giá đã quay lại không lâu sau đó, và xuất hiện một cây nến Pinbar giảm, đem lại cơ hội bán ra rất tuyệt vời cho chúng ta.

ví dụ vùng sự kiện

Mình sẽ nhắc lại rằng nếu bạn bỏ lỡ một lần nào đó khi giá quay lại vùng sự kiện thì cũng đừng lo lắng, vì nhất định nó sẽ còn quay lại thêm những lần tiếp theo. Như ví dụ phía trên, nếu bạn đã bỏ lỡ thời điểm số 3 thì chẳng bao lâu sau bạn có thể nắm bắt lại cơ hội tại thời điểm số 4, khi cây Pinbar xuất hiện.

Thậm chí, giả sử ở thời điểm số 4 không xuất hiện nến Pinbar, bạn vẫn có thể nhập cuộc với một lệnh bán khi giá quay lại vùng 1305.00, bởi đó đã được xác nhận là một vùng sự kiện rất mạnh. Tuy nhiên, nếu có một tín hiệu như cây Pinbar đó thì vẫn tốt hơn nhiều.

Chúng ta đến với ví dụ tiếp theo về vùng sự kiện.

Dưới đây là biểu đồ hàng ngày của chỉ số S&P 500.

Vào đầu tháng 2, ta có thể thấy một vài cây nến đảo chiều khá dài đã xuất hiện, và giá đã chuyển sang xu hướng tăng sau một đợt giảm mạnh.

Dù mới là những tín hiệu đảo chiều lần đầu xuất hiện tại khu vực này, nhưng lưu ý rằng đó là các tín hiệu mạnh với các cây nến dài rút râu, đồng thời xu hướng giảm trước đó cũng rất mạnh nên ta có thể coi đây là sự khởi đầu của một vùng sự kiện.

Sau đó một thời gian, vào cuối tháng 3 lại tiếp tục xuất hiện các cây nến dài rút râu tại khu vực này, sau đó giá đảo chiều tăng lên. Điều đó đã củng cố thêm cho sức mạnh của vùng sự kiện này. Vậy chúng ta có thể tin tưởng chờ đợi lần tiếp theo giá quay trở lại, và tự tin mua lên khi cây Pinbar xuất hiện vào đầu tháng 5.

ví dụ vùng sự kiện

Xem thêm: tín hiệu Các mẫu nến đảo chiều trong Forex

3. Mức hỗ trợ và kháng cự

Ở phần phía trên, nếu bạn để ý thì sẽ thấy mình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, để xác nhận vùng sự kiện ta cần có các động thái hoặc các tín hiệu mạnh mẽ, hoặc là hợp lưu của các vùng tín hiệu khác nhau.

Nhìn lại ví dụ phía trên, có thể bạn nghĩ rằng vùng 2590 cũng chỉ giống như một vùng hỗ trợ với các đáy liên tiếp được tạo ra. Tuy nhiên không hẳn vậy, dù bản chất đó đúng là một vùng hỗ trợ nhưng điều khác biệt để nó trở thành một vùng sự kiện đó là các tín hiệu và các động thái của giá ở đây diễn ra rất mạnh.

Các mức hỗ trợ và kháng cự chỉ đơn giản là các đường nằm ngang, đi qua các đáy hoặc đỉnh gần nhất. Các mức này có thể xuất hiện rất nhiều lần trên biểu đồ vì nó chỉ cần một đáy hoặc đỉnh kế bên để xác nhận.

Trong ví dụ bên dưới, ta có các đường hỗ trợ và kháng cự đã được vẽ.

  • Đối với đường phía trên, nó chính xác chỉ là một đường kháng cự vì chỉ vẽ qua đỉnh gần nhất trước đó.
  • Đường phía dưới có vẻ phức tạp hơn khi nó là hợp lưu của đáy cũ và các đỉnh cũ. Tuy nhiên, đây không được tính là vùng sự kiện vì các tín hiệu đảo chiều ở đây là không rõ ràng, sự đảo chiều cũng không xảy ra một cách mạnh mẽ. Đó chỉ được hiểu đơn giản là một đường hỗ trợ và một đường kháng cự trùng nhau.

vùng hỗ trợ và kháng cự

Đến đây, có lẽ chúng ta đã có thể khẳng định rằng vùng sự kiện quan trọng hơn, vì chúng phản ánh các sự kiện lớn hơn và mạnh mẽ hơn của giá, trong khi các đường hỗ trợ và kháng cự được vẽ qua các điểm ít quan trọng hơn và có các động thái nhỏ hơn.

Ví dụ bên dưới cho chúng ta thấy trên một biểu đồ có thể xuất hiện nhiều hỗ trợ và kháng cự như thế nào.

4. Sự khác biệt chính giữa vùng sự kiện với các vùng hỗ trợ và kháng cự?

Chúng ta đã phân tích khá chi tiết về hai loại vùng sự kiện và các vùng hỗ trợ và kháng cự. Bây giờ hãy cùng tổng hợp lại và đưa ra sự khác biệt giữa hai loại này.

Trước hết, anh em có thể hiểu rằng mọi vùng sự kiện cũng được coi là vùng hỗ trợ hoặc kháng cự, tuy nhiên không phải mọi vùng hỗ trợ và kháng cự đều đủ mạnh để trở thành vùng sự kiện.

Và đây là ví dụ cụ thể về cách để phân biệt chúng

Một vùng sự kiện phải có một tín hiệu Price Action mạnh dẫn đến một động thái lớn của giá, hoặc phải có một sự đột phá mạnh mẽ của giá (sự phá vỡ), hoặc là hợp lưu của cả hai yếu tố đó.

Đầu tiên sẽ là ví dụ về vùng sự kiện dưới đây. Chúng được xem là vùng sự kiện bởi:

  • Khu vực sự kiện trong biểu đồ này đã xảy ra sự đột phá lớn khi giá phá vỡ xuống một cách rất mạnh
  • Trước khi sự phá vỡ xảy ra, đã có rất nhiều lần xảy ra sự đảo chiều tại vùng giá này, và giá phản ứng một cách mạnh mẽ.
  • Vậy đây được coi là một khu vực sự kiện mạnh, và vùng này sẽ còn có thể sử dụng nhiều lần trong tương lai.

vùng sự kiện cần có các động thái mạnh của giá

Tiếp theo là ví dụ về vùng hỗ trợ và kháng cự. Các vùng trong biểu đồ bên dưới không được coi là khu vực sự kiện vì:

  • Không có nhiều phản ứng trước đó tại các vùng này
  • Tín hiệu đảo chiều không mạnh, và cũng không có một động thái mạnh mẽ nào (ví dụ như sự phá vỡ) xảy ra tại đây.

vùng kháng cự không có tín hiệu mạnh

5. Các vùng sự kiện và hỗ trợ / kháng cự giúp xác định rủi ro giao dịch

Để làm rõ tầm quan trọng của các vùng sự kiện, có vẻ mình đã hơi hạ thấp vai trò của các vùng hỗ trợ và kháng cự. Tuy nhiên hỗ trợ và kháng cự vẫn là những tín hiệu cực kỳ hữu ích và nó hoàn toàn có thể sánh đôi cùng với vùng sự kiện để áp dụng vào thực tế.

Một tính năng quan trọng của các vùng này đó là chúng giúp chúng ta xác định được rủi ro trong một giao dịch. Cụ thể hơn, chúng có thể giúp ta xác định nơi đặt lệnh cắt lỗ và cũng giúp anh em biết được khi nào thị trường đã trượt ra khỏi những dự đoán của mình.

Bạn hoàn toàn có thể đặt stop loss cho các lệnh giao dịch của mình ở ngay dưới mức hỗ trợ hoặc trên mức kháng cự gần nhất, vì rõ ràng khi giá phá qua khỏi đó, thị trường đã có dầu hiệu đảo chiều và lệnh giao dịch theo ý tưởng ban đầu của chúng ta đã không còn khả thi.

Nếu giá thị trường phá qua khỏi các vùng hỗ trợ kháng cự, đặc biệt là các vùng sự kiện, điều đó có nghĩa là có một sự thay đổi nghiêm trọng đang diễn ra, những dự đoán của chúng ta không còn đúng nữa. Từ đó chúng ta cũng dừng lại kịp lúc và chuẩn bị những ý tưởng khác phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Và bây giờ, nếu bạn đang có cho mình một tín hiệu vào lệnh tốt tại vùng sự kiện, bạn có thể tinh chỉnh thêm để hạn chế rủi ro hơn nữa. Thường thì các tín hiệu tại đây có xác suất rất cao nên chúng ta có thể đặt stop loss ở ngay dưới đáy của tín hiệu đối với lệnh bán, và ngay trên đỉnh đối với lệnh mua (xem ví dụ với tín hiệu là thanh Pinbar bên dưới).

Ngoài ra, sau khi tín hiệu xuất hiện, cụ thể là thanh Pinbar như trong ví dụ, bạn có thể áp dụng cách giao dịch thoái lui, chờ mua khi giá thoái lui về khoảng 50% thanh Pinbar để tối ưu hơn nữa tỉ lệ lợi nhuận rủi ro của mình.

tối ưu giao dịch với vùng sự kiện

6. Tổng kết

Các vùng sự kiện là các khu vực đem lại các giao dịch xác suất thắng cao, tuy nhiên nó cũng không phải là tuyệt đối. Để tối ưu hơn nữa hiệu quả giao dịch của mình, bạn cần học hỏi và thành thạo thêm các tín hiệu và các chiến lược Price Action khác nữa.

Nguồn Nial Fuller
Tổng hợp bởi wp.vnrebates.io

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.