ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Những nhóm cổ phiếu ngành nào sẽ “lên ngôi” trong năm 2022?

01.03.2022, 10:51 15 phút đọc

Sau 1 năm hoạt động thăng hoa với nền giá đã tăng khá cao, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được các chuyên gia nhận định còn tiềm năng tăng trưởng lớn. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần tỉnh táo sàng lọc những nhóm cổ phiếu ngành có tiềm năng của những doanh nghiệp có đà tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 1 năm 2021 hoạt động thực sự rực rỡ nhờ động lực từ mặt bằng lãi suất thấp, mang đến một “vụ mùa bội thu” cho nhiều nhà đầu tư.

Bước sang năm 2022, dù các chuyên gia nhận định tiềm năng tăng trưởng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn lớn, nhưng vẫn đó nhiều rủi ro đến từ chính sách siết lãi suất của các Ngân hàng trung ương thế giới cũng như áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, đặc biệt từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine, đẩy giá cả hàng hóa leo thang.

Vậy, đâu là những yếu tố tác động và hỗ trợ đến TTCK Việt Nam hiện nay và nhà đầu tư chứng khoán nên chọn bỏ tiền vào những nhóm cổ phiếu tiêu biểu nào vừa ít rủi ro vừa có tỷ suất sinh lời hấp dẫn trong năm 2022 này? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Diễn biến giá cổ phiếu trong phiên giao dịch gần đây

1. Thị trường chịu tác động và được hỗ trợ bởi những yếu tố nào?

1. Những yếu tố tác động đến thị trường?

Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cùng một lúc như nền kinh tế nói chung, những thay đổi về địa chính trị, tình hình và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, chính sách tiền tệ của chính phủ và quan điểm của nhà đầu tư.

Cụ thể, không một yếu tố đơn lẻ có thể làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Thay vào đó, nhiều yếu tố kết hợp với nhau tạo thành một môi trường đầu tư tổng thể và tác động đến thị trường chứng khoán. Do đó, để có quyết định đầu tư sáng suốt và có lợi nhuận, nhà đầu tư buộc phải nắm được và phân tích tất cả các yếu tố có thể gây tác động đến giá cổ phiếu, từ đó có cái nhìn tổng quát về giá trị cổ phiếu.

Trong buổi tọa đàm thường niên FiinGroup Invest Summit chủ đề “Triển vọng đầu tư năm 2022” diễn ra ngày 25/2, các chuyên gia phân tích dữ liệu nhận định thị trường cổ phiếu năm nay sẽ chịu tác động bởi 3 nhóm yếu tố chính như sau:

  • Nhóm yếu tố bên ngoài: tình hình địa chính trị, môi trường kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát…

Chiến sự Nga – Ukraine leo thang có ảnh hưởng gián tiếp đến TTCK Việt Nam

Dù xung đột vũ trang ở Ukraine không tác động trực tiếp và đáng kể đến kinh tế Việt Nam do nước ta không phải đối tác thương mại lớn của cả 2 nước tham chiến, nhưng chiến sự căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa trên thế giới điều này sẽ tác động đến một số ngành và doanh nghiệp ở Việt Nam do Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới.

Ngoài ra, diễn biến xung đột vũ trang Nga – Ukraine thực tế sẽ ảnh hưởng gián tiếp kinh tế đến Việt Nam, với nguy cơ lạm phát năm 2022 cao hơn dự kiến, nhất là khi mức tăng của giá dầu thế giới nhanh hơn rất nhiều so với 2 đợt tăng giá xăng trong nước gần đây.

Kế hoạch tăng lãi suất của Fed vào tháng 3 chắc chắn sẽ mở ra xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Mọi quyết định chính sách Fed đều gây tác động lớn đến thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua thị trường đã dần phản ứng trước kỳ vọng tăng lãi suất, do đó nếu không có quan điểm “diều hâu” bất ngờ nào mới nữa, thị trường sẽ không phản ứng quá mạnh. Đặc biệt, với độ trễ trong việc thực thi chính sách tiền tệ, NHNH Việt Nam khả năng cao sẽ đứng ngoài xu hướng này.

Do đó, nếu có thì tác động đến TTCK Việt Nam có thể chỉ trong ngắn hạn. TTCK Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Fed, tuy nhiên lạm phát trong nước với bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao sẽ là câu chuyện rất trực tiếp mà thị trường phải đối mặt.

  • Triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp

Trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021, lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng rất cao (+43%) và tập trung vào ở một số nhóm ngành nhất định, như ngân hàng, chứng khoán, nhóm ngành hưởng lợi từ Covid-19 như logistics và vận tải thủy, nhóm hàng hóa như thép, dầu khí, phân bón, hóa chất, chiếm 80% tăng trưởng.

Về triển vọng tăng trưởng năm 2022, số liệu và phân tích của FiinGroup cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức 20% trong năm 2022 và thị trường sẽ chứng kiến sự “đổi chiều tăng trưởng” mạnh mẽ giữa các nhóm ngành.

Cụ thể, các chuyên gia nhận định nhiều ngành tăng trưởng mạnh trong năm 2021 như thép, cao su và logistics dự kiến có lợi nhuận tăng chậm lại hay gần như không tăng trưởng trong năm 2022. Trong khi đó, những nhóm cổ phiếu suy giảm do Covid-19 như bán lẻ, tiêu dùng dự kiến hồi phục mạnh trong năm nay khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại.

  • Mặt bằng định giá của thị trường so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp

Các chuyên gia cũng cho rằng định giá tính theo lợi nhuận (P/E) của các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường đã tăng, định giá P/E của VN-Index hiện ở mức 17,2x. Do đó, trên nền định giá cao như hiện tại, để giá cổ phiếu có thể tăng tiếp thì lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cần phải tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn P/E. Theo đó, những cổ phiếu có tăng trưởng dự kiến cho năm 2022 thấp hơn P/E sẽ có thể gặp rủi ro khi nhìn trên chiều dài một năm nếu không kể lướt sóng ngắn hạn.

Xem thêm: EPS – Lãi cơ bản trên cổ phiếu là gì? Cách sử dụng chuẩn nhất

1.2 Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi những yếu tố nào?

Các chuyên gia tài chính vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022 nhờ các yếu tố như:

  • Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2021 và được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ hiện khá tốt giúp thị trường vẫn giữ được sự lạc quan về nền kinh tế.
  • Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, các gói hỗ trợ tài khóa, kích thích sự phục hồi của các doanh nghiệp liên tục được đưa ra;
  • Các Hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực đón đầu làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài;
  • Kỳ vọng nâng hạng thị trường giúp sức mua của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng tăng lên đáng kể, góp phần thu hút vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.
  • Làn sóng nhà đầu tư cá nhân ào ạt tham gia vào thị trường chứng khoán không còn là hiện tượng tạm thời mà sẽ là xu hướng trong dài hạn, hỗ trợ thanh khoản VN-Index chinh phục những mốc đỉnh mới.
  • Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp được nhận định sẽ đạt mức 26% trong năm 2022, mặc dù đã đạt con số ấn tượng vào năm ngoài. Thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bền vững hơn.

2. Nhà đầu tư nên đầu tư vào những nhóm cổ phiếu ngành nào trong năm 2022?

Cũng trong tọa đàm “Triển vọng đầu tư 2022 – FiinGroup Invest Summit”, các chuyên gia đã khuyến nghị nhà đầu tư rằng: “Với một nền giá đã tăng khá cao trong năm 2021, năm nay, các nhà đầu tư cần tỉnh táo sàng lọc, chọn những cổ phiếu của doanh nghiệp có đà tăng trưởng lợi nhuận tốt và mức độ định giá hợp lý mới có nhiều cơ hội chiến thắng”. Vậy, nhóm cổ phiếu nào mà nhà đầu tư không nên bỏ qua trong chiến lược đầu tư của mình?

2.1 Nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công và phục hồi kinh tế sau đại dịch – Ngân hàng, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng

Nhóm cổ phiếu Ngân hàng là một trong những nhóm hưởng lợi từ phục hồi kinh tế sau đại dịch và được nhận định vẫn tăng trưởng tốt

Chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam như VinaCapital vẫn là xác định các nhóm cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam bao gồm: Ngân hàng, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng…

Thứ nhất, với nhóm cổ phiếu Ngân hàng, phân tích của EVS Research cho biết tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức cao với kỳ vọng 12%-14% do nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh gia tăng và nhu cầu vay mua nhà tiếp tục tăng cùng với các gói kích thích của chính phủ. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt sẽ tiếp tục được cấp thêm hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành. Đánh giá về nhóm ngân hàng, EVS cho rằng VCB, TCB, MSB là những mã có tiềm năng lớn.

Thứ hai với nhóm cổ phiếu dầu khí, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ hồi phục mạnh trong khi nguồn cung được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới, chưa nói đến việc căng thẳng Nga – Ukraine gây ra sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới các đường ống ở Châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu. Dù các bên đã có kế hoạch ứng phó bằng cách xả kho dự trữ dầu, nhằm khắc phục nguồn cung trong ngắn hạn nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời.

Do đó, giá dầu sẽ khó có thể điều chỉnh giảm, và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Giá dầu duy trì ở mức cao, nhìn chung sẽ tác động khả quan lên nhóm ngành dầu khí. Cụ thể, nhóm cổ phiếu dầu khí bao gồm những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như PVS và PVD, mã cổ phiếu của các doanh nghiệp vận tải dầu khí như PVT và GAS hay PLX, OIL cũng có nhiều tiềm năng.

Thứ ba, theo các chuyên gia nhờ yếu tố tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài cộng với việc chính phủ đã triển khai gói kích thích phục hồi kinh tế năm 2022, trong đó triển khai nhiều dự án hạ tầng và xây dựng công trình lớn nên nhóm cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN) và vật liệu xây dựng cũng được nhận định sẽ hưởng lợi.

Bất động sản KCN sẽ thu hút vì nhu cầu thuê đất, sử dụng kho bãi ở các KCN tăng. Khả năng cung không đủ cầu vì không phải KCN lúc nào cũng có mà phải theo quy hoạch, kế hoạch dài hạn. Ngoài ra, khi hạ tầng, xây dựng đầu tư công phát triển tới đâu, bất động sản sẽ theo đến đó với việc hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản lớn đang mạnh dạn đầu tư, triển khai các dự án ở các địa phương.

Những cái tên tiêu biểu nhất trong nhóm cổ phiếu bất động sản KCN kể đến là SZC, BCM, KBC.

Xem thêm: Từ A-Z về chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam

2.2 Nhóm cổ phiếu những ngành hưởng lợi từ nhu cầu sau đại dịch – Bán lẻ – tiêu dùng, du lịch và giải trí

nhom co phieu

Nhóm cổ phiếu Bán lẻ – Tiêu dùng

Trong khi những nhóm cổ phiếu từng hưởng lợi vì COVID-19 đang suy yếu bây giờ lại là cơ hội phục hồi của những nhóm vì COVID-19 mà từng suy giảm. Nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực bán lẻ – tiêu dùng, du lịch – giải trí được kỳ vọng sẽ có dư địa tăng trưởng tốt trong năm 2022 sau 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội. Việc mở cửa lại đường bay quốc tế cũng sẽ là một biến số được mong đợi theo chiều hướng tích cực cho ngành dịch vụ.

Việc cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bán lẻ chắc chắn hưởng lợi nhưng sẽ là sự phân hóa.

Riêng về bán lẻ, triển vọng tăng trưởng 2022 sẽ phân hóa trong nội bộ ngành và cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng thấp hơn so với trung bình ngành. Những cổ phiếu bán lẻ hàng máy tính bảng, laptop được nhận định sẽ không còn quá hấp dẫn khi nhu cầu sụt giảm do học sinh đến trường nhưng đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp điện tử điện lạnh hay ngành hàng tiêu dùng khác.

Theo đánh giá của EVS Research thì MWG, PNJ và PET sẽ là những mã cổ phiếu bán lẻ được hưởng lợi bởi những yếu tố trên.

2.2 Nhóm cổ phiếu giúp tránh rủi ro lạm phát – cổ phiếu điện và dược phẩm

Theo các chuyên gia, lạm phát dự kiến sẽ nhích dần lên trong năm 2022 do kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, chi phí xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới đang leo thang, và các gói hỗ trợ cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.

Do đó, nhóm cổ phiếu điện và dược phẩm với tính chất “phòng thủ” cộng với triển vọng lợi nhuận 2022 tích cực, nhờ câu chuyện hồi phục về cầu sau giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, được giới phân tích gợi ý cho các nhà đầu tư.

Riêng ngành dược phẩm, một số doanh nghiệp có nhà máy mới sắp đi vào hoạt động, có khả năng kéo dài đà tăng trưởng cao của ngành sang năm 2023. Theo số liệu của FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành được dự báo ở mức 35% năm 2022 trong khi tăng trưởng năm 2021 ở mức 8%. Chỉ số giá cổ phiếu ngành đã tăng khoảng 19% năm 2021.

Xem thêm: Chỉ số Vn-Index là gì ? Tầm quan trọng của Vn-Index trong đầu tư chứng khoán

3. Lời kết

Với những kỳ vọng từ sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch, hệ thống giao dịch chứng khoán mới vận hành, kiểm soát dịch bệnh tốt… được dựa trên nền tảng của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc. Do đó, nhà đầu tư đừng bỏ lỡ những cơ hội kiếm lời hấp dẫn này.

Hy vọng với những nhận định VnRebates tổng hợp từ các chuyên gia phân tích tài chính hàng đầu Việt Nam về những nhóm cổ phiếu tiềm năng đáng đầu tư trong năm 2022 sẽ giúp ích các bạn có những quyết định đầu tư sáng suốt.

Ngoài ra, sau khi lựa chọn được nhóm cổ phiếu tiềm năng nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu có tài chính tốt, thanh khoản tốt, thông tin tốt và quan trọng là chọn được thời điểm tốt.

VnRebates_Nơi Trading là NGHỀ

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.