VNREBATES

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là gì? Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh

28.12.2022, 14:34 11 phút đọc

Trái phiếu doanh nghiệp luôn là một mảnh đất màu mỡ với các nhà đầu tư kể cả lớn hay nhỏ. Nhưng với những nhà đầu tư mới, việc bắt đầu tiếp cận với hình thức đầu tư này sẽ mất rất nhiều thời gian. Vậy trong bài viết này, VnRebates sẽ giải mã cho các bạn đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là gì và áp lực đáo hạn trái phiếu đang gia tăng ngày nay.

Xem thêm: 

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là phần trái phiếu sắp hết hạn, nghĩa là sắp đến kỳ kết thúc. Lúc này, các bạn sẽ nhận được tiền gốc và tiền lãi dựa theo quá trình thanh toán của các tổ chức phát hành. Đồng thời, khi trái phiếu của công ty nào đó mà bạn mua đáo hạn, tổ chức ấy sẽ không còn nghĩa vụ phải trả nợ đầu tư cho các bạn nữa.

Với tình trạng các doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu trong cùng một thời điểm sẽ tạo ra áp lực thanh toán lợi tức khi suy thoái kinh tế xảy ra. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các nhà đầu tư, từ đó rủi ro về trái phiếu sẽ tăng cao và trở thành bất lợi.

Tìm hiểu thêm: Trái phiếu ngân hàng là gì? Có nên mua trái phiếu ngân hàng?

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là gì? (Nguồn: Internet)

Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Trong năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam để lại một dấu ấn không mấy tích cực mà ngược lại là vô cùng tiêu cực với hàng loạt vụ khởi tố các lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh,…

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong năm nay cũng xử phạt hành chính, thu hồi các lô trái phiếu phát hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup, Apec Group,… Trong đó có vụ việc lô trái phiếu giá trị 200 tỷ đồng của VKC Holdings đã tạm dừng thanh toán lãi (ngày tất toán theo kế hoạch là 9/9/2022) do có dấu hiệu sai phạm của hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc tiền nhiệm (liên quan đến Louis Holdings).

Ngoài ra, chính sách mới về việc siết chặt dòng tín dụng ngân hàng lẫn thị trường chứng khoán khiến cho các doanh nghiệp càng thêm căng thẳng với số lượng trái phiếu đến hạn cuối năm. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang là nhóm bị đặt áp lực lớn nhất với hơn 20 nghìn tỷ đồng đến hạn phải tất toán.

Bên cạnh đó, việc bổ sung sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ cũng đã chính thức được ban hành. Điều này là một điểm tích cực đối với thị trường vốn, hứa hẹn sẽ có một sự khởi sắc trong dài hạn.

Đáng chú ý, Nghị định này cũng đã cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu nợ. Đây là một trong những điểm được quy định theo hướng nới lỏng hơn, giúp các doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nợ (theo đúng quy định nhà nước) vẫn có thể tiếp cận được với kênh huy động vốn đầy tiềm năng này. [1]

Xem thêm: Danh sách các sàn Forex lừa đảo và bị bắt tại Việt Nam

Thực trạng thị trường trái phiếu hiện nay tại Việt Nam

Thực trạng thị trường trái phiếu hiện nay tại Việt Nam (Nguồn: Internet)

Tình hình đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova đã công bố tin liên quan đến kết quả mua lại trái phiếu doanh nghiệp (mã NVLH2122015) trước kỳ hạn, với tổng mệnh giá phát hành là 1 nghìn tỷ đồng. Lô trái phiếu này của NVL có kỳ hạn 12 tháng, ngày phát hành là 24/12/2021 và ngày đáo hạn là 24/12/2022. Tuy nhiên, ngày thực hiện mua lại trước kỳ hạn trái phiếu NVL là 2/12/2022. Cũng theo sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trước đó Novaland đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ ngày 24/11 năm nay, CTCP Hưng Thịnh Land (HTL) cũng đã bắt đầu mua lại trước hạn lô trái phiếu gồm 4 triệu trái phiếu phát hành ngày 28/12/2021 và hết hạn vào 28/12 năm nay. Dự kiến trong 1 tháng, HTL sẽ hoàn tất việc mua lại này. 

Đáng chú ý, một doanh nghiệp BĐS khác là Công ty Phát Đại (PDR) chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ cuối tháng 10 đến nay) đã mua lại toàn bộ trái phiếu trước hạn có giá trị tới 338,7 tỷ đồng. Vì vậy, số dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này đã giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng.

Các công ty có kế hoạch mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước ngày đáo hạn:

  • Công ty An Gia (AGG) đã đồng ý thông qua phương án mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước kỳ hạn sau khi đã mua lại đến 680 tỷ đồng trước đó.
  • CTCP Gotec Land cũng cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 6 triệu trái phiếu được phát hành vào 15/10/2021 với thời gian dự kiến không muộn hơn 30/6/2023. 
  • CTPT TNHH Nam Land cũng đã lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu được phát hành vào ngày 13/7/2021 với kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị phát hành lô cổ phiếu này là 900 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại trước ngày 30/6 năm sau. [2]

Tình hình đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam

Tình hình đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam (Nguồn: Internet)

Áp lực đáo hạn trái phiếu đang ngày càng tăng

Tính từ đầu tháng 11/2022 đến nay vẫn còn 58.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán. Trong đó có tới hơn 35.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản phải đáo hạn. Tuy nhiên, nhờ hoạt động mua lại trước hạn và bàn bạc cùng với nhà đầu tư nên áp lực trả nợ với trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ đã giảm hơn 9%.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 142 nghìn tỷ đồng trái phiếu được doanh nghiệp phát hành chủ động mua lại trước kỳ hạn. Trong bối cảnh việc tiếp cận vốn tín dụng mới không hề dễ dàng, các doanh nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để có thể giảm tải được áp lực này.

Đọc thêm: Yield của trái phiếu ảnh hưởng đến thị trường Forex như thế nào?

Áp lực đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng

Áp lực đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân dẫn đến áp lực đáo hạn trái phiếu

Nguyên nhân gây ra áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp một phần đến từ công ty chứng khoán và ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản trong khoảng thời gian sắp tới, khi nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là một trong những áp lực rất lớn.

Thời gian vừa qua, Chính phủ và các Ngân hàng Nhà nước cũng đang từng bước siết chặt tín dụng với các lĩnh vực có độ rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Báo cáo tình hình hoạt động quý III/2022 của Bộ Xây Dựng, tín dụng với việc kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 8 đã giảm hơn 7,3 tỷ đồng so với tháng 6 năm nay.

Theo TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính – ngân hàng cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 là trái phiếu bất động sản. Trong đó, các công ty chưa niêm yết tài sản chiếm trên 80%. Trong giai đoạn này, trái phiếu doanh nghiệp đa số là do các ngân hàng thương mại phát hành và mua lại với lượng lớn từ các công ty bất động sản,chiếm hơn 40%. 

Nếu nhìn vào số liệu trên của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản cũng không thiếu vốn. Vướng mắc ở đây có thể là do các doanh nghiệp bất động sản không thể bán được hàng của mình, đồng nghĩa với việc sẽ không có dòng tiền quay vòng vốn. Vì thế, giải pháp cho thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay là phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến áp lực đáo hạn trái phiếu

Nguyên nhân dẫn đến áp lực đáo hạn trái phiếu (Nguồn: Internet)

Doanh nghiệp cần làm gì để giảm áp lực đáo hạn trái phiếu?

Thời gian qua có rất nhiều những sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ đó khiến cho niềm tin các nhà đầu tư giảm sút.  Đây cũng là lý do khiến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bị sụt giảm, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn tăng cao. Bên cạnh đó, khó khăn chung của ngành bất động sản và các tin đồn tiêu cực trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng khiến các kênh huy động vốn trái phiếu trở nên hạn chế và thiếu năng lượng.

Hiện nay, theo Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) – Ông Mã Thanh Danh nhận định sẽ có 3 nhóm giải pháp để giải tỏa áp lực đáo hạn trái phiếu:

  • Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng các chủ đầu tư trái phiếu yêu cầu mua lại: Các doanh nghiệp có thể dùng nguồn tiền mặt đang có để mua lại trái phiếu nhằm giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay thêm.
  • Với những doanh nghiệp hiện đang có nguồn tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém: Yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là một áp lực vô cùng lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc thật rõ ràng và minh bạch để có thể thương thảo với các trái chủ. Nếu không, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang sở hữu để thanh toán như: đất đai, thương hiệu doanh nghiệp, hệ thống phân phối,… 
  • Các doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc tham gia vào thị trường mua bán nợ: Đây là một thị trường vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam, nhưng nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp được cấp phép hoạt động một cách minh bạch thì các chủ sở hữu trái phiếu có thể bán trực tiếp ở đây, giúp giảm tải áp lực cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần làm gì để giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp?

Doanh nghiệp cần làm gì để giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp? (Nguồn: Internet)

Kết luận

Trái phiếu luôn là một kênh đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận cho trái chủ nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất cao. Vì vậy để trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp, các bạn cần trang bị cho mình thật tốt kiến thức nền tảng. Hi vọng bài viết trên của VnRebates sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức về đáo hạn trái phiếu và thực trạng ngày nay. 

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.