Trong phân tích liên thị trường, chúng ta thường sử dụng mối quan hệ giữa các tài sản khác nhau, thuộc các thị trường khác nhau để hỗ trợ việc phân tích. Và tương quan giữa vàng, dầu hay đồng USD với các loại tài sản khác có lẽ là những mối quan hệ phổ biến nhất được sử dụng trong thị trường Forex mà chúng ta đang hoạt động.
Vậy giá dầu, giá vàng và sức mạnh của USD với các loại tài sản khác tác động và tương quan lẫn nhau như thế nào? Mình sẽ cùng anh em tìm hiểu trong bài viết này nhé.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Quan hệ liên thị trường giữa đồng USD với các loại tài sản khác
USD là đồng tiền quan trọng nhất trong thị trường ngoại hối, đồng thời cùng là cặp tiền được giao dịch nhiều nhất. Ngoài ra, đồng USD cũng là tiền tệ thanh toán phổ biến nhất trên thế giới, do đó các mối tương quan của USD với các loại tài sản khác khá đặc biệt so với thị trường tiền tệ nói chung.
Chính vì vậy, chúng ta sẽ tách riêng để xem xét một số mối quan hệ cụ thể giữa đồng USD với các loại tài sản khác như kim loại, hàng hóa hay các thị trường cổ phiếu, trái phiếu…
Đầu tiên chúng ta nói về quan hệ của đồng Dollar và hàng hóa. Thị trường tiền tệ nói chung có tương quan thuận với thị trường hàng hóa, tuy nhiên thông thường điều đó chỉ đúng đối với tiền tệ của các quốc gia xuất khẩu hàng hóa. Còn đối với đồng USD, vì đây là đơn vị giá cho hầu hết các loại hàng hóa quốc tế nên mối quan hệ giữa USD và hàng hóa lại là tương quan nghịch.
Anh em có thể hình dung rằng trong một giao dịch hàng hóa, giả sử Canada bán mặt hàng X với giá 100 CAD. Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế thì giá hàng hóa này được quy ước chung bằng đồng USD, nghĩa là giá của nó trên thị trường là một lượng USD tương ứng với 100 CAD.
Nếu trong trường hợp đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác bao gồm CAD, khi đó để đổi từ USD sang 100 CAD thì chúng ta cần một lượng USD ít hơn. Vậy có nghĩa là giá quốc tế của mặt hàng X đã giảm tính theo USD.
Chúng ta có một ví dụ dưới đây về giá đường. Trên biểu đồ, mình đã chỉ ra rõ những lần giá đường di chuyển ngược với chỉ số DXY cho thấy mối tương quan nghịch của hai loại tài sản này.
Tuy nhiên anh em cũng dễ dàng nhận ra được mối tương quan nghịch này không phải lúc nào cũng hoạt động, bởi vì thực tế giá đường còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Hay nói cách khác, hệ số tương quan giữa USD và đường là khá thấp.
Để thấy được mối tương quan với hệ số cao hơn, chúng ta có đồng USD và giá vàng. Anh em có thể thấy trong phần lớn thời gian giá vàng di chuyển ngược với chỉ số DXY. Tuy nhiên do vàng không chỉ là một loại hàng hóa thông thường, mà còn là tài sản trú ẩn an toàn, nên mối tương quan giữa vàng và USD không chỉ đơn thuần là do quan hệ trao đổi hàng hóa, mà chủ yếu là bởi vì trong những điều kiện bất ổn khiến đồng USD suy yếu thì các nhà đầu tư thường tìm đến vàng, khiến cho giá kim loại này cao hơn.
Anh em có thể tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ này qua bài viết dưới đây:
Xem thêm: Bạn đã hiểu đúng về mối quan hệ giữa giá vàng và USD?
Tiếp đến chúng ta xem xét mối quan hệ giữa USD và thị trường trái phiếu. Đối với mối tương quan này thì chúng ta chỉ có thể xem xét đồng USD với thị trường trái phiếu Mỹ chứ không thể so sánh với trái phiếu của quốc gia khác.
Để tiếp cận mối quan hệ này một cách đơn giản nhất, thì anh em có thể hình dung là khi trái phiếu có lợi suất cao sẽ thu hút dòng tiền đầu tư, bao gồm cả dòng tiền từ nước ngoài. Và khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua trái phiếu Mỹ, họ cần quy đổi sang USD, tức là nhu cầu USD tăng cao khiến cho đồng tiền này tăng giá.
Vậy, kết luận là đồng USD tương quan thuận với lợi suất trái phiếu. Tuy nhiên lợi suất trái phiếu lại tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu, nên đồng USD lại có tương quan thuận với giá trái phiếu. Do đó anh em cần lưu ý xác định rõ mình đang xem xét giá trái phiếu hay lợi suất trái phiếu khi phân tích nhé.
Đối với thị trường chứng khoán, thông thường thị trường này có tương quan thuận với thị trường trái phiếu (tính theo giá trái phiếu) nên đồng USD cũng có tương quan thuận với thị trường chứng khoán.
Mối tương quan này có thể giải thích theo khá nhiều cách khác nhau, tuy nhiên cũng có thể thay đổi tùy theo chu kỳ kinh tế. Anh em có thể tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết về tương quan giữa 4 thị trường tài chính của VnRebates nhé.
Nhìn chung, mối tương quan của USD với các loại tài sản khác có thể nói đều bắt nguồn từ vị thế của đồng USD hiện tại. Nếu một này nào đó, đồng tiền này mất đi vị thể của mình, thì rất có thể tương quan giữa USD với các loại tài sản sẽ không còn như vậy. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta vẫn có thể áp dụng mối tương quan của USD với các loại tài sản phía trên một cách tự tin nhé anh em.
2. Giá vàng và mối tương quan liên thị trường
Vàng là một kim loại quý, và là một tài sản thuộc thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, kim loại này khá đặc biệt vì nó là tài sản trú ẩn an toàn của thị trường, đó đó các mối tương quan của nó cũng không hoàn toàn tuân thủ theo nguyên lý chung như mối tương quan của thị trường hàng hóa.
Có thể nói rằng vàng có những mối quan hệ khá chặt chẽ với nhiều loại tiền tệ khác nhau, bao gồm với đồng USD như chúng ta vừa nhận định phía trên. Tuy nhiên, nếu như vàng với USD có tương quan nghịch, thì nó lại có tương quan thuận với một số đồng tiền khác, đặc biệt là tiền tệ của các quốc gia có trữ lượng vàng cao.
Cụ thể, chúng ta có thể kể đến một số mối quan hệ giữa vàng với các đồng tiền sau:
- Vàng và đô la Úc (AUD): tương quan thuận
- Vàng và Franc Thụy Sĩ (CHF): tương quan thuận
- Vàng và đồng Yên (JPY): tương quan thuận
Ngoài ra, còn có đồng CAD là một “người anh em” của đồng AUD nên cũng có mối tương quan thuận với vàng. Để hiểu được mối tương quan này, anh em có thể nghiên cứu trong từng bài viết chi tiết phía trên nhé.
Đối với thị trường chứng khoán, dữ liệu lịch sử cho thấy vàng có mối tương quan nghịch với thị trường này. Chúng ta có thể thấy vàng thường có xu hướng tăng giá mỗi khi thị trường chứng khoán bi quan nhất, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào vàng và chứng khoán cũng di chuyển ngược chiều với nhau, vì trong những giai đoạn thị trường chứng khoán khởi sắc thì vàng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, và cả hai thị trường đều có thể tăng giá trong những điều kiện kinh tế thuận lợi. Nhưng cũng có lúc chúng ta chứng kiến vàng giảm giá khi chứng khoán thu hút các nhà đầu tư một cách mạnh mẽ.
Nhìn chung, quan hệ giữa giá vàng và thị trường chứng khoán là “tùy từng trường hợp”. Anh em có thể nghiên cứu kỹ hơn trong bài viết dưới đây:
Xem thêm: Giá vàng phản ứng thế nào khi thị trường chứng khoán giảm?
Với thị trường trái phiếu, chúng ta cũng có thể thấy được mối tương quan nghịch khá rõ ràng giữa giá vàng và lợi suất trái phiếu Mỹ. Anh em có thể sử dụng chỉ số US10Y (lợi suất trái phiếu 10 năm của Hoa Kỳ) để thấy được mối tương quan này.
Mặc dù mối tương quan này đôi khi không rõ ràng hoặc không hoạt động, tuy nhiên trên thực tế anh em có thể sử dụng US10Y làm một chỉ báo tham khảo thêm khi giao dịch vàng. Mình sẽ lấy ví dụ cụ thể hơn trong phần thực chiến của bài viết.
3. Tương quan của các thị trường khác với giá dầu
Dầu thô cũng là một loại hàng hóa thuộc nhóm năng lượng, nhưng nó đặc biệt hơn các hàng hóa khác vì còn là một tài sản đầu tư. Ngoài ra, loại hàng hóa này cũng vô cùng quan trọng không chỉ trên thị trường tài chính, mà còn tác động tới mọi mặt của nền kinh tế, thậm chí là cả chính trị và hòa bình thế giới. Do đó, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem mối tương quan của dầu đối với các thị trường và các tài sản khác có gì đặc biệt, để có thể đầu tư vào loại hàng hóa này một cách thuận lợi hơn.
Đầu tiên có lẽ chúng ta cần xét đến mối quan hệ của giá dầu đối với một số loại tiền tệ đặc trưng như AUD, CAD. Đây là đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn, hay nói một cách chính xác hơn thì các quốc gia này phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu dầu mỏ. Chính vì vậy, khi giá dầu tăng thì giá trị các đồng CAD, AUD cũng tăng theo, tức là giá dầu và đô Úc, đô Canada có tương quan thuận.
Xét về bản chất thì đồng CAD và đồng AUD chịu ảnh hưởng bởi giá dầu chứ không phải chúng tác động đến giá dầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể coi đây là một mối tương quan lẫn nhau, và các tín hiệu từ sức mạnh của đồng CAD và AUD cũng có thể hỗ trợ cho việc phân tích giá dầu.
Xem thêm: Tại sao đồng CAD và giá dầu có mối tương quan vô cùng chặt chẽ
Ngoài các đồng tiền trên, thì giá dầu cũng có mối tương quan với một loại tiền tệ khác là đồng USD. Tuy nhiên, đồng USD không phải là đồng tiền chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu, mà chính nó là nhân tố tác động đến giá dầu theo mối tương quan nghịch.
Mối quan hệ của USD với dầu nằm trong quy luật về mối quan hệ giữa USD với các loại tài sản hàng hóa khác nói chung. Khi đồng USD suy yếu, thì số tiền các nước khác phải bỏ ra để mua cùng một lượng dầu là cao hơn, có nghĩa là dầu tăng giá, ngược với sự suy giảm của đồng USD. Tuy nhiên, với việc vị thế của petrodollar đang suy yếu, thì tương quan giữa USD với giá dầu cũng đang giảm dần. Đây là điều anh em cần hết sức lưu ý trong quá trình phân tích.
Mối tương quan cuối cùng của dầu mà chúng ta cần lưu ý là đối với một loại hàng hóa quan trọng khác – vàng. Dầu và vàng đều có tương quan nghịch với USD, do đó không khó hiểu khi hai loại hàng hóa này có tương quan thuận với nhau. Tuy nhiên, thực chất mối tương quan này có hệ số không quá lớn, vì mỗi loại đều có rất nhiều những yếu tố khác nhau tác động đến khiến cho giá cả biến động không theo quy luật.
Anh em có thể tìm hiểu kỹ hơn về tương quan giữa giá vàng và giá dầu trong bài viết sau:
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
4. Áp dụng phân tích liên thị trường để giao dịch vàng, dầu và USD
Mặc dù chúng ta còn nhiều mối quan hệ khác giữa vàng, dầu và USD với các loại tài sản khác, tuy nhiên, có nhiều mối quan hệ không thực sự quan trọng trong phân tích và giao dịch. Do đó, anh em chỉ cần tập trung và nắm bắt các mối tương quan mà chúng ta vừa tìm hiểu để có thể áp dụng khi giao dịch vàng, dầu hay đồng USD.
Về cách ứng dụng các mối tương quan giữa vàng, dầu, USD với các loại tài sản khác trong thực tế, khi phân tích một trong ba loại tài sản trên, anh em sẽ sử dụng các tài sản có tương quan mạnh với chúng để làm một chỉ báo hỗ trợ, để xác nhận xu hướng hoặc xác nhận các tín hiệu có được. Đồng thời, nếu kết hợp nhiều mối tương quan với nhau, anh em sẽ có cái nhìn tổng thể về thị trường vĩ mô, qua đó nhận định được các xu hướng dài hạn hơn và lập kế hoạch giao dịch phù hợp.
Chúng ta lấy một ví dụ về vàng và lợi suất trái phiếu Mỹ US10Y. Đây là một mối tương quan nghịch như chúng ta đã phân tích phía trên, mặc dù có hệ số tương quan không quá lớn nhưng anh em vẫn có thể dùng US10Y như một chỉ báo phụ để đánh giá triển vọng của vàng.
Về nguyên lý, chúng ta sẽ áp dụng như sau:
- US10Y tăng không có nghĩa là chắc chắn vàng sẽ giảm, nhưng nếu đồng thời vàng cho tín hiệu giảm và US10Y cho tín hiệu tăng thì xác suất giảm của vàng sẽ cao hơn.
- Ngược lại, US10Y giảm không có nghĩa là vàng tăng, nhưng nếu đồng thời US10Y cho tín hiệu giảm và vàng có tín hiệu tăng thì xác suất cao hơn.
Anh em có thể xem ví dụ dưới đây để thấy được nguyên lý áp dụng mối tương quan này:
Chúng ta rất dễ thấy rằng không phải lúc nào US10Y tăng thì vàng cũng giảm, có những lúc chúng tăng hoặc giảm cùng nhau. Tuy nhiên, hãy cùng quan sát vị trí được đánh dấu với cụm nến Inside bar. Đây là một cụm nến báo hiệu giá vàng có thể đảo chiều giảm, đồng thời US10Y cũng tăng mạnh trong cùng thời điểm đó. Kết quả là chúng ta có hai cây nến H1 giảm rất đẹp của vàng.
Ngược lại, trong một đoạn biểu đồ khác dưới đây, anh em có thể thấy giá vàng hai lần tạo ra cây nến pinbar tăng khá đẹp. Tuy nhiên ở cả hai thời điểm đó, chỉ số US10Y đều không có tín hiệu giảm rõ rệt, và kết quả là giá vàng cũng không thể đảo chiều tăng mà chỉ điều chỉnh rất nhẹ rồi tiếp tục giảm.
Đối với các mối tương quan khác của vàng, hoặc các mối tương quan của dầu, USD với các loại tài sản khác, anh em có thể áp dụng theo cách hoàn toàn tương tự. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng tài sản tương quan không thể là yếu tố quyết định tín hiệu, mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ hoặc xác nhận thêm cho các tín hiệu đã có trên tài sản đang được xét.
Anh em có thể xây dựng một chiến lược với các chỉ báo khác để tìm ra tín hiệu, sau đó áp dụng thêm các mối tương quan giữa vàng, dầu, USD với các loại tài sản khác để xác nhận tín hiệu đó để tăng độ tin cậy. Ngoài ra, anh em cũng có thể dùng những mối tương quan đó để đánh giá triển vọng thị trường trong dài hạn, và đưa ra một kế hoạch giao dịch hợp lý theo xu hướng.
Đồng thời, anh em cũng cần lưu ý rằng, các mối tương quan giữa vàng, dầu, USD với các loại tài sản khác không phải lúc nào cũng hoạt động đúng, do đó đừng quên quản lý vốn chặt chẽ nhé. Rủi ro luôn luôn tồn tại trong thị trường nên đừng bao giờ quá tự tin hay phụ thuộc vào bất cứ công cụ nào.
Xem thêm: US10Y Bond yield và US10Y TIPS – sự khác nhau của 2 loại hình trái phiếu Mỹ
5. Kết luận
Hy vọng qua bài viết này, anh em đã nắm được mối tương quan giữa vàng, dầu, USD với các loại tài sản khác. Trên thực tế còn nhiều mối tương quan khác nữa, nhưng chúng ta chỉ cần tập trung vào các mối tương quan này là đã có thể phân tích liên thị trường hiệu quả khi giao dịch vàng, dầu hoặc USD.
Một lưu ý cuối cùng là trước khi áp dụng trong thực tế, anh em hãy luôn backtest thật cẩn thận để xem các mối tương quan giữa vàng, dầu, USD với các loại tài sản khác có hoạt động, cũng như có phù hợp với chiến lược của mình hay không. Việc backtest cũng giúp anh em hiểu hơn các mối tương quan hoạt động thế nào, từ đó có thể áp dụng linh hoạt hơn, hiệu quả hơn rất nhiều.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ