Việc xuất khẩu hay sản xuất hàng hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của một quốc gia, từ đó tác động đến tỷ giá hối đoái tiền tệ của quốc gia đó. Đồng CAD chính là một ví dụ điển hình cho điều này. Mối tương quan giữa đồng CAD và giá dầu cũng như giá các loại hàng hóa khác chính là một vấn đề anh em cần quan tâm khi giao dịch đồng tiền này.
Xem thêm: 14 kinh nghiệm đầu tư Forex hiệu quả cho người mới bắt đầu
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Tại sao đô la Canada được gọi là “tiền tệ hàng hóa”
Đồng CAD thường được mô tả là tiền tệ hàng hóa, hay đôi khi là tiền tệ vật chất. Điều này không phải tự nhiên mà là do mối tương quan đặc biệt giữa giá trị của đồng tiền này so với giá hàng hóa thế giới.
Trong biểu đồ dưới đây, anh em có thể thấy được dữ liệu về tỷ giá hối đoái của CAD so với USD (đường màu đỏ) và dữ liệu về chỉ số giá cả hàng hóa tính theo USD – số liệu của Ngân hàng Canada (đường màu đen). Chỉ số giá hàng hóa ở đây được tính toán theo giá cả rất nhiều loại hàng hóa khác nhau, tương tự như khi chính toán chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Có thể thấy một cách rất rõ ràng là hai đường này di chuyển cùng nhau, cho thấy sự tương đồng giữa giá cả hàng hóa và đồng CAD.
Mối quan hệ này có thể được giải thích là do Canada là một nước xuất khẩu hàng hóa rất lớn. Các mặt hàng xuất khẩu chính của họ bao gồm quặng, dầu mỏ, và nhiều loại nông sản…
Khi giá hàng hóa tăng, lượng ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu lớn tạo động lực cho sự phát triển, từ đó cũng thúc đẩy giá trị đồng CAD tăng lên. Hoặc giải thích theo cách khác, ngoại tệ thu về nhiều khiến cho nguồn cung tăng, dẫn đến giá trị ngoại tệ đó giảm xuống, có nghĩa là tỷ giá hối đoái của đồng CAD tăng lên.
Ở chiều ngược lại, khi giá hàng hóa giảm khiến cho ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu ít hơn, từ đó cũng khiến cho đồng CAD mất giá so với các đồng ngoại tệ khác.
Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để lý giải được tại sao giá cả hàng hóa lại có thể tác động một cách trực tiếp và gần như ngay lập tức tới tỷ giá CAD trên thị trường ngoại hối như vậy. Thị trường ngoại hối dường như quá lớn để có thể chịu ảnh hưởng từ thị trường hàng hóa có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Ví dụ, một cuộc khảo sát của BIS vào tháng 4 năm 2016 cho thấy giá trị giao dịch hàng ngày của đồng CAD là vào khoảng 218 tỷ USD, trong khi đó, nếu tính trung bình giá trị xuất khẩu của Canada theo ngày thì chỉ rơi vào khoảng 1,84 tỷ USD.
Giả thuyết được đưa ra để giải thích cho mối liên kết này gồm hai vấn đề sau:
- Thứ nhất, tỷ giá hối đoái phản ứng trực tiếp với chính sách tiền tệ của các quốc gia, và cũng phản ứng với các dự báo trong tương lai đối với quốc gia đó. Cụ thể trong trường hợp này, nếu thị thị trường dự đoán rằng ngân hàng Canada (BOC) sẽ tăng lãi suất, thì đồng CAD sẽ tăng giá ngay lập tức.
- Thứ hai, chúng ta đã biết Canada là nước xuất khẩu hàng hóa, do đó sự gia tăng về giá cả hàng hóa có thể là dự báo cho lạm phát và tăng trưởng trong tương lai. Hiểu đơn giản thì khi giá hàng hóa tăng, các nhà giao dịch nghĩ rằng BOC sẽ thiết lập các chính sách theo hướng điều tiết lạm phát, tức là tăng lãi suất, từ đó thúc đẩy đồng CAD tăng giá.
Như vậy, sự tăng giá hàng hóa có thể không tác động trực tiếp tới việc tăng giá đồng CAD, mà là tác động gián tiếp thông qua các dự đoán về chính sách tiền tệ trong tương lai. Giả thuyết này được đưa ra dựa trên thống kê dữ liệu trong vòng 30 năm của Canada, Úc và New Zealand. Theo đó, chỉ số giá cả hàng hóa tăng thường xuyên kéo theo sự điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Xem thêm: Central Bank – Ngân hàng trung ương và tác động của nó đến thị trường Forex
2. Mối tương quan giữa đồng CAD và giá dầu
Dầu mỏ cũng là một loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới đồng CAD. Vì nó là loại hàng hóa quan trọng bậc nhất trên thế giới và có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu theo nhiều cách, vậy nên mối tương quan giữa đồng CAD và giá dầu chính là ví dụ cụ thể cho mối liên hệ của đồng tiền này với giá hàng hóa nói chung.
Mối tương quan giữa tỷ giá hối đoái của đồng CAD và giá dầu được thể hiện qua việc khi giá dầu tăng, thì đồng CAD cũng tăng so với đô la Mỹ và ngược lại.
Như trong các biểu đồ dưới đây, anh em có thể thấy giá dầu đang trong xu hướng tăng, còn tỷ giá USD/CAD trong xu hướng giảm gần như đối xứng. Điều đó cho thấy đồng CAD và giá dầu tăng cùng với nhau, nói cách khác là sự thay đổi của chúng so với đồng USD là giống nhau trong dài hạn (hai biểu đồ cùng thể hiện khoảng thời gian từ tháng 9/2020 đén tháng 4/2021)
Giải thích cho mối quan hệ này giữa đồng CAD và giá dầu, chúng ta có thể hiểu tương tự như sự ảnh hưởng của giá hàng hóa phía trên. Tuy nhiên, do dầu là loại hàng hóa quan trọng hàng đầu thế giới, cũng như lượng xuất khẩu dầu mỏ của Canada khá lớn nên có thể sự ảnh hưởng của giá dầu với đồng CAD là trực tiếp chứ không phải thông qua các chính sách tiền tệ của BOC.
Canada là nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới (số liệu năm 2019). Dầu thô là mặt hàng đóng góp ngoại hối lớn nhất cho Canada và tỷ trọng của nó còn đang ngày một tăng thêm. Ngoài ra, Canada cũng là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Mỹ, với việc cung cấp 61% tổng sản lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ (năm 2020).
Chúng ta giải thích lại mối tương quan giữa đồng CAD và giá dầu thông qua quy luật cung cầu một cách trực tiếp như sau:
- Khi giá dầu cao, số ngoại tệ, cụ thể là đô la Mỹ mà Canada thu được từ xuất khẩu dầu sẽ cao hơn, có nghĩa là nguồn cung của đô la Mỹ tăng. Khi cung tăng sẽ dẫn đến giá trị của USD giảm so với đồng CAD, từ đó khiến cho tỷ giá hối đoái của CAD tăng so với USD, và cũng tăng so với cả các ngoại tệ khác.
- Ngược lại, khi giá dầu giảm khiến cho nguồn cung đô la Mỹ vào Canada giảm xuống, khiến đồng bạc xanh tăng giá so với đồng CAD, tức là giá trị của đồng CAD và giá dầu sẽ suy giảm cùng nhau.
Một ví dụ khác về liên hệ giữa đồng CAD và giá dầu, đó là sự sụp đổ của giá dầu vào khoảng tháng 3 năm 2020 đã khiến cho tỷ giá của CAD đồng loạt giảm so với các loại tiền tệ khác.
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
3. Ứng dụng sự tương quan của đồng CAD và giá dầu trong giao dịch
Khi đã hiểu được mối liên hệ giữa đồng CAD và giá dầu cũng như giá hàng hóa, anh em có thể áp dụng chúng một cách tương đối đơn giản khi giao dịch đồng CAD.
Cụ thể, khi giao dịch cặp tiền USD/CAD hoặc các cặp tiền khác của CAD, ngoài phân tích biểu đồ tỷ giá của cặp tiền đó, anh em có thể kết hợp thêm với việc phân tích biểu đồ giá dầu để có cái nhìn tổng quát hơn.
Ví dụ, nếu như cặp USD/CAD đang có một tín hiệu tăng giá, đồng thời giá dầu đang cho một tín hiệu giảm giá, điều đó có nghĩa là đồng CAD đang thực sự có khả năng giảm và tỷ giá USD/CAD sẽ tăng lên. Từ đó anh em có thể tự tin hơn khi quyết định vào một lệnh mua.
Ngược lại, anh em cũng có thể phân tích song song cả hai biểu đồ để có thể giao dịch dầu chính xác hơn.
Ngoài ra, anh em cũng có thể áp dụng mối liên hệ giữa đồng CAD và giá dầu trong phân tích cơ bản một cách rất hiệu quả.
Những tin tức về giá dầu thường rất phổ biến và dễ nắm bắt. Do đó nếu từ phân tích cơ bản, anh em dự đoán rằng giá dầu trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng, điều đó có nghĩa là đồng CAD ít nhiều cũng tăng theo, và anh em có thể sẵn sàng tìm kiếm một lệnh bán USD/CAD hay tương tự với các cặp tiền khác.
Bên cạnh giá dầu, giá cả hàng hóa cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc phân tích đồng CAD. Mặc dù giá hàng hóa ít phổ biến và ít nắm bắt hơn giá dầu, nhưng anh em vẫn hoàn toàn có thể theo dõi tại các trang thông tin kinh tế – tài chính trong và ngoài nước.
Ở mức độ đơn giản nhất, anh em có thể lưu ý đến các thông tin như giá sắt thép thế giới tăng, giá nông sản thế giới giảm… từ đó sẽ có liên hệ đối với đồng CAD và đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.
Lưu ý rằng ở đây chúng ta chỉ sử dụng thông tin giá cả hàng hóa thế giới chứ những thay đổi chỉ xảy ra ở Việt Nam không thể ảnh hưởng được đến đồng CAD.
Xem thêm: Hàng hóa – kênh đầu tư hiệu quả cho nhà đầu tư Việt
4. Kết luận
Việc tận dụng mối tương quan giữa các loại tài sản khác nhau là vô cùng hữu ích khi giao dịch Forex. Càng có nhiều tín hiệu xác nhận, thì xác suất giành chiến thắng của anh em sẽ càng cao. Do đó, anh em không nên bỏ qua một mối tương quan “tuyệt vời” như đồng CAD và giá dầu khi giao dịch hai loại tài sản này nhé.
Tuy nhiên, dù xác suất cao đến đâu cũng không thể đạt 100%, rủi ro là điều không thể tránh khỏi trong thị trường Forex. Vì vậy, anh em nhớ luôn phải xây dựng và tuân thủ các quy tắc phòng ngừa rủi ro và quản lý vốn thật tốt.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ