ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Phân tích liên thị trường là gì? 4 nhánh trong thị trường tài chính

10.06.2022, 09:52 18 phút đọc

Thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là 4 nhánh tạo nên thị trường tài chính nói chung. Các thị trường nhánh này đều không vận hành độc lập, mà luôn có những mối liên kết chặt chẽ với nhau. Hiểu được mối liên kết này sẽ giúp anh em có cái nhìn đa chiều hơn, từ thị trường này có thể đưa ra nhận định hoặc xác nhận được trạng thái của thị trường khác. Đó cũng chính là lý do tại sao anh em cần biết cách phân tích liên thị trường khi tham gia đầu tư trên thị trường tài chính.

Trong quá trình tìm hiểu và hoạt động trên thị trường Forex, hẳn là anh em cũng biết được thị trường này có những mối liên hệ nhất định với các thị trường tài chính khác như chứng khoán hay hàng hóa. Tuy nhiên, những mối liên hệ này không cố định, mà thường thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau cũng như các điều kiện khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần biết cách phân tích liên thị trường để nắm bắt được những thông tin giá trị đó, và tối ưu hóa các chiến lược giao dịch của mình.

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Phân tích liên thị trường là gì?

Phân tích liên thị trường là một phương pháp phân tích mà trong đó, chúng ta xem xét mối tương quan giữa các loại tài sản khác nhau ở trong những thị trường khác nhau. Phương pháp này xuất phát từ nguyên lý những gì xảy ra ở một thị trường có thể ảnh hưởng đến các thị trường khác, và việc nghiên cứu các mối quan hệ này sẽ có lợi cho nhà giao dịch.

Thay vì phân tích các tài sản hoặc các thị trường tài chính một cách riêng lẻ, thì phân tích liên thị trường sẽ xem xét cùng lúc hai hoặc nhiều tài sản, hoặc thị trường có tương quan chặt chẽ với nhau, ví dụ như cổ phiếu với trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa…

Phân tích liên thị trường không phải có mục đích là giao dịch trên nhiều loại tài sản hoặc nhiều thị trường khác nhau cùng lúc, mà khi giao dịch một tài sản hoặc một thị trường nhất định, chúng ta sẽ xem xét thêm các tài sản và thị trường khác có mối tương quan, để có cái nhìn tổng thể hơn và có thêm những tín hiệu cho tài sản đang được giao dịch.

Một ví dụ giúp anh em dễ hình dung, đó là khi phân tích về đồng đô la Mỹ, anh em cần nghiên cứu tổng thể tình hình thị trường Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu này cần thực hiện trên phạm vi liên thị trường, bao gồm trái phiếu Hoa Kỳ, giá cả hàng hóa và tình hình thị trường chứng khoán.

Tất cả các thị trường này đều có những tác động đến đồng đô la Mỹ nói riêng, và thị trường tiền tệ nói chung, do đó chúng ta cần có sự phân tích để hiểu rõ hơn tiềm năng của đồng USD trong tương lai.

Phân tích liên thị trường là một hình thức phân tích cơ bản, nó dựa vào các mối quan hệ trong nền kinh tế để đưa ra định hướng phân tích. Tuy nhiên, đôi khi phương pháp này cũng được coi là một nhánh của phân tích kỹ thuật, vì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật trên tất cả các thị trường đang xét.

2. 4 nhánh chính trong thị trường tài chính

Để hiểu được phân tích liên thị trường, trước hết chúng ta cần hiểu về các thành phần trong “liên thị trường” đang được đề cập tới. Nếu như anh em để ý, thì mình cũng đã chỉ ra các thành phần quan trọng nhất trong thị trường tài chính ở ví dụ phía trên, bao gồm: thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa và thị trường trái phiếu.

phân tích liên thị trường

4 thị trường chính trong phân tích liên thị trường

Chúng ta sẽ tìm hiểu qua từng loại thị trường này để có thể tiếp cận với phương pháp phân tích liên thị trường một cách dễ dàng hơn.

 2.1. Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán có lẽ là loại phổ biến nhất trong thị trường tài chính. Đây là nơi các doanh nghiệp, công ty niêm yết cổ phiếu của họ để huy động vốn (IPO), và chúng sẽ được mua bán bởi các nhà đầu tư, các nhà giao dịch. (elcpinellas.org)

Cổ phiếu được giao dịch trên các sàn giao dịch, là các tổ chức được cấp phép bởi chính quyền của từng quốc gia, và được quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở Việt Nam). Các sàn giao dịch ở quốc gia nào thường niêm yết cổ phiếu của các công ty hoạt động tại quốc gia đó, hoặc các công ty nước ngoài đăng ký hoạt động tại quốc gia đó.

Thị trường chứng khoán đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia, là nơi huy động vốn từ cộng đồng cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng là thước đo sức khỏe tổng thể cho nền kinh tế, và mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Trên thế giới, chúng ta có các Sở giao dịch chứng khoán (hay còn gọi là sàn chứng khoán) lớn có sức ảnh hưởng tới toàn cầu như Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), NASDAQ, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, Sở chứng khoán London, Sở chứng khoán Hong Kong,…

Xem thêm: Những kiến thức cơ bản về chứng khoán nhà đầu tư F0 nào cũng nên biết!

2.2. Thị trường trái phiếu

Trái phiếu là một loại tài sản đảm bảo được phát hành bởi doanh nghiệp hoặc nhà nước nhằm mục đích vay vốn để hoạt động, hoặc tài trợ cho các dự án, trong đó nhà đầu tư được hiểu là cho bên phát hành vay tiền trong một khoảng thời gian xác định, với lãi suất xác định trước.

Thị trường trái phiếu còn được gọi là thị trường nợ hoặc thị trường tín dụng, và cũng là một kênh đầu tư quan trọng đối với cả chủ thể phát hành cũng như các nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu cũng phản ánh tình hình hoạt động nền kinh tế của một quốc gia, đặc biệt là trái phiếu chính phủ.

Ví dụ, trái phiếu Kho bạc của Hoa Kỳ (US10Y) là một loại dữ liệu vô cùng quan trọng thể hiện sức khỏe nền kinh tế nước này, và cũng phần nào tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Lợi suất 10 năm của trái phiếu này cũng là một chỉ số quan trọng trong phân tích thị trường, bao gồm cả thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối và các thị trường khác.

Xem thêm: Trái phiếu (Bond) và công thức tính giá trái phiếu được thực hiện như thế nào ?

2.3. Thị trường tiền tệ – ngoại hối

Trên thực tế, thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối có thể được tách rời làm hai thị trường khác nhau.

Thị trường tiền tệ có thể hiểu là nơi giao dịch ngoại tệ với khối lượng lớn giữa các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư. Các cá nhân cũng có thể đầu tư vào thị trường tiền tệ thông qua các quỹ này, hoặc mua chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu kho bạc từ các ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Thị trường ngoại hối cũng là nơi giao dịch các loại tiền tệ, nhưng chúng ta có thể hiểu là việc giao dịch trên thị trường ngoại hối không diễn ra trực tiếp với tiền mặt, mà những người tham gia sẽ mua bán dựa trên tỷ giá hối đoái của từng cặp tiền với nhau.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối được phân cấp và bao gồm một mạng lưới máy tính cùng với các nhà môi giới trên toàn cầu, và các giao dịch có thể nói là hoàn toàn trực tuyến. Các thành phần tham gia trên thị trường ngoại hối bao gồm ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu cơ, các nhà môi giới và cả các nhà giao dịch cá nhân.

Dưới góc độ nhà giao dịch cá nhân, chúng ta không cần quá phân biệt giữa hai thị trường này mà có thể gộp chung vào để tiếp cận với phân tích liên thị trường một cách dễ dàng hơn. Thị trường tiền tệ – ngoại hối là thị trường có quy mô lớn nhất toàn cầu, nhưng lại khá nhạy cảm và chịu tác động nhiều từ tất cả các thị trường khác.

2.4. Thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa là nơi các nhà sản xuất hàng hóa và người tiêu dùng trao đổi, buôn bán các loại sản phẩm, hàng hóa vật chất như nông sản (ngô, lúa mì, đậu nành…), năng lượng (dầu mỏ, khí đốt…) hay kim loại (vàng, bạc,…), đây được gọi là thị trường hàng hóa giao ngay.

Tuy nhiên, các giao dịch hàng hóa còn diễn ra phổ biến ở trên thị trường phái sinh như hợp đồng tương lai, quyền chọn, tức là “đặt” mua ở một mức giá nào đó nhưng không giao dịch ngay bằng sản phẩm vật chất.

Các quốc gia trên thế giới đều phải có hoạt động trao đổi hàng hóa, bao gồm sản xuất – xuất khẩu hoặc nhập khẩu – tiêu thụ, do đó giá cả cũng như các biến động trên thị trường hàng hóa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của một quốc gia, quốc gia sản xuất và tiêu thụ hàng hóa càng nhiều thì càng bị ảnh hưởng.

Xem thêm: Giao dịch hàng hóa – Kênh đầu tư truyền thống nhưng hiệu quả

2.5. Các thị trường khác

Mặc dù mình chỉ nhắc đến 4 nhánh thị trường chính, nhưng thức chất trên thị trường tài chính hiện này còn có rất nhiều các thị trường nhánh khác, nhưng nhìn chung nó không ảnh hưởng nhiều hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ mà chúng ta giao dịch, do đó trong phân tích liên thị trường chúng ta có thể tạm thời bỏ qua.

Các thị trường khác này bao gồm:

  • Thị trường tiền điện tử: Hẳn anh em cũng biết tiền điện tử đang rất phổ biến, nhưng nó mới hình thành cách đây không lâu và cũng không tác động nhiều tới thị trường tiền tệ hay nền kinh tế vĩ mô.
  • Thị trường phái sinh: Thị trường phái sinh có thể hiểu là nơi có những hợp đồng giao dịch giữa các bên đối với một loại tài sản nào đó, nhưng dựa trên sự thỏa thuận chứ không phải giá thị trường. Cũng chính vì vậy, thị trường này hoạt động khá độc lập và không tác động nhiều tới nền kinh tế tổng thể.
  • Thị trường OTC (over the counter): đây là một thị trường phi tập trung, là nơi các giao dịch diễn ra trực tuyến (không có địa điểm) và không có người môi giới (người mua và người bán giao dịch trực tiếp). Trên thực tế chúng ta có thể hiểu OTC là một hình thức giao dịch thay vì một nhánh của thị trường tài chính.

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

3. Phân tích tương quan thuận và tương quan nghịch

Trong phân tích liên thị trường, mối tương quan giữa 4 thị trường chính mà chúng ta đang xem xét có thể xảy ra theo hai hướng: tương quan thuận và tương quan nghịch.

Tương quan thuận xảy ra khi hai tài sản biến động cùng chiều với nhau, có nghĩa là cùng tăng hoặc cùng giảm. Mối tương quan thuận giữa hai loại tài sản được thể hiện bằng một hệ số dương, với giá trị thấp nhất là 0 và cao nhất là 1.

Nếu hai tài sản có hệ số tương quan lớn hơn 0,7 thì chúng được coi là có mối tương quan mạnh, ngược lại, nếu hệ số này nhỏ hơn 0,7 là một mối tương quan yếu, và bằng 0 có nghĩa là hai tài sản hoàn toàn không có sự tương quan.

Tương quan nghịch ngược lại so với tương quan thuận, là khi hai tài sản biến động ngược chiều nhau. Cụ thể, nếu A tăng thì B giảm hoặc A giảm thì B tăng có nghĩa là A và B có mối tương quan nghịch.

Tương quan nghịch được thể hiện bằng hệ số âm, từ -1 đến 0. Mức hệ số từ -0,7 đến -1 được coi là tương quan mạnh.

Hệ số tương quan của các tài sản có thể được tính toán bằng công thức, tuy nhiên công thức này tương đối phức tạp và chúng ta có lẽ cũng không có đủ dữ liệu để tính toán. Do đó, VnRebates sẽ có những bài viết chi tiết về mối tương quan của 4 thị trường và một số tài sản quan trọng để anh em có thể sử dụng trực tiếp khi phân tích liên thị trường.

Ngoài ra, khi anh em muốn xem xét tính tương quan của hai tài sản bất kỳ, anh em cũng có thể quan sát biểu đồ giá của chúng và so sánh  sự di chuyển của giá. Nếu hai tài sản có tương quan mạnh, thì anh em có thể nhận thấy một cách rất dễ dàng trên biểu đồ.

Ví dụ, chúng ta có một mối tương quan nghịch ở mức độ tương đối mạnh và rất phổ biến là giữa giá vàng và chỉ số đồng đô la Mỹ – DXY. So sánh biểu đồ của hai đối tượng này, anh em có thể thấy phần lớn thời gian chúng di chuyển ngược chiều với nhau.

phân tích liên thị trường

Mối tương quan nghịch giữa giá vàng và chỉ số DXY

Hay chúng ta có một ví dụ khác về mối tương quan thuận giữa đồng CAD và giá dầu. Anh em có thể thấy chỉ số CXY (chỉ số sức mạnh đồng đô la Canada) phần lớn thời gian luôn có chung xu hướng tăng giảm với giá dầu thô – cho thấy tương quan thuận ở mức độ khá mạnh.

phân tích liên thị trường

Tương quan thuận giữa đồng CAD và giá dầu

Xem thêm: Tại sao đồng CAD và giá dầu có mối tương quan vô cùng chặt chẽ

4. Ý nghĩa của phân tích liên thị trường

Phân tích liên thị trường là một phương pháp rất có giá trị đối với phân tích trung hạn và dài hạn. Việc phân tích dựa trên mối tương quan  của các tài sản, các thị trường có thể giúp anh em xác nhận xu hướng hoặc có các tín hiệu cảnh báo sự đảo chiều chính xác hơn.

Ví dụ, trở lại mối tương quan giữa đồng CAD và giá dầu phía trên, chúng ta có đây là một mối tương quan thuận, có nghĩa là khi dầu ở trong xu hướng tăng thì đồng CAD cũng vậy, và khi giá dầu đảo chiều thì rất có khả năng đồng CAD cũng sẽ quay đầu.

Áp dụng vào thực tế, giả sử khi anh em giao dịch đồng CAD, anh em có thể phân tích song song biểu đồ tỷ giá của CAD cùng với biểu đồ giá dầu. Nếu như anh em phát hiện một dấu hiệu cho thấy đồng CAD có thể tăng giá, và biểu đồ dầu cũng cho tín hiệu tương tự thì chúng ta có thể tự tin hơn về đà tăng của đồng CAD và mua vào đồng tiền này.

phân tích liên thị trường

Đà tăng của dầu là tín hiệu đáng tin cậy cho sự tăng giá của đồng CAD

Ngoài việc phân tích thông thường như ví dụ trên, chúng ta còn có thể sử dụng phân tích liên thị trường như một phương pháp tiếp cận từ trên xuống, hay nói cách khác là phân tích từ tổng thể tới chi tiết.

Khi phân tích liên thị trường, chúng ta cùng lúc xem xét nhiều thị trường khác nhau, dựa trên rất nhiều yếu tố, và nhìn chung điều đó giống như việc ta đang phân tích tổng thể nền kinh tế vĩ mô. Từ cái nhìn tổng thể đó, chúng ta sẽ biết được những lĩnh vực, những thị trường hoặc thậm chí là một tài sản cụ thể nào đó đang có nhiều cơ hội, và dựa vào đó để tìm kiếm các giao dịch với xác suất cao.

Có thể nói đây cũng chính là lý do mà chúng ta xếp phân tích liên thị trường là một phương pháp phân tích cơ bản. Vì để phân tích liên thị trường hiệu quả và đúng cách, anh em cần hiểu các chỉ số kinh tế vĩ mô, biết cách phân tích và nhận định một cách tổng quát nhất về toàn cảnh thị trường tài chính.

5. Lưu ý khi phân tích liên thị trường

Có một vấn đề lớn nhất mà anh em cần lưu ý khi phân tích liên thị trường, đó là các mối tương quan không phải là bất biến. Ở thời điểm này, tương quan giữa tài sản A và B có thể là mạnh (trên 0,7), nhưng không có nghĩa là ngày mai hoặc tuần sau mối tương quan đó vẫn vậy. Hoặc thậm chí khi có những biến động lớn của nền kinh tế, hai tài sản đó có thể không còn tương quan gì với nhau.

Trên thực tế, ở các chu kỳ kinh tế khác nhau, chúng ta có thể chứng kiến rất nhiều sự thay đổi mối tương quan vốn có giữa các tài sản, có thể giảm, có thể tăng, có thể mất hoặc thậm chí mối tương quan có thể đảo ngược từ thuận sang nghịch.

Một ví dụ dưới đây sẽ giúp anh em thấy rõ điều này, đó là về mối tương quan của thị trường chứng khoán Mỹ (cổ phiếu) (đại diện bởi chỉ số SPX) và thị trường trái phiếu Mỹ (đại diện bởi chỉ số US30) trong chu kỳ lạm phát và chu kỳ giảm phát.

phân tích liên thị trường

Tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu thay đổi theo từng chu kỳ của nền kinh tế

Nhìn chung, mối tương quan liên thị trường không phải là một hằng số, mà nó biến động liên tục qua từng giai đoạn. Mình sẽ có những bài viết chi tiết đối với từng thị trường, từng loại tài sản để anh em hiểu hơn về sự thay đổi này.

Tuy nhiên, ở mức độ tổng thể, anh em cần hiểu rằng chúng ta không thể chỉ dựa vào phân tích liên thị trường để đưa ra quyết định giao dịch, mà cần kết hợp phân tích cơ bản – đánh giá tình hình vĩ mô xem nền kinh tế đang ở trong chu kỳ nào, ngoài ra cũng phải kết hợp thêm phân tích kỹ thuật để tìm ra các tín hiệu giao dịch phù hợp nhất.

6. Kết luận

Hy vọng qua bài viết này, anh em đã có cái nhìn tổng quát nhất về phân tích liên thị trường. Hãy theo dõi các bài viết trên wp.vnrebates.io để tìm hiểu về những mối tương quan liên thị trường một cách chi tiết, từ đó ứng dụng vào chiến lược giao dịch của mình nhé. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, anh em có thể để lại ở phần bình luận, hoặc gửi tới Hòm thư hỏi đáp của chúng mình để chúng ta cùng nhau thảo luận.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.