Hồ sơ kinh tế (Economic profile) luôn là thứ mà các cá mập, chính phủ, hay đối tác quan thương mại quan tâm đầu tiên. Đây là hồ sơ sức khỏe của một nền kinh tế giúp anh em tìm ra những cơ hội đầu tư tuyệt vời trên toàn thế giới hay đơn giản hơn chỉ là những cú trade các chứng khoán, chỉ số, tiền tệ của các quốc gia này. Vậy Hồ sơ kinh tế, gồm những gì, làm gì, ở đâu hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Hồ sơ kinh tế (Economic profile) là gì?
Hồ sơ kinh tế là (Economic profile) là một tài liệu cung cấp bảng tóm tắt các chỉ số kinh tế vĩ mô, dữ liệu kinh tế quan trọng của một khu vực, quốc gia, công ty,… tài liệu này sẽ giúp anh em nắm bắt được tình hình nơi mình muốn đầu tư, so sánh, đánh giá các cơ hội từ đó ra những quyết định có lợi nhất cho các khoản đầu tư của mình.
Hồ sơ kinh tế thường có hai mục chính: (1) Tổng quan chủ thể cần xem xét (ở bài này chúng ta sẽ xem xét chủ thể là một quốc gia); (2) Các chỉ số kinh tế vĩ mô dạng thống kê. Hồ sơ kinh tế cũng có thể được thiết kế theo yêu cầu riêng nếu anh em yêu cầu bên cung cấp dịch vụ.
1.1. Tổng quan nền kinh tế
Tổng quan nền kinh tế (economy overview) là bảng tóm tắt về các sự kiện kinh tế, chính trị quan trọng có tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế trong nước trong thời gian gần của một đất nước. Bên cạnh đó nó cũng sẽ cung cấp cho anh em cái nhìn tổng quát về các đặc điểm của nền kinh tế đó, các thành tựu/ kết quả thực thi chính sách của họ và các vấn đề còn tồn đọng.
1.2. Các chỉ số kinh tế vĩ mô
Các chỉ số kinh tế vĩ mô là thứ mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức lớn quan tâm trước nhất, đây luôn là động lực vận động của nền kinh tế và là cơ sở để họ ra quyết định. Việc đi theo cá mập luôn là ưu tiên của anh em trader chúng ta, vậy hãy cùng mình tìm hiểu xem những chỉ số này là gì và ý nghĩa của chúng đối với nền kinh tế như thế nào nhé.
1.2.1. GDP (Gross Domestic Product)
GDP – Tổng sản phẩm quốc nội, là một chỉ số kinh tế vĩ mô rất quan trọng được tính bằng cách cộng giá trị thị trường của tất cả hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (tháng/quý/năm).
Dựa vào GDP anh em có thể đánh giá được quy mô nền kinh tế đó, vị thế, tăng trưởng hay suy thoái,….
Có nhiều cách tính GDP khác nhau, nhưng trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện tại việc có một thước đo chung để so sánh giữa các nền kinh tế với nhau là cần thiết. Vậy nên trong báo cáo của các tổ chức lớn thường sử dụng hai loại cách tính GDP dưới đây:
- GDP tính theo sức mua tương đương (PPP): GDP tính theo phương pháp này thường sẽ được quy đổi sang USD và thể hiện sức mua một lượng hàng hóa tương đương của người Mỹ với quốc gia đang xem xét.
Ví dụ: ở Việt Nam 1$/1 lon bia, ở Mỹ 5$/1 lon bia. Như vậy 1$ tiêu dùng ở Việt Nam có sức mua tương đương 5$ ở Mỹ.
- GDP tính theo tỷ giá hối đoái (OER): đây là phương pháp lấy GDP/tỷ giá hối đoái. Phương pháp này giúp đánh giá quy mô và sức mua của một nền kinh tế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên ở phương pháp này tỷ giá có thể bị thao túng làm cho nó trở nên kém chính xác và ít được ưa thích hơn GDP (PPP).
Ngoài các con số tuyệt đối trên thì anh em cũng cần xem xét thêm tốc độ tăng trưởng GDP để có cái nhìn dự phóng cho tương lai. Tốc độ tăng trưởng GDP là mức tăng theo % của nền kinh tế so với năm liền trước của nó. Chỉ số này dương tức là đất nước này đang phát triển và ngược lại.
- GDP bình quân đầu người: GDP/ dân số trung bình năm cần tính. Chỉ số kinh tế vĩ mô này giúp anh em đánh giá được mức sống của mỗi người dân trong đất nước đó. Tuy nhiên đây là chỉ số không quá chính xác vì đa số GDP của một quốc gia thường nằm trong tay thiểu số những người giàu có nhất quốc gia đó.
1.2.2. Cơ cấu GDP
Cơ cấu GDP giúp anh em xác định được nguồn thu nhập của quốc gia này chủ yếu đến từ những đâu, chi tiêu thế nào? kết hợp với phân tích về các thế mạnh của quốc gia thì chúng ta sẽ biết quốc gia này có tận dụng tốt các tài nguyên, lợi thế hay không, có đối phó được các hạn chế hay không.
- Theo thành phần (%): các thành phần chính cấu thành GDP gồm
- Chi tiêu chính phủ
- Chi tiêu hộ gia đình
- “Xuất khẩu – nhập khẩu = X”: Nếu X dương thì quốc gia này đang kiếm được tiền từ thương mại quốc tế và ngược lại.
Các thành phần này giúp anh em đánh giá được độ mở của nền kinh tế, nếu phần lớn GDP đến từ chi tiêu chính phủ tức nền kinh tế này chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước; quốc gia này tự chủ sản xuất; dư thừa sản phẩm hay phụ thuộc nhập khẩu.
- Theo mục đích sử dụng (%):
(1) Đầu tư vào tài sản cố định (đường xá, máy móc, phương tiện,…)
(2) Đầu tư vào hàng tồn kho (hàng hóa sản xuất ra để bán, có thể bán vào những năm tiếp theo nếu tình hình khó khăn)
Việc phân loại này sẽ giúp anh em đánh giá được năng lực sản xuất và đáp ứng của một quốc gia
Ví dụ: quốc gia đó có tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định lớn thì việc đặt hàng sản xuất ở đây sẽ rất tốt vì họ có thể sản xuất rất nhanh và rẻ.
- Theo ngành (%): ba thành phần chính của phân loại này là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Phân loại này giúp anh em hiểu rõ thế mạnh của quốc gia này trong là trong lĩnh vực nào.
Hãy kết hợp các phân loại này lại với nhau để anh em có cái nhìn sâu hơn về nền kinh tế đang xem xét nhé.
* Lưu ý: Cộng tổng các phân loại trong Cơ cấu GDP anh em sẽ đc 100%
1.2.3. Điểm số về mức độ dễ kinh doanh
Đây là chỉ số được tính sẵn cho anh em trong báo cáo của Worldbank, điểm số các cao thì mức độ thuận lợi trong kinh doanh càng cao, các nhà kinh doanh sẽ được hỗ trợ, bảo vệ nhiều hơn trong hoạt động của mình.
1.2.4. Tỷ lệ dân số dưới mức nghèo (%)
Đây là tỷ lệ dân số sống dưới mức 1.9$/ ngày ở quốc gia đó, là một chỉ số kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Nếu tỷ lệ này lớn các nhà kinh doanh sẽ cân nhắc đầu tư sản xuất ở đây vì giá nhân công rẻ sau đó sẽ mang sản phẩm đi nơi khác bán để kiếm lợi. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc nguyên nhân dẫn đến việc này.
Ví dụ: sau chiến tranh tỷ lệ nghèo của quốc gia là rất lớn, tuy nhiên đây chẳng phải là cơ hội đầu tư vì gần như mọi thứ từ hạ tầng, các ngành phụ trợ,… đều không còn
1.2.5. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động hoạt động trong những ngành thuộc cơ cấu GDP theo ngành là một yếu tố cũng khá quan trọng. Nếu anh em thấy tỷ lệ lao động trong ngành thấp mà tạo ra tỷ lệ đóng góp lớn trong cơ cấu GDP tức là nước đó có nhiều lợi thế về nhóm ngành đó như công nghệ, năng suất, lợi thế tự nhiên,… và ngược lại.
Lực lượng lao động trẻ, trình độ cao, rẻ cũng là những tiêu chí mà các nhà kinh doanh săn tìm, quốc gia nào có những điều kiện này sẽ có một mức dự phóng rất tốt cho tương lai nếu các chính sách kinh tế, chính trị được hoạch định và thực thi tốt.
1.2.6. Tỷ lệ thất nghiệp (%)
Unemployment rate, lại là một chỉ số kinh tế vĩ mô rất quan trọng nữa, con số này càng cao thì gánh nặng cho nền kinh tế càng lớn, sẽ rất tốn tiền của chính phủ để hỗ trợ những người này và sẽ giảm hiệu quả đầu tư cho kinh tế. Đây cũng là chỉ số phản ánh năng lực điều hành của các nhà lãnh đạo quốc gia đó. Nếu chỉ số này quá cao sẽ dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội, môi trường kinh tế, chính trị bất ổn, tuy nhiên nếu con số này cao vừa đủ sẽ tạo nên một quốc gia dư thừa lao động giá rẻ.
1.2.7. Phân phối thu nhập hoặc chi tiêu hộ gia đình – theo tỷ lệ phần trăm
Đây là thống kê thể hiện khoảng cách giàu nghèo trong quốc gia đó, thống kê sẽ cho biết 10% những hộ gia đình kiếm được ít nhất và 10% những hộ gia đình kiếm được nhiều nhất là bao nhiêu (%) trong tổng GDP.
1.2.8. Phân phối thu nhập hộ gia đình – Gini index
Đây là một chỉ số nữa chỉ ra sự bất bình đẳng thu nhập theo mức tổng quát. Chỉ số này chạy từ 0-100, nếu nó càng cao tức là sự bất bình đẳng càng lớn và ngược lại.
Như trên biểu đồ anh em có thể thấy khi thu nhập được phân phối theo Line of Equality (màu đỏ) tức là 50% dân số nhận được 50% thu nhập, 10% trên cùng cũng nhận được đúng 10% thu nhập. Tuy nhiên sự hoàn hảo này không thể diễn ra mà thực tế thu nhập được phân phối theo đường cong Lorenz (màu đen) nơi mà 80% dân số chỉ nhận được gần 40% thu nhập (40% GDP).
1.2.9. Ngân sách
Ngân sách quốc gia bao gồm hai thành phần là (1) thu ( thuế, doanh nghiệp công, vay/ viện trợ, các nguồn khác….) và (2) chi (chi ví vận hành, đầu tư hạ tầng, phúc lợi xã hội, trả nợ, dự trữ quốc gia, chi khác…).
Thu – chi < 0 thì quốc gia đang thâm hụt ngân sách và ngược lại là thặng dư ngân sách. Việc thặng dư ngân sách có thể giúp quốc gia đó có tiền đề hỗ trợ nền kinh tế, dự phòng các biến động, hay hỗ trợ tỷ giá,… thặng dư càng nhiều càng an toàn. Con số thâm hụt hay thặng dư có thể được biểu diễn bằng % so với GDP
- Thuế/ ngân sách: đây là chỉ số khá quan trọng vì nó cho thấy nguồn thu ngân sách trong nước, chỉ số càng lớn chứng tỏ quốc gia đó có thể tự chủ ngân sách tốt nhờ nền kinh tế trong nước mạnh và hạn chế được các chi phí đi vay.
1.2.10. Nợ công (% GDP)
Nợ công là khoản nợ bao gồm các khoản đi vay từ các nguồn trong và ngoài nước của tất cả các cấp chính quyền trong nước, việc mượn nợ này thường là do thu ngân sách không đủ phải vay mượn để tài trợ cho các khoản chi. chỉ số kinh tế vĩ mô này có thể giúp anh em đánh giá được tỷ lệ vỡ nợ của một quốc gia, nếu như vay quá nhiều so với GDP thì khả năng vỡ nợ rất cao.
1.2.11. Tỷ lệ lạm phát
Lạm phát là hiện tượng mất giá đồng tiền, nghe có vẻ tiêu cực tuy nhiên các chính phủ thường duy trì nền kinh tế lạm phát hơn là giảm phát (đồng tiền tăng giá). Việc duy trì lạm phát ở một mức ổn định sẽ làm giảm chi phí các khoản vay, nhờ vậy việc đi vay sẽ rẻ hơn kích thích sản xuất, tiêu dùng. Việc duy trì giảm phát cũng khiến cho các hình thức tiết kiệm kém hấp dẫn và kích thích người dân tiêu dùng hay đầu tư kinh doanh.
1.2.12. Xếp hạng tín dụng
Xếp hạng tín dụng của một nền kinh tế là điểm số do các công ty xếp hạng tín dụng như Fitch, Moody’s hay Standard & Poors,… đánh giá. Hạng tín dụng của một quốc gia cho biết khả năng trả nợ của quốc gia đó.
1.2.13. Các ngành nghề chính
Ở mục này của hồ sơ sẽ liệt kê cho anh em những ngành nghề đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP của quốc gia đó, những ngành này là những ngành mà quốc gia này có lợi thế tự nhiên hoặc được chính phủ ưu tiên phát triển.
1.2.14. Tình hình xuất nhập khẩu
Trong mục này của hồ sơ anh em sẽ biết được các hàng hóa xuất/ nhập khẩu chủ yếu, giá trị xuất/ nhập khẩu ròng. Nếu xuất khẩu – nhập khẩu > 0 thì cán cân thương mại của quốc gia này là dương, chứng tỏ trong quá trình giao thương quốc gia này thu về được lợi nhuận, điều này sẽ giúp họ giàu lên liên tục và ngược lại với các quốc gia có cán cân thương mại âm.
1.2.15. Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái được tính bằng cách lấy một đơn vị tiền tệ khác (thường là USD) so sánh với tiền tệ của quốc gia đang xem xét.
Ví dụ: USD/VND = 22000 tức là 1USD = 22000VND
Đây chính là tỷ lệ quy đổi khi Mỹ giao thương với Việt Nam, hoặc đơn giản hơn là anh em đổi tiền đi du lịch Mỹ. Việc duy trì tỷ giá thấp có thể giúp một quốc gia có lợi hơn trong xuất khẩu hoặc thu hút đầu tư.
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
2. Tìm kiếm các cơ hội đầu tư
Sau khi đã biết về hồ sơ kinh tế và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong đó thì không dừng lại ở đó đâu anh em ạ, để mà có thể thu về lợi nhuận chúng ta vẫn còn một số việc nữa như: tìm các báo cáo này ở đâu, đọc nó như thế nào, có những gì cần lưu ý,… chúng ta hãy cũng tìm hiểu thêm những điều đó qua việc trả lời một số câu hỏi sau đây.
- Đọc vị các nền kinh tế có giống nhau không?
Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG!
Qua những gì đã phân tích phía trên anh em có thể thấy các nền kinh tế có cấu tạo khác nhau, các thành phần chính khác nhau từ đó tạo nên những điểm mạnh yếu khác nhau.
Các chính phủ thường ưu tiên phát triển một số lĩnh vực là thế mạnh của đất nước mình, phù hợp với năng lực đất nước, với các điều kiện tự nhiên nên mỗi một nền kinh tế chỉ phù hợp với một vài lĩnh vực đầu tư nhất định.
Ví dụ: một nước không có biển thì không cần xây dựng lực lượng hải quân hay đầu tư sản xuất container, tàu biển,…
Vậy nên khi đọc hồ sơ kinh tế của một quốc gia anh em nên đọc cả phần tổng quan để hiểu và kết hợp với phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô một cách chính xác nhất có thể nhé, thậm chí anh em có thể tìm thêm country profile hay các nghiên cứu chuyên sâu, theo dõi các chính sách của quốc gia đó nữa.
- Đọc các số liệu kinh tế vĩ mô ở đâu?
Các số liệu kinh tế vĩ mô của một quốc gia thường được công bố trên chính website của chính phủ quốc gia đó, anh em có có thể tìm thêm ở các nguồn uy tín như web site của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), CIA (ở trang web này anh em có thể tìm thấy gần như toàn bộ thông tin về một quốc gia)
- Đọc các chỉ số kinh tế vĩ mô để làm gì?
Để trả lời cho câu hỏi này thì anh em hãy nhớ đến khái niệm “phân tích cơ bản”, chính là nó đây anh em ạ, về tác dụng thì chúng ta đã không cần bàn nữa rồi phải không anh em.
Xem thêm: Phân tích cơ bản Forex là gì?
Các đối tượng khác nhau thì mục đích đọc và nghiên cứu cũng khác nhau. Đối với các nhà lãnh đạo là để hoạch định chính sách phát triển đất nước của họ. Còn với anh em trader chúng ta và các nhà đầu tư dĩ nhiên là để tìm những cơ hội kiếm lời!
Sâu hơn thì là để anh em có cái nhìn sâu sắc về một nền kinh tế, tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lợi nhuận một cách chắc chắn. Hoặc khi đã nắm giữ các khoản đầu tư/ cú trade vào nền kinh tế nào thì anh em cũng cần theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô của nó để bảo vệ tiền của mình trước những biến động.
3. Economic cheatsheet
Economic cheatsheet là một bảng thống kê gọn các chỉ số quan trọng của các nền kinh tế, cheatsheet còn có thể được thống kê theo chủ đề. Bảng thống kê gọn này có thể giúp anh em nắm bắt nhanh tình hình kinh tế của một quốc gia, qua đó đánh giá nhanh tình hình của quốc gia đó. Nó có thể giúp anh em làm phễu lọc nhanh để xem nền kinh tế đó có đáng quan tâm không trước khi tiến hành nghiên cứu sâu. Hoặc sau khi đã nắm giữ các khoản đầu tư anh em cũng có thể sử dụng nó như một bảng cập nhật định kỳ.
Hầu hết các công ty nghiên cứu thị trường như Bloomberg, Credit Suisse,… đều cung cấp các báo cáo này, anh em quan tâm có thể tìm đọc
4. Kết luận
Dù đầu tư hay trading việc đọc hiểu và nắm bắt các diễn biễn nền tảng của một nền kinh tế thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô là một điều cần thiết. Quá trình này cần một thời gian và sự học hỏi không ngừng của anh em. Bỏ ra một chút thời gian để tìm kiếm các cơ hội có tỷ lệ chiến thắng cao cũng như bảo vệ những đồng tiền kiếm được là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của anh em trader chúng ta.
Tuy đã nắm lợi thế từ những phân tích nền tảng qua hồ sơ kinh tế nhưng cũng đừng quên quản lý vốn anh em nhé! Không gì có thể chắc chắn 100% trên thị trường đâu.
Xem thêm: Chia sẻ cách quản lý rủi ro và quản lý vốn trong Forex
Hy vọng thông qua bài viết này có thể cung cấp cho anh em một số kiến thức cần thiết để phục vụ công việc giao dịch và biến nó thành nghề của mình. Chúc anh em giao dịch gặt hái nhiều thành quả!
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ