Giao dịch hàng hóa là phương thức giao dịch có nét đặc thù riêng, trên thị trường hàng hóa, giao dịch tập trung vào các nguyên liệu thô như: hàng hóa nông sản, kim loại quý hoặc kim loại công nghiệp và năng lượng. Hiện trên thế giới có khoảng 50 thị trường hàng hóa lớn tạo điều kiện cho hoạt động thương mại của khoảng 100 mặt hàng chính.
#Kiến_thức_NGHỀ_Trading
1. Lịch sử thị trường hàng hóa
Thị trường hàng hóa là một trong những thị trường tài chính lâu đời nhất. Xét về khía cạnh lịch sử, việc buôn bán hàng hóa có từ thời cổ đại thông qua việc trao đổi hàng – hàng và phát triển dần đến mối quan hệ hàng – tiền – hàng. Sau đó, giao dịch hàng hóa đã phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng đánh dấu sự phát triển là sự ra đời của Hội đồng Thương mại Chicago (CBOT) vào năm 1848.
Tiếp theo đó, CBOT sáp nhập với Chicago Mercantile Exchange (CME) vào năm 2007 để tạo thành Tập đoàn CME – đây là một trong những loại thị trường phổ biến nhất để giao dịch, cho dù là của các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức tài chính lớn hay các nhà đầu cơ.
Một tổ chức khác cũng có tác động đến thị trường giao dịch hàng hóa là Hội đồng Thương mại New York (NYBOT). Sàn giao dịch này được thành lập vào năm 1870 với tên gọi New York Cotton Exchange. Năm 2004, NYBOT sáp nhập với Sở giao dịch cà phê, đường và ca cao (CSCE) và trở thành một phần của Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE) vào năm 2006.
Hiện tại, NYBOT chủ yếu giao dịch các hợp đồng tương lai và quyền chọn đối với các hàng hóa vật chất như ca cao, cà phê, bông, đường và nước cam. Sàn giao dịch cũng giao dịch với các loại tiền tệ, lãi suất và các chỉ số thị trường. Nhờ các công cụ tài chính này, nhà sản xuất và người mua những mặt hàng này có cơ hội chốt giá trước thời hạn để bảo vệ khỏi sự biến động không lường trước được hoặc tình trạng thiếu hụt sản xuất.
Một sàn quan trọng khác nữa đó là New York Mercantile Exchange (NYMEX) được thành lập vào năm 1872 và tập trung vào thương mại sữa. Năm 1994, sàn giao dịch hàng hóa vật chất lớn nhất trên thế giới thời đó được thành lập, sau khi NYMEX sáp nhập với Sở giao dịch hàng hóa (COMEX). Sau đó vào năm 2008, sàn hợp nhất với CME Group của Chicago.
Ở châu Âu, hầu hết các giao dịch trên thị trường hàng hóa được thực hiện trên Sở giao dịch quyền chọn và hợp đồng tương lai tài chính quốc tế London (LIFFE), Sở giao dịch kim loại London, trong khi Sở giao dịch hàng hóa Tokyo là một công ty lớn ở châu Á.
2. Các danh mục của thị trường hàng hóa
Hàng hóa được chia thành hai loại: hàng hóa cứng và hàng hóa mềm. Hàng hóa cứng thường là tài nguyên thiên nhiên phải được đào hoặc khai thác như vàng, cao su và dầu… Trong khi đó hàng hóa mềm là các sản phẩm nông nghiệp hoặc chăn nuôi như ngô, lúa mì, cà phê, đường, đậu nành và thịt lợn…
Ngoài ra hàng hóa còn được chia thành các nhóm lớn như: kim loại, năng lượng và hàng hóa nông nghiệp
2.1. Kim loại
Trên thị trường giao dịch hàng hóa thì trong nhóm kim loại được phân chia ra 2 loại chính đó là kim loại quý và kim loại cơ bản (kim loại công nghiệp):
- Kim loại quý: là các kim loại có giá trị cao và hiếm trong tự nhiên, đó là những nguyên tố hóa học có giá trị kinh tế. Các kim loại được xem là quý khi số lượng của chúng ít và hiếm, có tầm quan trọng đối với kinh tế xã hội như: vàng, bạc, platin, palladium… tương ứng với các mã XAU, XAG, XPT, XPD…
- Kim loại cơ bản: là kim loại phổ biến, bị xỉn màu, oxy hóa hoặc ăn mòn tương đối nhanh khi tiếp xúc với không khí hoặc độ ẩm. Chúng được ứng dụng rộng rãi trong thương mại và công nghiệp, như xây dựng và sản xuất như: đồng, nhôm, thiếc, niken… tương ứng với các mã COP, MAL, TIN, NIC
Xem thêm: Xauusd là gì? 1 lot Xauusd là bao nhiêu? Chiến lược giao dịch Vàng hiệu quả
2.2. Năng lượng
Giao dịch năng lượng là quá trình giao dịch dựa trên sự biến động về giá của các nhóm năng lượng như dầu, khí đốt. Từ đó, chúng giúp các nhà đầu tư, trader có cơ hội thu lợi nhuận dựa trên giá chênh lệch. Trên thị trường giao dịch hàng hóa năng lượng thì các mã giao dịch được định danh như sau:
- Dầu: USOIL(WTI), UKOIL(Brent)
- Khí tự nhiên: LNG
2.3. Hàng hóa nông nghiệp
Giao dịch hàng hóa nông nghiệp được hiểu là hoạt động giao dịch các loại hàng hóa như ngô, cà phê, lúa mì, đậu tương thông qua thị trường hàng hóa. Trader có thể đầu tư nông sản mà không cần mua bán hàng thực thông qua hợp đồng tương lai hàng hóa.
Mục tiêu của hình thức đầu tư này chính là tạo ra lợi nhuận trong quá trình giao dịch nhờ sự biến động của giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Một số mã tương ứng với các mặt hàng gồm:
- Lúa mì: ZWA
- Ngô: ZCE
- Cà phê: KCE
#Thực_chiến_NGHỀ _Trading
3. Đặc điểm của giao dịch hàng hóa so với chứng khoán và forex
Để so sánh các đặc điểm của giao dịch hàng hóa so với chứng khoán và forex thì chúng ta cần xét đến 8 đặc điểm, bao gồm:
- Tính thanh khoản
- Cách mua bán
- Độ rủi ro
- Công cụ hỗ trợ
- Tính đòn bẩy
- Tính minh bạch
- Cường độ giao dịch
- Pháp luật
3.1. Tính thanh khoản
- Chứng khoán: Tính thanh khoản trung bình. Chỉ khi người mua muốn mua và người bán muốn bán một lượng cổ phiếu thì giao dịch mới được xảy ra. Khi giao dịch quá trình mua và bán xảy ra riêng rẽ. Nhà đầu tư phải mua vào rồi sau đó mới có thể bán ra.
- Forex: Tính thanh khoản cao do luôn có một lượng người mua bán trên thị trường. Giao dịch được xử lý 24/24
- Phái sinh hàng hóa: Tính thanh khoản cao nhờ giao dịch với thế giới và nhu cầu trao đổi hàng hóa luôn luôn ở mức cao.
Xem thêm: Tính thanh khoản là gì? Cán cân đo lường sức khỏe thị trường Forex
3.2. Cách mua bán
- Chứng khoán: Giao dịch mua bán 1 chiều. Tức là khi chứng khoán lên thì nhà đầu tư sẽ có lời. Mua bán rút tiền sẽ được thực hiện qua công ty chứng khoán hoặc lên sở chứng khoán.
- Forex: Giao dịch trên Forex diễn ra như sau: nhà đầu tư có thể bán ra trước rồi mua vào sau hoặc mua vào trước rồi bán ra sau trên một cặp tiền tệ mà mình giao dịch.
- Phái sinh hàng hóa: Giao dịch mua bán 2 chiều. Tức là nhà đầu tư vẫn có thể lời được dù thị trường lên hay xuống. Nhà đầu tư có thể liên tục mua và bán (liên tục mở và đóng vị thế) trong phim giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận dựa trên biến động của thị trường. Mua bán trên Sở hàng hóa hoặc công ty hàng hóa.
3.3. Độ rủi ro
- Chứng khoán: Ít rủi ro do giá chứng khoán biến động chậm.
- Forex: Nhiều rủi ro liên quan đến nhiều yếu tố tác động
- Phái sinh hàng hóa: Rủi ro ở mức xác định được. Mức độ biến động nhẹ nhàng phù hợp với trader có kiến thức và phân tích kỹ thuật tốt.
3.4. Công cụ hỗ trợ
- Chứng khoán: Có thể giao dịch chứng khoán quá app trên điện thoại, giao dịch trực tuyến qua web hay giao dịch qua nhân viên.
- Forex: Giao dịch thực hiện trên “thị trường liên ngân hàng” hoặc thông qua các broker làm người đại diện để giao dịch. Đây là kênh trực tuyến mà qua đó các đồng tiền được giao dịch 24/24, 5 ngày một tuần.
- Phái sinh hàng hóa: Giao dịch qua phần mềm, giao dịch qua nhân viên môi giới tại MXV hoặc thông qua các nền tảng của broker, tương tự như giao dịch Forex.
3.5. Tính đòn bẩy
- Chứng khoán: Đòn bẩy tài chính không quá cao. Điều này giúp hạn chế rủi ro thua lỗ khi cổ phiếu giảm giá.
- Forex: Đòn bẩy được đơn giản hóa việc tham gia vào thị trường Forex. Nhờ vậy Forex có khả năng tạo ra lợi nhuận tiềm năng lớn với ít tiền đầu tư nhưng đổi lại rủi ro của đòn bẩy lên tài khoản cũng sẽ lớn.
- Phái sinh hàng hóa: Đòn bầy tài chính lớn. Khi giao dịch trên thị trường này Nhà đầu tư bỏ ra 1/10 (ký quỹ) giá trị của Hợp đồng.
3.6. Tính minh bạch
- Chứng khoán: Tính minh bạch đôi lúc không được cao. Phụ thuộc vào độ uy tín và quy mô từng công ty.
- Forex: Phụ thuộc rất lớn thông qua độ uy tín của các broker
- Phái sinh hàng hóa: Công khai minh bạch rõ ràng, cập nhật biến động nhanh chóng do Sở giao dịch hàng hóa Việt nam liên thông với các Sở giao dịch hàng hóa thế giới.
3.7. Cường độ giao dịch
- Chứng khoán: Thời gian giao dịch hạn chế. Thời gian thanh toán bù trừ T+3 làm cho các giao dịch có độ trễ tương đương 3 ngày làm việc.
- Forex: Thời gian giao dịch linh hoạt. Sản phẩm trong Phái sinh hàng hóa có thể bán khống, giao dịch T+0 chốt lời và lỗ tức thì.
- Phái sinh hàng hóa: Thị trường có cường độ giao dịch tương tự với thị trường forex
3.8. Pháp luật
- Chứng khoán: Được nhà nước cấp phép hoạt động.
- Forex: Luật pháp Việt Nam không cấm, và cũng không có luật quy định. Tuy nhiên hạn chế là không nhận được sự bảo hộ từ pháp luật khi xảy ra tranh chấp.
- Phái sinh hàng hóa: Hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam. Được Bộ Công thương cấp phép hoạt động. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam hoạt động theo giấy phép sửa đổi bổ sung số 486/GP-BCT do Bộ Công Thương cấp ngày 8/6/2018. Đối với giao dịch thông qua các broker thì tính hợp pháp tương tự như giao dịch forex.
4. Các yếu tố cơ bản tác động đến giá trị hàng hoá
4.1. Quy luật cung cầu
Quy luật cung cầu là một quy luật chung, chi phối tất cả các thị trường tài chính hàng hóa trên thế giới. Có thể hiểu đơn giản đó chính là sức mua và sức bán của một mặt hàng trên thị trường. Nếu nguồn cung lớn hơn nhu cầu thì gía sẽ giảm. Và ngược lại khi nhu cầu tăng cao vượt nguồn cung thì giá sẽ tăng lên. Anh em có thể tìm hiểu rõ về quy luật cung cầu tác động đến giá hàng hóa thông qua bài viết: Cung cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu
Ví dụ: Giá thép cuộn Miền Nam được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,26 triệu đồng/tấn lên mức 18,57 triệu đồng/tấn, thép cây xây dựng loại D10 CB300 được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,46 triệu đồng/tấn lên mức 18,78 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng 10 ngày đầu tiên của tháng 03/2022.
Nguyên nhân là do Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công làm nhu cầu thép xây dựng trên thị trường tăng đột biến.
4.2. Giá trị đồng USD
Do tất cả các loại hàng hóa khi giao dịch trên thị trường liên lục địa và thế giới đều được thanh toán bằng đồng USD cho nên giá trị và sức mạnh của đồng USD tại thời điểm giao dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa.
Ví dụ: Vấn đề nâng lãi suất cơ bản USD của FOMC dẫn tới khả năng USDX mạnh lên vượt qua mốc 100, kéo theo đóng cửa phiên giao dịch ngày 06/04/2022, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe – London tiếp tục giảm, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 24 USD (1,13%), giao dịch tại 2.093 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 20 USD (0,95%) giao dịch tại 2.090 USD/tấn.
4.3. Thiên tai, sự kiện thời tiết
Suy cho cùng các sự kiện thiên tai sẽ tác động đến nguồn cung của hàng hóa, làm cho nguồn cung suy giảm dẫn đến việc giá hàng hóa gia tăng trên thị trường do lo sợ thiếu nguồn cung.
Ví dụ: Đầu tháng 12/2021, giá lúa mì đã một lần nữa vượt ngưỡng 300 USD/tấn trên sàn giao dịch, một mức giá chưa từng thấy trong hơn 10 năm trở lại đây.
Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, sản lượng lúa mỳ mềm trên thế giới trong niên vụ hiện tại là 777 triệu tấn, “mức cao kỷ lục”, nhưng tổng mức tiêu thụ giai đoạn này dự kiến lên đến 782 triệu tấn và một loạt sự cố về khí hậu, thời tiết đã làm giảm sản lượng ở các nước xuất khẩu”.
Tại Canada, hạn hán và lũ lụt đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, khiến việc tiếp cận cảng Vancouver trở nên khó khăn. Mỹ và Nga cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán, trong khi ở châu Âu các đợt mưa cũng ảnh hưởng đến chất lượng lúa mỳ”.
4.4. Sự kiện địa chính trị
Tương tự như thời tiết sự kiện địa chính trị bất ổn sẽ đồng thời tác động vào cả cung cầu của hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa chủ lực của quốc gia đang bị ảnh hưởng.
Ví dụ: tháng 03/2022, giá lúa mì kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago đã tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp, tăng 7% đây là mức tăng lớn nhất trong 6 thập kỷ qua. Tính chung 2 tuầ, giá lúa mì đã tăng hơn 60%. Theo các nhà phân tích, xung đột giữa Nga và Ukraine đã cắt đứt một trong những nguồn cung cấp bánh mì hàng đầu thế giới, nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
5.Cách giao dịch hàng hóa
Hiện tại có 2 phương thức giao dịch hàng hóa cho anh em tại Việt Nam, đó là thông qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) hoặc thông qua môi giới của các broker.
5.1. Giao dịch hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam – MXV) là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đáp ứng toàn bộ nhu cầu giao dịch hàng hóa bao gồm bảo hiểm rủi ro về giá và giao dịch chênh lệch giá của các nhà đầu tư trong nước.
Hiện nay, MXV đã liên thông hầu hết các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn trên thế giới như: Sở Giao dịch Kim loại London – London Metal Exchange (LME); Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago – CME Group (bao gồm các Sàn giao dịch CBOT, CME, COMEX, NYMEX); Sở Giao dịch liên lục địa – ICE (bao gồm các sàn giao dịch ICE US, ICE EU, ICE Singapore); Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange – OSE; Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore – SGX; Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia Derivatives.
MXV cho phép anh em tham gia tất cả các hoạt động mua bán hàng hóa phái sinh liên thông đến tất cả các Sở giao dịch quy mô trên thế giới một cách hợp pháp, được pháp luật bảo hộ và được các tổ chức bảo hiểm tài chính bảo vệ các hợp đồng giao dịch của anh em. Hiện tại MXV cho phép giao dịch 4 nhóm hóa chính gồm:
- Nông sản
- Năng lượng
- Kim loại (quý và cơ bản)
- Nguyên liệu công nghiệp
Nhưng giao dịch tại MXV sẽ có một số vấn đề khó khăn với anh em trader ở các điểm:
- Anh em không thể giao dịch trực tiếp với MXV mà phải mở tài khoản và đăng kí giao dịch thông qua các đối tác được chứng nhận bởi MXV, nên anh em sẽ chịu phí quản lý từ các đối tác này.
- Đơn vị tối thiểu mà anh em có thể giao dịch là 1 lot (standard hoặc mini) nên giá trị ký quỹ và giá trị hợp đồng sẽ rất lớn.
- Phí giao dịch sẽ được tính trên 1lot/chiều với dao động 150.000 VNĐ đến 700.000 VNĐ 1lot/chiều. Tương đương 300.000 VNĐ – 1.400.000 VNĐ trên 1 lot mua-bán. Phí này là khá cao so với các broker hiện nay.
- Chính vì vậy giao dịch hàng hóa thông qua MXV sẽ phù hợp với những anh em có vốn đầu tư lớn và mong muốn các giao dịch của mình sẽ được bảo hộ và đảm bảo rủi ro bởi các cơ quan pháp luật trong nước và quốc tế. Hoặc sẽ phù hợp với các anh em muốn giao dịch để phòng hộ giá cả hàng hóa vì MXV vẫn cung cấp loại hình hợp đồng hàng hóa vật lý, tức hàng hóa được nhập kho thật.
5.2. Giao dịch hàng hóa phái sinh qua các broker
Ngoài giao dịch với MXV với số vốn cao, phí lớn, giao dịch nguyên lot và mức ký quỹ cao thì anh em hoàn toàn có thể thông qua các broker hiện nay để có thể tham gia giao dịch hàng hóa với các ưu điểm:
- Đăng kí tương đối đơn giản
- Phí và ký quỹ hấp dẫn, cạnh tranh
- Cho phép giao dịch lot nhỏ đến 1/1000 lot standard
- Đòn bẩy linh hoạt
- Nạp/rút nhanh chóng
- Nền tảng giao dịch tích hợp tiên tiến
Cac broker hiện nay hỗ trợ giao dịch hàng hóa có thể kể đến bao gồm: XTB, FXTM, Fxpro,… và còn rất nhiều broker các khác anh em có thể tham khảo trên trang Vnrebates.
6. Kết luận
Giao dịch hàng hóa là một mảnh đất tiềm năng bên cạnh các kênh đầu tư như forex, chứng khoán. Tuy vậy nó vẫn có các đặc điểm đặc thù riêng mà anh em cần phải nắm trước khi tham gia vào thị trường rộng lớn và biến động này.
Hiện nay anh em trader có 2 phương thức để tham gia vào giao dịch trên thị trường hàng hóa đó là thông qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam hoặc thông qua các broker hiện nay. Mỗi phương thức đều có những khía cạnh lợi ích và nhược điểm, vì vậy anh em cân nhắc vào kế hoạch tài chính cũng như nhu cầu của mình để lựa chọn phương thức tham gia phù hợp.
Chúc anh em thành công trên thị trường giao dịch hàng hóa!
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ