Đối với anh em Trader giao dịch theo phương pháp phân tích kỹ thuật, đặc biệt là Price Action thì biểu đồ là người bạn đồng hành không thể thiếu với chúng ta. Anh em hẳn cũng đã quen thuộc với các khung thời gian khác nhau của biểu đồ như H1, H4, D1 hay các khung nhỏ hơn như M5, M15… Vậy khung thời gian nào là tốt nhất? Chúng ta sẽ cùng phân tích về các khung thời gian để trả lời câu hỏi này.
1. Khung thời gian là gì?
Về mặt định nghĩa, khung thời gian là một cách nhóm các bước giá lại để hiển thị chúng trên biểu đồ một cách thuận tiện hơn. Nói cách khác, khung thời gian cho chúng ta biết thời lượng mà một cây nến được hình thành, và chúng phản ánh những diễn biến của giá trong khoảng thời gian đó. Khung thời gian càng lớn thì khoảng thời gian hình thành lên một cây nến càng lâu.
Chúng ta có rất nhiều loại khung thời gian khác nhau, tuy nhiên một số loại phổ biến nhất trên tất cả các nền tảng phân tích biểu đồ bao gồm: M1 (1 phút), M5 (5 phút), M15 (15 phút), M30 (30 phút), H1 (1 tiếng), H4 (4 tiếng), D1 (1 ngày), W1 (1 tuần) và MN (1 tháng).
Ngoài ra, ở một số nền tảng khác nhau, anh em cũng có thể sử dụng các khung thời gian không tiêu chuẩn như M3 (3 phút), H2 (2 tiếng).
Mỗi khung thời gian đều được đặt tên bằng một khoảng thời gian nhất định, và đó chính là khoảng thời gian để hình thành lên một cây nến trong biểu đồ với khung thời gian đó.
2. Các khung thời gian khác nhau như thế nào?
Qua định nghĩa, có thể anh em cũng đã phần nào hiểu được về khung thời gian. Nhưng thực sự các khung thời gian thể hiện điều gì, và chúng khác nhau như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu qua một số ví dụ sau.
Chúng ta sẽ xét biểu đồ EUR/JPY trong khung H1. Nó có dạng như sau:
Trong khung H1, mỗi cây nến được hình thành trong 1 giờ. Cây nến này cung cấp cho chúng ta các thông tin về giá mở cửa, giá đóng cửa cùng với giá cao nhất và giá thấp nhất mà thị trường đạt được trong 1 tiếng đó.
Tiếp theo hãy quan sát biểu đồ khung H4 cũng của cặp tiền trên, với phần được khoanh vùng chính là biểu đồ H1 mà chúng ta vừa xem phía trên:
Mỗi cây nến ở khung H4 lúc này cho chúng ta thông tin về giá trong vòng 4 tiếng vừa qua, tức là cứ 4 tiếng mới có một cây nến hình thành. Do đó, anh em có thể thấy cùng một khoảng thời gian nhưng biểu đồ H1 có số lượng nến gấp 4 lần so với khung H1. Hay nói cách khác, một cây nến H4 chứa 4 cây nến H1 bên trong nó.
Các cây nến trong khung H1 sẽ cho chúng ta những thông tin về giá chi tiết hơn, ví dụ như mỗi giờ thị trường bắt đầu mở cửa ở đâu và có mức cao nhất hay thấp nhất thế nào. Trong khi đó, nến H4 chỉ tổng hợp lại cho chúng ta giá mở cửa của giờ đầu tiên trong 4 giờ, và mức cao nhất và thấp nhất trong 4 giờ chứ không có thông tin về mỗi giờ đồng hồ trong đó.
Xem thêm: Biểu đồ nến Nhật là gì? Tại sao mô hình nến Nhật được trader yêu thích như vậy?
3. Ưu điểm và nhược điểm của các khung thời gian khác nhau
Chúng ta có rất nhiều các khung thời gian khác nhau, do đó thật khó để thống kế được ưu và nhược điểm của từng loại. Vì vậy, các khung thời gian được nhóm thành 3 loại chính để dễ phân biệt và cũng dễ đánh giá hơn, bao gồm:
- Các khung thời gian ngắn hạn: từ M1 đến M30
- Các khung thời gian trung hạn (trung gian): từ H1 đến H6
- Các khung thời gian dài hạn: từ 1 ngày đến 6 tháng
3.1. Khung thời gian ngắn hạn
Ưu điểm của các biểu đồ ngắn hạn là các nhà giao dịch mới có thể tích lũy kinh nghiệm nhanh chóng vì có nhiều cơ hội hơn, đồng thời chúng cũng đem lại cơ hội thu về lợi nhuận một cách nhanh chóng
Nhược điểm của các biểu đồ ngắn hạn xuất phát từ bản chất di chuyển rất nhanh của chúng. Sự chuyển động nhanh chóng này có thể gây ra những tín hiệu nhiễu hay thậm chí là tín hiệu sai lệch, dẫn đến kết quả thua lỗ cho các nhà giao dịch.
Thông thường, chỉ các nhà giao dịch có kinh nghiệm với những chiến lược đã được thử nghiệm kỹ lưỡng mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong các khung ngắn hạn. Các nhà giao dịch mới thường sẽ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý giao dịch khi thấy cả lãi và lỗ đều đến một cách nhanh chóng.
3.2. Khung thời gian dài hạn
Các khung thời gian dài hạn có ưu điểm là cung cấp rất nhiều thời gian cho các nhà giao dịch phân tích thị trường, do mỗi cây nến cần rất nhiều thời gian để hình thành. Các nhà giao dịch có thể phân tích một cách bình tĩnh, và sắp xếp thời gian một cách thoải mái để vừa giao dịch, vừa làm những công việc khác. Đây có thể nói là cách để tận hưởng lối sống tích cực nhất của nghề giao dịch.
Điều bất lợi của các khung dài hạn cũng chính vì sự “chậm chạp” của nó. Các nhà giao dịch thường phải chờ đợi rất lâu mới có một thiết lập tốt để hành động. Chúng ta có ít cơ hội hơn, từ đó việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực chiến cũng khó khăn hơn. Và hãy tưởng tượng nếu như anh em chờ cả tuần mới có một thiết lập tốt để giao dịch nhưng lại bỏ lỡ nó. Điều này hẳn sẽ ảnh hưởng không tốt đến cảm xúc và tâm lý của chúng ta.
3.3. Khung thời gian trung hạn
Đây là các khung thời gian kết hợp được các ưu và nhược điểm của các loại ngắn hạn và dài hạn, do đó chúng ta cũng có thể gọi nó là các khung trung gian. Đây là khung thời gian phù hợp nhất với các nhà giao dịch mới để làm quen với thị trường để không phải chờ đợi quá lâu, cũng không bị “ngợp” bởi những biến động lớn của thị trường. Sử dụng các khung trung hạn, anh em vừa có thời gian để phân tích, vừa có nhiều cơ hội để thực hành hơn.
4. Nên chọn khung thời gian nào để bắt đầu giao dịch?
4.1. Sai lầm của các nhà giao dịch mới khi bắt đầu với khung thời gian thấp
Việc giao dịch với các khung thời gian thấp khi mới bước chân vào thị trường thực ra là một điều khá dễ hiểu. Bởi vì yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới các nhà giao dịch khi lựa chọn thị trường Forex là mong muốn kiếm được lợi nhuận nhanh chóng, và các khung thời gian thấp giúp họ dễ thực hiện điều đó hơn.
Tuy nhiên, khi đã tồn tại trên thị trường một thời gian đủ lâu, anh em sẽ hiểu rằng việc quan trọng nhất không phải là kiếm được tiền một cách nhanh chóng, mà là có lợi nhuận một cách đều đặn và bền vững.
Anh em có thể kiếm lợi nhuận rất nhanh với các khung thời gian thấp, nhưng cũng đồng nghĩa với việc thua lỗ có thể xảy ra với tốc độ tương đương. Việc giao dịch các khung thời gian cao hơn giúp anh em tạo ra được nhiều chiến thắng hơn so với thua lỗ, do thị trường trong thời gian dài luôn ổn định hơn.
Nếu chỉ tập trung vào mong muốn kiếm tiền nhanh, trên thực tế anh em sẽ chỉ đánh mất tiền của mình với cùng tốc độ đó chứ ít có nhà giao dịch nào thực sự kiếm được lợi nhuận lâu dài khi sử dụng các khung thời gian ngắn dù chưa có kinh nghiệm.
Một lý do nữa khiến cho các nhà giao dịch thường thích các khung thời gian ngắn, đó là bởi vì họ cho rằng phân tích ở khác khung thời gian lớn cần rất nhiều kiến thức thị trường để đưa ra dự đoán và nhận định. Còn đối với các khung ngắn hạn, họ đơn giản chỉ cần vào lệnh – thoát lệnh bằng cách phản ứng với những tín hiệu mà họ nhìn thấy trên biểu đồ.
Đó thực sự là một quan niệm sai lầm. Họ sợ phân tích và dự đoán nhưng thực tế là việc dự đoán ở các khung thời gian thấp còn khó hơn rất nhiều. Các tín hiệu có thể bị nhiễu và đưa ra thông tin sai lệch, nên nếu chỉ giao dịch bằng cách phản ứng với các tín hiệu đó thì những nhà giao dịch này sẽ rất nhanh chóng “cháy tài khoản” của mình.
Xem thêm: Giao dịch là dự đoán thị trường, không phải trò chơi phản ứng
4.2. Vậy khung thời gian cao hơn sẽ tốt hơn?
Mặc dù chúng ta đang nói về việc khung thời gian thấp là không tốt cho những người mới bắt đầu, nhưng liệu điều đó có nghĩa là các khung thời gian cao hơn luôn luôn tốt hơn?
Câu trả lời là không hẳn như vậy. Việc sử dụng khung thời gian nào còn phụ thuộc vào chiến lược và phong cách giao dịch của mỗi người. Cụ thể, có những người thích giao dịch ngắn hạn thì khung thời gian dài hạn chắc chắn không phù hợp. Bên cạnh đó, việc giao dịch với khung thời gian thấp cũng giúp anh em tích lũy kinh nghiệm tốt hơn, với điều kiện anh em phải biết quản lý vốn để bảo vệ tài khoản của mình.
Khoảng thời gian mà anh em muốn giữ lệnh giao dịch của mình càng ngắn thì khung thời gian thấp hơn sẽ càng phù hợp hơn. Tương tự, mức lợi nhuận kỳ vọng cho mỗi lệnh càng thấp sẽ càng nên sử dụng các khung ngắn hơn.
Ví dụ anh em muốn kiếm được 30pip lợi nhuận với cặp EUR/CHF, thì biểu đồ 15 phút dưới đây sẽ rất phù hợp cho mục tiêu đó.
Tuy nhiên, nếu anh em muốn kiếm 100pip, việc nhìn vào biểu đồ 15 phút sẽ rất mệt mỏi với nhiều thăng trầm, biến động lên xuống. Khi đó, một biểu đồ H4 như dưới đây sẽ phù hợp hơn nhiều.
Trên thực tế, không có khung thời gian giao dịch nào là tốt nhất, kể cả với những người mới bắt đầu. Còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc lựa chọn khung thời gian mà anh em cần tự mình rút ra với những chiến lược hay mục tiêu của riêng mình.
Tuy nhiên, lời khuyên từ rất nhiều chuyên gia dành cho các anh em mới tham gia thị trường là anh em vẫn nên sử dụng các khung thời gian lớn như H4 và khung ngày để giao dịch với các chiến lược dài hạn. Điều đó sẽ giúp anh em làm quen thị trường với một tốc độ vừa phải, đồng thời giúp anh em bảo vệ được tài khoản của mình tốt nhất.
Bên cạnh đó, ở các khung thời gian cao hơn có ít tín hiệu nhiễu hơn, giúp anh em có những phân tích chính xác hơn. Kể cả với các tín hiệu mạnh như hỗ trợ và kháng cự cũng có thể chỉ là tín hiệu nhiễu trong các khung thời gian thấp.
Xem thêm: Giao dịch biểu đồ khung ngày sẽ cải thiện kết quả của bạn
5. Phân tích đa khung thời gian
Khi lựa chọn các khung thời gian, anh em không thể bỏ qua phương pháp phân tích đa khung thời gian. Đây có thể coi là phương pháp tốt nhất cho các nhà giao dịch dù mới tham gia thị trường hay đã có nhiều kinh nghiệm, và cũng chính là lựa chọn tốt nhất cho câu hỏi: chọn khung thời gian nào để giao dịch.
Phân tích đa khung thời gian bản chất là sử dụng nhiều khung thời gian khác nhau để phân tích cùng một loại tài sản, cùng một thời điểm để kết hợp các tín hiệu lại và đưa ra quyết định giao dịch chính xác nhất.
Thông thường, một nhà phân tích đa khung thời gian sẽ bắt đầu với các khung cao nhất trong chiến lược của họ, có thể là khung tuần hoặc khung ngày. Ở đây họ sẽ xác định được các xu hướng chính cũng như các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Sau đó, các nhà giao dịch sẽ đi dần tới các khung nhỏ hơn, như H4 và H1, thậm chí là M15 để tìm kiếm các tín hiệu và thực hiện các lệnh giao dịch theo xu hướng chính.
Mình muốn nhấn mạnh việc giao dịch theo xu hướng chính, bởi đó cũng chính là cốt lõi của việc phân tích đa khung thời gian. Nếu chỉ nhìn vào các khung thời gian nhỏ, có thể anh em sẽ thấy giá đang trong một xu hướng. Nhưng xu hướng đó có thể chỉ là một đợt pullback ngược hướng với xu hướng chính trong khung lớn hớn và có thể kết thúc bất cứ lúc nào, do đó rủi ro thường khá cao.
Do đó, khi giao dịch anh em cần cân nhắc tìm được xu hướng chính, và chỉ nên vào lệnh thuận theo xu hướng đó để tối ưu lợi nhuận và hạn chế được rủi ro. Thông thường anh em có thể lấy khung D1 hoặc khung tuần làm chuẩn, từ đó xác định xu hướng chính, các mức hỗ trợ kháng cự quan trọng rồi mới tìm kiếm tiền hiệu ở các khung nhỏ hơn.
6. Kết luận
Một lần nữa, mình muốn nhấn mạnh với anh em rằng không có khung thời gian nào là tốt nhất dành cho bất kỳ ai mà nó phụ thuộc vào chiến lược cũng như mục tiêu của từng người. Tuy nhiên, khi anh em mới bước chân vào thị trường thì nên tập trung nhiều hơn vào khung ngày, và làm quen dần với việc phân tích đa khung thời gian để có hiệu quả tốt nhất.
Đừng quên cập nhật kiến thức mỗi ngày tại wp.vnrebates.io để học hỏi và hoàn thiện các chiến lược giao dịch riêng cho mình nhé. Nếu có bất cứ thắc mắc hay yêu cầu nào, hãy liên hệ với chúng mình để được hỗ trợ nhanh chóng.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates tổng hợp