VNREBATES

Giao dịch biểu đồ khung ngày sẽ cải thiện kết quả của bạn

19.08.2021, 23:08 13 phút đọc

Nếu việc giao dịch của bạn không diễn ra theo cách bạn muốn, hoặc bạn cảm thấy rối tung với những dữ liệu thị trường mỗi khi ngồi xuống phân tích, có lẽ đã đến lúc bạn cần thay đổi chiến lược giao dịch của mình. Bạn cần học cách giao dịch biểu đồ khung ngày thay vì bận rộn với các khung thời gian nhỏ hơn.

Nếu bạn đang gặp phải một số vấn đề như dưới đây, bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển sang giao dịch biểu đồ khung ngày để cải thiện kết quả của mình:

  • Giao dịch quá mức: Bạn giao dịch quá nhiều vì tham lam, vì không có kế hoạch giao dịch, thiếu quyết đoán…
  • Sợ hãi khi vào lệnh: Bạn cảm thấy không tự tin trước khi đặt lệnh, không biết có nên vào lệnh hay không… Điều này khiến bạn sợ giao dịch và có thể bỏ qua những tín hiệu tốt.
  • Phân tích quá mức: Bạn dành cả giờ đồng hồ để xem xét tất cả các khung thời gian và rất nhiều các cặp tiền tệ khác nhau. Nhưng đến cuối cùng bạn thấy mệt mỏi và vào lệnh một cách tùy ý mà không có lý do nào liên quan đến những gì vừa phân tích.
  • Nghiện giao dịch: Bạn luôn luôn bận tâm đến thị trường, việc giao dịch ám ảnh đến cả cuộc sống và các công việc thường ngày của bạn. Bạn luôn tự hỏi tại sao mình lại thua lỗ trong khi bỏ rất nhiều thời gian, công sức vào thị trường.
  • Kết quả giao dịch không nhất quán: Bạn có những tuần có kết quả thắng lợi, nhưng sau đó là những tuần thua tồi tệ xóa đi hết những chiến thắng trước đó.

Đó là tình trạng thường xuất hiện ở các Trader thích giao dịch theo khung thời gian nhỏ. Bây giờ hãy cùng thảo luận xem tác động của việc giao dịch biểu đồ khung ngày đối với các vấn đề trên.

Xem thêm: Lựa chọn khung thời gian tốt nhất để giao dịch

1. Việc không tập trung vào biểu đồ khung ngày có thể gây ra các vấn đề trên như thế nào

Ta sẽ phân tích xem việc không giao dịch biểu đồ khung ngày sẽ gây ra lần lượt các vấn đề trên như thế nào.

biểu đồ khung ngày cặp EURUSD

Ảnh minh họa: Biểu đồ khung ngày cặp tiền EUR/USD

1.1. Giao dịch quá mức

Khi bạn xem xét các khung thời gian thấp, bạn sẽ tự nhiên tìm thấy nhiều tín hiệu hơn, và chúng có thể khiến bạn giao dịch nhiều hơn. Tuy nhiên, các tín hiệu ở khung thời gian nhỏ có độ tin cậy thấp hơn nhiều so với biểu đồ khung ngày.

Ở khung thời gian thấp, các tín hiệu thường bị nhiễu do những biến động ngẫu nhiên. Biểu đồ khung ngày có nhiệm vụ khắc phục các vấn đề đó và phản ánh chính xác những gì đang xảy ra trên thị trường. Do đó, bạn sẽ có những tín hiệu giao dịch chất lượng hơn và xác suất chiến thắng cao hơn.

Về bản chất, bạn mất đi số lượng, nhưng nhận lại là chất lượng khi giao dịch biểu đồ khung ngày. Đó là điều đáng để đánh đổi khi bạn hiểu rằng chất lượng giao dịch thấp sẽ đe dọa đến số tiền mình có.

Tất nhiên, cũng có những tín hiệu tốt trên các khung 1 giờ hay 4 giờ, nhưng bạn cần phải nắm vững biểu đồ khung ngày trước để lọc được các tín hiệu đáng tin cậy từ các biểu đồ ở khung thời gian bên dưới nó.

Và lời khuyên cho bạn là đừng động đến các khung thời gian dưới 1 giờ, nếu bạn không muốn mất tiền vào đó. Các khung thời gian tính bằng phút rất “ồn ào” và có nhiều tín hiệu có thể lừa bạn rơi vào bẫy.

Chúng ta có thể xem ví dụ về 2 biểu đồ dưới đây để thấy cụ thể về biểu đồ “ồn ào” và biểu đồ sạch

  • Biểu đồ 15 phút cặp GBP/USD
biểu đồ ồn ào 15 phút

Biểu đồ 15 phút là một biểu đồ “ồn ào” vì có qua nhiều tín hiệu và thông tin nhiễu

  • Biểu đồ cặp GBP/USD ở khung ngày
biểu đồ khung ngày là biểu đồ sạch

Ngược lại, biểu đồ khung thời gian ngày được coi là biểu đồ sạch vì tín hiệu rõ ràng và đáng tin cậy

1.2. Sợ đặt lệnh giao dịch

Khi bạn giao dịch ở tất cả các khung thời gian, kể cả các khung thời gian nhỏ nhất, bạn sẽ bị nhấn chìm trong lượng dữ liệu khổng lồ. Nó sẽ khiến bạn do dự và đặt ra nghi ngờ đối với các giao dịch của mình. Bên cạnh đó, không có được một chiến lược giao dịch hoàn chỉnh cũng sẽ gây ra sự bối rối và thiếu tự tin mỗi khi có ý định vào lệnh.

Các biến số hay dữ liệu mà chúng ta có thể có được trên thị trường thực tế là không giới hạn và chúng có thể gây nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Vì thế việc của bạn là phải giới hạn lượng dữ liệu mình sử dụng để đưa ra được quyết định một cách tự tin. Giải pháp của bạn trong trường hợp này chính là giao dịch với biểu đồ khung ngày.

1.3. Phân tích quá mức

Một số nhà giao dịch dành nhiều giờ đồng hồ để phân tích biểu đồ, phân tích mô hình nến, chỉ báo, tin tức… nói chung là bất cứ thứ gì mà họ nghĩ là có thể cung cấp cho họ thông tin về tương lai của thị trường.

Việc dựa vào quá nhiều thông tin như vậy thực chất chỉ gây ra sự rối loạn, vì các thông tin từ các loại dữ liệu khác nhau đôi khi còn mâu thuẫn với nhau, cuối cùng chẳng cung cấp cho bạn được thông tin nào hữu ích.

Nếu dành quá nhiều thời gian cho các biến số không thích hợp, bạn sẽ bối rối trước thị trường, và đưa ra các quyết định mang tính chất phỏng đoán nhiều hơn là dựa trên thông tin và logic hợp lý.

Biểu đồ hàng ngày có thể sẽ cho chúng ta cái nhìn thích hợp nhất về thị trường mà không cần quá nhiều những công cụ phức tạp, vì thế việc sử dụng biểu đồ khung ngày sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều đối với bạn.

1.4. Nghiện giao dịch

Các nhà giao dịch thường nghĩ rằng bằng cách nhìn vào các khung thời gian thấp hơn, họ sẽ có được cái nhìn chính xác hơn về thị trường vì có được nhiều dữ liệu hơn. Có vẻ như họ đã đúng về việc có được nhiều dữ liệu hơn, nhưng có được cái nhìn chính xác hơn là hoàn toàn không đúng.

Không phải mọi biến động trên thị trường đều có ý nghĩa. Có rất nhiều các mô hình hay các tín hiệu xuất hiện trên các khung thời gian nhỏ là vô ích cho việc giao dịch, vì bản chất của thị trường là không ổn định trong những khoảng thời gian ngắn.

Để tìm kiếm được ý nghĩa thực sự của các tín hiệu trong khung thời gian thấp, chúng ta bắt buộc phải phân tích trên các khung cao hơn như biểu đồ khung ngày để nắm bắt được những thông tin tổng quát và tin cậy trước.

tín hiệu biểu đồ khung ngày mạnh

Trước khi giao dịch các khung thời gian thấp, bạn phải nắm vững các thông tin quan trọng từ khung thời gian ngày

Có nhiều người không biết rằng khung thời gian cao hơn thì chính xác hơn, vì vậy họ mất rất nhiều thời gian để phân tích ở các khung thời gian thấp. Cuối cùng, họ dành quá nhiều thời gian đến mức bị ám ảnh và luôn nghĩ đến thị trường cả trong những công việc khác, nó ảnh hưởng cực kỳ tệ đến tâm lý giao dịch của bạn.

1.5. Kết quả giao dịch không nhất quán

Nếu bạn vẫn đang tự làm mình bối rối khi phân tán sự tập trung vào quá nhiều khung thời gian khác nhau, bạn rất có thể sẽ nhận được kết quả giao dịch không nhất quán. Có thể hôm nay bạn thắng, ngày mai bạn lại thua, hoặc tuần này bạn có lãi rất nhiều nhưng tuần sau lại mất đi toàn bộ…

Những nhà giao dịch chuyển từ biểu đồ 5 phút sang biểu đồ 30 phút, rồi sau đó lại về biểu đồ 5 phút, hay ngẫu hứng lại dùng khung 1 giờ… đương nhiên sẽ không thể có một lợi nhuận đều đặn trong dài hạn so với giao dịch biểu đồ khung ngày, vì sự bất ổn đã xuất hiện trong chính hành động của họ.

Việc giao dịch các khung thời gian nhỏ cũng khiến các nhà giao dịch thực hiện nhiều lệnh giao dịch hơn nhưng lại có xác suất thấp, dẫn đến tỉ lệ chiến thắng và lợi nhuận kiếm được chắc chắn sẽ không đều đặn, từ đó dẫn đến việc kết quả giao dịch thiếu nhất quán.

2. Việc tập trung vào biểu đồ khung ngày có thể khắc phục các vấn để trên như thế nào

Bây giờ, chúng ta lại lần lượt xét đến hiệu quả của việc giao dịch biểu đồ khung ngày đối với các tình trạng trên để xem mọi chuyện sẽ được giải quyết ra sao.

2.1. Giao dịch quá mức

Biểu đồ khung ngày giúp bạn hạn chế giao dịch quá mức, đơn giản vì nó cung cấp ít tín hiệu hơn và chính xác hơn.

Hầu hết các Trader giao dịch quá mức do tập trung vào các biểu đồ thời gian thấp. Do đó, bằng cách chuyển trọng tâm sang biểu đồ khung ngày, bạn đã có một biện pháp bảo vệ mình khỏi cạm bẫy giao dịch quá mức. Tất nhiên, điều kiện là bạn phải đủ kỷ luật và chỉ giao dịch trên các tín hiệu rõ ràng theo chiến lược mà mình đã nắm vững.

Trong ví dụ sau đây, bạn có thể thấy biểu đồ 30 phút cung cấp cho bạn số lượng nến nhiều gấp 48 lần so với biểu đồ khung ngày, do đó nó mang đến nhiều tín hiệu hơn. Tuy nhiên, biểu đồ ngày uy tín và an toàn với bạn hơn nhiều, vì vậy hãy giao dịch trên biểu đồ khung ngày thay vì theo dõi từng chuyển động nhỏ xíu trên khung 30 phút.

biểu đồ 30 phút quá nhiều thông tin

biểu đồ khung ngày rất gọn gàng so với biểu đồ 30 phút

2.2. Sợ đặt giao dịch

Sự kiên nhẫn cũng là yếu tố quan trọng mà nhà giao dịch cần có. Việc kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu tốt trên biểu đồ khung ngày sẽ giúp bạn phát triển thói quen giao dịch tích cực. Khi bạn trở thành một nhà giao dịch kiên nhẫn và kỷ luật, bạn sẽ đủ tự tin để vượt qua những nỗi sợ giao dịch mà có thể bạn đã trải qua trước đây.

2.3. Phân tích quá mức

Biểu đồ khung ngày giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đặt lệnh và quên đi, điều này cho phép bạn dùng ít thời gian hơn trong việc nhìn vào biểu đồ, và cũng phân tích thị trường ít hơn.

Việc hạn chế thời gian quan sát thị trường là điều rất tốt. Thực tế, khi bạn càng trở lên thành thạo trong giao dịch, bạn càng nên dành ít thời gian cho giao dịch và phân tích thị trường. 30 phút mỗi ngày là đủ và cũng là tất cả thời gian bạn nên dùng cho thị trường ngoại hối nếu bạn chỉ tập trung vào biểu đồ khung ngày với một chiến lược hiệu quả.

2.4. Nghiện giao dịch

Giống như giao dịch quá mức, việc giao dịch biểu đồ khung ngày sẽ giúp bạn có xu hướng quan sát thị trường ít hơn. Điều đó sẽ khiến bạn không còn nghiện cảm giác cả ngày nhìn chằm chằm vào biểu đồ và theo dõi từng biến động giá một cách lãng phí thời gian.

Bạn sẽ không còn nghiện giao dịch mà sẽ trở thành một “tay bắn tỉa” trên thị trường, với số lượng giao dịch ít hơn nhưng cực kỳ hiệu quả.

2.5. Kết quả giao dịch không nhất quán

Các tín hiệu trên biểu đồ khung ngày đều mạnh hơn và đáng tin hơn so với các khung thời gian thấp. Do đó, nó làm cho kết quả giao dịch của bạn có tỉ lệ chiến thắng cao hơn. Và hiển nhiên là kết quả của bạn cũng từ đó trở nên nhất quán – chiến thắng một cách đều đặn.

Hãy nhớ, thành công trong giao dịch được xác định bởi chiến thắng một cách đều đặn và bền vững. Nếu bạn muốn có các con số trong tài khoản tăng dần, bạn cần làm chậm hoạt động giao dịch của mình và học cách phân tích thị trường bằng những cách thích hợp hơn với biểu đồ khung ngày.

3. Thời điểm thị trường đóng cửa hàng ngày

Trong biểu đồ khung ngày, giá đóng cửa của mỗi cây nến cũng là điều quan trọng mà bạn cần lưu ý.

Nến ngày đóng cửa vào lúc kết thúc phiên Mỹ, khoảng 4 giờ sáng theo giờ Việt Nam. Phiên cuối cùng trước khi đóng nến ngày là phiên Mỹ, là thị trường rất sôi động và thường có khối lượng giao dịch lớn, nên quyết định khá nhiều tới diễn biến tiếp theo của thị trường.

Việc nến ngày đóng vào 4 giờ sáng cũng khá có lợi cho chúng ta, khi mà bạn có thể bắt đầu một ngày giao dịch mới vào buổi sáng bằng cách quan sát trạng thái cây nến vừa đóng cửa, và dựa vào đó để đưa ra quyết định giao dịch tiếp theo của mình.

Buổi sáng của chúng ta là phiên Á, phiên này thường không có nhiều biến động lớn nên các bạn có thể phân tích thị trường một cách thoải mái, vậy nên hãy bình tĩnh phân tích biểu đồ khung ngày để lên kế hoạch giao dịch cho cả ngày hôm đó.

Xem thêm: Lựa chọn thời gian nào để giao dịch Forex 

4. Tổng kết

Trên đây là toàn bộ bài chia sẻ của tác giả Nial Fuller, một nhà giao dịch và cũng là tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư Forex. Qua lời dịch mà VnRebates mang lại, hy vọng các bạn đã có những bài học riêng cho bản thân mình.

Bạn hãy tự mình xem xét các biểu đồ khung ngày, vẽ các mức hỗ trợ, kháng cự và phát triển các chiến lược giao dịch của mình trên đó. Bạn sẽ dần nhận ra rằng tại sao biểu đồ khung ngày là khung thời gian tốt nhất để giao dịch.

Một trong những lý do khiến nhiều nhà giao dịch không kiếm được lợi nhuận là do họ mắc kẹt trong việc phân tích quá mức và giao dịch quá mức. Mình hy vọng qua bài chia sẻ này sẽ giúp bạn không còn nằm trong số đó. Hãy tìm hiểu thêm các kiến thức và bài học khác cùng wp.vnrebates.io để hoàn thiện chiến lược giao dịch của mình nhé.

Chúc bạn giao dịch an toàn và hiệu quả.

Nguồn Nial Fuller

Tổng hợp bởi wp.vnrebates.io

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.