ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

IPO là gì? Bí kíp đầu tư cổ phiếu IPO hiệu quả

08.09.2020, 16:10 24 phút đọc

IPO – Chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng được xem là “cú huých” quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Để đón đầu thị trường thông qua mua cổ phiếu IPO, nhà đầu tư cần có đánh giá kỹ lưỡng và thận trọng.

IPO có lẽ là thuật ngữ không hề xa lạ gì đối với giới tài chính hay cụ thể là chứng khoán. IPO không chỉ được xem là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao uy tín và huy động vốn đầu tư một cách nhanh nhất, mà hơn cả đó có thể là niềm mong đợi của nhiều nhà đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng để đón đầu thị trường và kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải ai khi bước chân vào thị trường chứng khoán cũng biết rõ về IPO. Vậy IPO là gì? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu tất tần tật những kiến thức quan trọng cần biết về IPO qua bài viết dưới đây!

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Tổng quan về IPO

1.1 IPO là gì?

IPO là gì?

Theo Wikipedia, IPO hay Phát hành công khai lần đầu (Initial Public Offering) là việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng. Thuật ngữ này được dùng để chỉ việc một doanh nghiệp lần đầu tiên huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua việc lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa cổ phiếu của họ lên sàn chứng khoán.

Sau khi phát hành lần đầu ra công chúng, công ty cổ phần đó sẽ trở thành công ty đại chúng (hay còn gọi là công ty cổ phần đại chúng), là một thành viên của TTCK tập trung và nhà đầu tư có thể dễ dàng mua cổ phiếu của công ty đó trên sàn giao dịch chứng khoán.

Khái niệm công chúng được hiểu là một số lượng nhà đầu tư đủ lớn với giá trị chứng khoán chào bán cũng đủ lớn. IPO được xem là bước khởi đầu cho quá trình doanh nghiệp công khai giá trị hoạt động tài chính trên thị trường chứng khoán.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, IPO là hình thức giúp các công ty có thể huy động được nhanh và nhiều vốn trên thị trường. Cổ phiếu của doanh nghiệp đó cũng có thể đạt được tính thanh khoản rất cao và các giá trị gia tăng về giá sau khi IPO.

1.2 Mục đích và lợi ích của hình thức IPO

Mục đích của các thương vụ IPO

Nhu cầu gia tăng nguồn vốn cho công ty là cực kỳ thiết yếu để công ty có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, phạm vi hoạt động và phát triển bền vững. Trong đó, việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là cách tốt nhất để gia tăng lượng vốn và tạo được rất nhiều cơ hội tài chính.

Trong bài viết này, VnRebates sẽ liệt kê những mục đích cũng như lợi ích chính khiến các công ty tiến hành IPO:

  • IPO giúp doanh nghiệp khẳng định nguồn lực và vị thế trước công chúng, quảng bá, củng cố và gia tăng giá trị thương hiệu và độ uy tín ra thị trường cũng như tạo bước đệm thuận lợi cho những lần phát hành cổ phiếu sau đó.
  • IPO giúp nhân viên có thể sở hữu cổ phiếu của chính doanh nghiệp của mình, từ đó gia tăng gắn kết nội bộ giữa nhân viên và doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả làm việc với niềm tin là đang phấn đấu vì chính tài sản của mình.
  • IPO giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để mở rộng quy mô nhờ huy động được nguồn lực tài chính lớn từ nhiều nhà đầu tư trong cộng đồng.
  • IPO mang nhiều giá trị hơn so với việc chào bán cổ phần riêng lẻ gây giới hạn số ít cổ đông hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp bởi phát hành trái phiếu bản chất là vay nợ còn IPO giúp doanh nghiệp tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư và là cách tốt nhất để thực hiện tăng vốn.
  • Công ty đại chúng sẽ thu hút nguồn nhân lực tiềm năng, xây dựng đội ngũ lãnh đạo và hệ thống quản lý tốt, tạo dựng đội ngũ nhân viên có năng lực, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp…
  • IPO giống như một bước đệm cho quá trình sáp nhập và mua lại các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng bởi công ty dễ dàng đưa ra các mức giá mục tiêu trong các thương vụ mua lại khi cổ phiếu được niêm yết công khai.

Xem thêm: Cổ phiếu ESOP là gì? Thực trạng phát hành cổ phiếu ESOP ở Việt Nam

1.3 So sánh doanh nghiệp trước vào sau khi IPO

Một trong những cách phân loại doanh nghiệp đó là chia doanh nghiệp thành 2 loại: Công ty tư nhân và công ty đại chúng.

So sánh công ty tư nhân và công ty đại chúng

Công ty tư nhân

  • Công ty cổ phần tư nhân thường có ít cổ đông. Các thông tin về công ty cũng ít khi được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
  • Để thành lập một công ty cổ phần tư nhân, thủ tục cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần bỏ ra một khoản vốn nhất định, nộp các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện theo các quy tắc báo cáo theo quyền hạn của mình.

Công ty đại chúng

  • Công ty đại chúng là doanh nghiệp có vốn đã được bán ít nhất một phần cho công chúng và được giao dịch trên thị trường chứng khoán qua hình thức IPO.
  • Công ty đại chúng thường có số lượng cổ đông lớn, có thể bao gồm cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ lẻ, các tổ chức hoặc cá nhân. Những doanh nghiệp đại chúng phải tuân các quy tắc và quy định nghiêm ngặt.
  • Kết thúc quá trình IPO, công ty đại chúng buộc phải tuân theo những chuẩn mực liên quan về quản trị công ty đại chúng với yêu cầu rất cao về tính minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng cường tính tuân thủ, có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo kỳ/quý/năm và bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư. Doanh nghiệp sau khi IPO còn chịu sự quản lý, thanh tra và giám sát chặt chẽ của UBCKNN, Trung tâm lưu ý chứng khoán cũng như nhà đầu tư.
  • Một trong những điểm tuyệt vời đó là cổ phiếu công ty đại chúng được giao dịch trong thị trường mở – tại các sàn chứng khoán, như một loại hàng hóa mà bất cứ ai có tiền mặt đều có thể đầu tư.

1.4 Điều kiện để IPO

Hiện tại, các hoạt động giao dịch chứng khoán được quản lý bởi 2 Sở giao dịch: Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý sàn HOSESở giao dịch chứng khoán Hà Nội trực tiếp quản lý sàn HNX.

Luật chứng khoán năm 2019 có quy định rõ về việc các doanh nghiệp có thể thực hiện IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam, như sau:

“Cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lần đầu tiên được phát hành ra công chúng phải được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm cả Internet.”

Để có thể IPO, các doanh nghiệp phải đáp ứng được những chuẩn mực cụ thể như sau:

  • Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
  • Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
  • Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
  • Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
  • Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
  • Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
  • Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
  • Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
  • Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Xem thêm: Định giá cổ phiếu đơn giản và hiệu quả với chỉ số P/E – Chỉ số P/E thế nào là tốt?

2. 5 bước tiến hành IPO

Các bước tiến hành IPO

Ở Việt Nam, có 3 phương thức tổ chức đấu giá thực hiện IPO căn cứ vào giá trị cổ phần bán đấu giá và quyết định của Ban chỉ đạo cổ phần hóa bao gồm tổ chức tại doanh nghiệp, tại tổ chức tài chính trung gian (Công ty chứng khoán) và tại Trung tâm giao dịch chứng khoán/Sở giao dịch chứng khoán.

Các bước tổ chức đấu giá thực hiện IPO cụ thể như sau:

2.1 Bước 1 – Chuẩn bị đấu giá

  • Doanh nghiệp quyết định cổ phần hóa/Ban chỉ đạo cổ phần hóa xác định giá khởi điểm của cổ phần đấu giá.
  • Công bố thông tin về doanh nghiệp chuẩn bị tổ chức đấu giá tối thiểu 20 ngày trước ngày tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
  • Phối hợp với Đơn vị tổ chức đấu giá để tổ chức thuyết trình về doanh nghiệp cho nhà đầu tư nếu cần.

2.2 Bước 2 – Thực hiện đấu giá

  • Đơn vị tổ chức đấu giá tiến hành nhận đơn đăng ký mua và tiền đặt cọc của nhà đầu tư theo quy chế đấu giá.
  • Nhà đầu tư bỏ phiếu tham dự đấu giá bằng một trong các hình thức sau:
  • Bỏ phiếu trực tiếp tại doanh nghiệp (nếu tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp);
  • Bỏ phiếu trực tiếp tại tổ chức tài chính trung gian (nếu tổ chức đấu giá tại tổ chức tài chính trung gian);
  • Bỏ phiếu trực tiếp tại Trung tâm giao dịch chứng khoán/Sở giao dịch chứng khoán và các đại lý được chỉ định;
  • Bỏ phiếu qua đường bưu điện do cơ quan tổ chức đấu giá quy định.

2.3 Bước 3 – Tổ chức đấu giá và xác định kết quả đấu giá

  • Đơn vị tổ chức đấu giá tiến hành các thủ tục bốc phiếu tham dự đấu giá và nhập các thông tin vào phần mềm đấu giá.
  • Xác định kết quả đấu giá theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp đến khi đủ số lượng cổ phần chào bán.
  • Tại mức giá trúng thầu thấp nhất, với trường hợp các nhà đầu tư cùng đặt mức giá bằng nhau, nhưng tổng số cổ phần còn lại ít hơn tổng số cổ phần đăng ký mua thì số cổ phần của từng nhà đầu tư được mua xác định theo công thức như sau:
  • Số cổ phần được mua = Số cổ phần còn lại x (Số cổ phần từng người đăng ký mua/Tổng số cổ phần đăng ký mua)
  • Lập các biên bản liên quan đến buổi đấu giá gửi cho cơ quan quyết định cổ phần hóa, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, doanh nghiệp và đơn vị tổ chức đấu giá
  • Công bố kết quả đấu giá cổ phần và thu tiền mua cổ phần.

2.4 Bước 4 – Xử lý các trường hợp vi phạm quy chế đấu giá

  • Các trường hợp vi phạm được xử lý theo quy định của quy chế đấu giá.
  • Nhà đầu tư không được nhận tiền đặt cọc nếu xảy ra vi phạm quy chế đấu giá.

2.5 Bước 5 – Xử lý đối với số cổ phần không bán hết trong đấu giá nếu có

  • Nếu sổ cổ phần nhà đầu tư từ chối mua nhỏ hơn 30% tổng số cổ phần chào bán: Ban chỉ đạo cổ phần hóa thực hiện bán tiếp cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá theo phương thức thỏa thuận với giá bán không được thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá.
  • Nếu số lượng cổ phần nhà đầu tư trúng thầu từ chối mua từ 30% tổng số cổ phần chào bán trở lên: Ban chỉ đạo cổ phần hóa xem xét, quyết định tổ chức bán đấu giá tiếp số cổ phần từ chối mua (đấu giá lần 2). Giá bán khởi điểm trong trường hợp đấu giá lần 2 này không được thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất.

Xem thêm: Top 3 sàn giao dịch chứng khoán uy tín và lớn nhất Việt Nam

3. 6 phương thức chào bán IPO

Việc IPO có nhiều cách thức để tiến hành, trong đó 6 cách thức chào bán phổ biến nhất là:

  • Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng công khai: báo chí, truyền hình, Internet…
  • Đấu giá kiểu Hà Lan (đấu giá giảm dần): là phiên đấu giá ngược, bắt đầu với một mức giá “trên trời” và kết thúc tại mức giá đã giảm xuống xuống mức các nhà đấu giá chấp nhận mua.
  • Bảo lãnh cam kết.
  • Dịch vụ với trách nhiệm cao nhất.
  • Mua buôn để chào bán lại
  • Tự phát hành trên website của công ty

Cổ phiếu IPO thường được bán cho các nhà đầu tư tổ chức với quy mô lớn, sau đó họ sẽ trở thành các cổ đông lớn. Do các thủ tục pháp lý IPO khá phức tạp và chế tài khá chặt chẽ và rắc rối, mỗi vụ IPO thường cần một số công ty khác nhau hỗ trợ như công ty luật, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán hỗ trợ.

Xem thêm: Cổ đông là gì? Trong một doanh nghiệp thường có những cổ đông nào?

4. Những thách thức với những doanh nghiệp IPO

Lợi ích to lớn là thế nhưng để có những thương vụ IPO thành công các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

  • Mô hình quản trị doanh nghiệp: Mô hình quản trị công ty đại chúng đòi hỏi rất khắt khe về tính chuẩn mực và minh bạch so với các công ty chưa đại chúng. Cụ thể, trong Hội đồng quản trị công ty đại chúng phải có ít nhất 1/3 là thành viên độc lập hay các việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu lại, bầu bổ sung, thay thế các thành viên Hội đồng quản trị cũng phải tuân theo chặt chẽ các văn bản hướng dẫn thi hành đối với công ty đại chúng.
  • Do các thông tin liên quan đến quản trị doanh nghiệp được công khai nên công ty khó kiểm soát toàn bộ thông tin đưa ra công chúng và những hệ lụy về giá trị thông tin.
  • Áp lực duy trì tăng trưởng của công ty sẽ tăng cao do áp lực từ tỷ suất lợi nhuận và cam kết chi trả cổ tức cam kết với các cổ đông.
  • Chi phí phát sinh tăng cao do phát sinh thêm các khoản phí phát hành, phí quản lý công ty đại chúng, phí lưu ký chứng khoán và quản lý chứng khoán lưu ký, chi phí kiểm toán các báo cáo tài chính bán niên và thường niên, v.v…
  • Quyền kiểm soát hoạt động của công ty thuộc về kết quả biểu quyết từ các cổ đông.
  • Hội đồng quản trị và Ban điều hành công ty phải chịu nhiều trách nhiệm về pháp luật, các quy định, báo cáo trước công chúng…

Xem thêm: Top 5 diễn đàn chứng khoán lớn nhất TTCK Việt Nam

5. Chia sẻ về các thị trường IPO – Những dự án IPO nổi bật trong năm 2022

5.1 Các thị trường IPO trên thế giới – Tiệc IPO khắp thế giới

Trước năm 2009, Hoa Kỳ là thị trường có giá trị vốn hóa IPO lớn nhất thế giới.

Sau đó, các thị trường hàng đầu châu Á như Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông đã vươn lên với giá trị huy động là 73 tỷ USD và trở thành các thị trường phát hành đứng đầu thế giới.

Đến năm 2019, Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông với nguồn vốn huy động tổng cộng là 307,8 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 37,2 tỷ USD) đã trở thành thị trường đứng đầu thế giới về quy mô IPO.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng đang nổi lên với 153 đề nghị IPO trên thị trường chứng khoán Ấn Độ vào năm 2017 với giá trị vốn hóa thu về đạt 11,6 tỷ USD.

Năm 2021 được đánh giá một trong những năm thành công của thị trường IPO toàn cầu. Theo dữ liệu của Bloomberg thì có khoảng 3000 công ty tham gia IPO với số vốn huy động được là 600 tỷ USD – vượt kỷ lục của năm 2007 cả về số lượng công ty lần số vốn huy động.

Các dự án IPO toàn cầu đã huy động được số vốn là 600 tỷ USD

Những thương vụ IPO nổi bật bao gồm:

  1. Rivian Automotive Inc.,– Dự án xe bán tải điện của Mỹ, dẫn đầu danh sách các dự án IPO với số vốn huy động là 13.7 tỷ USD và cổ đông lớn nhất chính là gã khổng lồ Amazon (20% cổ phần).
  2. China Telecom Corp’s – Dự án IPO lớn nhất tại châu Á với số vốn huy động được là 8.4 tỷ USD.
  3. Kuaishou Technology – Dự án nền tảng chia sẻ video của Hongkong huy động được 6.23 tỷ USD.
  4. Coupang Inc. – Dự án nền tảng thương mại điện tử của Hàn Quốc đã huy động được 4.6 tỷ USD.
  5. InPost S.A – Dự án IPO của Hà Lan và là dự án lớn nhất của Châu Âu với số vốn huy động là 3.9 tỷ USD

Dưới đây là những dự án IPO năm 2022 nổi bật được giới đầu tư quan tâm:

  1. Instacart – Công ty dẫn đầu trong lĩnh vực giao hàng tạp hóa trực tuyến. Công ty đã huy động được 265 triệu đô la với mức định giá 39 tỷ đô la vào tháng 3 năm 2021, có khả năng IPO Instacart sẽ là một trong những lần ra mắt lớn nhất trong năm 2022 này.
  2. Stripe – Công ty startup công nghệ tư nhân có giá trị nhất ở Hoa Kỳ vốn được định giá 95 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhất tháng 3 năm 2021. Strip đang lên kế hoạch niêm yết trực tiếp thay vì IPO truyền thống vì họ không cần huy động vốn mới.
  3. Reddit – Công ty truyền thông xã hội Reddit đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong đại dịch khi nhóm subreddit WallStreetBets đã giúp thúc đẩy sự gia tăng của các cổ phiếu meme như GameStop và AMC Entertainment. Được định giá 10 tỷ USD trong vòng gọi vốn đầu tiên cộng với sự độc đáo của mình, Reddit hứa hẹn là công ty có khả năng thu hút sự chú ý lớn.

5.2 Thực trạng IPO ở Việt Nam

Hiện nay, hầu hết các công ty trước khi đi vào hoạt động hoặc sau một quá trình phát triển đều tiến hành IPO. Ở Việt Nam, việc các doanh nghiệp IPO được tiến hành khá nhanh, mạnh.

Theo một đánh giá của Bloomberg 2018, nước ta được đánh giá là thị trường IPO sôi động nhất Đông Nam Á. Tổng số tiền huy động được từ các thương vụ IPO Việt Nam năm 2018 lên tới 2,6 tỷ USD, tương ứng với 23 doanh nghiệp.

Vào giai đoạn 2019 – 2020, thị trường IPO của Việt Nam chững lại. Năm 2019, Việt Nam có tổng cộng 8 doanh nghiệp tiến hành IPO và giá trị IPO chỉ đạt 658 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, không khí IPO ở Việt Nam cũng không mấy khởi sắc khi Việt Nam còn thiếu nhiều công ty trong lĩnh vực hot như công nghệ, y tế có nhu cầu huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước.

Xem thêm: Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam 2022 

6. Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu IPO

Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu IPO

Nhà đầu tư cá nhân muốn mua cổ phiếu IPO có thể gặp khá nhiều rủi ro. Do đó, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây:

Lựa chọn công ty chất lượng, tránh những công ty mới thành lập, hoạt động chưa ổn định, không có kế hoạch hay mục tiêu kinh doanh cụ thể.

Nghiên cứu và đánh giá khách quan: Việc Luật Chứng khoán 2019 siết chặt các điều kiện IPO sẽ tạo thêm lớp “màng lọc” để loại bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện tham gia TTCK, qua đó hạn chế tình trạng IPO ồ ạt như thời gian trước đây. Do đó, chất lượng cổ phiếu được đưa vào thị trường cũng phần nào được nâng cao.

Tuy nhiên, để giảm rủi ro bạn nên có đánh giá của riêng mình qua bản cáo bạch, báo cáo tài chính… và cố gắng không để bị nhiễu bởi những thông tin thổi phòng trôi nổi trên thị trường.

Khi quyết định mua cổ phiếu IPO của doanh nghiệp nào bạn cần tìm hiểu xem ban lãnh đạo doanh nghiệp có ký cam kết không bán cổ phiếu ra ngoài trong thời hạn nhất định, có thể là nửa vòng đời dự án hay không. Có một số trường hợp lãnh đạo công ty lợi dụng IPO để tháo chạy và chốt lời cổ phiếu, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, như vụ MTM – thổi công ty ma thành trăm tỷ để lên sàn chứng khoán và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Hết sức thận trọng khi mua cổ phiếu IPO bởi sự bất cân xứng thông tin khi nhà đầu tư cá nhân thường có ít thông tin hơn là các tổ chức tài chính.

Có những công ty trên sàn chứng khoán kiêm luôn bảo lãnh phát hành cổ phiếu, nên nếu cổ phiếu không bán hết thì công ty bảo lãnh sẽ bỏ tiền ra mua. Do đó, bạn cần thận trọng nếu thấy một công ty chứng khoán đề nghị IPO!

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết các bước đầu tư chứng khoán online cho nhà đầu tư mới

Kết luận

IPO được xem là cú huých để các doanh nghiệp chất lượng có thực lực tăng trưởng và nhanh chóng phát triển. Những thương vụ IPO thành công còn tạo nguồn cung cổ phiếu chất lượng cho TTCK nói chung. Tuy nhiên, IPO cũng không phải “chìa khóa vạn năng” cho mọi doanh nghiệp, mà chỉ những doanh nghiệp có giá trị thực sự, có tầm nhìn và tiềm năng phát triển cũng như đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp mới được TTCK chào đón.

Để đón đầu thị trường khi đầu tư cổ phiếu IPO, nhà đầu tư cũng cần thận trọng trong việc đánh giá kỹ càng và nghiêm túc.

Hi vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn có được những kiến thức cần thiết. Chúc bạn thành công!

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.