Xem thêm:
- Các trường phái phân tích kỹ thuật trong Forex
- Cách kết hợp Ichimoku và RSI trong Forex đơn giản & hiệu quả
- Ăn trọn con sóng bằng kỹ thuật kết hợp Ichimoku và Fibonacci
Mây Ichimoku (Ichimoku Kinko Hyo) là gì?
Ichimoku Kinko Hyo, hay đám mây Ichimoku, là một chỉ báo kỹ thuật được phát triển bởi một nhà báo kinh tế người Nhật Bản, tên là Goichi Hosoda, người có mong muốn tạo ra một loại chỉ báo ” tất cả trong một”, cho phép phân tích sâu hơn về các biểu đồ trong một thời gian ngắn hơn.
Hệ thống biểu đồ Ichimoku Kinko Hyo được ra mắt trong cuốn sách của ông vào năm 1969, sau hơn 20 năm thử nghiệm, và nó nhanh chóng trở thành chỉ báo thường xuyên được sử dụng nhất trong các phòng giao dịch Nhật Bản.
Hiện tại, chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo không chỉ trở thành công cụ dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc dự đoán giá cả các loại hàng hoá như: cổ phiếu, tiền tệ, trái phiếu, vàng, kim loại,… mà nó đã lan toả ra thế giới bởi những tính năng ưu việt trong phân tích, và hạn chế được những rủi ro cho các nhà giao dịch.
Tuy nhiên, ở phạm vi ngoài Nhật Bản, dường như có rất ít người thật sự hiểu được sâu sắc và trọn vẹn về đám mây Ichimoku, đa số chỉ sử dụng những chức năng bề ngoài của nó và áp dụng vào giao dịch một cách máy móc.
Ichimoku thực sự là một loại hệ thống mang ý nghĩa “bức tranh tổng thể”, nó thử thách chúng ta tìm hiểu và sử dụng nó đúng cách. Mặc dù khi nhìn bề ngoài, hệ thống đám mây Ichimoku có thể phức tạp, nhưng việc học sử dụng nó là một việc đáng làm đối với chúng ta.
Xem thêm: Cách xác định sức mạnh của nến Nhật
Cấu tạo và thông số của Mây Ichimoku chi tiết
Để có thể phân tích kĩ thuật với đám mây Ichimoku, trước hết các bạn cần hiểu được cái tên Ichimoku Kinko Hyo:
- Ichimoku có nghĩa là trong nháy mắt
- Kinko có nghĩa là cân bằng
- Hyo có nghĩa là biểu đồ.
Theo đó, Ichimoku Kinko Hyo có thể được hiểu là: “Sự cân bằng của biểu đồ trong một cái nhìn” hoặc ”Sự cân bằng biểu đồ trong nháy mắt”.
Cái tên đã nêu ra bản chất của hệ thống đám mây Ichimoku, đó là chỉ một cái nhìn với chỉ báo này, chúng ta có được bức tranh toàn cảnh của thị trường.
Tuy nhiên, thực tế Ichimoku Kinko Hyo gồm năm đường khác nhau, và việc sử dụng kết hợp các đường này với nhau là bắt buộc, không thể sử dụng các đường một cách tách biệt với những đường khác, điều đó đôi khi gây khó khăn cho những nhà giao dịch mới tiếp cận chỉ báo này, và “một cái nhìn” để có bức tranh toàn cảnh là điều cần phải luyện tập mới có thể đạt được.
Trong khi phân tích kĩ thuật bằng Ichimoku Cloud, các đường riêng lẻ phải được so sánh với nhau và so sánh với giá.
Xem thêm:
- Fibonacci là gì? Cách vẽ Fibo và ứng dụng dãy số fibonacci trong Forex hiệu quả
- Mô hình Wyckoff là gì? Cách giao dịch với mô hình Wyckoff chi tiết
- Sóng Elliott là gì? Cách sử dụng sóng Elliott trong đầu tư Forex
Cấu tạo của 5 đường trong mây Ichimoku Kinko Hyo
Đám mây Ichimoku nguyên bản có các thông số là 26,52,9 – tương tự như các chu kỳ trong chỉ báo MACD, trong đó 9 đóng vai trò như thời gian của đường tín hiệu. Hiện nay người ta thường sử dụng thêm 2 biến thể khác của chỉ báo này, với các bộ thông số 22,44,7 hoặc 5,13,26.
Các đường của chỉ báo Ichimoku cloud được minh họa trong hình sau:
Cụ thể, đám mây Ichimoku bao gồm năm đường với 5 công thức tính tương ứng:
- Tenkan-sen (Đường chuyển đổi, đường tín hiệu) = (Mức cao 9 kỳ + Mức thấp 9 kỳ) / 2
Cài đặt mặc định là 9 kỳ và có thể được điều chỉnh. Tenkan đại diện cho sức mạnh của động lực và tạo ra một tín hiệu nếu nó vượt lên trên (dấu hiệu tăng giá) hoặc cắt xuống dưới (dấu hiệu giảm giá) so với đường Kijun-sen.
- Kijun-sen (Đường cơ sở, đường xu hướng) =(Mức cao 26 kỳ + mức thấp 26 kỳ) / 2
Cài đặt mặc định là 26 kỳ và có thể được điều chỉnh. Nó có thể đóng vai trò như một mức hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh và là một đường quan trọng trong việc dự đoán xu hướng thay đổi, nó ít nhạy cảm với biến động giá nhỏ.
- Senkou Span A (Đường dẫn A) = (Đường chuyển đổi + Đường cơ sở) / 2
Đây là điểm trung bình giữa Đường chuyển đổi và Đường cơ sở. Đường Senkou Span A tạo thành một trong hai ranh giới đám mây. Nó được gọi là đường “dẫn đầu” bởi vì được vẽ trước 26 kỳ ở tương lai (vẽ dịch về phía trước)
- Senkou Span B (Đường dẫn B) = (Mức cao 52 kỳ + Mức thấp 52 kỳ) / 2))
Đường này được tính trung bình của mức cao và mức thấp trong 52 phiên gần đây. Cài đặt mặc định là 52 kỳ, nhưng có thể được điều chỉnh. Giá trị này cũng được vẽ trước 26 kỳ ở tương lai (vẽ dịch về phía trước)
- Chikou Span (Đường trễ) = Giá đóng cửa kỳ hiện tại được vẽ lùi lại 26 kỳ trong quá khứ
Cài đặt mặc định là 26 kỳ, nhưng có thể được điều chỉnh. Nó là một phần đặc biệt của hệ thống, và có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Kỹ thuật phổ biến nhất là quan sát nếu Chikou Span nằm trên (dấu hiệu tăng) hoặc dưới (dấu hiệu giảm) so với đường giá (đường này được vẽ lùi lại phía sau)
Khoảng cách giữa Senkou A và Senkou B tạo thành mây Kumo, đóng vai trò là các mức hỗ trợ và kháng cự trong tương lai. Do 2 đường Senkou đều được vẽ dịch về phía trước, nên đám mây Kumo được coi là một chỉ báo sớm, dự báo trước giá trong tương lai.
Khi sử dụng chỉ báo Ichimoku để phân tích kĩ thuật, chúng ta nên bắt đầu từ các khung thời gian cao hơn và sau đó mới kết hợp với các khung thời gian nhỏ hơn.
Và để có thể sử dụng được hệ thống giao dịch Ichimoku charts, trước hết trader cần đọc kỹ và nắm bắt được hết thông số Ichimoku cũng như cách vẽ Ichimoku, bởi vì nó rất dễ gây nhầm lẫn nếu như bạn chưa quen thuộc với từng đường riêng biệt.
Xem thêm:
- Fibonacci là gì? Cách vẽ Fibo và ứng dụng dãy số fibonacci trong Forex hiệu quả
- Mô hình Wyckoff là gì? Cách giao dịch với mô hình Wyckoff chi tiết
Công dụng và ý nghĩa của đám mây Ichimoku là gì?
Tìm ra xu hướng và sự điều chỉnh của xu hướng
Chúng ta có thể dùng chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo để xác định xu hướng của thị trường, rất đơn giản và cụ thể như sau:
- Nếu giá di chuyển trên đám mây Ichimoku Kinko Hyo (Mây Kumo) màu xanh, cho thấy thị trường có xu hướng tăng (Uptrend).
- Nếu giá di chuyển dưới đám mây Ichimoku Kinko Hyo màu đỏ, cho thấy thị trường có xu hướng giảm (Downtrend).
- Nếu giá di chuyển bên trong đám mây Ichimoku Kinko Hyo, cho thấy thị trường đang đi ngang và không có xu hướng rõ rệt (xu hướng sideways).
Bên cạnh đó, màu sắc của đám mây cũng là một tín hiệu cho chúng ta biết được sự điều chỉnh xu hướng thị trường:
- Màu của đám mây thay đổi từ màu đỏ sang màu xanh, cho thấy sự điều chỉnh của thị trường từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng.
- Màu của đám mây thay đổi từ màu xanh sang màu đỏ, cho thấy sự thị trường đang chuyển từ xu hướng tăng về xu hướng giảm.
Tìm ra các mức hỗ trợ và mức kháng cự
Để tìm mức hỗ trợ kháng cự dựa trên chỉ báo Ichimoku, chúng ta sẽ dựa trên các đường dẫn A (Senkou A) và đường dẫn B (Senkou B), cụ thể như sau:
- Đường dẫn A là hỗ trợ trong xu hướng tăng hoặc kháng cự trong xu hướng giảm. Giá có xu hướng di chuyển đến đường dẫn A rồi quay đầu.
- Tuy nhiên, nếu giá phá qua đường dẫn A và đi vào trong đám mây, thì đường dẫn B sẽ tiếp tục đóng vai trò là đường hỗ trợ / kháng cự tiếp theo, tương tự như đường dẫn A.
Cả đường dẫn A và đường dẫn B đều giúp các nhà giao dịch dự đoán những vùng hỗ trợ và kháng cự trong tương lai. Nếu độ dày của đám mây càng lớn, chúng ta sẽ có một vùng hỗ trợ / kháng cự càng mạnh. Tuy nhiên, nếu giá phá qua được vùng này thì sẽ có những chuyển biến rất mạnh mẽ.
Ngược lại, nếu độ dày đám mây càng mỏng thì vùng hỗ trợ / kháng cự càng yếu, và giá càng dễ đi xuyên qua cả 2 đường dẫn A và B, khó có khả năng đảo chiều, nhưng sự phá vỡ có thể cũng không quá mạnh.
Từ tính chất hỗ trợ và kháng cự này của đám mây Kumo, chúng ta thấy được vai trò của đám mây trong việc xác định sức mạnh của xu hướng. Cụ thể, nếu đám mây dày thì giá khó có thể đâm xuyên qua được, đồng nghĩa với việc xu hướng đang khá bền vững. Còn nếu như đám mây mỏng, thì xu hướng nếu tồn tại cũng là một xu hướng khá yếu, có khả năng bị phá vỡ cao.
Xem thêm: Chỉ số MACD là gì? Hướng dẫn sử dụng MACD để giao dịch hiệu quả
Chiến lược giao dịch với chỉ báo Ichimoku nâng cao
Sau khi có một bức tranh tổng thể, nhận biết được những tín hiệu quan trọng nhất trong dài hạn như xu hướng và hỗ trợ kháng cự, thì việc tiếp theo mà bạn cần làm với đám mây Ichimoku là tìm kiếm các tín hiệu vào lệnh.
Trên thực tế, các tín hiệu vào lệnh của phương pháp giao dịch Ichimoku nâng cao khá đơn giản, nhưng nó sẽ trở nên rất phức tạp nếu như bạn không nhận biết được hết các đường tín hiệu của chỉ báo này. Do đó, trước khi đến với cách giao dịch thì một lần nữa VnRebates muốn các bạn nghiên cứu lại thật kỹ các thành phần của đám mây Ichimoku.
Và bây giờ, các phương pháp chính mà chúng ta có thể sử dụng Ichimoku nâng cao là: Tenkan-sen / Kijun-sen cắt nhau, Kumo breakout (phá vỡ khỏi đám mây), Chikou Span / Giá cắt nhau.
Chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt từng phương pháp này thông qua các ví dụ cụ thể.
Tenkan-sen – Kijun-sen cắt nhau
Đây có thể nói là phương pháp giao dịch phổ biến nhất với ichimoku cloud. Quy tắc rất đơn giản như sau:
- Nếu đường Tenkan-sen (đường chuyển đổi) vượt lên trên Kijun-sen (đường cơ sở), đó là một tín hiệu mua.
- Ngược lại, nếu đường chuyển đổi cắt đường cơ sở theo chiều từ trên xuống thì đem đến một tín hiệu bán.
Kết hợp với vai trò của đám mây, chúng ta có thể đánh giá sức mạnh của tín hiệu mua và bán này xem nó có đáng tin cậy hay không. Cụ thể, với một tín hiệu mua khi đường chuyển đổi cắt lên đường cơ sở, bạn cần xem xét các yếu tố sau:
- Nếu giá đang nằm trên đám mây Kumo, đó là một tín hiệu mua mạnh và đáng tin cậy
- Nếu khi 2 đường cắt nhau mà giá nằm trong đám mây, thì tín hiệu mua là trung lập
- Nếu giá đang nằm dưới đường Kumo, đó là một tín hiệu mua yếu, thậm chí có thể là tín hiệu giả.
Đối với tín hiệu bán khi đường chuyển đổi cắt xuống đường cơ sở thì ngược lại:
- Nếu giá đang nằm dưới đám mây, là tín hiệu bán đáng tin cậy
- Khi giá nằm trong đám mây, tín hiệu trung lập, cần được xem xét thêm
- Giá nằm trên đám mây, tín hiệu bán có thể là giả và không nên thực hiện.
Kumo breakout
Nếu giá đi vào trong các đám mây và sau đó thoát ra, chúng ta có một breakout Kumo. Cú breakout này có thể là sự khởi đầu của một xu hướng mới theo hướng phá vỡ xảy ra, do đó chúng ta có thể nắm bắt tín hiệu breakout này để thực hiện một lệnh giao dịch.
Khi giao dịch breakout với Kumo, trader cần lưu ý chờ cây nến đóng cửa hoàn toàn ngoài phạm vi của đám mây thì mới thực hiện giao dịch. Nến chưa đóng cửa có nghĩa là breakout chưa diễn ra, và rất có thể nó sẽ rút râu đóng cửa lại ở trong đám mây, nếu vội vàng thì nhà đầu tư sẽ dính phải một cú phá vỡ giả – false breakout.
Tất nhiên, cũng có trường hợp giá đã thoát ra khỏi đám mây, đóng cửa bên ngoài, nhưng chỉ sau một vài cây nến nó lại quay ngược trở lại vào trong, thậm chí quay đầu hẳn theo hướng ngược lại. Để tránh được những tình huống như vậy, có một số lưu ý sau đây giúp bạn tìm kiếm những tín hiệu mạnh nhất:
- Đám mây càng dày thì sự phá vỡ càng mạnh, tỷ lệ sự phá vỡ diễn ra thành công càng lớn.
- Nếu giá ở một phía của đám mây càng lâu, thì khi phá vỡ theo hướng ngược lại càng có khả năng thành công cao.
- Giá di chuyển càng nhiều pips theo hướng của breakout trước khi thực sự phá vỡ, chứng tỏ động lượng thị trường càng mạnh và sự phá vỡ càng đáng tin cậy hơn.
Với các lệnh breakout Kumo, trader có thể đặt stoploss ở phía trên đường dẫn B của đám mây đối với lệnh bán, và dưới đường dẫn B đối với lệnh mua, tức là đặt dừng lỗ ở phía ngược lại của đám mây. Đồng thời, khi giá chạy và có lãi bạn cũng có thể dời stop loss theo sự di chuyển của đám mây để tối ưu lợi nhuận.
Take profit có thể được thiết lập theo mục tiêu, theo tỷ lệ RR hoặc những phương thức khác mà bạn sử dụng. Trong những trường hợp breakout xảy ra mạnh mẽ, thậm chí trader có thể gồng lệnh đến vài trăm hay hàng nghìn pips nếu đủ kiên nhẫn, tất nhiên kết quả đó chỉ xảy ra ở những khung thời gian lớn như khung ngày hoặc khung tuần.
Xem thêm:
- Chỉ báo Zig Zag là gì? Hướng dẫn sử dụng chỉ báo ZigZag trong Forex
- Chỉ báo Alligator là gì? Cách sử dụng chỉ báo cá sấu vào lệnh hiệu quả
- Chỉ báo Accumulation Distribution là gì? Cách sử dụng chỉ báo (A/D)
Chikou Span – Giá cắt nhau
Đường Chikou Span (đường trễ) cũng có thể được sử dụng làm tín hiệu vào lệnh. Mặc dù Chikou trễ hơn đường giá, nhưng chính vì vậy mà nó loại bỏ được tín hiệu nhiễu và xác nhận hướng đi thị trường thông qua sự tương quan với đường giá.
Quy tắc giao dịch với đường Chikou cũng rất đơn giản như sau:
- Nếu Chikou Span cắt lên trên giá, đó là một tín hiệu mua.
- Nếu nó cắt xuống dưới giá, đó là một dấu hiệu bán.
- Tương tự như phương pháp với đường cơ sở và đường chuyển đổi, thì đám mây Kumo là yếu tố quyết định sức mạnh của tín hiệu. Một tín hiệu mua xảy ra khi giá trên Kumo là tín hiệu mạnh, trong Kumo là tín hiệu cần xem xét và dưới Kumo là tín hiệu yếu, nên bỏ qua. Với tín hiệu bán thì ngược lại.
Điều kiện tối ưu nhất để giao dịch theo tín hiệu Chikou Span, là khi đường này đã có một khoảng thời gian khá lâu không chạm vào đường giá, và sau nó nếu nó cắt đường giá theo hướng nào sẽ là tín hiệu giao dịch tốt theo hướng đó.
Đối với dừng lỗ, trader có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, ví dụ như đỉnh/đáy gần nhất, hay theo các mức fibonacci,… Việc chốt lời cũng có thể được xử lý linh hoạt theo phương pháp riêng của anh em.
Trên thực tế, tín hiệu này thường khó giao dịch hơn so với hai tín hiệu phía trên, vì đường Chikou biến động rất nhiều, và thường xuyên cắt đường giá theo cả hai hướng. Vì vậy, bạn cần hết sức lưu ý khi giao dịch theo tín hiệu này.
Có thể bạn quan tâm:
- MA Cross là gì? Các chiến lược giao dịch với đường MA Cross hiệu quả
- Top 2 chiến lược giao dịch hiệu quả kết hợp MACD với MA
Tóm tắt về chỉ báo Ichimoku
Như chúng ta đã nói từ đầu, Ichimoku là một chỉ báo độc lập và khá toàn diện, do đó chúng ta có thể có những tín hiệu giao dịch rất đa dạng chỉ dựa vào duy nhất chỉ báo này.
Các tín hiệu theo xu hướng sẽ dựa trên đám mây là chính, trong khi tín hiệu động lượng tập trung vào Đường chuyển đổi và Đường cơ sở. Nhà đầu tư có thể có cái nhìn tổng quát về các tín hiệu tạo ra từ chỉ báo này như sau:
Tín hiệu Bullish (tín hiệu mua):
- Giá di chuyển trên đám mây (tín hiệu xu hướng)
- Đám mây chuyển từ màu đỏ sang màu xanh lá cây (tín hiệu xu hướng)
- Giá di chuyển cắt lên trên đường cơ sở (tín hiệu động lượng – momentum)
- Đường chuyển đổi di chuyển lên trên Đường cơ sở (tín hiệu động lượng – momentum)
Tín hiệu Bearish (tín hiệu bán):
- Giá di chuyển dưới đám mây (tín hiệu xu hướng)
- Đám mây chuyển từ màu xanh sang màu đỏ (tín hiệu xu hướng)
- Giá di chuyển dưới đường cơ sở (tín hiệu động lượng – momentum)
- Đường chuyển đổi di chuyển bên dưới Đường cơ sở (tín hiệu động lượng – momentum)
Tuy nhiên, ngoài những chiến lược dùng chỉ báo Ichimoku độc lập, bạn cũng hoàn toàn có thể kết hợp nó với những công cụ kỹ thuật khác để có những chiến lược đa dạng hơn nữa, ví dụ như dùng đám mây làm hỗ trợ kháng cự và giao dịch theo tín hiệu Price Action (nến đảo chiều), hay sử dụng thêm những chỉ báo khác để xác nhận tín hiệu của các đường chuyển đổi, đường cơ sở…
Xem thêm: Top 12 Indicators MT4 phổ biến, hỗ trợ sẵn và cách sử dụng khi trade
Lời kết
Đám mây Ichimoku Kinko Hyo là một chỉ báo kỹ thuật nâng cao cung cấp nhiều thông tin hơn các công cụ phân tích kỹ thuật thông thường. Nếu luyện tập thành thạo, bạn có thể biết được lượng lớn thông tin chỉ trong một thời gian ngắn. Nhờ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định giao dịch tốt hơn dựa trên các hành động giá trực quan.
Hy vọng qua bài viết, trader đã hiểu được những “tinh túy” của mây Ichimoku, cũng như biết cách sử dụng chỉ báo này để giao dịch. Nếu yêu thích chỉ báo này, hãy luyện tập nhiều hơn nữa, để tận dụng hết được sức mạnh thần kỳ của nó và biến nó trở thành vũ khí mạnh nhất của mình khi chiến đấu trên thị trường.
Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.
VnRebates – Hoàn tiền Trading số 1 Việt Nam