Với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, nhà nhà người người đều biết đến chứng khoán như một kênh đầu tư hấp dẫn, lợi nhuận cao và ít tốn công sức. Tuy nhiên, để trở thành một nhà đầu tư thì bài học đầu tư bạn nhất định phải biết là đọc bảng điện tử chứng khoán, đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư mới.
Vậy cách đọc bảng điện tử chứng khoán thế nào? Chọn bảng điện nào để đọc? Cách đọc thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Giới thiệu về bảng điện tử chứng khoán
Bảng điện tử chứng khoán (hay còn gọi là Bảng giá) là nơi thể hiện tất cả thông tin về giá, khối lượng, tình trạng khớp lệnh,.. của cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Theo dõi bảng điện tử chứng khoán giúp nhà đầu tư nắm bắt được thông tin thị trường và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có rất nhiều loại bảng giá khác nhau, nhưng nhà đầu tư nên đặc biệt quan tâm đến 02 bảng giá đại diện cho hai Sở giao dịch chứng khoán là bảng giá HOSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) và bảng giá HNX (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội). Trong đó, bảng giá HNX biểu thị cả sàn HNX và sàn UpCOM. Ngoài ra, một số bảng giá điện tử của các sản phẩm khác như: bảng giá trái phiếu, bảng giá chứng quyền, bảng giá hợp đồng tương lai,…
Hiện tại, nhằm giúp khách hàng trải nghiệm nhiều tính năng hơn, các công ty chứng khoán tự đã xây dựng bảng giá chứng khoán riêng cho mình. Các thông số cơ bản của bảng điện các công ty chứng khoán đều như nhau và đều được cập nhật từ hai sàn HoSE và HNX.
Xem thêm: Top 3 sàn giao dịch chứng khoán uy tín và lớn nhất Việt Nam
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
2. Hướng dẫn cách đọc bảng điện tử chứng khoán chi tiết nhất 2022
2.1. Hệ thống đồ thị chỉ số
Trên hệ thống bảng điện tử chứng khoán có hiển thị các chỉ số thị trường, ý nghĩa của các chỉ số đó như sau:
- Chỉ số VN-Index: là chỉ số thể hiện sự biến động chung của giá tất cả cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE).
- Chỉ số VN30-Index: là chỉ số thể hiện sự biến động chung của giá của Top 30 công ty lớn nhất niêm yết tại sàn HoSE. Những công ty này được chọn lọc qua các tiêu chí như tính thanh khoản, giá trị vốn hóa và tỷ lệ free-float.
- Chỉ số HNX-Index: là chỉ số thể hiện sự biến động giá chung của các cổ phiếu đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
- Chỉ số HNX30-Index: là chỉ số thể hiện sự biến động giá chung của Top 30 công ty lớn nhất niêm yết tại sàn HNX.
- Chỉ số VNX Allshare: là chỉ số thể hiện sự biến động chung của giá của tất cả các cổ phiếu niêm yết tại cả 02 sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE).
- Chỉ số UPCoM: là chỉ số thể hiện sự biến động của giá của các cổ phiếu đang được niêm yết tại sàn UPCoM.
Ví dụ:
Theo như trên hình ảnh, chỉ số VN-INDEX biểu thị diễn biến giá trong ngày. Giá tại thời điểm kết phiên sáng là 1338.78 điểm, tức giảm 0.23%, cụ thể giảm 3.12 điểm. Số lượng cổ phiếu giao dịch là 341,742,391 cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch hơn 10.331 nghìn tỷ. Trong đó, toàn sàn HoSE có tổng cộng 128 mã tăng, 11 mã tăng trần, 247 mã giảm và 03 mã giảm sàn.
2.2. Ý nghĩa các cột trên bảng điện tử chứng khoán
- Mã CK: Cột “MÃ CK” là danh sách tên riêng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, được sắp xếp theo thứ tự từ A đến Z. Khi bạn muốn tìm Mã chứng khoán của công ty nào, bạn chỉ cần nhập vào ô tìm kiếm và gõ mã muốn tìm.
- Cột TC (Giá Tham chiếu): “CỘT TC” là cột hiển thị mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt). Giá tham chiếu được dùng để tính Giá trần và Giá sàn ở các cột tiếp theo. Lưu ý với sàn UPCOM, Giá tham chiếu được xác định bằng bình quân giá của phiên giao dịch gần nhất.
- Cột Trần (Giá Trần): “CỘT TRẦN” là cột thể hiện mức giá cao nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua/bán chứng khoán trong ngày. Theo quy định của Ủy ban chứng khoán, biên độ trần của sàn HoSE là +7% so với Giá tham chiếu, của sàn HNX là +10% so với Giá tham chiếu và của sàn UPCOM là +15% so với Giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.
- Cột Sàn (Giá Sàn): “CỘT SÀN” là cột thể hiện mức giá thấp nhất mà bạn có thể đặt lệnh mua/bán chứng khoán trong ngày. Theo quy định của Ủy ban chứng khoán, biên độ sàn của sàn HoSE là -7% so với Giá tham chiếu, của sàn HNX là -10% so với Giá tham chiếu và của sàn UPCOM là -15% so với Giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất.
- Cột “Tổng KL”: Tổng khối lượng là cột biểu thị tổng cổ phiếu đang được giao dịch trong một phiên, giao dịch này càng nhiều thì thể hiện tính thanh khoản của cổ phiếu đó càng cao.
- Cột “Bên mua”: Trên bảng giá điện tử thể hiện 3 mức giá đặt mua tốt nhất và được sắp xếp theo khối lượng tương ứng như sau:
- Cột “Giá 1” và “KL 1”: chỉ mức giá đặt mua cao nhất và khối lượng đặt mua tương ứng. Ở lệnh đặt mua này, Giá 1 luôn luôn nằm trong trạng thái ưu tiên so với những lệnh đặt mua khác.
- Tương tự tại Cột “Giá 2” và “KL 2”, và cột “Giá 3” và “ KL 3” tương ứng là lệnh đặt mua biểu thị mức độ ưu tiên sau lệnh mua với mức Giá 2 và Giá 3.
- Cột “Bên bán”: Trên bảng giá điện tử thể hiện 3 mức giá đặt bán tốt nhất và được sắp xếp theo khối lượng tương ứng như sau:
- Cột “Giá 1” và “KL 1”: chỉ mức giá chào bán thấp nhất và khối lượng đặt mua tương ứng. Ở lệnh chào bán này, Giá 1 luôn luôn nằm trong trạng thái ưu tiên so với những lệnh đặt bán khác.
- Tương tự tại Cột “Giá 2” và “KL 2”, và cột “Giá 3” và “ KL 3” tương ứng là lệnh chào bán biểu thị mức độ ưu tiên sau lệnh bán với mức Giá 2 và Giá 3.
- Cột “Khớp lệnh”: Tại cột này hiển thị mức giá khớp lệnh sau khi giao dịch gần nhất của một cổ phiếu, thông tin đầy đủ gồm khối lượng khớp lệnh, giá khớp lệnh và mức độ lệch giá so với giá tham chiếu.
- Cột “Giá”: Tại cột này hiển thị 3 cột khác nhau là Giá cao nhất, Giá trung bình, Giá thấp nhất. Thể hiện mức độ chênh lệch biến động thực tế trong phiên giao dịch đó.
- Cột “Dư”: Cột “Dư” biểu thị khối lượng đang được chờ khớp lệnh ở 02 chiều mua và bán.
- Cột “Đầu tư nước ngoài”: Đầu tư nước ngoài thể hiện khối lượng mua – bán cổ phiếu đang giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm 2 cột mua và bán.
2.3 Quy định về màu sắc
- Màu tím: Thể hiện giá hoặc chỉ số tăng lên cao kịch trần
- Màu xanh lá cây: Thể hiện giá hoặc chỉ số tăng
- Màu đỏ: Thể hiện giá hoặc chỉ số giảm
- Màu vàng: Thể hiện giá hoặc chỉ số không thay đổi so với giá tham chiếu
- Màu xanh dương: Thể hiện giá hoặc chỉ số giảm và chạm đáy khi so với giá tham chiếu
3. Nên chọn bảng giá điện tử của công ty chứng khoán nào tốt nhất?
Mỗi bảng điện tử chứng khoán của mỗi công ty đều có lợi thế riêng như về giao diện, tính năng hỗ trợ giao dịch, tính nhanh chóng ít giật lag,….Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm nhiều công ty khác nhau, VnRebates xin phép giới thiệu nhà đầu tư bảng điện của 03 công ty chứng khoán đang được quan tâm với hàng loạt tính năng ưu việt như: SSI, TCBS và VND.
Hãy cùng wp.vnrebates.io điểm qua các tính năng nổi bật của từng công ty nhé.
3.1 Bảng điện Công ty Chứng khoán SSI – SSI iBoard
iBoard SSI có hệ thống bảng giá theo hướng tối ưu, tốc độ nhanh, thao tác dễ dàng đã giúp SSI nổi bật của SSI so với các đối thủ cạnh tranh khác. Một số tính năng nổi trội của bảng giá SSI như sau:
- Tùy chỉnh nhiều theme màu nền khác nhau. Chế độ view tùy chỉnh theo góc độ của nhà đầu tư.
- Tính năng chia ra 19 ngành dựa trên các lĩnh vực công ty niêm yết
- Đặt lệnh nhanh chóng với 01 click chọn Mua/Bán, bỏ qua bước xác nhận lệnh. Đóng vị thế nhanh gọn bằng 1 click khi nhà đầu tư cần bán gấp để đảm bảo tài sản.
- iBoard SSI cho phép nhà đầu tư đặt lệnh Toler – lệnh này sẽ tự động lấy giá thị trường kèm với biên độ nhà đầu tư tùy chọn. Giúp tăng khả năng khớp lệnh, tăng tốc độ xử lý và hiệu quả.
- Cho phép nhà đầu tư đổi chiều vị trí Long – Short trong vài giây.
- Tính năng tách giao dịch
- Tính năng cảnh báo thông minh
- Tính năng quản lý tiền, quản lý tài khoản
3.2 Bảng điện Công ty Chứng khoán VNDirect – Bảng giá Lightning
Bảng điện Lightning của VNDirect được đánh giá cao bởi các tính năng vượt trội hơn so với đối thủ. Một số tính năng nổi trội như sau:
- Đặt lệnh bằng đúp chuột trên bảng điện tử chứng khoán
- Theo dõi danh mục đầu tư, phân chia từng ngành, khuyến nghị cổ phiếu tiềm năng
- Sàng lọc cổ phiếu
- Công cụ phân tích
- Tính năng Smart Sell
- Quản lý tiền, sao kê tiền và quản lý tài khoản
3.3 Bảng điện Công ty Chứng khoán Techcombank – Bảng giá TCInvest
Với hệ thống đơn giản, dễ dùng, dễ tiếp cận đã giúp TCBS từ một công ty chứng khoán ít được biết đến nay đã giành vị thế Top 4 môi giới lớn nhất. Bảng giá TCInvest với các tính năng ưu việt đã ghi điểm trong mắt nhà đầu tư. Một số tính năng nổi trội như sau:
- Hệ thống tích điểm và thưởng
- Nền tảng cộng đồng đầu tư
- Bộ lọc cổ phiếu thông minh gồm phân tích danh nghiệp, tư vấn trực tuyến,… ngay trên bảng giá điện tử
- Tính năng quản lý danh mục
- Market Watch
4. Hướng dẫn cách đặt lệnh mua-bán hiệu quả với bảng điện tử chứng khoán
4.1 Đối với phiên ATC và ATO
Trong phiên ATO (Phiên xác định giá mở cửa) và ATC (Phiên xác định giá đóng cửa) là hai phiên giao dịch xác định mức giá đầu – cuối của ngày của sàn HoSE (sàn HNX không có phiên ATO và sàn UpCOM thì không có cả hai) nên nhà đầu tư khi đặt lệnh nên lưu ý rằng:
- Không thể hủy lệnh, sửa lệnh trong phiên ATC, ATO
- Đặt lệnh mua giá ATO, ATC sẽ buộc khớp tại mức giá ATO, ATC đó
- Nếu bạn là người bán: Hãy tham khảo cột khớp lệnh, thông tin về giá dự kiến. Để qua đó, có thể khớp lệnh với mức giá chào bán cao hơn so với giá dự kiến.
- Nếu bạn là người mua: Tương tự, hãy nhìn vào mức giá dự kiến khớp trên cột khớp lệnh, và nên đặt lệnh mua với mức giá thấp hơn giá dự kiến.
4.2 Đối với phiên khớp lệnh liên tục
Đối với trong phiên giao dịch liên tục, bạn nên tham khảo liên tục bước giá nhảy trong phiên. Tùy theo từng tình huống như sau:
- Nếu bạn là người bán: Hãy tham khảo cột “Giá 1” tại cột của bên mua, đây được xem là mức giá bán tốt nhất tính tới thời điểm hiện tại. Nếu bạn đặt ở mức “Giá 1” thì lệnh sẽ được trực tiếp được thực hiện ngay.
- Nếu bạn là người mua: Hãy tham khảo cột “Giá 1” tại cột của bên bán, đây được xem là mức giá mua tốt nhất tính tới thời điểm hiện tại. Nếu bạn đặt mua ở mức “Giá 1” thì lệnh sẽ được trực tiếp được thực hiện ngay.
Lưu ý: Thông thường, bảng điện tử chứng khoán của các công ty chứng khoán sẽ có độ trễ hơn so với bảng điện tại Sở GDCK Hồ Chí Minh hoặc Sở GDCK Hà Nội, do đó đôi khi, giá khớp lệnh có thể bị xê dịch thay đổi làm cho lệnh của nhà đầu tư chưa được thực hiện ngay mà phải chờ đợi khi có lệnh đối ứng.
5. KẾT LUẬN
Bài viết trên đây đã chia sẻ đầy đủ cách đọc bảng điện tử chứng khoán chi tiết, giới thiệu cách đặt lệnh cũng như những bảng điện tử của công ty chứng khoán tốt nhất. Bất kỳ ai bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán đều phải hiểu rõ, đầy đủ ý nghĩa của bảng điện tử chứng khoán để từ đó có thể truy cập, phân tích, đặt lệnh và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Mong rằng qua những chia sẻ của bài viết sẽ giúp ích các bạn trong quá trình đầu tư, đừng quên đón đọc thêm các nội dung mới tại VnRebates nhé!
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ