VNREBATES

Chứng quyền là gì? Hướng dẫn giao dịch chứng quyền có đảm bảo (CW) đạt hiệu quả!

25.11.2021, 06:57 15 phút đọc

Chứng quyền rất được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi nó có thể giúp giảm thiểu các rủi ro khi giao dịch. Vậy chứng quyền là gì? Chứng quyền có đảm bảo là gì? Lợi ích khi mua bán loại chứng khoán này?

Trong hệ thống giao dịch chứng khoán có rất nhiều các loại sản phẩm khác nhau. Trong đó, chứng quyền đảm bảo được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Bởi loại chứng khoán này có thể giúp giảm thiểu các rủi ro khi giao dịch. Vậy cụ thể chứng quyền là gì? Chứng quyền có đảm bảo là gì? Lợi ích và rủi ro khi mua bán loại chứng khoán này? Để người đọc có cái nhìn tổng quan nhất về chứng quyền hãy cùng tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây của Vnrebates nhé!

1. Chứng quyền là gì?

Chứng quyền có tên tiếng anh là Stock Warrant. Đây là một loại chứng khoán do các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phát hành. Mục đích chính của việc nắm giữ chứng quyền đó chính là việc cho phép người sở hữu được mua các cổ phiếu của doanh nghiệp theo mức giá được quy định trước đó, cho dù có bất kỳ thay đổi nào về thị trường hay giá trị, những biến động của công ty.

chung-quyen-la-gi-1

Chứng quyền là gì?

Chứng quyền là gì? Nó một công cụ phái sinh cung cấp quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, mua hoặc bán một chứng khoán, thông thường nhất là chứng quyền ở một mức giá nhất định trước khi hết hạn. Giá mà chứng khoán cơ bản có thể được mua hoặc bán được gọi là giá thực hiện. Chứng quyền cung cấp quyền mua một chứng khoán được gọi là chứng quyền mua; những người trao quyền bán một chứng khoán được gọi là chứng quyền bán.

2. Phân loại chứng quyền

Chứng quyền được chia làm 2 loại chính: chứng quyền mua và chứng quyền bán. Hai loại chứng quyền này được giao dịch phổ biến trên các sàn chứng khoán tại Việt Nam và quốc tế.

  • Chứng quyền bán là gì? (Put Warrant)

Người nắm giữ chứng quyền bán sẽ được phép bán một lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá đã được quy định rõ.

Khoản chênh lệch từ chứng quyền bán là khi giá chứng khoán cơ sở < giá thực hiện tại thời điểm đó.

  • Chứng quyền mua là gì? (Call Warrant)

Người nắm giữ chứng quyền mua sẽ được phép mua một lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá đã được quy định rõ.

Khoản chênh lệch từ chứng quyền mua là khi giá chứng khoán cơ sở > giá thực hiện tại thời điểm đó.

3. Phân biệt giữa chứng quyền và quyền chọn

Nội dung Chứng quyền (SW) Quyền chọn (Option)
Thị trường giao dịch Cash Market (giống cổ phiếu) Phái sinh
Thiết kế sản phẩm, điều khoản Công ty chứng khoán Sở Giao dịch Chứng khoán phái sinh
Yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ Không Có (người giữ vị thế bán)
Chuyển giao tài sản Giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư Giữa các nhà đầu tư

Cấu trúc của chứng quyền cổ phiếu về mặt chức năng giống với quyền chọn mua cổ phiếu, tuy nhiên, có một số điểm khác biệt chính. Sự khác biệt quan trọng nhất là chứng quyền cổ phiếu do chính công ty phát hành, trong khi quyền chọn mua cổ phiếu được phát hành bởi các nhà kinh doanh trên thị trường thứ cấp. Điều này có nghĩa là số tiền thu được từ một chứng quyền cổ phiếu được chuyển trực tiếp đến công ty. Nó cũng có nghĩa là chứng quyền cổ phiếu có thể được sử dụng để phát hành cổ phiếu mới.

Quyền chọn mua cổ phiếu chỉ có thể giao dịch các cổ phiếu hiện đã có trên thị trường. Tuy nhiên, do công ty cơ sở tự phát hành chứng quyền cổ phiếu, nên nó có thể phát hành cổ phiếu mới khi cần thiết khi người nắm giữ thực hiện chứng quyền của mình. Do đó, đây thường là cơ chế mà các công ty sử dụng để huy động vốn trên thị trường mở.

Chứng quyền cổ phiếu cũng linh hoạt hơn về điều kiện so với quyền chọn mua cổ phiếu. Quyền chọn mua cổ phiếu dành cho một số lượng cổ phiếu nhất định và có ngày hết hạn từ một năm trở xuống. Một chứng quyền cổ phiếu có thể bao gồm bất kỳ số lượng cổ phiếu nào và thường sẽ có ngày hết hạn lâu hơn nhiều so với quyền chọn mua cổ phiếu. Chứng quyền có thời hạn 5, 10, thậm chí 15 năm không phải là hiếm.

4. Các loại giá trong sản phẩm chứng quyền

Một CW khi lưu hành sẽ có các loại giá khác nhau, mỗi loại giá có một ý nghĩa riêng, do đó nhà đầu tư cần phân biệt các loại giá trong một CW:

Giá thực hiện (hay còn gọi là giá thực hiện quyền): là mức giá mà nhà đầu tư sở hữu chứng quyền có quyền mua/bán chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền khi CW đáo hạn, và là cơ sở so sánh để nhà đầu tư xác định trạng thái và mức lãi lỗ khi đầu tư vào CW. Mức giá này sẽ được tổ chức phát hành công bố khi chào bán CW. Thông thường, giá thực hiện sẽ được giữ cố định trong suốt thời hạn của CW và chỉ thực hiện điều chỉnh trong một số trường hợp chứng khoán cơ sở có sự kiện doanh nghiệp.

Giá thanh toán: là mức giá được Sở Giao dịch Chứng khoán xác định và công bố trước ngày đáo hạn của CW. Chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện cho biết mức lãi/lỗ của nhà đầu tư vào thời điểm đáo hạn của chứng quyền, đây cũng là cơ sở để tổ chức phát hành thực hiện thanh toán khoản tiền chênh lệch khi nhà đầu tư thực hiện quyền.

Giá chứng quyền (hay còn gọi là giá của một chứng quyền) là khoản chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra nếu muốn sở hữu CW. Vào thời điểm phát hành giá, chứng quyền là mức giá chào bán của tổ chức phát hành. Khi CW được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK, giá chứng quyền chính là giá giao dịch của CW trên thị trường.

Xem thêm: So sánh chi phí giao dịch của các công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam

5. Chứng quyền có đảm bảo (CW) là gì?

Mở rộng khái niệm về chứng quyền là gì, chúng ta sẽ thường xuyên được nghe đến nhiều hơn một khái niệm khác nữa là chứng quyền có đảm bảo. Loại chứng quyền này trong tiếng Anh là Covered Warrant (thường được viết tắt: CW). 

chung-quyen-la-gi-2

Chứng quyền đảm bảo (Covered Warrant) là gì?

Đây là một loại chứng khoán được phát hành riêng biệt bởi các tổ chức tài chính, cho phép người sở hữu có thể mua cổ phiếu của một doanh nghiệp cụ thể với một mức giá đã quy định sẵn ở một thời điểm bất kỳ trong tương lai.

5.1. Bán trước đáo hạn:

Phương thức giao dịch/ phí/ thuế giống như chứng khoán cơ sở, tuy nhiên không được vay ký quỹ (margin). Lưu ý:

  • Ngày giao dịch cuối cùng: trước hai (02) ngày so với ngày đáo hạn của CW. Các trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết (không bao gồm chứng quyền đáo hạn), ngày giao dịch cuối cùng của chứng quyền là ngày giao dịch liền trước ngày hủy niêm yết chứng quyền có hiệu lực.
  • Bước giá CW: 10 đồng
  • Giá trần CW = Giá tham chiếu CW + (Giá CKCS x Biên độ HSX 7%)/Tỷ lệ chuyển đổi
  • Giá sàn CW = Giá tham chiếu CW – (Giá CKCS x Biên độ HSX 7%)/Tỷ lệ chuyển đổi
  • Lợi nhuận ròng = (Giá CW bán – Giá mua) x Số lượng CW
  • Phí, thuế được tính trên Giá trị giao dịch = Giá CW khớp x Số lượng CW

5.2. Thực hiện quyền nếu giữ đến đáo hạn:

  • Giá thanh toán: Giá trung bình của chứng khoán cơ sở trong 5 phiên giao dịch trước ngày đáo hạn của CW
  • Giá thực hiện: Được cố định từ thời điểm mua chứng quyền.

chung-quyen-la-gi-3

Lãi lỗ khi đáo hạn chứng quyền được tính như thế nào?

Lỗ: Nhà đầu từ không nhận được gì

Hòa vốn: Nhà đầu tư không nhận được gì

Lãi thì Nhà đầu tư:

  • Nhận được số tiền chênh lệch vào ngày T+5 = (Giá thanh toán – Giá thực hiện) x (Số lượng CW/Tỷ lệ chuyển đổi)
  • Nộp thuế = 0.1% x Giá thanh toán x (Số lượng CW/ Tỷ lệ chuyển đổi)

Xem thêm: Tìm hiểu 4 sai lầm và 6 lưu ý để chơi chứng khoán hiệu quả hơn

6. Cách thức hoạt động của chứng quyền có đảm bảo và hướng dẫn giao dịch?

Mua – Bán chứng quyền: Có 2 cách để nhà đầu tư mua chứng quyền: Mua trên thị trường sơ cấp ( đăng ký mua trực tiếp từ tổ chức phát hành ) hoặc mua trên thị trường thứ cấp ( mua trên sàn giao dịch sau khi chứng quyền niêm yết)

Tương tự với giao dịch mua, nếu muốn bán chứng quyền, nhà đầu tư có thể bán cho tổ chức phát hành, bán lại cho nhà đầu tư khác qua sàn giao dịch hoặc chờ đến ngày chứng quyền đáo hạn, TCPH sẽ hạch toán lời lỗ và thanh toán cho NĐT.

chung-quyen-la-gi-4

Cách mua bán chứng quyền

Tài khoản giao dịch: CW giao dịch như một cổ phiếu nên NĐT chứng quyền không cần mở mới tài khoản mà sử dụng chung tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở.

Thời gian giao dịch và các phiên đóng cửa, mở cửa sẽ tương tự như thời gian giao dịch cổ phiếu trên HOSE, với khối lượng giao dịch tối thiểu là 10 CW.

Thời gian thanh toán: Bù trừ đa phương, T+2

Giá tham chiếu: Giá đóng cửa phiên giao dịch hôm trước sẽ là giá tham chiếu cho phiên giao dịch hôm sau.

Giá trần/sàn của CW:  được xác định theo công thức sau:

Giá trần/sàn CW = Giá tham chiếu CW +/- (Giá CKCS*Biên độ dao động) / Tỷ lệ chuyển đổi

Ví dụ:

Giá CKCS 100,000 đồng, biên độ dao động 7%. Giá tham chiếu CW là 5,000 đồng, tỷ lệ chuyển đổi 2:1

  • Giá trần CW = 5,000 + (100,000*7%)/2 = 8,500 đồng
  • Giá sàn CW = 5,000 – (100,000*7%)/2 = 1,500 đồng

Ví dụ về Chứng quyền

Ngày 13/06/2019, nhà đầu tư A mua 1,000 Chứng quyền trên cổ phiếu FPT (Giá hiện tại của FPT là 45,000 đồng) với các thông số sau:

  • Tỷ lệ chuyển đổi: 2:1
  • Thời hạn CW: 3 tháng
  • Ngày đáo hạn: 11/09/2019
  • Giá thực hiện 45,000 đồng
  • Giá CW: 1,900 đồng/CW

Vậy số tiền nhà đầu tư A phải trả để mua 1,000 CW FPT là: 1000 * 1.900 = 1.900.000 đồng

Sau 02 tháng:

Giả sử giá một chứng quyền mua trên thị trường là 2.500 đồng. Quý khách có thể chốt lời bằng việc bán lại CW ngay thời điểm này trên sở Giao dịch chứng khoán.

Mức lời của Quý khách = 1000 x (2500-1900)= 600.000 đồng

Vào ngày đáo hạn:

Giả sử Quý khách nắm giữ đến ngày đáo hạn và giá thanh toán đối với cổ phiếu FPT là 60.000 đồng.

Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho Quý khách số tiền là: 1000/2(60.000-45000)=7.500.000 đồng

Mức sinh lời của Quý khách là:

7.500.000 đồng- 1.900.000 đồng ( tổng số tiền bỏ ra để sở hữu CW) = 5.600.000 đồng

chung-quyen-la-gi-5

Cách đọc mã chứng quyền và giải thích các thuật ngữ

Xem thêm: Top 6 cuốn sách về chứng khoán “gối đầu giường” cho mọi nhà đầu tư

7. Sự khác biệt về chứng quyền doanh nghiệp và chứng quyền có đảm bảo

Chứng quyền doanh nghiệp và chứng quyền có đảm bảo có những sự khác nhau tương đối, mà nếu người nào không nắm rõ khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn bởi 2 loại hình chứng khoán này. Chúng ta sẽ cùng tìm điểm khác nhau giữa 2 loại chứng quyền để phân biệt rõ nhé:

  • Tổ chức phát hành:

+ Chứng quyền có đảm bảo: do công ty chứng khoán được cấp phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hành.

+ Chứng quyền doanh nghiệp: được phát hành bởi công ty chủ quản hay công ty phát hành cổ phiếu

  • Mục đích:

+ Chứng quyền có đảm bảo: được phát hành với mục đích bổ sung thêm loại hình đầu tư và hạn chế rủi ro; Đồng thời, giúp công ty chứng khoán có thể tăng lợi nhuận từ việc bán CW.

+ Chứng quyền doanh nghiệp: phát hành với mục đích huy động vốn cho doanh nghiệp.

  •  Chứng khoán cơ sở

+ Chứng quyền có đảm bảo: có nhiều dạng: chỉ số, ETF, cổ phiếu,…

+ Chứng quyền doanh nghiệp: chỉ có duy nhất cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành.

  • Phạm vi quyền hạn

+ Chứng quyền có đảm bảo: nhà đầu tư có quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở

+ Chứng quyền doanh nghiệp: nhà đầu tư có quyền mua thêm cổ phiếu cơ sở được phát hành.

  • Số lượng cổ phiếu đang lưu hành sau khi thực hiện quyền:

+ Chứng quyền có đảm bảo: không đổi

+ Chứng quyền doanh nghiệp: tăng

8. Lời kết 

Có thể thấy, chứng quyền và chứng quyền có đảm bảo mang đến rất nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, đặc biệt với những người có lượng vốn thấp hoặc mới bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, những hạn chế còn tồn tại của CW cũng mang đến khá nhiều bất cập cho các nhà đầu tư. Sản phẩm chứng quyền được xem là một trong những loại chứng khoán mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam nên còn khá mới mẻ với nhiều người. 

Mong rằng, các nhà đầu tư đã có thêm thông tin về chứng quyền là gì cũng như có thể tận dụng kiến thức trong giao dịch chứng khoán để tối ưu mức lợi nhuận mong muốn của mình.

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.