Xem thêm các chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật:
Chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence) là gì?
Chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence) là đường trung bình động hội tụ phân kỳ. MACD được ra đời vào năm 1979 bởi ông Gerald Appel khởi xướng.
MACD indicator được tính toán và xây dựng dựa trên các đường trung bình động EMA, thể hiện mối quan hệ giữa các đường trung bình với chu kỳ khác nhau. Nhờ đó, chúng thể hiện được động lượng theo xu hướng của thị trường.
MACD vừa là một chỉ báo xu hướng, vừa là một chỉ báo động lượng. Do đó, chúng được giới trader vô cùng yêu thích và áp dụng rộng rãi.
Chỉ báo MACD cung cấp 3 loại tín hiệu, bao gồm:
- MACD Crossover (Chỉ báo xu hướng MACD)
- MACD Divergence (MACD phân kỳ)
- MACD Overbougt/Oversold (MACD quá mua/quá bán)
Cấu tạo của chỉ báo MACD
So với các chỉ báo như RSI và Stochastic, chỉ báo MACD có cấu tạo khá phức tạp, cụ thể:
Đường MACD (Màu xanh hay còn được gọi là đường nhanh): Đây là đường trung bình nhanh, là kết quả hiệu giữa đường EMA 12 và EMA26. Trên biểu đồ, chỉ báo MACD luôn dao động xung quanh đường Zero. Đường cung cấp thông tin động lượng sau mỗi lần chuyển động của giá. Trong đó:
- Nếu đường MACD cắt đường Zero và hướng lên: Thị trường đang trong xu hướng tăng giá (Uptrend).
- Nếu đường MACD cắt đường Zero và hướng xuống: Thị trường đang trong xu hướng giảm giá (Downtrend).
Đường tín hiệu (Signal line): Đây là đường trung bình động chậm có màu cam như trong hình bên dưới. Đường tín hiệu được tạo từ đường MACD và EMA9 giúp nhà đầu tư hiểu rõ về sự chuyển động trước đó.
- Signal line cắt MACD theo chiều hướng lên: Thị trường có xu hướng tăng giá.
- Signal line cắt MACD theo chiều hướng xuống: Thị trường có xu hướng giảm giá.
Histogram: Là biểu đồ dạng thanh (cột). Histogram có chức năng đo lường chuyển động giữa hai đường MACD và Signal line. Cũng như MACD, Histogram cũng chuyển động xung quanh đường Zero. Bên cạnh đó, nếu như nến có màu xanh và dài, đồng thời Histogram lại ngắn bất thường cho thấy phe mua đang có sự suy thoái trên thị trường.
- Biểu đồ Histogram có màu xanh, MACD > Signal line và nằm bên trên: Xu hướng thị trường tăng giá.
- Biểu đồ Histogram có màu đỏ, MACD < Signal line và nằm bên dưới: Xu hướng thị trường giảm giá.
Đường Zero: Là đường nằm chính giữa biểu đồ Histogram như trong hình minh họa bên dưới. Đây chính là khu vực trader có thể tham chiếu sự thay đổi của hành động giá.
Công thức tính chỉ báo MACD là gì?
MACD là kết quả của đường trung bình động (EMA) 12 ngày trừ đi đường trung bình động 26 ngày.
MACD = EMA (12) – EMA (26)
Signal line (Đường tín hiệu) = EMA (9) của đường MACD
Histogram = Đường MACD – Đường tín hiệu
Dựa vào công thức trên, ta có:
- EMA (12) > EMA (26) thì MACD dương.
- EMA (12) < EMA (26) thì MACD âm
Có thể bạn quan tâm:
Ý nghĩa đường MACD trong giao dịch chứng khoán, forex là gì?
Chỉ báo MACD mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình giao dịch chứng khoán, forex. Thông qua MACD, trader có thể xác định xu hướng tăng/giảm thị trường hiện tại, cung cấp tín hiệu vào lệnh và dấu hiệu xuất hiện đảo chiều giá. Cụ thể như sau:
- Xác định xu hướng thị trường (Market trend): Như phần trên VnRebates đã đề cập bên trên, thông qua các thành phần của MACD như Signal Line, Histogram trader có thể xác định xu hướng tăng hay giảm. Ví dụ: Thị trường tăng giá nếu đường MACD cắt đường Zero và hướng lên.
- Cung cấp tín hiệu vào lệnh: Dựa vào sự dịch chuyển của chỉ báo MACD và các thành phần khác, trader có thể tìm được những điểm vào lệnh tiềm năng trên thị trường. Ví dụ: Khi đường MACD cắt với đường Signal line (Tín hiệu) từ dưới lên, cho thấy giá sẽ có xu hướng tăng và vượt mức hiện tại. Lúc này, nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua.
- Hội tụ phân kỳ giá và giao dịch đảo chiều xu hướng: Trường hợp MACD phân kỳ/hội tụ hỗ trợ nhà giao dịch dự đoán sự đảo chiều. Trong đó, MACD phân kỳ khi giá tăng, MACD đi xuống, cho thấy dấu hiệu giá đảo chiều từ tăng sang giảm. Lúc này trader nên cân nhắc bán cổ phiếu và ngược lại.
Cách cài đặt đường MACD trên TradingView, MT4 chi tiết
Thao tác cài đặt đường MACD trên các nền tảng như TradingView và Metatrader 4 (MT4) khá đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện. Cụ thể như sau:
Cài đặt chỉ báo MACD trên TradingView
Bước 1: Đăng nhập vào TradingView và chọn biểu đồ cần thêm MACD.
Bước 2: Trên thanh công cụ, chọn “Các chỉ báo”.
Bước 3: Lúc này, hộp thoại xuất hiện trên màn hình. Bạn nhập “MACD” trong thanh tìm kiếm và kích chọn “MACD” trong phần kết quả. Ngay lập tức chỉ báo sẽ được cài đặt vào biểu đồ.
Cài đặt chỉ báo MACD trên Metatrader 4 (MT4)
Bước 1: Khởi động phần mềm MT4 và đăng nhập vào hệ thống.
Bước 2: Nhà đầu tư có 2 cách để thêm đường MACD như sau:
- Cách 1: Vào mục “Navigator”, chọn “Indicator”, chọn “Oscillators” và chọn “MACD”.
- Cách 2: Trên thanh công cụ (Toolbar), chọn “Indicators”, chọn “Oscillators” và chọn “MACD”.
Bước 3: Trên màn hình xuất hiện hộp thoại, lúc này bạn cần cài đặt các thông số đường EMA và SMA, chỉnh độ dày/mỏng và màu sắc hiển thị MACD và chọn “OK” để hoàn tất.
Xem thêm:
- Hướng dẫn sử dụng TradingView miễn phí
- Cách khắc phục TradingView bị lỗi đăng nhập, biểu đồ, chỉ báo
4 phương pháp giao dịch với đường MACD trong chứng khoán, forex
1. Giao dịch khi đường MACD cắt đường trung tâm
Khi đường MACD nằm trên đường trung tâm là thị trường ở xu hướng tăng. Ngược lại là xu hướng giảm. Khi có tín hiệu để “đón đầu” xu hướng theo cách này chính là khi đường MACD cắt lên hoặc cắt xuống đường trung tâm:
- Khi đường MACD từ bên dưới cắt đường 0 và di chuyển lên trên, tín hiệu cho một chu kỳ tăng giá. Lúc này, các bạn có thể đặt ngay một lệnh mua tại thời điểm đó.
- Khi đường MACD đang từ phía trên cắt xuyên qua đường trung tâm xuống phía dưới, lúc này có thể đặt một lệnh bán
Ngoài ra, việc MACD cắt đường trung tâm cũng có thể là tín hiệu thoát lệnh đang giữ. Nếu các bạn đang có lệnh mua, hãy chốt lời hoặc cắt lỗ khi đường MACD cắt xuống so với đường 0. Ngược lại, các bạn hãy thoát lệnh bán khi đường MACD cắt đường 0 theo hướng lên trên.
2. Giao dịch khi đường MACD cắt đường Signal
Với phương pháp này, tín hiệu mua sẽ xuất hiện khi đường MACD vượt lên trên đường Signal. Trong khi đó, tín hiệu bán sẽ xuất hiện khi đường MACD đâm xuống và cắt đường Signal.
Và tương tự như với đường trung tâm, các bạn cũng có thể sử dụng tín hiệu cắt nhau giữa đường MACD và đường Signal làm tín hiệu thoát lệnh đang nắm giữ để tối ưu lợi nhuận, hạn chế rủi ro.
3. Giao dịch với tín hiệu phân kỳ giá
Phân kỳ xuất hiện là tín hiệu cho thấy giá có thể sắp đảo chiều. Do đó, trader chỉ cần thực hiện ngay một lệnh giao dịch đảo chiều khi nhận thấy sự xuất hiện của phân kỳ để nắm bắt những con sóng lớn.
Tuy nhiên cũng lưu ý rằng, MACD thường tạo ra khá nhiều tín hiệu phân kỳ giả. Vì vậy hãy chú trọng vấn đề quản lý vốn và rèn luyện bản thân có thật nhiều kinh nghiệm để tự mình phát hiện ra được những tín hiệu giả. Từ đó, sẽ tránh được những rủi ro không đáng có.
4. Giao dịch khi Histogram chuyển từ âm sang dương và ngược lại
Histogram = Đường MACD – Đường Signal
- Khi đường Histogram chuyển từ âm sang dương, tức là biểu đồ chuyển từ đỏ sang xanh, thị trường đang trong xu hướng tăng. Lúc này, các bạn nên đặt lệnh mua.
- Ngược lại, khi Histogram chuyển từ dương sang âm (biểu đồ từ màu xanh chuyển sang màu đỏ), các bạn nên đặt lệnh bán.
Chiến lược giao dịch với chỉ số MACD nâng cao
Sau khi thành thạo các tín hiệu và các chiến lược cơ bản, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các chiến lược nâng cao khi kết hợp MACD với những công cụ và chỉ báo khác, từ đó có được những tín hiệu đáng tin cậy hơn, xác suất thắng cao hơn.
Ví dụ, các bạn có thể kết hợp MACD với các tín hiệu Price Action như trong trường hợp dưới đây:
Trong biểu đồ trên, giá và MACD xuất hiện một phân kỳ giảm, các bạn có thể sẽ băn khoăn không biết giá có quay đầu giảm hay không.
Tuy nhiên, ở cuối phân kỳ giảm các bạn nhận thấy sự xuất hiện của một cây Pinbar giảm, và đó chính là một tín hiệu chắc chắn nhất cho thấy rằng giá có xác suất rất cao sẽ bước vào một đợt giảm mạnh.
Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong việc kết hợp MACD với Price Action. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tìm hiểu hoặc tự mình phát triển thêm những chiến lược khác với MACD sau khi đã làm chủ được chỉ báo này.
Phương pháp giao dịch MACD nâng cao: Kết hợp đường MA
Trong phân tích kỹ thuật, có một quy tắc mà nhiều nhà giao dịch thường áp dụng, đó là không kết hợp những chỉ báo cùng một nhóm với nhau. Do đó, nhiều người đã bỏ qua sự kết hợp MACD với MA vì cho rằng chúng cùng là những chỉ báo xu hướng nên sự kết hợp sẽ không có hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, trên thực tế, MACD không chỉ là một chỉ báo xu hướng, mà còn là một chỉ báo động lượng. Chính vì vậy sự kết hợp MACD với MA lại trở thành một sự kết hợp tương đối “hoàn hảo”, giúp trader vừa nắm bắt được xu hướng, vừa đánh giá được động lượng thị trường, từ đó mang lại những tín hiệu giao dịch đáng tin cậy, cũng như những cơ hội kiếm lợi nhuận tuyệt vời.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng VnRebates tìm hiểu chi tiết về chiến lược MACD nâng cao: Kết hợp MACD với MA. Giúp nhà đầu tư có thêm một “vũ khí” hiệu quả để chiến đấu với thị trường.
Chiến lược giao dịch cơ bản kết hợp đường MACD với MA
Về cơ bản, chiến lược kết hợp MACD với MA dựa trên nguyên tắc giao dịch theo xu hướng để nắm bắt những cơ hội vào lệnh. Chiến lược chuyên sâu này sử dụng chỉ báo MACD cùng với hai đường SMA, gồm:
- SMA 50 dùng để kích hoạt các tín hiệu giao dịch
- SMA 100 dùng để xác định xu hướng
Quy tắc thực hiện lệnh mua với MA và MACD
Với bộ chỉ báo như trên, có một số quy tắc để vào lệnh mua như sau:
Quy tắc vào lệnh mua:
- Giá nằm trên cả đường MA50 và MA100
- Theo dõi tín hiệu mua khi giá vượt qua các đường MA khoảng từ 10 pips
- Khi hai điều kiện trên đã được đáp ứng, mua khi histogram của MACD dương, nhưng không tăng mạnh quá 5 thanh gần nhất. Lý do là chúng ta cần MACD dương để khẳng định động lượng của thị trường đang tăng, nhưng nếu như động lượng tăng đang quá mạnh (quá 5 thanh) thì có thể lực tăng đang dần đi đến hồi kết và chúng ta cần thận trọng.
- Nếu như MACD âm, hoặc đã dương quá 5 thanh, thì trader nên kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu tiếp theo.
- Đặt Stop loss ở mức thấp nhất trong khoảng 5 phiên gần nhất.
- Đóng một nửa lệnh khi đạt mức tỷ lệ RR khoảng 1:2, và dời stop loss về điểm hòa vốn.
- Đóng nốt phần lệnh còn lại khi giá cắt xuống đường MA50 khoảng 10 pips.
Ví dụ minh hoạ: Thực hiện lệnh mua với MA và MACD
Ví dụ 1: Biểu đồ dưới đây chúng ta có cặp tiền USD/JPY, khung thời gian D1.
Nhìn vào biểu đồ trên , trader có thể thấy vị trí đánh dấu, giá đã cắt lên trên cả đường MA50 và MA100. MACD lúc này đã dương và không tăng mạnh trong 5 thanh gần nhất.
Vậy các điều kiện để vào lệnh mua đã được đáp ứng, do đó trader có thể vào lệnh mua khi giá vượt qua đường SMA50 khoảng 10pips, tức là ngay sau khi cây nến tăng đóng cửa phía trên đường MA.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đặt Stop loss theo quy tắc ở mức thấp nhất trong 5 phiên gần nhất. Cụ thể trong trường hợp này là ngay dưới vùng đáy trước đó, mức rủi ro mình đo được trên biểu đồ là 197 pips. Với mức Stop loss như vậy, bạn có thể đặt mức Take profit đầu tiên tại vị trí đã đánh dấu, với mức mức RR 1:2 (394 pips).
Thực tế có thể thấy lệnh chốt lời này nhanh chóng được kích hoạt như trong biểu đồ (chốt một nửa lệnh ban đầu). Tại đó bạn cần dịch Stop loss về điểm vào lệnh để bảo toàn lợi nhuận đã chốt.
Tiếp theo, giá đã cắt xuống đường MA50 tại vị trí đánh dấu tiếp theo. Đây là lúc bạn cần chốt phần lệnh còn lại. Giao dịch mua với tín hiệu từ sự kết hợp MACD với MA đã kết thúc với lợi nhuận lên đến hơn 500 pips.
Mặc dù mức rủi ro 197 pips có thể coi là khá cao, tuy nhiên nếu bạn quản lý vốn tốt thì đó không phải điều đáng lo. Và cuối cùng, phần thưởng mà nhà đầu tư nhận lại hoàn toàn xứng đáng với mức rủi ro phải chấp nhận.
Ví dụ 2: Biểu đồ tiếp theo là cặp tiền EUR/USD khung thời gian H1.
Quan sát trong biểu đồ trên, tại vị trí được đánh dấu, giá đã cắt lên cả MA50 và MA100.
MACD lúc này đang dương, nhưng bạn hãy để ý là nó đã tăng mạnh khá lâu (quá 5 thanh), điều đó có thể cho biết rằng lực tăng của thị trường đã diễn ra quá lâu, và bạn chẳng thể biết được khi nào nó sẽ đi đến hồi kết, do đó vào một lệnh mua lúc này là quá rủi ro.
Ngay sau đó, giá đã không thể tăng thêm mà thậm chí còn giảm xuống. Qua đó chúng ta thấy được vai trò của việc phân tích động lượng thị trường.
Cách mở lệnh bán với tín hiệu kết hợp đường MACD với MA
Ngược lại với lệnh mua, khi muốn mở lệnh bán chúng ta cần đảm bảo các điều kiện sau:
- Giá cắt xuống cả chỉ báo MA50 và MA100 khoảng 10 pips.
- MACD âm và không giảm mạnh quá 5 thanh
- Đặt Stop loss ở mức cao nhất trong số 5 phiên gần nhất
- Đóng một nửa lệnh khi giá đạt mức tỷ lệ RR 1:2, và cắt nốt phần còn lại khi giá cắt lên các đường MA khoảng 10 pips.
Qua các ví dụ về lệnh mua trong phần trước, có lẽ bạn sẽ dễ dàng hình dung ra cách thực hiện lệnh bán. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lấy thêm một ví dụ cụ thể về lệnh bán dưới đây:
Trong biểu đồ EUR/JPY phía trên, bạn có thể thấy giá cắt xuống dưới đường MA50 và MA100 tại vị trí được đánh dấu. Đồng thời, MACD đang vừa chuyển từ dương sang âm và chưa giảm mạnh quá 5 thanh. Lúc này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện lệnh bán khi cây nến giảm đóng cửa dưới các đường MA.
Mức Stop loss được đặt ở ngay trên vùng đỉnh trước đó, với rủi ro đo được là 271 pips.
Target đầu tiên để chốt một nửa là 542 pips, tại mức mình đánh dấu, và đã đạt được sau đó một thời gian ngắn. Stop loss lúc này được dời về điểm hòa vốn.
Không lâu sau đó, giá đã cắt lên phía trên các đường MA, đó là lúc bạn cần thoát nốt phần lệnh còn lại. Tổng kết lệnh bán chúng ta đã đạt được mức lợi nhuận tương đối lớn.
Chiến lược giao dịch kết hợp MACD với MA với hệ thống Elder Impulse
Nếu như nhà giao dịch hứng thú với sự kết hợp giữa MACD với đường trung bình động, thì không thể bỏ qua được hệ thống giao dịch Elder Impulse.
Đây là một hệ thống được xây dựng bới Tiến sĩ Alexander Elder, một tác giả khá nổi tiếng trong cộng đồng Trader. Hệ thống giao dịch này của ông được xây dựng dựa trên sự kết hợp MACD với MA, để tạo ra một chỉ báo duy nhất thể hiện được tín hiệu của cả hai chỉ báo trên.
Cụ thể, khi kết hợp MACD với MA chúng ta có những loại tín hiệu sau:
- Đường MA thể hiện xu hướng tăng và MACD dương là tín hiệu bán (tín hiệu tăng giá)
- Đường MA thể hiện xu hướng giảm, đồng thời MACD âm là tín hiệu giảm giá
- Nếu giá không thỏa mãn đồng thời hai điều kiện của hai trường hợp trên, thì xu hướng thị trường không rõ ràng.
Từ các nguyên lý trên, bộ công cụ Elder Impulse được phát triển dựa trên đường EMA13 và MACD và cung cấp cho chúng ta các tín hiệu sau:
- Thanh nến có màu xanh lá thể hiện MA tăng và MACD dương, thể hiện bên mua kiểm soát xu hướng thị trường.
- Thanh nến màu đỏ thể hiện MA giảm và MACD âm, cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế.
- Thanh nến màu xanh dương là tín hiệu cho thấy thị trường đang hỗn độn, xu hướng không rõ ràng.
Như vậy, chỉ với một chỉ báo, chúng ta đã nắm được tín hiệu của cả MA và MACD, tức là cả xu hướng và động lượng thị trường. Do đó, chúng ta có thể tìm kiếm các cơ hội vào lệnh dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản chỉ là mua khi xuất hiện nến xanh lá và bán khi có nến đỏ hình thành. Tín hiệu như vậy là chưa đủ, mà chúng ta cần kết hợp nó với đường MA thêm một lần nữa để có những vị trí vào lệnh chuẩn xác nhất.
Cụ thể, sử dụng Elder Impulse kết hợp với đường EMA 65, chúng ta có quy tắc vào lệnh như sau:
- Mua khi giá cắt lên phía trên đường EMA65 bởi một cây nến xanh lá.
- Bán khi giá cắt xuống dưới đường EMA65 bởi cây nến đỏ.
Với cách đặt lệnh như vậy, bạn có thể áp dụng quy tắc đặt Stop loss và Take profit giống như chiến lược phía trên mà chúng ta vừa tìm hiểu, hoặc theo những quy tắc cắt lỗ và chốt lời riêng của anh em.
Tuy nhiên, cũng giống như những hệ thống giao dịch khác, sự kết hợp MACD với MA cùng Elder Impulse cũng không thể đảm bảo độ chính xác 100%, mà trader cũng cần tuân thủ các phương pháp quản lý vốn một cách kỷ luật để đảm bảo tài khoản của mình.
Lưu ý khi giao dịch forex với chỉ báo MACD trader nên biết
Như vậy, chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence) là một công cụ phân tích kỹ thuật mang nhiều lợi thế khi giao dịch forex và chứng khoán. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch với MACD, các nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm như sau:
- Chỉ báo MACD không phải là công cụ dự đoán chính xác tuyệt đối: MACD là một công cụ phân tích kỹ thuật và chỉ có thể dự đoán xu hướng tiếp theo dựa theo lịch sử giá. Nhà đầu tư cần nhận thức được rằng đường MACD hay bất cứ một chỉ báo nào có thể dự đoán chính xác tuyệt đối về giá trị của một cổ phiếu hoặc một cặp tiền tệ trong tương lai.
- Thiết lập khung thời gian của đường MACD: Nhà đầu tư cần chọn thời gian sử dụng của đường MACD phù hợp với chiến lược giao dịch của mình.
- Không sử dụng đường MACD khi thị trường không ổn định: Đường MACD sẽ không hoạt động tốt trong thị trường không ổn định hoặc đang trong quá trình điều chỉnh. Trong những trường hợp này, nhà đầu tư nên cân nhắc sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật khác hoặc đợi đến khi thị trường trở nên ổn định hơn.
- Kết hợp với các công cụ phân tích khác: Để quá trình giao dịch được diễn ra thuận lợi, nhà đầu tư nên kết hợp đường MACD với các công cụ phân tích kỹ thuật khác như đường trung bình động (MA), đường SAR, RSI, v.v. để có cái nhìn toàn diện hơn về xu hướng thị trường
Tổng kết
Qua bài viết, hy vọng các bạn đã hoàn toàn hiểu được MACD là gì. Nếu như mọi người muốn tự xây dựng cho mình một chiến lược mới với MACD, hãy nhớ backtest thật kỹ lưỡng trước khi đưa nó vào sử dụng trong thực tế nhé. Chúc các bạn giao dịch an toàn và hiệu quả.
Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.
VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính