Xem thêm:
Tư bản tài chính là gì?
Theo quan điểm của V.Lênin: “Tư bản tài chính là kết quả của sự hợp nhất giữa tư bản ngân hàng của một số ít ngân hàng độc quyền lớn nhất, với tư bản của những liên minh độc quyền các nhà công nghiệp”. Như vậy, có thể định nghĩa tư bản tài chính là sự thâm nhập và dung hợp vào nhau giữa tư bản độc quyền ngân hàng và tư bản độc quyền trong công nghiệp.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm tư bản tài chính, chúng ta cần biết đến tư bản độc quyền ngân hàng và tư bản độc quyền công nghiệp là gì?
Chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do phát triển đến độ nhất định thì xuất hiện các tổ chức độc quyền. Quá trình tích tụ và tập trung sản xuất trong công nghiệp sẽ dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền công nghiệp, nắm địa vị thống trị một ngành hay trong một số ngành công nghiệp. Tương tự, trong ngân hàng cũng diễn ra quá trình tích tụ và tập trung tư bản vào những ngân hàng lớn, hay chính là tư bản độc quyền ngân hàng.
Ngoài khái niệm được biết đến rộng rãi nhất đó, tư bản tài chính còn được Karl Marx – cha đẻ của thuật ngữ “tư bản” mà sau đó chính V.Lênin đã kế thừa và phát triển tư tưởng đó, trong đó Marx cho rằng:
“Tư bản tài chính là sự tự chủ và độc quyền đối với hoạt động của chu trình tiền – tư bản bởi một loại tác nhân đặc biệt.”
Trong khi Marx đưa ra định nghĩa về tư bản tài chính là sự tách biệt và độc quyền của các giao dịch tiền vốn, thì một nhà tư tưởng khác là Hilferding cho rằng:
“Tư bản tài chính là sự dung hợp giữa tư bản ngân hàng và tư bản công nghiệp tương ứng với một lý thuyết về tài chính hóa của chủ nghĩa tư bản”.
Hilferding nhấn mạnh sự thống trị của tư bản tài chính, đồng thời theo nhà tư tưởng này, thuật ngữ “tư bản tài chính” có nhiều tầng nghĩa. Nó biểu thị không chỉ một hình thức do tư bản thực hiện, mà còn là một giai đoạn trong quá trình lưu thông của tư bản và lợi ích nhóm ngày càng mạnh mẽ trong giai cấp tư bản. Cuối cùng, và quan trọng nhất đối với Hilferding, “tư bản tài chính” đại diện cho một giai đoạn phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Tài chính trở nên quan trọng hơn và những người kiểm soát nó sẽ nắm quyền lực tối thượng, do quy mô kinh tế ngày càng tăng trong ngành và nhu cầu ngày càng tăng về tài chính ngân hàng để thực hiện việc tập trung vốn sản xuất.
Dù được định nghĩa như thế nào thì mọi khái niệm đều cho thấy bản chất của tư bản tài chính là mối quan thệ chặt chẽ, qua lại và thống nhất giữa tín dụng và sản xuất. Đó là một loại liên kết giữa các ngân hàng và các công ty lớn, cụ thể hơn là các công ty cổ phần (mà khái quát hóa cho rằng một mức độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất).
Xem thêm:
- Hãy trang bị ngay kiến thức về Đầu tư tài chính
- 13 kinh nghiệm đầu tư Forex hiệu quả cho người mới bắt đầu
Lịch sử hình thành và phát triển của tư bản tài chính
Chúng ta có thể tóm lược sự hình thành tư bản tài chính trải với 3 quá trình kinh tế như sau:
- Sự tích tụ sản xuất trong công nghiệp dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền trong công nghiệp;
- Sự tích tụ sản xuất và độc quyền hoá trong công nghiệp dẫn đến tích tụ tư bản và độc quyền hoá trong lĩnh vực ngân hàng;
- Sự dung hợp giữa tư bản độc quyền trong ngân hàng và tư bản độc quyền trong công nghiệp dẫn đến hình thành tư bản tài chính.
Sự tích tụ sản xuất trong công nghiệp dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền trong công nghiệp
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, quá trình tích tụ và tập trung sản xuất diễn ra nhanh chóng và ở mức rất cao trong ngành công nghiệp đã trực tiếp dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền.
Một mặt, các xí nghiệp lớn dễ dàng thỏa thuận với nhau; mặt khác các xí nghiệp có quy mô lớn, kỹ thuật cao nên cạnh tranh rất gay gắt, quyết liệt, khó đánh bại nhau, do đó đã dẫn đến có khuynh hướng thỏa hiệp với nhau để nắm độc quyền.
Sự phát triển của hệ thống tín dụng cũng trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tập trung sản xuất, nhất là việc hình thành các công ty cổ phần tạo tiền đề để cho sự ra đời của các tổ chức độc quyền.
Liên minh độc quyền giữa các nhà tư bản công nghiệp nhằm mục đích thu được lợi nhuận độc quyền cao với các hình thức liên kết ngày càng rộng từ trong cùng một ngành, đến liên hệ dây chuyền hoặc liên kết dọc giữa nhiều ngành khác trong nền kinh tế.
Sự tích tụ sản xuất và độc quyền hoá trong công nghiệp dẫn đến tích tụ tư bản và độc quyền hoá trong lĩnh vực ngân hàng
Song song với việc hình thành các liên minh độc quyền công nghiệp, trong ngành ngân hàng cũng không ngừng diễn ra quá trình tích tụ và tập trung tư bản tiền tệ. Cụ thể, số ngân hàng độc lập giảm xuống, số chi nhánh tăng nhanh.
Quy luật tích tụ và tập trung tư bản trong ngân hàng cũng giống như trong công nghiệp, do quá trình cạnh tranh các ngân hàng vừa và nhỏ bị thôn tính, dẫn đến hình thành những ngân hàng lớn.
Khi sản xuất trong ngành công nghiệp tích tụ ở mức độ cao đồng nghĩa với việc các ngân hàng nhỏ không đủ tiềm lực và uy tín phục vụ cho công việc kinh doanh của các xí nghiệp công nghiệp lớn đó. Cùng lúc đó, các tổ chức độc quyền công nghiệp có nhu cầu tìm kiếm các ngân hàng lớn hơn, thích hợp với các điều kiện tài chính và tín dụng của mình.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng nhỏ phải tự sáp nhập vào các ngân hàng mạnh hơn, hoặc phải chấm dứt sự tồn tại của mình trước quy luật khốc liệt của cạnh tranh. Quá trình này đã thúc đẩy các tổ chức độc quyền ngân hàng ra đời.
Sự dung hợp giữa tư bản độc quyền trong ngân hàng và tư bản độc quyền trong công nghiệp dẫn đến hình thành tư bản tài chính
Sự xuất hiện và phát triển của các tổ chức độc quyền trong ngân hàng đã làm thay đổi quan hệ giữa tư bản ngân hàng và tư bản công nghiệp, phát sinh ra vai trò mới cho ngân hàng.
Từ chỗ chỉ là trung gian trong việc thanh toán và tín dụng, các ngân hàng lớn nắm được hầu hết tư bản tiền tệ của xã hội nên có quyền lực vạn năng, khống chế mọi hoạt động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Trên địa vị người chủ cho vay, các tổ chức độc quyền ngân hàng có thể cử đại diện theo dõi hoạt động cũng như trực tiếp đầu tư vào công nghiệp.
Tương tự đó, các tập đoàn công nghiệp lớn cũng có thêm vai trò mới, đó là tìm cách thâm nhập vào ngân hàng. Các tổ chức độc quyền công nghiệp mua cổ phần của ngân hàng để có thêm quyền kiểm soát hoạt động của ngân hàng, hoặc thậm chí lập ngân hàng riêng cho mình.
Như vậy, chính quá trình độc quyền công nghiệp và độc quyền ngân hàng thâm nhập, chi phối lẫn nhau với quan hệ lợi ích liên kết chặt chẽ với nhau đã sản sinh là một thứ tư bản mới, gọi là tư bản tài chính.
Xem thêm: Central Bank – Ngân hàng trung ương và tác động của nó đến thị trường Forex
Tập đoàn tư bản tài chính và sự thống trị của các trùm tư bản tài chính
Sức mạnh kinh tế của tư bản tài chính ngày càng lớn và dần dần bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Vai trò của nó lớn đến độ tạo ra quy tắc cho tất cả hay thống trị và chi phối mọi mặt trong đời sống kinh tế, chính trị của xã hội tư bản cũng như trong các quan hệ kinh tế quốc tế.
Sự hình thành tư bản tài chính cũng dẫn đến sự “chuyển hoá” trong bản thân giai cấp tư bản độc quyền. Cụ thể, trên cơ sở tư bản tài chính, hình thành một nhóm nhỏ độc quyền, những tập đoàn tư bản tài chính, hay gọi nôm na là đầu sỏ tài chính hay trùm tư bản, vốn trước đây là những chủ công nghiệp và chủ ngân hàng có liên hệ với quá trình sản xuất và quá trình tái sản xuất của tư bản xã hội.
Những tập đoàn tư bản tài chính này trở thành chủ sở hữu tư bản, còn chức năng quản lý kinh doanh được giao cho những người làm thuê cao cấp (những nhà quản lý).
Sự thống trị của các trùm tư bản tài chính được thể hiện rõ nhất qua thống trị về kinh tế, từ đó tạo nên cơ sở thống trị về chính trị, xã hội cũng như các mặt khác của quốc gia và thế giới.
Các tập đoàn tư bản tài chính đã thành lập các ngân hàng đa quốc gia, thực hiện điều tiết các Concern (tổ chức độc quyền đa ngành) và Conglomerate (sự kết hợp của hàng chục những ngân hàng vừa và nhỏ không có liên quan trực tiếp về sản xuất hoặc dịch vụ) xâm nhập vào nền kinh tế của các quốc gia khác. Đó là lý do ra đời của những trung tâm tài chính lớn của thế giới như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Hongkong…
Chân dung các trùm tư bản phải kể đến những cái tên như J.P Morgan, BNP-Paribas, Citigroup, HSBC Holdings, Goldman Sachs,…hay các đế chế tài phiệt của Hàn Quốc như Samsung hay Hyundai…
Đọc thêm:
- 7 bước kiểm soát tâm lý giao dịch của Trader
- Fomo là gì? Nghệ thuật biến Fomo thành Jomo
- FUD – một hội chứng tâm lý phổ biến trong đầu tư tiền điện tử
Biểu hiện mới của tư bản tài chính trong thời đại toàn cầu hóa
Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, nền kinh tế thị trường với cơ chế cạnh tranh, mục tiêu lợi nhuận đã tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, thu hút tất cả các quốc gia trên thế giới vào một thị trường chung, tham gia vào sự phân công lao động và hợp tác, liên kết kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện nhiều ngành nghề kinh tế đặc biệt là các ngành như dịch vụ, bảo hiểm… với tỷ trọng ngày càng lớn.
Để thích ứng với sự biến đổi đó, hình thức thức tổ chức và cơ chế thống trị của tư bản tài chính cũng thay đổi.
Sự thay đổi trong sở hữu của tư bản tài chính
Đó là những thay đổi về mặt cơ cấu, giá trị, cách thức huy động vốn và ngày càng mang tính quốc tế cao. Để chiếm lĩnh các kỹ thuật mũi nhọn và xác lập vị thế độc quyền, các tập đoàn tư bản tài chính cần có lượng vốn cực kỳ lớn với nhiều hình thức huy động. Đầu tiên, hình thức sáp nhập giữa các xí nghiệp độc quyền đang mang tính toàn cầu và trở thành phương thức đầu tư chủ yếu, để tạo thành những tập đoàn xuyên quốc gia.
Tư bản tài chính sử dụng các phương thức phát hành trái phiếu để gom vốn với hỗ trợ từ các ngân hàng đầu tư, tạo thành những tập đoàn tài chính lớn. Nó cũng mở rộng thị trường chứng khoán và tham gia vào việc đẩy mạnh hoạt động trong các sở giao dịch trên thị trường trong và ngoài nước.
Song song với sự bùng nổ về sáp nhập ngân hàng, ngày càng có xu hướng triệt tiêu cạnh tranh giữa các ngân hàng, mặt khắc là tập trung toàn bộ vốn dưới hình thức tư bản tiền tệ, và chỉ cung cấp cấp cho các nhà sản xuất thông qua ngân hàng. Từ đó sinh ra “ngân hàng trung ương” thực hiện quyền kiểm soát đối với toàn bộ nền sản xuất xã hội.
Bên cạnh hoạt động của ngân hàng thì vai trò của các hình thức phi ngân hàng với nhiều chức năng khác nhau cũng tăng lên trong lĩnh vực tiền tệ – là một xu hướng vận động của ngân hàng hiện đại. Đó có thể là các công ty cổ phần kinh doanh tiền tệ… làm tăng nguồn cấp vốn. Từ đó quan hệ sở hữu cổ phần thay đổi. Các cổ đông lớn chi phối trong tổ chức tài chính, liên kết với nhau để khống chế các tổ chức tài chính.
Sự thay đổi trong quá trình liên kết và thâm nhập giữa độc quyền công nghiệp và độc quyền ngân hàng
Phạm vi liên kết và xâm nhập vào nhau được mở rộng ra nhiều ngành, do đó các tập đoàn tư bản tài chính thường tồn tại dưới hình thức một tổ hợp đa dạng kiểu công – nông – thương – tín – dịch vụ hay công nghiệp quân sự, dịch vụ quốc phòng.
Nội dung của liên kết cũng đa dạng hơn, tinh vi và phức tạp hơn. Ví dụ, ngân hàng cho công nghiệp vay vốn và đảm bảo tín dụng cho nó kinh doanh lợi cùng hưởng, thua lỗ cùng chịu….
Tư bản tài chính thay đổi trong lĩnh vực phát hành chứng khoán và cơ chế tham dự
Các ngân hàng đầu tư đã củng cố vị thế trên thị trường quốc tế nhờ phát hành chứng khoán và buôn bán chứng khoán với quy mô lớn, quản lý vốn của các công ty đầu tư, các quỹ hưu trí và từ thiện,.. tạo ra khả năng hình thành số cổ phiếu khống chế.
Cơ chế tham dự của tư bản tài chính cũng thay đổi, việc phát hành cổ phiếu giá trị nhỏ, khối lượng cổ phiếu tăng lên đan xen thâm nhập vào nhau của tư bản tài chính làm cho số cổ đông tăng lên, tính xã hội hóa của tư bản ngày càng mở rộng.
Xem thêm: Top những cổ phiếu tăng trưởng tốt tính đến quý 3 năm 2021
Vấn đề của tư bản tài chính và những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Từ khi tư bản tài chính được hình thành, nền kinh tế thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng cũng đã chứng kiến rất nhiều cuộc khủng hoảng thậm chí là đại suy thoái. Ví dụ, cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929 là kết quả tất yếu của rất nhiều biến cố vượt ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân và chính phủ.
Chỉ tính riêng thời kỳ 1970 – 2007, đã có ít nhất 124 cuộc khủng hoảng ngân hàng, 208 cuộc khủng hoảng tỷ giá hối đoái và 63 cuộc khủng hoảng nợ nhà nước hay còn gọi là nợ quốc chủ.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu gần nhất năm 2008 – 2009, được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, làm sụp đổ hàng loạt ngân hàng lớn ở các nước tư bản phát triển mà nổi bật là Lehman Brothers.
Cuộc khủng hoảng này đã gây ra tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ (Hy Lạp, Italia …) buộc chính phủ các nước trên thế giới phải có những biện pháp khẩn cấp, bơm hàng trăm tỷ USD để cứu vãn các ngân hàng, thị trường chứng khoán, phục hồi kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng đó là: tín dụng dễ dãi dẫn đến nợ nần quá đáng, gây ra nạn đầu cơ và bong bóng tài sản, và khi bong bóng vỡ dẫn đến tài sản giảm giá trị, đóng băng tài chính, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất. Khủng hoảng từ các trung tâm kinh tế sẽ nhanh chóng lan ra khắp toàn cầu.
Sau mỗi cuộc khủng hoảng, thế giới cũng xuất hiện các nhóm như G7, G20… nhằm thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính quan trọng giữa các nền kinh tế chủ chốt trong hệ thống và thúc đẩy hợp tác nhằm giúp nền kinh tế thế giới đạt được tăng trưởng ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.
Lời kết
Tư bản tài chính với vai trò là một trong những nét biểu hiện mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại thực sự đã tạo ra sự phát triển vượt bậc cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong nó vẫn luôn tồn tại những mâu thuẫn nội tại sâu sắc, tiềm tàng nhiều rủi ro vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát, mà biểu hiện rõ nhất là những cuộc khủng hoảng.
Cùng theo dõi và cập nhật những kiến thức mới nhất của Vnrebates nhé!
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ