Là một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất với lịch sử hình thành lâu đời nhất trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ luôn là thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với giới đầu tư toàn thế giới. Dù nước Mỹ không phải là nơi khai sinh ra thị trường chứng khoán, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ từ khi được thành lập đã nhanh chóng vượt mặt những thị trường đi trước như Anh hay Amsterdam nhờ vào sự năng động của một nền kinh tế thị trường tự do khổng lồ.
Hơn nữa, chính những đặc điểm nổi bật như tính minh bạch, mức độ uy tín cao, chuyên nghiệp, lợi nhuận tốt, thời gian giao dịch linh động là những lý do cuốn hút nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Mỹ. Tiềm năng và hấp dẫn là vậy nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu biết cặn kẽ về cơ hội cùng những thách thức ở thị trường quốc tế này.
Trong bài viết này, Vnrebates sẽ mang đến cho bạn cái nhìn tổng quát về thị trường chứng khoán Mỹ và làm sao để đầu tư chứng khoán Mỹ hiệu quả cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Tổng quan về thị trường chứng khoán Mỹ
Với vai trò là cái nôi của thị trường tài chính toàn cầu, ngay từ khi thành lập cho đến thời điểm hiện tại dù trải qua nhiều cuộc đại khủng hoảng kinh tế, thị trường chứng khoán Mỹ luôn thể hiện đậm nét sức mạnh của mình đối với nền kinh tế toàn cầu.
Lịch sử hình thành thị trường chứng khoán Mỹ
Thời điểm đánh dấu sự ra đời Thị trường chứng khoán Mỹ là vào ngày 17/5/1792 khi một số nhà môi giới công bố thoả thuận của họ sau khi nhóm họp ở số 68 phố Wall, và đến năm 1800 đánh dấu sự ra đời Sở giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Mỹ.
Từ đó, phố Wall (Wall Street) được coi là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, gồm 8 phố tài chính, dài khoảng 1,1 km nằm trong khu Tài Chính thuộc vùng hạ Manhattan, New York. Ngày nay, phố Wall là nơi tập trung tất cả các ngân hàng, các quỹ phòng hộ và các nhà giao dịch chứng khoán lớn của Mỹ, và cũng là nơi đặt trụ sở của các sàn giao dịch lớn nhất nước Mỹ bao gồm NYSE, NASDAQ, AMEX, NYMEX và NYBOT.
Sở Giao dịch Chứng khoán NewYork (NYSE) là Sở giao dịch lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ và cũng là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới. Thị trường chứng khoán này của Mỹ còn được gọi là thị trường phố Wall – nơi phôi thai những giao dịch đầu tiên của nước Mỹ kể từ năm 1864 và hiện là trung tâm giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, quản lý tới hơn 80% các giao dịch chứng khoán của Mỹ và là hiện thân của thị trường chứng khoán quốc gia (kể từ năm 1962).
Bên cạnh các thị trường chứng khoán tập trung – các Sở giao dịch (hiện có khoảng 14 Sở GDCK khác nhau), thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) cũng rất phát triển tại Mỹ nổi bật nhất là Nasdaq – hình thành năm 1971. Chứng khoán giao dịch trên thị trường này chiếm đa số là của các công ty thuộc ngành công nghệ thông tin và các công ty vừa và nhỏ. Thị trường Nasdaq hiện nay đã được nối mạng toàn cầu với nhiều thị trường OTC khác trên thế giới.
Vị thế của thị trường chứng khoán Mỹ trên thế giới
Thị trường chứng khoán Mỹ có nhiều sàn giao dịch nổi tiếng như sàn giao dịch Chứng khoán New York hay sàn Chứng khoán điện tử NASDAQ – các sàn này đều có uy tín cao trong các lĩnh vực từ giao dịch, chứng khoán chất lượng cao và là nơi niêm yết những tên tuổi được giao dịch nhiều nhất trên thế giới như Apple, Amazon, Ngân hàng Hoa Kỳ, General Electric, ExxonMobil và Johnson & Johnson.
Chính vì thế, Mỹ là nơi có khối lượng giao dịch hàng ngày lớn nhất thế giới, với tổng giá trị lên tới 33 nghìn tỷ USD – gấp 5 lần so với Trung Quốc và 15 lần so với Ấn Độ (số liệu 2018 của Ngân hàng thế giới). Về thị phần chứng khoán, Mỹ luôn dẫn đầu ngôi vương trên thị trường chứng khoán quốc tế trong nhiều năm liền (xem bảng dưới).
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ có vốn hóa lớn nhất thế giới – đạt trên 14 nghìn tỷ USD, gấp 5 lần so với Trung Quốc, gấp 6 lần so với Nhật Bản và 10 lần so với thị trường chứng khoán Hồng Kông (theo số liệu năm 2015). Chính lý do này không ngạc nhiên khi Mỹ được xem như là thị trường có tính thanh khoản cao nhất hiện nay. Bảng giá chứng khoán Mỹ vì thế cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Các sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất nước Mỹ
Trong số các sàn chứng khoán của Mỹ, Nasdaq, NYSE, AMEX là 3 sàn chứng khoán lớn nhất tại thị trường này. Trong khi NYSE là một thị trường đấu giá, cho phép các cá nhân giao dịch với nhau trên cơ sở đấu giá cạnh tranh bình đẳng thì Nasdaq là một thị trường của người giao dịch, ở đó những người tham gia giao dịch thông qua một đại lý thay vì trực tiếp với nhau còn sàn AMEX lại chuyên về giao dịch các loại cổ phiếu ETFs và chứng khoán lai.
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York, thường được gọi là NYSE là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Công ty mẹ của Sở giao dịch chứng khoán New York hiện là NYSE Euronext, sau khi sáp nhập với sàn giao dịch châu Âu vào năm 2007.
Trong lịch sử, NYSE chủ yếu được thực hiện trực tiếp trên sàn giao dịch. Ngày nay, NYSE cung cấp một mô hình lai, với một thị trường dựa trên sàn và một mô hình điện tử. Hơn một nửa trong số tất cả các giao dịch NYSE được thực hiện điện tử, mặc dù các nhà giao dịch sàn vẫn được sử dụng để đặt giá và giao dịch trong giao dịch tổ chức khối lượng lớn.
Trong số hơn 3.000 công ty niêm yết giao dịch trên NYSE, bao gồm một số công ty lớn nhất ở Mỹ như Walmart, Coca-Cola, McDonalds và một số công ty khác. NYSE hiện nay vẫn nằm trong top sàn chứng khoán Mỹ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Sở giao dịch chứng khoán NASDAQ
NASDAQ là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai trên thế giới theo vốn hóa thị trường, sau Sàn giao dịch chứng khoán New York và là sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới. Tất cả các giao dịch chứng khoán được thực hiện bằng điện tử và NASDAQ có khối lượng giao dịch nhiều hơn bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán điện tử nào khác trên thế giới.
NASDAQ là một sàn giao dịch khổng lồ, có hơn 2.700 công ty được niêm yết trên NASDAQ, bao gồm từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đến cổ phiếu vốn hóa lớn. NASDAQ cũng là sàn được niêm yết bởi các gã khổng lồ công nghệ được như: Apple, Microsoft, Intel, Dell và nhiều công ty khác.
AMEX – Sàn chứng khoán Mỹ
Sàn chứng khoán Mỹ, hiện được gọi là NYSE Amex Equities sau khi NYSE Euronext mua lại vào năm 2008. Đây là sàn chứng khoán Mỹ lớn thứ ba nếu tính theo khối lượng giao dịch. AMEX là nơi niêm yết của hầu hết các công ty nhỏ và siêu nhỏ. AMEX được đặt ở thành phố New York và thực hiện 10% trên tổng số chứng khoán được giao dịch ở Mỹ.
AMEX cũng chuyên về giao dịch các loại cổ phiếu ETFs, và chứng khoán lai. Đa phần các loại cổ phiếu ETFs được niêm yết của Mỹ được giao dịch tại AMEX, bao gồm cả SPDR và hầu hết cổ phiếu của Powershares. Dù vậy nó vẫn tiếp tục tiến hành giao dịch các loại cổ phiếu của các công ty vừa và nhỏ.
Các chỉ số chứng khoán và cổ phiếu của Mỹ
Chỉ số chứng khoán Mỹ
Là nền kinh tế đứng đầu thế giới, cũng như thị trường chứng khoán Mỹ lớn nhất thế giới nên các chỉ số chứng khoán của Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trong các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Hiện nay, có bốn chỉ số chứng khoán Mỹ được các nhà đầu tư quan tâm nhất được xem là thước đo hoạt động chứng khoán của Mỹ phổ biến rộng rãi trên báo chí và TV, bao gồm: Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite và Nasdaq 100.
- Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA): là chỉ số lâu đời nhất và nổi tiếng nhất đánh giá giá trị trung bình cổ phiếu của 30 công ty công nghiệp hàng đầu của Mỹ thuộc sở hữu chính phủ, giao dịch trên thị trường chứng khoán New York và NASDAQ. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi các báo cáo kinh tế, DJIA còn bị tác động bởi những sự kiện địa chính trị quan trọng như chiến tranh, khủng bố, thiên tai hay dịch bệnh.
- Chỉ số S&P 500: là chỉ số dựa trên vốn hóa thị trường của 500 cổ phiếu. Chỉ số này được thiết kế để đo lường hiệu quả hoạt động của nền kinh tế trong nước trên diện rộng thông qua sự thay đổi trong tổng giá trị thị trường của 500 cổ phiếu đại diện cho tất cả các ngành công nghiệp lớn niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ, thuộc sở hữu của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor.
- Chỉ số tổng hợp Nasdaq – Nasdaq Composite: là chỉ số được xây dựng trên giá cổ phiếu của toàn bộ các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Chỉ số Nasdaq Composite bao gồm nhiều công ty lớn nhỏ, bao gồm các công ty đầu cơ với vốn hóa thị trường nhỏ. chỉ số NASDAQ không chỉ bao gồm chứng khoán Mỹ, mà còn có các công ty quốc tế. Do đó chỉ số NASDAQ không phải là sự phản ánh cho nền kinh tế của nước Mỹ.
- Chỉ số Nasdaq 100: Nasdaq 100 là chỉ số chứng khoán Mỹ đại diện cho 100 công ty phi tài chính lớn nhất được liệt kê trên Nasdaq. Nasdaq 100 sẽ giúp nhà đầu tư khoanh vùng đánh giá các ngành như Công nghệ, Viễn thông, Công nghệ sinh học, Truyền thông và Dịch vụ tốt hơn các chỉ số khác. Mỗi năm, các công ty có thể được thêm vào hoặc loại ra khỏi NASDAQ 100 tùy thuộc vào giá trị thị trường của họ
Cổ phiếu của Mỹ
Trên thị trường Chứng khoán Hoa Kỳ, các công ty lớn nhất theo vốn hóa thị trường được gọi là Big Cap. Vốn hóa thị trường thể hiện giá trị của một công ty bằng cách nhân giá cổ phiếu với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Các công ty được sắp xếp theo vốn hóa thị trường của họ. Bất kỳ công ty đại chúng nào có thị phần trên 10 tỷ đô la thường được coi là công ty có vốn hóa lớn.
Vì vậy, cổ phiếu vốn hóa lớn thường là các công ty đầu ngành và lĩnh vực và là các công ty đã được thành lập lâu đời và có tiếng trên thị trường. Sau đây là top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất nước Mỹ tính đến tháng 4 năm 2020.
Dưới đây là giới thiệu về 5 công ty hàng đầu.
- Microsoft: Microsoft (MSFT) là nhà tiên phong trong kỷ nguyên điện toán cá nhân, làm chủ phần lớn các hệ điều hành và phần mềm được sử dụng trên toàn thế giới. Công ty hiện sở hữu LinkedIn, Skype và GitHub, ngoài hệ điều hành Windows, Xbox và Office 365. Quý 2 năm 2020, doanh thu Microsoft tăng 4,0 tỷ USD hoặc 14%, thu nhập ròng là 11,6 tỷ USD và tăng 38%.
- Apple: Trong nhiều năm, Apple (AAPL) đã giữ vững thứ hạng là công ty giao dịch công khai có giá trị nhất trên thế giới. Sự trỗi dậy của Apple bắt đầu với sự đổi mới và hàng loạt sản phẩm ra mắt trong thập kỷ qua. Quý 2 năm 2020, công ty đã công bố doanh thu 58,3 tỷ USD và lợi nhuận 11,25 tỷ USD.
- Amazon: Amazon (AMZN) đã trở thành một trong những công ty mạnh nhất với tốc độ phát triển đáng sợ nhất trong lĩnh vực công nghệ. Theo báo cáo thu nhập cho quý tài chính đầu tiên của năm 2020, doanh thu của Amazon đạt 75,5 tỷ USD, thu nhập ròng 2,5 tỷ USD.
- Alphabet: Sau Apple, Amazon và Microsoft, công ty mẹ Alphabet của Google đã trở thành hãng công nghệ thứ tư của Mỹ đạt thị giá 1.000 tỉ USD vào hôm 16-1.
- Facebook: Là mạng truyền thông xã hội thống trị thế giới, Facebook (FB) đã quản lý để tiếp tục phát triển, thúc đẩy vốn hóa thị trường của nó tăng gấp nhiều lần kể từ IPO vào tháng 5 năm 2012. Quý I, 2020, Facebook đạt tổng doanh thu 17.737 tỷ USD và thu nhập từ hoạt động 5.893 tỷ USD.
Giờ giao dịch chứng khoán Mỹ ?
Nếu bạn định đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ, điều quan trọng là phải biết và hiểu thời gian thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa. Nếu bạn đặt giao dịch ngoài giờ thị trường chứng khoán hoạt động, giao dịch của bạn sẽ ở trạng thái chờ cho đến khi bắt đầu phiên giao dịch tiếp theo. Điều này cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về giá bạn sẽ nhận được cho giao dịch của mình, vì tin tức hoặc các sự kiện khác có thể xảy ra trong thời gian chờ đó.
Cụ thể giờ giao dịch tại các phiên như sau:
Giờ mở cửa giao dịch chứng khoán New York
- Giao dịch tiêu chuẩn: Thứ Hai đến Thứ Sáu, 9:30 sáng đến 4:00 chiều ET.
- Giao dịch sau giờ làm việc: Thứ Hai đến Thứ Sáu, 4:00 chiều đến 6:30 chiều ET.
- Giao dịch tiền thị trường: Thứ Hai đến thứ Sáu, 8:00 sáng đến 9:30 sáng ET.
Giờ mở cửa giao dịch chứng khoán NASDAQ
- Giao dịch tiêu chuẩn: Thứ Hai đến Thứ Sáu, 9:30 sáng đến 4:00 chiều ET.
- Giao dịch sau giờ làm việc: Thứ Hai đến Thứ Sáu, 4:00 chiều đến 6:30 chiều ET.
- Giao dịch tiền thị trường: Thứ Hai đến thứ Sáu, 8:00 sáng đến 9:30 sáng ET.
Ngày lễ tại thị trường giao dịch chứng khoán Mỹ
- Cũng như Việt Nam, vào các ngày nghỉ lễ, các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa (hoặc đóng cửa sớm, mở cửa muộn, tùy ngày lễ). Nếu các ngày lễ rơi vào các phiên giao dịch trong tuần thì các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa.
- Các ngày lễ trên thị trường chứng khoán Mỹ thường là: Ngày năm mới, Ngày Martin Luther King Jr., Lễ tổng thống, Thứ sáu tốt lành, Ngày kỷ niệm, Ngày Quốc Khánh, Ngày lao động, Ngày lễ Tạ Ơn, Ngày Giáng Sinh
Tại sao nên đầu tư chứng khoán Mỹ ?
Đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế nói chung và cổ phiếu Mỹ nói riêng luôn vô cùng hấp dẫn và tiềm năng đối với giới đầu tư. Sau đây, chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm mạnh của thị trường chứng khoán lớn nhất và hấp dẫn nhất thế giới này.
Là nơi tập trung các công ty hàng đầu thế giới
Các nhà đầu tư đều thấy rõ phần lớn những công ty hàng đầu thế giới luôn đặt trụ sở ở Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Điều này tạo ra những cơ hội đầu tư có một không hai cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Nếu một nhà đầu tư muốn chọn đầu tư bền vững vào những công ty hàng đầu của ngành công nghệ, họ thường sẽ chọn Microsoft, Apple, Google; nếu là ngành y tế, đó là Johnson & Johnson hay Abbot. Đây là những công ty phát triển bền vững, luôn tạo ra mức sinh lời hấp dẫn về lâu dài.
Xuất hiện nhiều “kỳ lân” nhất
Bên cạnh những gã khổng lồ ở nhiều lĩnh vực, thị trường chứng khoán Mỹ là nơi những công ty tiềm năng, những ngôi sao sáng – những “chú kỳ lân” của giới công nghệ lựa chọn để niêm yết. Ví dụ, cổ phiếu của Netflix vào năm 2010 chỉ khoảng 10 USD, nhưng bây giờ nó đã xấp xỉ 350 USD. Một ví dụ khác là Amazon, vào lúc mới được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu của Amazon có giá chỉ 18 USD, nhưng hiện tại nó đã chạm mức 1.950 USD.
Uy tín, công khai và minh bạch nhất
Với khối lượng giao dịch khổng lồ, thị trường chứng khoán Mỹ luôn đảm bảo được tính công bằng và minh bạch cao vượt trội so với những thị trường khác. Vì thế, khả năng những nhà đầu tư cá mập có thể thao túng được thị trường chứng khoán Mỹ là rất thấp so với những thị trường chứng khoán khác trên thế giới.
Thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới
Với vốn hóa thị trường lên đến 32 nghìn tỷ đô, thị trường chứng khoán Mỹ hiện là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, gấp năm lần so với thị trường chứng khoán Trung Quốc, hiện đang đứng ở vị trí thứ 2.
Đầu tư chứng khoán Mỹ ở Việt Nam làm sao cho hiệu quả ?
Thị trường tài chính nói chung và đặc biệt là thị trường chứng khoán với muôn vàn cơ hội và thách thức cho những người muốn dùng “tiền đẻ ra tiền”. Cũng như nhiều mô hình kinh doanh khác, thị trường này đã chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư thành công và trở nên giàu có nhưng số người thất bại cũng không hề ít. Là một nhà đầu tư Việt Nam, bạn sẽ đầu tư giao dịch đầu tư chứng khoán Mỹ tại Việt Nam bằng cách nào?
Mua cổ phiếu trực tiếp
Điều này là bất khả thi, vì các nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam không thể trực tiếp mua/bán cổ phiếu Mỹ nói riêng cũng như cổ phiếu ở nước ngoài nói chung.
Theo quy định pháp lý của Nhà nước thì cá nhân mang quốc tịch Việt Nam và đang sống tại Việt Nam không được phép đầu tư chứng khoán ở nước ngoài trừ 1 trường hợp duy nhất là bạn đang là người lao động ví dụ như cho Microsoft ở Việt Nam, do có những đóng góp tốt cho Microsoft toàn cầu nên được họ thưởng cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên thì sẽ được nhận số cổ phiếu này hoàn toàn hợp pháp và được bảo pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Mua cổ phiếu theo dạng Custody
Hình thức Custody hiểu đơn giản là một hình thức “nhờ” sàn mua hộ. Tức là, sau khi nhận lệnh giao dịch từ các nhà đầu tư, sàn hay 1 nơi trung gian nào đó sẽ đứng ra mua và sở hữu giúp bạn.
Như vậy, về bản chất nhà giao dịch sẽ “không sở hữu” cổ phiếu này, mà người đứng tên mua mới là chủ thể sở hữu thực sự. Mặc dù vậy, trader hay người mua vẫn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về cổ tức và lợi nhuận. Nên, nếu xét về mặt bản chất, mua chứng khoán theo dạng custody cũng không khác nhiều so với mua chứng khoán trên các sàn giao dịch Forex.
Thiết lập một tài khoản môi giới chứng khoán trực tuyến
Cách an toàn nhất và dễ tiếp cận để đầu tư chứng khoán Mỹ hiện nay là đầu tư thông qua việc mở tài khoản tại các sàn giao dịch quốc tế với các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng CFDs. Đầu tư cổ phiếu, chỉ số chứng khoán qua CFD có thể giúp nhà đầu tư có vốn thấp có thể tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận trong ngắn hạn thông qua việc sử dụng đòn bẩy.
Hiện nay, bạn có thể mua một cổ phiếu tiềm năng trên thị trường chứng khoán Mỹ ngay tại Việt Nam dưới hình thức mua nhượng quyền thông qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Những tiêu chí mà bạn cần cân nhắc khi lựa chọn một nhà môi giới chứng khoán đó là sự uy tín, phí giao dịch hợp lý, lãi vay margin thấp, báo cáo phân tích chất lượng và đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp.
Kết luận
Đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hoàn toàn dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Theo kết quả của một khảo sát được thực hiện gần đây, hai trong những khó khăn rất thường tình mà các nhà đầu tư Việt Nam gặp phải khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ là ngôn ngữ và múi giờ.
Thị trường chứng khoán Mỹ giàu tiềm năng nhưng thành công không đến trong chốc lát. Nhà đầu tư Việt nên kiên nhẫn trong việc tìm hiểu về các công ty bạn muốn mua cổ phiếu và chờ thời cơ khi thị trường điều chỉnh xuống để đổ tiền vào đầu tư.
Điều quan trọng nhất là khi đầu tư chứng khoán, chỉ dựa vào liều lĩnh và may mắn có nghĩa là là “tự sát”. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều người đầu tư theo cảm tính, đến lúc cháy tài khoản mới bắt đầu học tập nghiên cứu. Thay vào đó, để hạn chế rủi ro và tổn thất nhà đầu tư nên tham gia các khóa học hay tự học những điều cơ bản về thị trường trước và không ngừng cập nhật tin tức trên báo chí, các báo cáo tài chính hoặc học phân tích kỹ thuật.
Tổng hợp bởi Vnrebates
Theo investopedia