VNREBATES
ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot

Private Equity là gì? Các đặc điểm của quỹ đầu tư tư nhân PE

23.06.2022, 06:49 16 phút đọc

Private Equity (PE) là mô hình đầu tư với đóng góp quan trọng trong việc tạo điều kiện huy động vốn cũng như giúp cho thị trường vốn phát triển lành mạnh hơn.

Private Equity – PE hay quỹ đầu tư tư nhân là một khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực tài chính, mô hình quỹ đầu tư tư nhân này vốn rất phổ biến trên thế giới và đang khá thịnh hành ở Việt Nam với tiền đề là sự phát triển mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp tư nhân hay các dự án khởi nghiệp (startups).

Các quỹ Private Equity thực sự có đóng góp rất lớn trong việc phát triển doanh nghiệp không chỉ về nguồn vốn, mà còn tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt ở nhiều khía cạnh khác như tạo nguồn doanh nghiệp chất lượng cao, quản trị, chiến lược cũng như hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai.

Vậy, Private Equity là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Quỹ đầu tư tư nhân – PE fund là gì, cũng như quy trình đầu tư của quỹ Private Equity diễn ra như thế nào sẽ được VnRebates giải đáp trong bài viết dưới đây!

Private Equity là gì? Những điều bạn cần biết về mô hình đầu tư vốn tư nhân này

1. Quỹ Đầu tư tư nhân – Private Equity là gì?

 1.1 Private Equity là gì?

Private Equity hay PE Fund (viết tắt PE) quỹ đầu tư tư nhân. Đây là một loại hình đầu tư thay thế, bao gồm vốn không được niêm yết trên sàn giao dịch các công ty đại chúng. Private Equity bao gồm các quỹ và nhà đầu tư, đầu tư trực tiếp vào các công ty tư nhân hoặc tham gia vào việc mua lại các công ty đại chúng và biến chúng trở thành công ty tư nhân.

Một quỹ đầu tư tư nhân gồm 2 thành phần:

  1. Limited partner – LP: Các thành viên chỉ góp vốn để lấy lợi nhuận và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp vào hợp danh, không được tham gia quản lí và điều hành quỹ.
  2. General partner – GP: Thành viên chịu trách nhiệm vô hạn và chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quá trình hoạt động của quỹ.

Quỹ Đầu tư tư nhân - Private Equity là gì?

Private Equity

1.2 Đặc điểm của hình thức Private Equity – Quỹ đầu tư tư nhân

Nguồn vốn của PE đến từ các nhà đầu tư tổ chức (các công ty quản lý quỹ, các quỹ hưu trí hay các công ty bảo hiểm) và nhà đầu tư được công nhận (accredited investors, như các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao).

Số vốn tối thiểu mà các nhà đầu tư được công nhận cần góp có thể khác nhau tùy thuộc vào công ty và quỹ PE. Một số quỹ có yêu cầu khoản góp vốn tối thiểu là 250.000 USD, trong khi những quỹ khác có thể yêu cầu nhiều hơn tới hàng triệu đô la. 

Nguồn vốn này có thể được sử dụng để tài trợ cho phát triển công nghệ mới, thực hiện mua lại, tăng vốn lưu động cũng như củng cố bảng cân đối kế toán.

Bởi vì Private Equity đòi hỏi đầu tư trực tiếp – thường để đạt được ảnh hưởng hoặc kiểm soát hoạt động của công ty – nên đòi hỏi cần phải có một khoản vốn đầu tư đáng kể, đó là lý do tại sao các thương vụ PE đều có giá trị lớn và các quỹ có nguồn tài chính dồi dào lại thống trị ngành. Các công ty PE lớn nhất được gọi là “mega-funds” và thường có hơn 50 tỷ USD trong AUM, cụ thể  một số quỹ PE lớn như Blackstone và Apollo, có hơn 300 tỷ đô la.

Các quỹ PE thường đòi hỏi thời gian nắm giữ trung và dài hạn, thông thường ít nhất cũng phải ba năm trở lên để đảm bảo vòng quay vốn lưu động cho các công ty đang trong tình hình tài chính kiệt quệ hoặc cho phép các sự kiện tạo thanh khoản như Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc bán cổ phần cho công ty đại chúng.

Ở Việt Nam, các quỹ đầu tư tư nhân thường hướng đến các đối tượng là các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn hoặc các công ty đang gặp khó khăn về tài chính và cần được hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp.

Các quỹ Private Equity thường gắn liền với sự “kín tiếng” hay thông tin được giữ bí mật giữa các bên, thậm chí có những quỹ PE bảo còn có chính sách bảo mật cả thông tin đầu tư, hay những nhà đầu tư góp vốn vào quỹ cũng chỉ biết được mình đang làm việc với quỹ.

Đầu tư PE là loại hình đầu tư đặc thù nên tham gia vào loại hình đầu tư này phải chấp nhận rủi ro. Có những thương vụ thành công nổi bật như MEF II do Mekong Capital quản lý rót 3,5 triệu USD vào Thế giới di động (MWG) từ vào năm 2007, để sở hữu 35% cổ phần và đến khi hoàn tất thoái vốn vào đầu năm 2018 đã thu về gần 200 triệu USD, lãi hơn 57 lần thì còn nhiều thương vụ thất bại như Ba Huân – Vinacapital hay The KAfe – Cassia Investments.

1.3 Các loại quỹ Private Equity

Quỹ đầu tư tư nhân Private Equity thường được chia thành 2 loại: Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) và Mua lại hoặc Mua thâu tóm bằng vay nợ (Buyout hay Leveraged Buyout – LBO)

  • Quỹ Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital – VC): Quỹ Đầu tư mạo hiểm một hình thức cung cấp vốn cho các công ty mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng cao, để đổi lấy vốn chủ sở hữu hoặc cổ phần sở hữu. Các nhà đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, với hy vọng rằng họ sẽ thu được lợi nhuận đáng kể khi công ty thành công.
  • Mua thâu tóm bằng vay nợ (Buyout hay Leveraged Buyout – LBO): Thương vụ LBO có thể hiểu là một hình thức thực hiện mua bán sáp nhập M&A với đòn bẩy tài chính cao và về bản chất nó là một phương thức để nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp bằng cách dùng chính tài sản công ty làm tài sản thế chấp để vay nợ nhằm mua lại doanh nghiệp này chứ không dùng hoặc dùng rất ít tiền mặt.

Cụ thể hơn, LBO xảy ra khi một doanh nghiệp hay một quỹ tài chính (gọi là doanh nghiệp mua/sáp nhập) đi vay nợ để mua cổ phiếu và giành phần lớn quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu (doanh nghiệp bị mua, bị sáp nhập).

Tuy nhiên khi nói đến các thương vụ PE, người ta thường sẽ đề cập đến là các khoản đầu tư được thực hiện vào các công ty đã thành lập và trưởng thành hơn được thực hiện bởi các công ty đầu tư vốn tư nhân (PE firms), với quy trình được đề cập dưới đây.

2. Quá trình đầu tư Private Equity diễn ra như thế nào?

Quá trình đầu tư Private Equity diễn ra như thế nào

Một chu trình đầu tư vốn tư nhân Private Equity diễn ra như thế nào?

Để đầu tư vào các công ty, nhà đầu tư PE sẽ huy động vốn từ các limited partners (LPs – những người góp vốn) để xây dựng quỹ. Sau khi đạt được mục tiêu gây quỹ, họ đóng quỹ và đầu tư số vốn đó vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng.

Những PE firms hay quỹ PE này có thể mua hoàn toàn công ty hoặc mua cổ phần trong công ty. Sau khi đầu tư tận dụng kinh nghiệm sẵn có của mình, các nhà đầu tư PE thường hỗ trợ đội ngũ quản lý phát triển doanh nghiệp thực hiện các chiến lược tăng trưởng cũng như hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ năng quản lý tài chính và hoạt động.

Các quỹ đầu tư tư nhân thường có tuổi thọ trong vòng 10 năm và khi hết thời hạn này, họ sẽ thoái vốn và lấy lợi nhuận nếu thương vụ đầu tư đó thành công.

Một trong những hình thức thoái vốn tiềm năng cho các PE firm là tiến hành phát hành Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc bán cổ phần của họ cho người mua chiến lược hoặc nhà đầu tư vốn tư nhân khác.

Các khoản đầu tư PE có thể được cấu trúc theo nhiều cách khác nhau và có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhau, bao gồm:

  • Mở rộng (expansion): Các doanh nghiệp đã thành lập và có hình hài đôi khi cần vốn và kiến ​​thức chuyên môn để thực hiện bước tăng trưởng quan trọng tiếp theo. Ví dụ, có thể là mua lại đối thủ cạnh tranh, phát triển sản phẩm mới hoặc thâm nhập thị trường mới. Nguồn vốn từ quỹ đầu tư tư nhân có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và giá trị của doanh nghiệp.
  • Mua lại quyền quản lý (MBO) và Mua vào quản lý (MBI) – Quỹ Private Equity có thể cho phép các nhóm quản lý hiện tại mua lại toàn bộ hoặc một phần quan trọng của công ty từ chủ sở hữu. Các giao dịch mua lại thường được thực hiện dưới dạng LBO, có nghĩa là việc mua lại được thực hiện với sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ cao.
  • Tái cấu trúc doanh nghiệp (Turnaround): Khi một doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, một công ty PE có thể bơm vốn vào và thực và cơ cấu lại mới mục đích phục hồi lại doanh nghiệp đó.
  • Giao dịch tư nhân hóa (Public to Private transactions): Một công ty đại chúng có thể quyết định quay trở lại sở hữu tư nhân vì một số lý do như – nó có thể bị định giá thấp hơn trên thị trường đại chúng hoặc ban quản lý có thể muốn ít yêu cầu về quy định và báo cáo hơn. Các quỹ PE có thể là giải pháp trong trường hợp này thông qua việc mua cổ phần kiểm soát trong công ty và xóa nó khỏi các sàn giao dịch chứng khoán. Các giao dịch tư nhân hóa thường diễn ra dưới hình thức LBO thông qua việc các quỹ PE sẽ vay một khoản nợ đáng kể để đáp ứng giá mua.

Xem thêm: IPO là gì? 5 bước tổ chức đấu giá thực hiện IPO

3. Các quỹ PE kiếm tiền như thế nào?

Nguồn doanh thu chính của các quỹ đầu tư tư nhân là phí quản lý và phí hiệu quả hoạt động. Một số công ty tính phí quản lý 2% hàng năm đối với tài sản được quản lý và 20% lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh của công ty.

Khi các quỹ PE bán một trong các công ty trong danh mục đầu tư của mình một công ty hoặc nhà đầu tư khác thường sẽ tạo ra lợi nhuận và phân phối lợi nhuận cho các đối tác hữu hạn (limited partners) đã góp vốn vào quỹ.

4. Ưu điểm và nhược điểm của mô hình quỹ đầu tư tư nhân Private Equity

Ưu điểm và nhược điểm của mô hình quỹ đầu tư tư nhân Private Equity

Ưu điểm và hạn chế của mô hình đầu tư Private Equity 

4.1 Ưu điểm hay lợi ích của các quỹ Private Equity là gì?

Không thể phủ nhận được những lợi ích to lớn mà các quỹ PE mang đến cho các công ty và đặc biệt là các công ty khởi nghiệp (startups) cũng như giúp các công ty vực dậy sau khủng hoảng.

Thông qua việc góp vốn vào các doanh nghiệp tư nhân, mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn từ các kênh truyền thống, các quỹ PE giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng tiềm lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn từ các quỹ PE này là một giải pháp thay thế tuyệt vời khi so sánh với các cơ chế tài chính thông thường khác như các khoản vay ngân hàng lãi suất cao hoặc niêm yết trên thị trường công khai.

Ngoài ra, các quỹ PE với những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực sẽ góp phần cải tiến cách cách thức quản trị và vận hành của doanh nghiệp như tư vấn hoạch định chiến lược kinh doanh, công nghệ quản lý, xây dựng thương hiệu và sản phẩm cho doanh nghiệp. Hơn nữa, với mối quan hệ sâu rộng trên thị trường, các quỹ PE này có thể tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những đối tác, khách hàng lớn hay nguồn nhân sự tiềm năng.

4.2 Hạn chế của mô hình quỹ đầu tư vốn tư nhân Private Equity

Bên cạnh những thương vụ PE thành công như Mekong Capital rót vốn vào Thế giới di động hay Golden Gate thì vẫn còn rất nhiều thương vụ PE thất bại hoặc vẫn chưa thấy ngày “hái quả” như VinaCapital tham gia vào Yến Việt, rồi Sữa Quốc tế IDP nhiều năm trước dù đầu tư hoành tráng, nhưng kết quả lại không như kỳ vọng.

Vậy, lý do đổ bể của các thương vụ đầu tư PE có thể vì quỹ đầu tư chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, như không nắm được hoạt động của doanh nghiệp do thiếu chuyên môn về quản trị. Điều này có thể dẫn đến những cách nhìn khác nhau: quỹ chỉ quan tâm việc tối đa hóa lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp còn hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau như phúc lợi, thị phần hay phát triển thương hiệu… 

Cũng vì thế mà sau nhiều thương vụ PE thất bại các quỹ PE hay bị gắn cho “tội” cướp quyền sở hữu doanh nghiệp, thay vì đồng hành để xây dựng những giá trị cốt lõi.

Lý do tiếp theo có thể đến từ chính việc “kín tiếng” của các thương vụ PE, không có nhiều ràng buộc về công bố thông tin, đẩy rủi ro về minh bạch thông tin gia tăng. Các thông tin hoạt động về cả bên bán và bên mua đều được bảo mật, cộng với sự thiếu chuyên nghiệp trong khả năng quản lý, thẩm định đầu tư của các quỹ, do đó dẫn đến tình trạng sự đã rồi thì các quỹ mới biết được hiện trạng hoạt động của doanh nghiệp.

5. Một số lưu ý khi gọi vốn từ các quỹ Private Equity

Để có thể kêu gọi vốn từ các quỹ Private Equity một cách thành công, doanh nghiệp cần phải lưu ý một số vấn đề sau: 

Cơ cấu lại tổ chức của doanh nghiệp

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam thường có cấu trúc bộ máy công ty phức tạp, nhiều mảng kinh doanh chồng chéo lên nhau. Chính vì vậy cần phải cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp để có thể hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư khi kêu gọi vốn.

Năng lực quản trị

Công ty có đội ngũ lãnh đạo giỏi, giàu tâm huyết, có năng lực quản trị, số liệu tài chính trung thực … là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của các quỹ Private Equity.

Giá cả và rủi ro 

Các quỹ PE thường yêu cầu mức tỷ suất lợi nhuận rất cao để bù đắp cho sự rủi ro khi đầu tư vào các công ty tư nhân. Chính vì vậy, trước khi kêu gọi vốn từ các quỹ PE, cần phải cân đo đong đếm lại việc chia lợi nhuận, lợi nhuận còn lại sau khi đã chia cho các quỹ đầu tư có đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng đặt ra.

Định giá

Doanh nghiệp cần phải ước tính và định giá công ty một cách chính xác trước khi kêu gọi đầu tư. Tránh trường hợp bị deal giá quá thấp tại thời điểm chốt giao dịch.

Đối với doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, ta có thể định giá dựa trên số lần trên EBITDA của các doanh nghiệp tương đồng hoặc các giao dịch tương đồng.

Đối với các công ty start-up chưa có lợi nhuận cách định giá có thể dựa trên số lần trên doanh thu (price to sales).

Cấu trúc thương vụ

Khi tiến hành đầu tư các quỹ PE thường lồng vào trong hợp đồng mua bán một số điều kiện chặt chẽ như: điều kiện tài sản thế chấp, tỷ lệ chuyển đổi, các điều khoản pha loãng…, đề có lợi cho các quỹ PE nhất có thể. Đây là một số điều kiện không hề đơn giản, chính vì vậy doanh nghiệp cần hiểu rõ mục tiêu, nhu cầu, khả năng của doanh nghiệp cũng như yêu cầu điều kiện của bên mua để có thể thành công trong thương vụ.

6. Lời kết

Thực tế, mô hình đầu tư vốn tư nhân (Private Equity-PE) là hình thức đầu tư phổ biến trên thị trường thế giới nhiều năm qua và ngay tại Việt Nam những năm qua cũng đã xuất hiện nhiều thương vụ đầu tư dưới hình thức PE với cả thành công lẫn thất bại.

Hy vọng với bài chia sẻ về Private Equity cũng như hoạt động của mô hình đầu tư khá thịnh hành trên thị trường này sẽ đem đến cho bạn góc nhìn tổng quan về chủ đề này.

 VnRebates Tổng hợp

Theo investopedia, developmentbank

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.