ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
VNREBATES

Chỉ số AUM là gì? Tầm quan trọng của chỉ số Assets Under Management

15.07.2022, 09:30 21 phút đọc

Chỉ số AUM là một chỉ số tài chính quan trọng để cân nhắc quyết định đầu tư. Tìm hiểu ngay chỉ số AUM là gì và hoạt động như thế nào?

Chỉ số Assets Under Management (AUM) là một chỉ số tài chính quan trọng cho biết tổng giá trị thị trường của các khoản đầu tư mà một tổ chức tài chính thay mặt cho khách hàng quản lý. Qua chỉ số này nhà đầu tư nắm được quy mô và sự thành công của một quỹ đầu tư nhất định để từ đó cân nhắc quyết định đầu tư của mình. Cùng VnRebates tìm hiểu sâu hơn về chỉ số AUM qua bài viết dưới đây nhé!

Xem thêm: Các chỉ báo kỹ thuật quan trọng nhất trong Forex

1. Tổng quan về chỉ số Assets Under Management (AUM)

1.1 Chỉ số AUM là gì? 

Chỉ số Assets Under Management, viết tắt: AUM hay Tài sản đang quản lý là tổng giá trị thị trường của các khoản đầu tư mà một tổ chức tài chính thay mặt cho khách hàng quản lý. Các tổ chức tài chính này có thể là ngân hàng, quỹ tương hỗ, quỹ ETFs, quỹ phòng hộ, công ty đầu tư mạo hiểm hay công ty môi giới.

Được sử dụng để biểu thị cả quy mô hoặc số lượng, AUM có thể được tách biệt theo nhiều cách. Nó có thể đề cập đến tổng số tài sản được quản lý cho tất cả các khách hàng hoặc đề cập đến tổng số tài sản được quản lý cho một khách hàng cụ thể. AUM bao gồm số vốn mà người quản lý có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch cho một hoặc tất cả các khách hàng, tùy từng trường hợp.

Người quản lý quỹ thay mặt nhà đầu tư quản lý các tài sản này và đưa ra tất cả các quyết định liên quan đến đầu tư. Giá trị AUM cũng bao gồm lợi nhuận mà quỹ kiếm được. Nhà quản lý tài sản có thể đầu tư số tiền này vào chứng khoán, trả cho các nhà đầu tư dưới dạng cổ tức, hoặc nắm giữ theo ủy quyền đầu tư.

Ví dụ: Nếu một nhà đầu tư chi 100.000 USD đầu tư vào một quỹ tương hỗ, khoản tiền đó sẽ trở thành một phần của tổng AUM của quỹ. Người quản lý quỹ có thể mua và bán cổ phiếu theo mục tiêu đầu tư của quỹ bằng cách sử dụng tất cả các khoản tiền của quỹ mà không cần phải được sự cho phép từ nhà đầu tư.

AUM dao động hàng ngày giá trị của tài sản được quản lý thay đổi theo hiệu suất thị trường, cho thấy dòng tiền vào và ra của các nguồn lực từ các tổ chức tài trợ cho các nhà đầu tư vào. Các quỹ có số tài sản lớn hơn về bản chất sẽ có tính thanh khoản cao hơn.

Trong ngành quản lý tài sản, một số nhà quản lý đầu tư có thể có các yêu cầu dựa trên chỉ số AUM. Nói cách khác, một nhà đầu tư có thể cần một lượng AUM cá nhân tối thiểu để có đủ điều kiện cho một loại hình đầu tư nhất định, chẳng hạn như quỹ phòng hộ (hedge fund). Các nhà quản lý tài sản muốn đảm bảo khách hàng của mình có thể sống sót trong hoàn cảnh thị trường bất lợi mà không phải chịu quá nhiều thiệt hại về tài chính.

AUM của cá nhân nhà đầu tư cũng có thể là một yếu tố trong việc xác định loại dịch vụ mà cá nhân đó nhận được từ cố vấn tài chính hoặc công ty môi giới. Trong một số trường hợp, tài sản cá nhân được quản lý cũng có thể trùng khớp với giá trị ròng của một cá nhân.

Nhìn chung, AUM chỉ là một khía cạnh được sử dụng để đánh giá một công ty hoặc khoản đầu tư. Chỉ số này cũng thường được xem xét cùng với hiệu suất quản lý và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường coi dòng vốn đầu tư vào và mức so sánh chỉ số AUM cao hơn là một chỉ báo tích cực về chất lượng và kinh nghiệm quản lý. Tóm lại, AUM là một chỉ số thể hiện quy mô và sự thành công của một quỹ đầu tư nhất định. 

chỉ số aum là gì

Chỉ số Assets Under Management (Nguồn: Internet)

1.2 Mức phí Assets Under Management (AUM)

Mỗi tổ chức có thể tính AUM theo một cách khác nhau, trong đó một số công ty cộng luôn cả tiền gửi ngân hàng và tiền mặt khi tính chỉ số AUM trong khi số khác thì hạn chế không đưa vào.

Hầu hết mỗi quỹ đầu tư hay các nhà quản lý tiền tệ nói chung đều thu một khoản phí tương ứng với quy mô quỹ mà họ quản lý – tức là phí quản lý. Phí quản lý này là một tỷ lệ cố định được tính cho toàn bộ quỹ dựa trên số lượng đơn vị mà họ nắm giữ và được phân bổ tương ứng cho từng nhà đầu tư. 

Bởi vì mức phí này chỉ dựa trên tài sản được quản lý, nên hiệu suất hoạt động của quỹ không ảnh hưởng đến mức phí này. Các nhà quản lý quỹ thường cố gắng thiết lập tỷ lệ phí này đủ thấp và chỉ với mục đích trang trải chi phí hành chính cố định cũng như thiết lập các phương pháp để xác định tổng số tiền bồi thường của người quản lý. Tỷ lệ này thường nằm trong khoảng từ vài phần nghìn đến vài phần trăm. 

Ví dụ về mức phí 1% của một quỹ đối với nhà đầu tư:

mức phí chỉ số AUM

Ví dụ về mức phí AUM 1% (Nguồn: Internet)

1.3 Ví dụ về chỉ số AUM – Tài sản đang quản lý trong thực tế 

Hãy lấy ví dụ về một quỹ tương hỗ với danh mục cổ phiếu và trái phiếu đa dạng và một lượng tiền mặt đáng kể. Giả sử rằng danh mục đầu tư của quỹ tương hỗ bao gồm 1,5 tỷ USD cổ phiếu, 2 tỷ USD trái phiếu chính phủ, 1,5 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp và 1 tỷ USD tiền mặt.

Tổng giá trị tài sản của quỹ đang quản lý sẽ là $ 6 tỷ.

ví dụ về chỉ số AUM là gì

Ví dụ về chỉ số AUM (Nguồn: Internet)

Khi đánh giá một quỹ hoặc công ty đầu tư cụ thể, AUM thường là chỉ số đầu tiên mà các nhà đầu tư nhìn vào. Nếu như mức vốn hóa thị trường thể hiện quy mô cho một công ty thì chỉ số AUM thể hiện quy mô của quỹ đầu tư. Các quỹ có chỉ số AUM cao thì có khối lượng giao dịch thị trường của cổ phiếu quỹ cũng cao hơn, khiến chúng có tính thanh khoản cao hơn.

Sau đây là ví dụ về 2 quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới:

  • Quỹ SPDR S&P 500 ETF (SPY)

SPY là một trong những quỹ trao đổi cổ phiếu lớn nhất trên thị trường. ETF là quỹ bao gồm một số cổ phiếu hoặc chứng khoán phù hợp hay phản ánh một chỉ số như S&P 500. SPY có tất cả 500 cổ phiếu trong chỉ số S&P 500.

Tính đến ngày 15 tháng 8 năm 2020, SPY có tài sản được quản lý là 300 tỷ đô la với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày là 51 triệu cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cao của quỹ này đồng nghĩa với việc quỹ có tính thanh khoản cao – do đó các nhà đầu tư có thể dễ dàng mua hay bán cổ phiếu ETF của họ.

  • Quỹ First Trust Dow 30 Equal Weight ETF (EDOW)

Cũng là một dạng quỹ ETF, quỹ EDOW theo dõi 30 cổ phiếu trong chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA). EDOW có tài sản được quản lý là 37 triệu đô la và khối lượng giao dịch thấp hơn nhiều so với SPY, trung bình gần 3.000 cổ phiếu mỗi ngày. Tính thanh khoản của quỹ này có thể là một vấn đề cần cân nhắc đối với các nhà đầu tư, có nghĩa là có thể khó mua và bán cổ phiếu vào những thời điểm nhất định trong ngày hay trong tuần.

Dưới đây là Top 50 công ty quản lý tài sản có AUM lớn nhất thế giới tính đến tháng 7 năm 2019.

top 50 nhà quản lý tài sản theo AUM

Top 50 nhà quản lý tài sản theo chỉ số AUM (Nguồn: Internet)

2. Cách tính toán và biến động của chỉ số AUM 

Mỗi nhà quản lý quỹ có phương pháp tính toán chỉ số Assets under management khác nhau. Chỉ số này phụ thuộc vào dòng tiền của nhà đầu tư vào và ra khỏi một quỹ cụ thể. 

2.1 Những lý do làm thay đổi giá trị của chỉ số AUM khi tính toán

  • Dòng tiền vào và ra của quỹ

 Ví dụ: Các nhà đầu tư trong quỹ tương hỗ có thể tăng hoặc giảm quy mô đầu tư của họ bằng cách mua thêm cổ phiếu trong quỹ hoặc bán cổ phiếu mà họ đã sở hữu, điều này sẽ thay đổi tổng quy mô AUM của quỹ. Ngoài ra, khi quỹ mang lại lợi nhuận dương, các khoản đầu tư tổng thể vào quỹ cũng sẽ tăng lên, dẫn đến tăng số lượng nhà đầu tư vào quỹ và do đó, tăng tài sản được quản lý – hay AUM sẽ tăng lên. 

Bên cạnh đó, các yếu tố làm giảm AUM bao gồm việc giảm giá trị thị trường do hiệu suất đầu tư âm. Tương tự như vậy, nếu quỹ đóng cửa đột ngột hoặc nếu nhà đầu tư mua lại cổ phiếu của mình thì giá trị của quỹ sẽ giảm. Tài sản được quản lý có thể được giới hạn ở tất cả vốn nhà đầu tư đầu tư vào tất cả các sản phẩm của công ty hoặc có thể bao gồm cổ phần do các giám đốc điều hành công ty đầu tư nắm giữ.

  • Giá trị của chứng khoán mà AUM được đầu tư: Ví dụ, một quỹ tương hỗ sẽ trải qua sự gia tăng (giảm) trong AUM khi giá trị thị trường của chứng khoán của nó tăng (giảm). 
  • Số cổ tức được trả bởi các công ty trong danh mục đầu tư của tổ chức, nếu được tái đầu tư và không được phân phối.

Các yếu tố được đề cập ở trên cũng xác định AUM thay biến động mạnh như thế nào. 

  • Một quỹ có dòng tiền vào và ra thường xuyên chứng tỏ sự biến động trong AUM của nó cao hơn so với quỹ có cơ sở nhà đầu tư cam kết và ổn định.
  • Một quỹ đầu tư vào chứng khoán dễ biến động sẽ có biên độ biến động AUM rộng hơn so với quỹ đầu tư vào chứng khoán ổn định, ít biến động.

Tuy nhiên, sự biến động trong chỉ số Assets Under Management cũng có thể phụ thuộc vào việc chứng khoán sở hữu có tính thanh khoản cao hay hạch toán theo giá thị trường (Mark To Market) như thế nào.

Ví dụ: 

  • Một chứng khoán kém thanh khoản có thể không giao dịch thường xuyên do đó tác động lên AUM có thể không thường xuyên như đối với các tài sản có tính thanh khoản cao.
  • Một chứng khoán riêng lẻ (private security) có thể không được hạch toán theo giá thị trường thường xuyên, có nghĩa là giá trị của AUM sẽ không thay đổi thường xuyên như với một chứng khoán được giao dịch.

2.2 Tiền của nhà đầu tư và sự biến động của chỉ số AUM

Một quỹ có dòng tiền vào và ra thường xuyên và/hoặc lớn sẽ gặp biến động nhiều hơn trong AUM, điều này sẽ là trở ngại cho hiệu quả quản lý cũng như các chiến lược đầu tư, đặc biệt khi các khoản đầu tư với mục tiêu không có tính thanh khoản.

Để tránh thiệt hại tiềm tàng từ việc dòng tiền vào và ra thường xuyên, các tổ chức, chẳng hạn như quỹ tương hỗ hoặc quỹ đầu cơ, có thể dựa vào một số giải pháp từng phần:

  • Giai đoạn lock-up – khung thời gian thường là từ vài tháng đến vài năm khi đó nhà đầu tư không được phép bán ra cổ phiếu hay hoàn lại một khoản đầu tư cụ thể.
  • Đóng quỹ vĩnh viễn hoặc tạm thời đối với các nhà đầu tư để hạn chế dòng tiền chảy vào quỹ.

Các biện pháp nêu trên đặc biệt hữu ích vì:

  • Giúp tổ chức tránh được các hiện tượng như buộc phải bán hoặc mua chứng khoán, điều này sẽ đặc biệt khó khăn trong trường hợp thị trường kém thanh khoản.
  • Giúp tránh sự tăng trưởng quá mức của AUM sẽ dẫn đến các vấn đề về phân bổ, gây khó khăn trong việc làm sao để đầu tư một số tiền lớn như vậy một cách hiệu quả.
  • Nếu sự biến động của AUM được kiểm soát, quỹ có thể theo đuổi chiến lược đầu tư của mình mà không cần phải tăng hoặc giảm vị thế của mình do dòng tiền vào và ra.

Tóm lại, cần phải lưu ý rằng giá trị của tài sản đang quản lý luôn biến động, tùy thuộc vào dòng tiền của nhà đầu tư vào và ra khỏi quỹ. Dòng vốn đầu tư tăng lên, vốn tăng giá và cổ tức được tái đầu tư ảnh hưởng tích cực đến AUM của quỹ. Cùng với đó, hiệu quả hoạt động của tài sản cũng ảnh hưởng đến giá trị tài sản đang quản lý.

Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) có các quy định về AUM đối với các quỹ và công ty đầu tư trong đó các quỹ và công ty này phải đăng ký với SEC. SEC chịu trách nhiệm điều tiết thị trường tài chính để đảm bảo rằng hoạt động một cách công bằng và có trật tự. Yêu cầu để quỹ được đăng ký với SEC có thể nằm trong khoảng từ 25 triệu đến 110 triệu đô la đối với AUM, tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm quy mô và vị trí của công ty.

3. Tầm quan trọng của chỉ số AUM

Vì chỉ số AUM xác định quy mô và sự thành công của một công ty, điều quan trọng là các nhà đầu tư phải cân nhắc chúng trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn đầu tư nào. Giá trị AUM của một công ty cũng bao gồm lợi nhuận mà quỹ kiếm được, do đó có thể dễ dàng so sánh với các công ty cùng ngành. Nếu chỉ số AUM của quỹ cao hơn, đó có thể là một chỉ báo cho thấy quỹ đang hoạt động tốt và nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư vào nó.

Tuy nhiên, giá trị của AUM không phải là yếu tố duy nhất cần được xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư vào quỹ. Tỷ lệ chi phí, người quản lý quỹ, lợi nhuận năm trước, v.v. là một số yếu tố cần được quan tâm.

Nhìn chung việc đánh giá và đo lường chỉ số AUM là công việc cần thiết trong công tác quản lý để xác định quyền hạn và các sai sót của một công ty. Công tác này mang tính chất quyết định.

  • Các công ty đầu tư cũng sử dụng chỉ số AUM như một phương tiện để thu hút các nhà đầu tư.
  • Chỉ số này cũng có thể là một phần quan trọng cần xem xét đối với các nhà đầu tư quỹ mới và các dịch vụ quản lý tài sản.
  • Các sản phẩm có AUM lớn hơn có các biện pháp bán hoặc mua chính xác, chắc chắn ảnh hưởng đến tính thanh khoản của sản phẩm.

3.1 Chỉ số AUM – Thước đo của thành công

Cho dù chúng ta đang giao dịch với các ngân hàng, nhà quản lý tài sản, công ty bảo hiểm hay các tổ chức tài chính khác, quy mô của AUM là thước đo thành công của công ty đó. Đó là vì nó thường tương quan với các KPI (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) khác.

  • Chỉ số Assets Under Management lớn hơn thường có tương quan với doanh thu cao hơn nếu ROA (Tỷ số lợi nhuận trên tài sản) không đổi hoặc không thay đổi đáng kể.
  • Quy mô của AUM cũng là thước đo uy tín đối với tổ chức và ban quản lý, vì các nhà quản lý tài sản và ngân hàng thường sẽ được xếp hạng dựa trên số liệu này.
  • Hơn nữa, các gói tiền thưởng và lương thưởng của ban quản lý thường phụ thuộc vào quy mô của AUM.

3.2 Chỉ số AUM – Thể hiện hiệu suất quỹ

Việc chỉ số Assets Under Management tăng trưởng quá mức có thể là một dấu hiệu tiêu cực, đặc biệt đối với các nhà quản lý tài sản, những nhà đầu tư với phong cách tích cực và đặt mục tiêu hiệu suất vượt trội so với điểm chuẩn.

  • Những khoản tiền quá lớn gây khó khăn trong việc phân bổ kịp thời và không ảnh hưởng đến giá chứng khoán được mua và bán.
  • Do dòng tiền chảy vào lớn hơn, các nhà quản lý tài sản thường cần tăng cường đa dạng hóa, điều này có thể chống lại mục tiêu đạt được hiệu suất vượt trội so với các tiêu chuẩn.

3.3 Tầm quan trọng của chỉ số AUM đối với quyết định đầu tư 

Các nhà đầu tư quỹ tương hỗ nhìn vào chỉ số Assets Under Management của quỹ và thường bị ấn tượng với các chỉ số ở mức cao hơn. Các nhà đầu tư đó nghĩ rằng nếu có nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào quỹ, thì đó phải là quỹ tốt. Tuy nhiên, có nhiều lý do giải thích tại sao con số này không phải là một yếu tố quan trọng duy nhất trong khi lựa chọn quỹ. Tỷ lệ chi phí, uy tín của người quản lý quỹ và việc tuân thủ nhiệm vụ đầu tư là một số yếu tố quan trọng nhất cần xem xét.

Hãy cùng phân tích tầm quan trọng của AUM liên quan đến các loại quỹ khác nhau.

3.3.1 Quỹ đầu tư

Quỹ này có vốn chủ sở hữu ít phụ thuộc vào tài sản được quản lý vì hiệu quả hoạt động của quỹ phụ thuộc vào người quản lý quỹ. Tùy thuộc vào các quyết định của nhà quản lý quỹ theo điều kiện thị trường, lợi nhuận có thể thấp hoặc cao.

3.3.2 Quỹ Nợ (Debt Fund)

Nếu đang đầu tư vào Debt Fund, chỉ số AUM là điều nhà đầu tư không thể bỏ qua. Một Debt Fund có nhiều tài sản được quản lý hơn có thể dàn trải chi phí quỹ cố định cho số lượng nhà đầu tư mà quỹ đó có. Điều này cuối cùng dẫn đến việc giảm tỷ lệ chi phí và tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư.

3.3.3 Quỹ vốn hóa nhỏ (Small-Cap Fund)

Các quỹ vốn hóa nhỏ không bị ảnh hưởng bởi các tài sản đang quản lý. Các quỹ như vậy thường tránh đầu tư gộp một lần và bám vào mô hình SIP (Systematic Investment Plan – Chương trình đầu tư định kỳ). 

3.3.4 Quỹ vốn hóa lớn (Large-Cap Fund)

Các nhà đầu tư thường thích đầu tư vào các quỹ có tài sản được quản lý cao hơn. Tài sản được quản lý cao hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là lợi nhuận cao hơn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Lợi nhuận kiếm được từ các quỹ có vốn hóa lớn phụ thuộc nhiều hơn vào lợi nhuận hơn là tài sản được quản lý.

3.5 Ảnh hưởng của chỉ số AUM cao đối với các quỹ tương hỗ

Đôi khi, chỉ số Assets Under Management (AUM) phình to của quỹ tương hỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của quỹ. Chính nhà quản lý quỹ là người nên nắm bắt các cơ hội thị trường – chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định liên quan đến chiến lược vào và ra cho một khoản đầu tư cụ thể, tận dụng các cơ hội thị trường thay đổi – vào lệnh hoặc thoát khỏi một cổ phiếu vào đúng thời điểm. Dựa trên quyết định của người quản lý quỹ, nhà đầu tư được hưởng mức vốn đầu tư.

Xem thêm: Kiến thức cơ bản về chứng khoán cho nhà đầu tư mới

4. Kết luận 

Tóm lại chỉ số Assets Under Management (AUM) là một công cụ tuyệt vời để đánh giá mức độ phổ biến và hiệu suất của quỹ. Dù vậy nó sẽ không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định có đầu tư hay không của bạn. Còn rất nhiều yếu tố khác mà mọi nhà đầu tư cần phải cân nhắc như tỷ lệ chi phí, uy tín của người quản lý quỹ và việc tuân thủ nhiệm vụ đầu tư trước khi đưa ra quyết định đầu tư của mình. 

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về AUM là gì, cũng như cách tính, sự biến động và tầm quan trọng của chỉ AUM trong quyết định đầu tư. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho anh em những kiến thức có ích cho công việc Trading của mình.

Chúc anh em giao dịch nhiều thành quả!

Vnrebates tổng hợp

Theo investopedia, corporatefinanceinstitute

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.