Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ chiếm sóng trong tuần này. Khả năng cao là BoJ sẽ tái khẳng định sẽ không có động thái tăng lãi suất trong thời gian dài sắp tới, và điều này khiến đồng JPY tiếp tục chịu sức ép từ động thái của các NHTW nước ngoài và khẩu vị rủi ro.
GDP của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng sẽ nhóm họp và có thể nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặc dù các hành động của NHTW thường quan trọng hơn đối với thị trường chứng khoán hơn là thị trường FX.
BoJ – Có một chút lạc quan
Nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu khởi sắc. Đồng JPY yếu hơn đã giúp thúc đẩy xuất khẩu. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Tankan, các doanh nghiệp đã lấy lại sự tự tin, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,2% và cuối cùng xứ sở mặt trời mọc đã thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Nghe thì có vẻ khả quan, nhưng thực tế nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Tiêu dùng vẫn yếu, tăng trưởng tiền lương thiếu ổn định mặc dù thị trường lao động thắt chặt, và đặc biệt làn sóng Omicron đang quét qua đất nước là mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Tỷ lệ lạm phát chính là minh chứng rõ rệt. Tỷ lệ này không mấy khả quan mặc dù nguồn cung bị gián đoạn hàng loạt và giá năng lượng tăng cao, do đó, áp lực lạm phát “hữu cơ” vẫn thấp.
Điều này có nghĩa là mặc dù trong cuộc họp sắp tới, NHTW có thể đưa ra giọng điệu lạc quan hơn đôi chút, nhưng động thái thắt chặt chính sách thì vẫn còn khá xa vời. Các báo cáo truyền thông gần đây cho thấy BoJ đang tranh luận về thời điểm bắt đầu cho một đợt tăng lãi suất, nhưng điều đó khó có thể xảy ra cho đến năm sau.
Đối với đồng JPY, chính sách tiền tệ tương đối cho thấy triển vọng vẫn tiêu cực, đặc biệt là đối với các loại tiền tệ mà NHTW đã có đường lối hawkish rõ ràng như đồng USD hoặc đồng GBP. Mặc dù vậy, vẫn có một số yếu tố có thể ngăn chặn sự mất giá sâu của đồng JPY.
Đầu tiên là gói chi tiêu khổng lồ mà tân Thủ tướng sắp tung ra để tăng cường sức mạnh phục hồi kinh tế. Ngoài ra, việc thanh khoản bị rút khỏi hệ thống tài chính toàn cầu sẽ khiến thị trường trải qua nhiều đợt biến động hơn, nhờ đó đồng JPY vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn sẽ có những khoảng thời gian mạnh mẽ ngắn ngủi.
GDP của Trung Quốc sẽ là tâm điểm
Tại Trung Quốc, việc dữ liệu GDP của quý trước được công bố vào thứ 2 sẽ trở thành tâm điểm. Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định cho tháng 12 cũng sẽ được đưa ra thị trường. Tất cả các chỉ số này dự kiến sẽ không còn động lực, với mức tăng trưởng GDP hàng năm chậm lại còn 3,6% từ mức 4,9% trước đó.
Điều này không có gì ngạc nhiên trong bối cảnh Trung Quốc vừa đang trải qua cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng cộng với cú sốc năng lượng trong quý, chưa kể đến các động thái phong tỏa nghiêm ngặt gần đây ở nhiều thành phố khi chính phủ vẫn duy trì chính sách Zero-Covid của mình.
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra trường hợp “tín xấu mà lại tốt”, bởi số liệu GDP yếu sẽ là cái cớ hoàn hảo để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới lỏng chính sách một lần nữa để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế.
Các biện pháp thanh khoản từ PBoC thường tác động nhiều nhất đến thị trường chứng khoán trong nước, nhưng nếu các trader cảm thấy điều này có thể ổn định nền kinh tế, thì cũng có thể có một số ảnh hưởng đối với các đồng tiền nhạy cảm với Trung Quốc như đồng AUD.
Về nước Úc và đồng AUD thì báo cáo việc làm cho tháng 12 sẽ được công bố vào thứ Năm. Đồng AUD gần đây đã phục hồi đáng kể khi giá quặng sắt tăng vọt, tuy nhiên triển vọng vẫn còn mờ mịt.
Thị trường đang định giá 4 đợt tăng lãi suất của RBA trong năm nay, điều này có vẻ lạc quan quá mức và thất vọng là điều khó tránh khỏi. Nền kinh tế Australia không mạnh như cách các thị trường đang định giá, chưa nói đến tác động tiêu cực từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này cho đến nay.
Dữ liệu từ Anh quốc
Một lượng lớn dữ liệu của Vương quốc Anh cũng sẽ được công bố trong tuần này. Số liệu việc làm tháng 11, số liệu thống kê lạm phát tháng 12 và doanh số bán lẻ sẽ được công bố lần lượt vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Sáu tới.
Đồng GBP đã có một khởi đầu năm mới rất thuận lợi, nhờ sự gia tăng suy đoán rằng BoE sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng tới. Xác suất dự đoán cho đợt tăng lãi suất tại cuộc họp hiện là 78%.
Khả năng của đồng bảng Anh để tạo ra một đợt phục hồi mạnh mẽ như vậy bất chấp tâm lý rủi ro yếu trên thị trường là khá ấn tượng và cho thấy kỳ vọng về chính sách tiền tệ đang thực sự thúc đẩy thị trường ngoại hối.
Các thị trường hào hứng với Canada
Kinh tế Canada đang cải thiện với tốc độ chóng mặt đến mức các thị trường hiện xác định 80% khả năng tăng lãi suất trong tháng này, trái ngược với hướng dẫn mới nhất của BoC rằng sớm nhất là đến tháng 4. Do đó, số liệu thống kê lạm phát và doanh số bán lẻ phát hành lần lượt vào thứ Ba và thứ Sáu tới sẽ đóng vai trò quan trọng.
Nhìn chung, việc tăng lãi suất trong tháng này có vẻ không có khả năng xảy ra. Trong khi thị trường lao động đang bùng nổ và lạm phát nóng, tăng trưởng tiền lương vẫn ở dưới mức trước đại dịch và biến thể Omicron đang hoành hành khắp cả nước khiến gần đây nhiều địa phương đang áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. Điều này có thể khiến BoC do dự trước bất kỳ rủi ro nào trong thời điểm hiện tại.
Đồng CAD đã tăng mạnh trở lại gần đây nhờ vào sự đầu cơ này cộng với sự phục hồi của giá dầu. Mặc dù bức tranh lớn vẫn sáng sủa, nhưng động thái của BoC vào cuối tháng này có thể gây thất vọng cho thị trường.
Theo Actionforex