Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư thường xuyên nghe đến cụm những cụm từ như: xác định dòng tiền, kỹ thuật phân tích dòng tiền, chiến lược giao dịch theo dòng tiền,… Vậy dòng tiền ở đây là gì?
Có rất nhiều người hiểu nhầm dòng tiền ở đây chính là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài chính trong bảng lưu chuyển tiền tệ của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Sự thật không phải thế! Dòng tiền ở đây chính là khối lượng khớp lệnh từng phiên của một cổ phiếu hay chỉ số chứng khoán nào đó.
Để hiểu rõ hơn về cách xác định, phân tích và xây dựng chiến lược giao dịch theo dòng tiền như thế. Mời bạn cùng VnRebates tìm hiểu hơn vấn đề này nhé!
1. Khái niệm Nhà đầu tư Nhỏ lẻ, Tay chơi lớn và Nhà tạo lập Thị trường
Trước khi đến lập luận về cách xác định thời điểm mua bán Cổ phiếu theo phương pháp Dòng tiền. Ta cần làm rõ vài khái niệm có liên quan sau:
1.1. Nhà Đầu tư Nhỏ lẻ:
Được hiểu là các nhà đầu tư đại chúng tham gia đầu tư cổ phiếu với 1 số vốn nhỏ không đủ để tác động đến giá cổ phiếu của 1 công ty niêm yết nhất định trên thị trường. Nhìn chung đây là đối tượng phổ biến nhất trên thị trường vì hầu như ai đi làm 5 – 10 năm cũng đều có thể tích lũy được số vốn vài chục cho đến vài trăm triệu đồng – Số Vốn được coi là “Nhỏ”, là “Lẻ” trên thị trường Chứng khoán.
Trong hình: Điểm b và c tại Khoản 4, Điều 2 Thông tư Số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 06/10/2015 quy định về cổ đông lớn và những người liên quan
Như hình trên thì cổ đông hoặc Nhóm người liên quan trực tiếp (Bố, Mẹ, Anh Chị Em ruột, Vợ, Con, … ) mua vào và nắm từ 5% trở lên thì được coi là cổ đông hoặc Nhóm cổ đông lớn. Và khi là nhóm cổ đông lớn thì khi mua bán nhảy mốc 1% như 5%, 6%, 7%, … phải công bố thông tin theo quy định.
Đây được coi là 1 trong văn bản pháp lý quan trọng để phân biệt Nhà đầu tư lớn với Nhà đầu tư nhỏ lẻ được thừa nhận chính thống. Và điều này sẽ có ảnh hưởng lớn khi lập luận về cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu.
1.2 Nhà tạo lập Thị trường:
Là Nhà Đầu tư hay Nhóm Nhà Đầu tư có số Vốn Đầu tư tham gia Mua bán rất lớn và do đó có ảnh hưởng nhất định đến giá cổ phiếu trên Thị trường. Nhà tạo lập Thị trường còn được biết với tên Tiếng Anh là Market Makers hay viết tắt là MMS.
Hiểu theo nghĩa tích cực thì Nhà tạo lập thị trường ngoài việc mua Bán kiếm lời còn đóng vai trò Tạo lập làm cho giá cổ phiếu trên thị trường cân bằng, Thanh khoản mua bán Giao dịch hàng ngày cao hơn bằng cách:
+ Khi Giá cổ phiếu lao đốc quá mạnh thì Nhà tạo lập sẽ mua hết số cổ phiếu đang bị bán tháo đó để ổn định lại tâm lý của cộng đồng Nhà Đầu tư
+ Và Ngược lại khi giá cổ phiếu tăng giá quá mạnh không theo “Thông thường” thì Nhà tạo lập sẽ bán cổ phiếu của mình để hạn chế bớt Tâm lý hưng phấn quá mức, góp phần làm giảm tình trạng bong bóng như đã từng diễn ra vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007 ở Việt Nam.
Như hình trên là Diễn biển giá cổ phiếu của MWG trong 6 tháng từ Tháng 3/2019 đến Tháng 9/2019. Trong đó xu hướng chủ đạo là đi lên từ vùng giá 8x lên 12x như mũi tên dài phía trên.
Tuy nhiên trong quá trình đi lên, dễ thấy giá cổ phiếu không đi lên thẳng mà vẫn vòng lên vòng xuống như các mũi tên nhỏ kiểu “Sóng” nhưng thiên hướng là sóng lên theo hướng tăng dài hạn. Như vậy, theo hướng dài hạn thì là do nội tại công ty tốt, làm ăn tốt, tăng trưởng tốt mà giá cổ phiếu sẽ đi lên dần còn các sóng lên xuống hàng ngày, hàng tuần đó thì không theo quy tắc làm ăn như vậy.
Ngắn hạn thì vẫn có lên có xuống và được tạo ra 1 phần không nhỏ từ các Nhà tạo lập Thị trường. Do đó, đây chính là cơ sở để lập luận về cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu theo Phương pháp Dòng tiền.
1.3. Tay chơi lớn:
Đây là Nhà đầu tư có Vốn đầu tư cũng khá lớn và cũng có ảnh hưởng nhất định đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên ở mức độ thấp hơn so với Nhà tạo lập Thị trường, mức độ ảnh hưởng chỉ ở 1 Vài phiên hay trong 1 thời điểm nhất định trong ngày.
Khác với thuật ngữ “Nhà tạo lập Thị trường” được Ủy ban Chứng khoán thừa nhận trong các văn bản Pháp luật thì từ “Tay chơi lớn” chỉ được dịch đơn thuần từ Nước ngoài về với tên Tiếng Anh là BigBoys hay viết tắt là BBS. Chính vì vậy không có 1 quy định cụ thể nào ở Việt Nam, vốn quy mô bao nhiêu thì là MMS – Nhà tạo lập hay Vốn quy mô bao nhiêu thì là BBS – Tay chơi lớn. Tuy nhiên có thể nhận thức việc này theo mức độ ảnh hưởng nhất định đến Giá cổ phiếu.
Trong hình: Ông Vũ Huy Sơn đã bị Ủy ban Chứng khoán phạt 550 triệu đồng do dùng 31 Tài khoản để thao túng giá cổ phiếu KVC
Thông tin thêm: thông thường nếu có tham khảo trên các diễn đàn, nhóm, hội trên mạng thì ta sẽ thấy các MMS, BBS được gọi theo nghĩa khá xấu với các tên gọi kiểu như Tay to, Đội lái, Cá mập, Nhà cái, … Tất cả đều ám chỉ việc các MMS BBS này … lừa Nhà đầu tư nhỏ lẻ mua giá cao để sau đó bán xuống, tạo và gây sức ép Tâm lý khiến các Nhà đầu tư nhỏ lẻ này phải bán cắt lỗ để họ – MMS BBS mua lại cổ phiếu đã bán cao trước đó.
Như hình trên Ta dễ thấy Ông Vũ Huy Sơn đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 550 triệu đồng do đã sử dụng 31 Tài khoản để liên tục Mua, Bán, Tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu KVC. Đây có thể xem là 1 MMS với Mã cổ phiếu KVC mà chúng ta biết được do để lại “vết” và bị Ủy ban Chứng khoán đã “tóm” được.
Nhìn chung thì dù là Mã Chứng khoán mang tính dầu tư ổn định dài hạn hay đầu cơ Ngắn hạn thì đều có MMS hay BBS, chỉ khác nhau ở đây là họ muốn làm ổn định Thị trường – Giá cả xoay không lệch quá với Giá trị hay muốn làm Thị trường mất Ổn định – Giá cả vượt quá xa Giá trị để trục lợi kiếm lời. Bạn sẽ cảm nhận càng rõ việc này khi tham gia Thực tế vào các Mã Chứng khoán biến động lớn.
Trong hình: Thị trường Chứng khoán những ngày Tháng 8 và 9/2019 rúng động sau khi chính các công ty Chứng khoán cũng đã bị … đánh úp bởi các Nhà tạo lập MMS và Tay chơi lớn BBS ở Mã cổ phiếu FTM – Fortex.
Nhìn chung thì đã là Thị trường thì việc xuất hiện MMS hay BBS là lẽ tất nhiên. Và thông thường thì MMS hay BBS này đều ít nhiều có liên quan đến cổ đông Nội bộ là Lãnh đạo công ty Niêm yết đó. Có thể là Anh Chị em Họ hàng hay bạn thân, … hay chậm chí là chính các Lãnh đạo đó đứng sau.
Không dễ để 1 người bình thường ở Việt Nam vốn coi kênh Chứng khoán là xa lạ bỏ ra vài chục hay thậm chí là vài trăm tỷ đồng để … “làm giá”. Nhìn chung phải có yếu tố thân hữu mới có thể thúc đẩy người ta tham gia vào các Nhóm MMS hay BBS này.
Nếu mình là Nhà đầu tư có vốn lớn, có nhiều tiền và có cả “tin mật” nữa thì tự nhiên sẽ có mong muốn “Điều khiển” được giá thị trường để giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu suất sinh lời. Và việc MMS hay BBS xuất hiện thì không phải chỉ trong mỗi Kênh Đầu tư Chứng khoán mà là mọi loại hình đầu tư kinh doanh khác.
Đã là con người và nhiều tiền thì tự nhiên sẽ xuất hiện MMS và BBS. Vì thế khi là “Nhỏ lẻ” thì không nên cố gắng loại bỏ MMS và BBS mà nên cố gắng hiểu về họ và vận dụng cho đúng vào quá trình đầu tư của mình thì sẽ tốt hơn.
2. Nguồn gốc hình thành khái niệm dòng tiền
Có rất nhiều giải thích về nguồn gốc hình thành khái niệm dòng tiền (hay khối lượng giao dịch) nhưng để chọn ra phương pháp quan tâm nhiều nhất đến khối lượng giao dịch đầu tiên nhất, cụ thể nhất,…Không thể là lý thuyết nào khác ngoại trừ phương pháp VSA – Volume Spread Analysis. Giả thiết của phương pháp VSA này là việc giá cổ phiếu dịch chuyển là do tác động những tay chơi lớn chi phối cung, cầu cổ phiếu hoặc cả thị trường,…
Những tay chơi lớn này có rất nhiều tiền cũng như kiến thức, họ là những người làm chủ cuộc chơi và những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thì có thể kiếm tiến trên thị trường bằng cách nương theo họ, đón những cơn sóng mà họ tạo ra.
Trước khi đi vào cách thức giao dịch theo phương pháp này, chúng ta nhắc qua 1 chút về tác giả của phương pháp này. Có 3 cái tên được cân nhắc đó là: Jesse Livermore, Richard Wyckoff và Tom Williams:
- Jesse Livermore đã từng đề cập đến một lý thuyết dựa trên những hành vi thao túng thị trường, ông cũng đã ứng dụng nó trong sự nghiệp giao dịch của mình nhưng ông chưa đưa ra được phương pháp cụ thể.
- Richard Wyckoff đã đề xuất ý tưởng “hợp nhất” sau khi phỏng vấn hàng loạt các Trader, nhằm giải thích các giai đoạn của thị trường bao gồm tích lũy, tăng trưởng, phân phối, và suy giảm.
- Tom Williams phát triển phương pháp dựa trên ý tưởng của Wyckoff và đặt ra tên của nó là phương pháp Phân tích VSA.
3. VSA đã phân tích dòng tiền như thế nào?
Giá cổ phiếu chuyển động theo 4 giai đoạn: Tích lũy, Tăng trưởng, Bão hòa và Suy thoái.
Đặc điểm về sự biến động giá và khối lượng ở từng giai đoạn như sau:
– Tích lũy: đồ thị trong xu hướng đi ngang, biên độ giá hẹp, kèm theo đó là thanh khoản ở mức thấp.
– Tăng trưởng: đồ thị đang trong xu hướng tăng, biên độ giá mở rộng, thanh khoản tăng mạnh.
– Bão hòa: đồ thị chững lại đà tăng bắt đầu đi ngang, biên độ giá vẫn lớn, thanh khoản ở mức cao.
– Suy thoái: đồ thị vào xu hướng giảm điểm, biên độ phiên giảm lớn, thanh khoản lúc đầu sẽ cao cho đến khi cung cạn dần.
Đó là câu chuyện trên đồ thị, câu chuyện đằng sau bức tranh đó là:
Bước 1: Nhà cái mua vào cổ phiếu khi giá của chúng còn rẻ, đây là quá trình giá tích lũy thời gian có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn.
Bước 2: Nhà cái sẽ đẩy giá tăng lên và gây sự chú ý nhà đầu tư nhỏ lẻ bằng những thông tin tốt, kết quả lợi nhuận tích cực,…Và một số người bắt đầu mua vào trong quá trình giá tăng này.
Bước 3: Đến khi đủ lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu mua vào thì tay to sẽ đồng thời bán cổ phiếu dần dần – gọi là quá trình phân phối. Khi giá tăng mạnh khiến các nhỏ lẻ hưng phấn nhất cũng chính là lúc quá trình phân phối hoàn thành.
Bước 4: Sau khi nhà cái được phần lớn cổ phiếu thì họ cũng rút lui, chỉ còn các nhỏ lẻ ở lại cầm cổ phiếu với nhau, đến khi hết cầu và không có lực đỡ từ dòng tiền lớn thì giá cổ phiếu sẽ giảm không phanh. Đôi khi còn có lực đạp giá bằng cách đẩy cung từ nhà cái để ép giá giảm sâu. Đây là quá trình cuối cùng – đạp giá, là lúc những người mua phải giá cao trở thành những người bị kẹp hàng và thua lỗ.
Cuối cùng khi giá giảm đủ sâu, các nhà cái có lời thì họ bắt đầu quá trình thu gom cổ phiếu ở mức giá thấp và chu kỳ lại tiếp tục.
Vậy có cách nào để nhà giao dịch kiếm được tiền?
Hãy nhớ rằng cổ phiếu không có tạo lập, nhà cái, đội lái,… thì sẽ thanh khoản rất thấp, kém sôi động và giá cứ nằm yên 1 chỗ. Vì thế đây cũng là một bộ phận giúp thị trường sôi động hơn, tất nhiên giao dịch có rủi ro nên nhà giao dịch tập cách kiềm chế lòng tham và phân tích những cơ hội nào đáng tham gia và cơ hội nào không.
Để kiếm tiền từ giao dịch, nhà giao dịch cần xác định được thời điểm chuyển giao giữa chu kỳ tích lũy lên chu kỳ tăng trưởng. Đó là khung thời gian thích hợp nhất để đầu tư.
Giai đoạn này có 2 đặt điểm là: (1) Thoát khỏi nền giá tích lũy trước đó và (2) Thanh khoản ở phiên bứt phá vượt hơn 1.5 lần khối lượng trung bình 20 phiên.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong xác định chu kỳ biến động của cổ phiếu và xem xét dòng tiền thì dưới đây sẽ là giải pháp cho bạn.
>> Xem thêm Phương pháp VSA (Volume Spread Analysis) là gì và các mẫu hình cơ bản
3.1. Nhận biết sự thay đổi về Khối lượng giao dịch
Khối lượng giao dịch vẫn luôn được coi trong bên cạnh các yếu tố như chu kỳ, mẫu hình, sóng Elliott… Phân tích khối lượng là dạng phân tích khá hiệu quả mà những người mới tìm hiểu về phân tích kỹ thuật cũng như các nhà phân tích chuyên nghiệp đều thường xuyên sử dụng.
Khối lượng chính là động lực tạo ra sự dịch chuyển của giá và thường thay đổi trước khi có sự thay đổi đáng kể của giá. Điều này là do sự thay đổi trong tương quan cung và cầu thường xuất hiện ở khối lượng trước khi có thay đổi về giá.
Dưới đây là một ví dụ khá điển hình về phân tích khối lượng trên cổ phiếu FPT – CTCP FPT. Trong giai đoạn tháng 09/2015, khối lượng giao dịch tăng trưởng liên tục và vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 350,000 đơn vị). Kể từ đó, giá liên tục bứt phá mạnh và duy trì đà tăng trong suốt tháng 10/2016 và hai tuần đầu tháng 11/2015.
Đến giữa tháng 11/2015 thì khối lượng giảm sút và thường xuyên ở dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này cũng báo hiệu cho sự suy thoái của giá trong nhiều tháng sau đó và kéo dài cho tới hết tháng 01/2016.
3.2. Nắm bắt quá trình Tích lũy và Phân phối
Khái niệm tích lũy trong phân tích kỹ thuật là sự dồn nén hàng ngày của khối lượng trong một giai đoạn nhất định để sau đó dẫn đến một sự bùng nổ của giá chứng khoán. Ngược lại, phân phối là hiện tượng tháo hàng từ từ và giá bắt đầu đi xuống mạnh sau đó.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, cùng với khái niệm Kháng cự-Hỗ trợ thì Tích lũy-Phân phối có thể coi là những khái niệm cơ bản nhất của phân tích kỹ thuật.
Khi áp dụng vào thực tế thì nhà đầu tư cần có một số lưu ý như sau:
+ Thứ nhất, quá trình tích lũy cũng như phân phối thường xuất hiện kèm các phân kỳ giá lên và phân kỳ giá xuống.
+ Thứ hai, quá trình tích lũy càng dài thì sự bứt phá sau đó nhiều khả năng sẽ càng mạnh.
Quan sát hình bên dưới, chúng ta thấy khi giá cổ phiếu VIC – Tập Đoàn Vingroup điều chỉnh và tích lũy khá lâu trong vùng 32,000-34,000 trước khi có sự bứt phá dứt khoát vào đầu tháng 04/2016.
Tuy nhiên, một dấu hiệu khá rõ nét có thể thấy rõ là phân kỳ giá lên giữa giá và chỉ báo Stochastic Oscillator. Chỉ báo này liên tục tạo ra các đáy mới cao hơn trong khi giá chỉ đi ngang trong kênh hẹp. Điều này báo trước một sự bùng nổ của giá cũng như sự thu hút dòng tiền của thị trường trong những tháng sau đó.
VnRebates tổng hợp