Với những người lần đầu tiên tham gia các quỹ đầu tư có thể sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong việc tìm hiểu một trong những thuật ngữ nổi tiếng và cũng quan trọng nhất trong quỹ đầu tư – Net Asset Value (NAV) hay còn gọi là Giá trị tài sản thuần.
Nếu bạn là một trong số những người mới và vẫn còn cảm thấy khá bỡ ngỡ thì đừng lo. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá thuật ngữ NAV một cách cặn kẽ nhất. Tất cả những thắc mắc của bạn sẽ được làm sáng tỏ trong bài viết này.
Vậy bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi có lẽ là quan trọng nhất: NAV là gì?
Net Asset Value (NAV) hay còn gọi là Giá trị tài sản ròng, đơn giản là giá trị mà ở đó bạn trao đổi, mua bán chứng chỉ quỹ hay còn có thể coi là giá của một đơn vị chứng chỉ quỹ.
Lấy ví dụ, giả sử bạn có 300.000.000 VND trong tài khoản và muốn rót tiền vào một quỹ đầu tư. Bạn tham khảo qua các quỹ đầu tư hiện có và chọn được một quỹ với NAV là 30.000 VND. Vậy với số tiền bạn đang có, bạn có thể mua 10.000 (300.000.000/30.000) chứng chỉ của quỹ đầu tư đó. Theo đó, cứ mỗi khi bạn đăng ký mua hoặc bán chứng chỉ của một quỹ đầu tư, bạn sẽ sử dụng NAV của quỹ làm mốc để trao đổi.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra đó là :
I. NAV được tính như thế nào?
Để có thể thực sự hiểu NAV hoạt động như thế nào, đầu tiên chúng ta phải biết được quỹ đầu tư đầu tư vào đâu và những chi phí phát sinh trong quá trình quản lý quỹ đầu tư.
Một quỹ đầu tư kêu gọi tiền vốn qua những nhà đầu tư như bạn. Sau đó, số tiền vốn sẽ được đầu tư vào một hệ thống các tài sản khác nhau được lập sẵn và được quản lý dựa theo những mục tiêu được đưa ra của quỹ đầu tư đó. Những tài sản được đầu tư có thể là giấy tờ có giá, trái phiếu, cổ phiếu, vàng và các loại hàng hóa cơ bản khác,… Chúng được coi là những tài sản cơ bản của quỹ và là nguồn tạo lợi nhuận chính. Những tài sản được chọn sẽ tạo nên danh mục của một quỹ đầu tư
NAV của một quỹ sẽ được quyết định bởi tổng giá trị của danh mục đầu tư. Trong khi đó, giá trị của một danh mục đầu tư lại được quyết định bởi tổng giá trị của các tài sản có trong danh mục đó.
Ngoài ra, NAV còn được xác định bởi những chi phí phát sinh trong quá trình quản lý quỹ. Để quỹ có thể hoạt động hiệu quả, công ty quản lý quỹ sẽ phải bỏ ra khoản các chi phí khác nhau, những chi phí này được coi là phần liabilities (nợ) của quỹ. Một số các loại chi phí có thể kể đến như chi phí quản lý, phí tạm giữ, hoa hồng cho nhà phân phối và môi giới, chi phí quảng cáo, v.v…
Khi các khoản chi phí được trừ đi khỏi tổng giá trị tài sản, chúng ta sẽ có được tổng giá trị tài sản thuần. Sau đó, giá trị tài sản thuần sẽ được chia cho số lượng chứng chỉ quỹ đã được phát hành và chúng ta sẽ có được con số NAV mà chúng ta đang bàn luận ở đây.
Từ đó, chúng ta có công thức sau:
Xem thêm: Giải thích về mô hình quỹ đầu tư tại Việt Nam
II. Hãy xem ví dụ sau đây để có một cái nhìn rõ ràng hơn:
Giả sử bạn đầu tư vào một quỹ (ABC) có danh mục gồm các cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác. Đến cuối ngày giao dịch, lượng cổ phiếu có giá trị là 150.000.000.000 VND, trái phiếu có giá trị là 65.000.000.000 VND còn lượng giấy tờ có giá còn lại có tổng giá trị là 5.000.000.000 VND. Do đó, tổng giá trị tài sản của danh mục là 220.000.000.000 VND (= Giá trị cổ phiếu + trái phiếu + các loại giấy tờ có giá).
Để có được giá trị của NAV, chỉ biết được tổng giá trị tài sản của danh mục là không đủ. Chúng ta cần phải biết chi phí quản lý của quỹ nữa. Chi phí quản lý thường được tính theo phần trăm tổng giá trị danh mục được gọi là tỉ lệ chi phí. Mỗi quỹ sẽ có một tỉ lệ chi phí khác nhau được tính tính thành chi phí quản lý hằng năm. Số tiền được khấu trừ hằng ngày là một phần của chi phí quản lý hằng năm đó. Giả sử tỉ lệ chi phí của quỹ là 2% thì số 2% sẽ được chia cho 365 ngày để tìm ra được chi phí tính theo ngày. Trong ví dụ của chúng ta, chi phí quản lý hằng ngày sẽ là 12.054.795 VND (2%/365*220.000.000.000).
Cho rằng lượng chứng chỉ quỹ đã phát hành là 10.000.000 chứng chỉ quỹ, chúng ta sẽ dễ dàng tính được giá trị của NAV khi đã có 3 biến cần thiết: Tổng giá trị tài sản, chi phí quản lý và lượng chứng chỉ quỹ đã phát hành.
NAV = (Tổng giá trị tài sản – Chi phí quản lý quỹ)/Tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành
= (220.000.000.000 – 12.054.795)/10.000.000 = 21.998 VND
Vậy nếu bạn muốn giao dịch chứng chỉ quỹ ABC trong hôm nay, bạn sẽ phải giao dịch theo NAV là 21.998 VND.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn giao dịch chứng chỉ quỹ này vào ngày mai hoặc trong tương lai, bạn sẽ không thể trao đổi theo NAV như trên, vì NAV của một quỹ thay đổi hàng ngày. Điều này dẫn ta đến một câu hỏi rất quan trọng…
Xem thêm: IB là gì? Sự thật về 2 loại IB ở thị trường Việt Nam
III. Khi nào thì NAV sẽ được tính?
Như ta có thể thấy trong công thức, một trong những khía cạnh cơ bản của NAV đó là giá trị của NAV phụ thuộc vào giá trị của các tài sản nằm trong danh mục của quỹ. Với việc các tài sản trên thường được trao đổi trên các sàn giao dịch (đặc biệt là với các tài sản như chứng khoán, ngoại hối,…), giá trị của chúng thay đổi từng giờ, thậm chí từng phút trên thị trường. Vì vậy, rất khó để có thể tính NAV trong thời gian các sàn hoạt động. Đó là lý do vì sao NAV chỉ được tính vào cuối mỗi ngày giao dịch, bằng cách tính giá trị lúc kết thúc phiên của tất cả các tài sản trong danh mục quỹ.
IV. NAV quan trọng như thế nào?
Rất nhiều nhà đầu tư có xu hướng giao dịch chỉ bằng cách nhìn vào NAV. Sự thiếu hiểu biết khiến cho họ nghĩ rằng một quỹ có NAV cao thường có được kết quả tốt hơn. Tuy vậy, đấy không phải là một suy nghĩ đúng đắn. Trên thực tế, NAV không phải là một thước đo tốt để đánh giá độ hiệu quả của một quỹ đầu tư. Nó chỉ đơn giản là một con số cho nhà đầu tư biết được giá trị của một đơn vị chứng chỉ quỹ của một quỹ đầu tư.
Rất nhiều nhà đầu tư còn phạm phải sai lầm lớn hơn đó là sử dụng NAV để so sánh độ hiệu quả của 2 quỹ đầu tư khác nhau. Ở đây, các nhà đầu tư kém hiểu biết được chia ra làm hai thái cực. Một bên cho rằng quỹ có NAV lớn hơn sẽ là một cơ hội đầu tư tốt hơn. Trong khi nửa còn lại cho rằng quỹ có NAV thấp hơn sẽ trả lại lợi nhuận cao hơn.
Liệu đầu tư vào một quỹ có NAV thấp có trả lại lợi nhuận cao hơn?
Rất nhiều nhà đầu tư tìm kiếm những quỹ chuẩn bị lập, mới lập hoặc chuẩn bị bị đóng vì lý do những quỹ dạng này có NAV thấp hơn những quỹ thông thường. Họ cho rằng giá trị của những quỹ này được đánh giá thấp hơn kết quả thực, và nếu mà họ đầu tư vào những quỹ đó thì lợi nhuận có được trong tương lai sẽ cao hơn mức mà họ đáng ra được nhận. Nhưng điều này không hẳn là đúng.
Hãy xem ví dụ sau đây:
Một người đầu tư 100.000.000VND vào hai quỹ (quỹ A và quỹ B). NAV của quỹ A là 50.000VND còn của quỹ B là 100.000VND.
Nếu đầu tư vào quỹ A, bạn sẽ có 2.000 (100.000.000/50.000) chứng chỉ quỹ còn nếu đầu tư vào quỹ B, bạn sẽ có 1.000 chứng chỉ quỹ.
Thời điểm hiện tại, sau 1 năm, cả hai quỹ đều đạt được tỉ lệ lợi nhuận là 20%. Đương nhiên NAV của mỗi quỹ cũng sẽ tăng theo 20%. Đến đây, NAV của quỹ A sẽ là 60.000VND (50.000*20% + 50.000). Tương tự, NAV của quỹ B sẽ là 120.000VND.
Tính số tiền thu được sau một năm của bạn. Nếu bạn đầu tư vào quỹ A thì số tiền đầu tư cả gốc lẫn lãi sẽ là 120.000.000VND (2.000*60.000) và nếu bạn đầu tư vào quỹ B cũng sẽ cho ra kết quả tương tự, 120.000.000VND (1.000*120.000).
Do đó, chúng ta có thể thấy là một quỹ với NAV thấp hơn và một quỹ có NAV cao hơn về cơ bản cũng cho ra lợi nhuận tương đương nếu tỉ lệ lợi nhuận là giống nhau. Chúng ta cần phải nhớ điều quan trọng khi so sánh 2 quỹ khác nhau, chúng ta nên xem xét những khía cạnh như danh mục đầu tư có trọng tâm là gì, hiệu quả ra sao, mô hình quỹ là như nào, v.v… Một quỹ với một NAV cao không có nghĩa là nó hoạt động tốt hơn, nó hoàn toàn có thể là do quỹ đấy đã hoạt động được trong một thời gian dài. Vì thế, sử dụng NAV để so sánh hoạt động giữa hai quỹ có thể gây ra những đánh giá sai lệch không đáng có.
V. Lời cuối:
NAV giống như giá trị một cổ phiếu của một công ty, nó chỉ ra giá trị của một đơn vị chứng chỉ quỹ. Khi NAV tăng nghĩa là giá trị của chứng chỉ quỹ bạn đang nắm giữ cũng tăng và không có thêm nhiều ý nghĩa khác. Mong rằng bài viết này đã giúp các bạn hiểu thêm về NAV để có những quyết định đầu tư đúng đắn trong tương lai.
Xem thêm: Đầu tư ủy thác Forex – Nghĩ kỹ trước khi bắt đầu
VnRebates tổng hợp