Trong từng giai đoạn kinh tế khác nhau, thị trường tài chính cũng có những biến động khác nhau. Một tài sản có thể tăng giá trong giai đoạn này, nhưng lại giảm giá trong giai đoạn khác. Chính vì vậy, trong đầu tư dài hạn chúng ta cần có biện pháp khắc phục rủi ro từ sự biến động đó. Phân bố tài sản và chiến lược giao dịch vĩ mô toàn cầu chính là các biện pháp phù hợp trong trường hợp này, giúp anh em quản lý khoản đầu tư của mình hiệu quả hơn.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Phân bố tài sản và giao dịch vĩ mô toàn cầu
1.1. Phân bố tài sản và vai trò của phân bố tài sản trong đầu tư
Phân bố tài sản là một phần rất quan trọng trong việc cân bằng danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro từ biến động của thị trường. Trong đầu tư dài hạn, việc kết hợp nắm giữ nhiều loại tài sản khác nhau có thể giúp anh em có được lợi nhuận tổng thể tốt hơn, vì khi tài sản này giảm giá thì có thể vẫn còn những tài sản khác tăng giá để “bù đắp” lại khoản thiệt hại.
Việc phân bố tài sản nên được thực hiện trên quy mô liên thị trường, tức là các loại tài sản của các thị trường khác nhau như tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa… Ví dụ như anh em mua và nắm giữ 10 mã chứng khoán khác nhau, thì thực chất đó không phải là phân bố tài sản, mà chỉ là đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Mục đích của phân bố tài sản là đối phó với sự biến động của nền kinh tế, tránh tập trung quá mức dẫn đến rủi ro khi một thị trường nhất định rơi vào suy thoái. Ví dụ, khi anh em chỉ mua 10 loại cổ phiếu, mà một sự kiện nào đó khiến cho thị trường chứng khoán suy thoái thì rất có thể cả 10 mã cổ phiếu của anh em đều giảm giá, cho dù chúng thuộc các ngành nghề khác nhau.
Mặt khác, thị trường chứng khoán suy thoái nhưng có thể các thị trường khác như hàng hóa, tiền tệ vẫn tăng trưởng tốt. Do đó nếu ban đầu anh em phân bổ tài sản của mình sang các thị trường này thì có thể giảm bớt được thiệt hại do chứng khoán gây ra.
Ví dụ dưới đây minh họa về lợi nhuận và rủi ro khi chỉ đầu tư vào cổ phiếu (biểu đồ 1) so với kết hợp 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu (biểu đồ 2) (dữ liệu từ website global.pimco.com). Anh em có thể thấy lợi nhuận khi phân bố tài sản chỉ giảm nhẹ, nhìn chung vẫn là một mức tăng trưởng tốt. Ngược lại, biến động rủi ro giảm rõ rệt từ 14,87 % xuống 8,9%.
Về nguyên lý, việc phân bố tài sản được thực hiện bằng cách kết hợp mua các tài sản có tương quan thấp, hoặc có tương quan ngược nhau để giảm thiểu sự biến động tổng thể. Mối tương quan này có thể được tìm thấy từ phân tích liên thị trường – một phương pháp nghiên cứu mối quan hệ của các tài sản và các thị trường khác nhau.
1.2. Giao dịch vĩ mô toàn cầu
Giao dịch vĩ mô toàn cầu có tên nguyên bản là Global Macro Trading. Nghe tên có vẻ “đao to búa lớn”, nhưng thực chất có thể hiểu đơn giản giao dịch vĩ mô toàn cầu là chiến lược xây dựng danh mục đầu tư dựa trên phân tích tình hình vĩ mô của kinh tế thế giới, nó khá giống như việc chúng ta phân tích liên thị trường, nhưng ở một cấp độ cao hơn.
Nếu như trong phân tích liên thị trường, chúng ta thường chỉ xem xét tương quan giữa các thị trường tài chính trong cùng một quốc gia, thì mục tiêu của giao dịch vĩ mô toàn cầu là nghiên cứu và thiết lập các vị thế mua hoặc bán trong tài sản của nhiều nền kinh tế khác nhau, bao gồm các thị trường chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa , trái phiếu hay các loại hợp đồng tương lai…
Ví dụ, một nhà đầu tư tin rằng kinh tế Hoa Kỳ đang rơi vào suy thoái, anh ta sẽ bán khống cổ phiếu Mỹ cũng như đồng USD… Thay vào đó, anh ta tìm thấy cơ hội đầu tư ở Singapore và rót vốn vào các loại tài sản của nền kinh tế này. Đó chính là yếu tố “toàn cầu” trong chiến lược giao dịch vĩ mô toàn cầu.
Nguyên tắc để giao dịch vĩ mô toàn cầu là học cách nắm bắt các xu hướng lớn, tiếp cận và theo dõi các thông tin kinh tế – tài chính có thể tác động đến thị trường để nắm bắt kịp thời sự ảnh hưởng của chúng. Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý khi giao dịch vĩ mô toàn cầu là cần nắm bắt được các thông tin, các sự kiện bất thường ảnh hưởng đến thị trường – hay còn gọi là những “cú sốc”.
Ví dụ, trước đây khi ông Trump còn đương nhiệm tổng thống Mỹ, những dòng twitter của ông có thể khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo. Bên dưới là một dòng twitter của vị nguyên tổng thống này, nói về việc không thể đáp ứng yêu cầu viện trợ $2,4 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các vấn đề trong dịch Covid, và tuyên bố rằng tiền “không liên quan” đến dịch Covid. Điều đó đã khiến cho thị trường chịu một cú sốc, và chỉ số chứng khoán Dow Jones sau đó đã rơi từ đỉnh xuống một cách rất mạnh.
Hay như cách đây không lâu, anh em có thể thấy những tweet của tỷ phú Elon Musk cũng đã gây ra những tác động tương tự đối với thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử. Việc theo dõi và nắm bắt kịp thời các động thái này chính là điều quan trọng mà các nhà giao dịch vĩ mô toàn cầu cần lưu ý.
Trên thực tế, các chiến lược giao dịch vĩ mô toàn cầu thường đến từ các quỹ đầu tư, cụ thể là các quỹ giao dịch vĩ mô. Các quỹ này có thể giao dịch chuyên về một thị trường nhất định – ví dụ như các quỹ chứng khoán, quỹ hàng hóa… nhưng cũng có một số quỹ giao dịch trên nhiều thị trường khác nhau. Công việc của họ là sử dụng các hệ thống phân tích cơ bản để đánh giá tình hình thị trường chung của thế giới, từ đó chọn ra các thị trường tiềm năng nhất để rót vốn đầu tư, có thể trong ngắn hạn hoặc dài hạn.
Xem thêm: Những điểm cốt lõi về phân tích cơ bản trong giao dịch forex
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
2. Cách áp dụng giao dịch vĩ mô toàn cầu và phân bố tài sản
Phân bố tài sản và giao dịch vĩ mô toàn cầu là hai chiến lược khác nhau, thường được các quỹ đầu tư hay một số tổ chức tài chính thực hiện. Những quỹ này cũng thường chuyên về một loại hình đầu tư nhất định, ví dụ như các quỹ giao dịch vĩ mô riêng, các quỹ phân bố tài sản riêng…
Các nhà giao dịch cá nhân thường ít khi áp dụng các chiến lược này, bởi chúng đòi hỏi quy mô vốn khá lớn cũng như yêu cầu cao về khả năng phân tích thị trường. Tuy nhiên, thực tế chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng nguyên lý của hai chiến lược này để áp dụng cho quá trình giao dịch của mình một cách phù hợp.
Kết hợp chiến lược giao dịch vĩ mô toàn cầu với phân tích liên thị trường và phân bố tài sản, chúng ta sẽ có phương pháp phân tích theo kiểu “từ trên xuống”, có nghĩa là từ tổng thể thị trường và tình hình kinh tế toàn thế giới để tìm ra những thị trường tốt nhất ở những quốc gia tiềm năng. Cụ thể chúng ta có thể phân tích qua các bước như sau:
- Sử dụng chiến lược vĩ mô toàn cầu để đánh giá tình hình thế giới, biết được những quốc gia nào đang bất ổn, quốc gia nào có nền kinh tế tăng trưởng tốt. Hay nói cách khác, chúng ta có thể xác định được một quốc gia đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế.
- Sau khi đánh giá được tình hình và lựa chọn cho mình một nền kinh tế phù hợp, chúng ta sẽ áp dụng phân tích liên thị trường để đánh giá xem các thị trường tài chứng khoán, hàng hóa, trái phiếu và tiền tệ của quốc gia đó đang có mối tương quan như thế nào.
- Cuối cùng, dựa vào mối tương quan, chúng ta có thể áp dụng chiến lược phân bố tài sản để chia nhỏ số vốn của mình ra và đầu tư vào các loại tài sản phù hợp nhất.
Chúng ta sẽ lấy một ví dụ để anh em có thể hình dung dễ hơn quy trình này.
Giả sử từ chiến lược vĩ mô toàn cầu, hay nói cách khác là phân tích thị trường vĩ mô của các quốc gia khác nhau, anh em nhận thấy rằng Nhật Bản đang trong thời kỳ bất ổn với lạm phát cao, còn Úc đang ở trong giai đoạn nền kinh tế ổn định, lạm phát duy trì ở trong tầm kiểm soát. Khi đó, anh em có thể quyết định lựa chọn đầu tư vào thị trường Úc, nhưng cũng có thể lựa chọn Nhật Bản, vì lạm phát vẫn mang lại cơ hội đầu tư cho chúng ta – việc này lựa chọn vào phong cách và phương pháp giao dịch của anh em.
Note: tình huống trên đây chỉ là mình lấy ví dụ, còn thực tế, để có thể phân tích tình hình kinh tế một quốc gia, anh em cần nắm vững kiến thức về phân tích cơ bản cũng như cách đọc các chỉ số kinh tế vĩ mô nhé.
Tiếp đến, giả sử anh em lựa chọn Úc, thì chúng ta bắt đầu áp dụng phân tích liên thị trường để thấy được tình hình tổng thể của các thị trường tài chính nước này cũng như các mối tương quan giữa những tài sản và thị trường khác nhau, ví dụ như đồng AUD sẽ tương quan thuận với các loại hàng hóa như vàng, dầu.
Bây giờ, chúng ta biết rằng đồng AUD và giá vàng sẽ cùng tăng hoặc cùng giảm. Tuy nhiên, nếu như không có tín hiệu đáng tin cậy về xu hướng chung của cả hai, thì anh em cần tránh giao dịch đồng AUD và vàng cùng lúc để giảm thiểu rủi ro.
Lúc này anh em nên chia tổng số vốn của mình ra làm 2 hoặc nhiều phần. Một phần trong đó sẽ dùng để buy vàng hoặc buy đồng AUD. Những phần khác anh em nên đầu tư vào các tài sản khác ít có tương quan với vàng hơn, ví dụ như trái phiếu hoặc các mã cổ phiếu.
Tất nhiên trên từng loại tài sản anh em vẫn cần phân tích và tìm cho mình điểm vào với xác suất chiến thắng cao nhất. Khi đó, tỷ lệ xảy ra trường hợp cả hai lệnh cùng thua sẽ thấp hơn nhiều so với việc giao dịch trên hai tài sản có tương quan cao, hoặc dồn hết vốn vào một tài sản duy nhất.
Đây chỉ là một ví dụ để anh em hình dung, trên thực tế có nhiều cách khác để phân bố tài sản như mua tài sản này và bán một tài sản có tương quan thuận với nó, hoặc đầu tư vào hai thị trường của hai quốc gia khác nhau… Nhìn chung, khi hiểu bản chất của vấn đề, anh em có thể áp dụng một cách vô cùng linh hoạt tùy theo phong cách của riêng mình.
Xem thêm: Liệu Vàng và đô la Úc có mối tương quan?
3. Kết luận
Việc giao dịch vĩ mô toàn cầu và phân bố tài sản đặc biệt thích hợp khi anh em không có tín hiệu chắc chắn cho một xu hướng nhất định của thị trường. Khi đó anh em có thể phân bổ vốn của mình để giảm thiểu rủi ro và có cơ hội tối ưu lợi nhuận. Tuy nhiên, để áp dụng các chiến lược này, trước hết anh em cần nắm vững kiến thức về phân tích cơ bản, về phân tích liên thị trường cũng như cách đọc các chỉ số kinh tế vĩ mô trước nhé.
Nếu có câu hỏi hay góp ý nào, anh em hãy gửi về hòm thư hỏi đáp của vnrebates để chúng ta trao đổi với nhau nhé.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ