Xem thêm:
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
Công nghệ Blockchain là gì?
Blockchain là công nghệ mã hóa các dữ liệu thành nhiều khối liên kết với nhau thành chuỗi dài. Khi một thông tin hay giao dịch mới diễn ra thì thông tin cũ sẽ không bị mất đi còn thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt nối vào khối cũ, trở thành chuỗi mới.
Các thông tin của Blockchain được phân phối tự động và lưu trữ trên nhiều máy chủ được kết nối với hệ thống Blockchain. Điều này giúp bạn có thể theo dõi và kiểm tra các giao dịch của mình. Đồng thời, nó còn giúp ngăn chặn việc gian lận và bảo đảm an toàn thông tin.
Blockchain có tính ứng dụng cao và bảo mật tốt vì thế nó đang là xu hướng công nghệ mà nhiều doanh nghiệp hay các quốc gia trên thế giới dành nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu. Hiện tại, công nghệ này đang được ứng dụng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Ai đã phát minh ra Blockchain?
Blockchain đã có chiều dài lịch sử từ những năm 90s. Tuy nhiên, vào năm 2008, người phát minh ra Blockchain được ghi nhận là Satoshi Nakamoto.
Một năm sau, Blockchain được áp dụng với vai trò là một phần cốt lõi của Bitcoin, đánh dấu sự ra đời của công nghệ Blockchain và đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Đầy được xem là nền móng cho sự tăng trưởng của thị trường Crypto.
Blockchain dùng để làm gì?
Công nghệ Blockchain được dùng để lưu trữ thông tin trong các khối kết nối với nhau. Nó được giám sát bởi những người tham gia vào hệ thống. Đồng thời, blockchain cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn bằng hệ thống mã hóa phức tạp.
Công nghệ này được tạo ra để ngăn sự thay đổi dữ liệu trong hệ thống. Nó có một tính năng rất nổi bật là truyền tải dữ liệu không cần một trung gian nào xác nhận thông tin. Bởi bên trong hệ thống Blockchain luôn tồn tại rất nhiều nút vận hành độc lập và có khả năng xác thực thông tin trong hệ thống.
Thông tin khi được nhập vào trong chuỗi khối Blockchain thì sẽ không thể thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự chấp thuận của tất cả người tham gia trong hệ thống.
Hệ thống này bảo đảm sự an toàn cho các dữ liệu. Đặc biệt là các dữ liệu nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ thanh toán,… Nếu một phần của hệ thống Blockchain bị tấn công, thì các phần khác không bị ảnh hưởng mà vẫn tiếp tục hoạt động.
Cấu trúc của công nghệ Blockchain
Blockchain gồm có 2 phần chính:
- Khối (Block): Chứa dữ liệu.
- Chuỗi (Chain): Các khối trên liên kết với nhau tạo thành chuỗi.
Mỗi khối cũng sẽ có 3 phần chính: Data (Dữ liệu), Mã Hash của khối hiện tại (Mã hàm băm) và Mã Previous Hash (mã Hash khối trước đó).
- Data (Dữ liệu): Các bản ghi dữ liệu đã xác thực của trader được bảo vệ bằng thuật toán mã hóa phụ thuộc vào mỗi chuỗi khối.
- Mã Hash của khối hiện tại: Là một chuỗi ký tự và số được tạo một cách ngẫu nhiên không giống nhau. Mã này được sử dụng nhằm phát hiện ra các thay đổi trong khối. Đặc biệt, mã này là duy nhất – tương tự như dấu vân tay của con người.
- Mã Previous Hash: Được áp dụng giúp các khối liền kề nhau phân biệt được khối nào ở phía trước và khối nào ở sau, để liên kết đúng. Khối đầu tiên (Genesis block – khối gốc) do không có khối nào trước nó nên mã Hash của nó là một chuỗi số 0.
Đặc điểm chính của Blockchain
Công nghệ Blockchain có những đặc điểm nổi bật như sau:
- Phân quyền
Công nghệ này hoạt động độc lập theo các thuật toán máy tính, không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức nào. Vì vậy, Blockchain tránh được rủi ro từ các bên thứ ba.
- Phân tán
Các khối chứa cùng một dữ liệu và được phân tán ở nhiều nơi khác nhau. Thế nên, nếu một nơi nào đó bị mất hay bị hỏng thì dữ liệu vẫn sẽ nằm trên Blockchain.
- Bất biến
Khi dữ liệu đã được ghi vào khối của chuỗi khối thì không thể nào thay đổi hoặc sửa đổi do đặc điểm của thuật toán đồng thuận và mã hash.
- Bảo mật
Chỉ có người giữ khóa riêng tư (private key) mới có quyền truy cập vào dữ liệu bên trong Blockchain và truy xuất dữ liệu đó.
- Minh bạch
Các giao dịch trong chuỗi khối được ghi lại và mọi người đều có thể xem. Qua đó, có thể kiểm tra và truy xuất lịch sử giao dịch. Thậm chí, mọi người có thể được phân quyền để cho phép người khác truy cập vào một phần thông tin trên Blockchain.
- Tích hợp hợp đồng thông minh
Hợp đồng thông minh gồm các kỹ thuật số được tạo bởi đoạn code if-this-then-that (IFTTT) nằm trong hệ thống công nghệ. Hợp đồng này cho phép Blockchain tự thực hiện mọi thứ mà không cần bên khác tham gia vào.
- Không thể phá hủy hay làm giả
Xét về lý thuyết thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể can thiệp và giải mã Blockchain. Công nghệ này có thể bị phá hủy khi không còn Internet trên thế giới, nhưng điều này có lẽ là không thể xảy ra.
Thuật toán phổ biến của công nghệ Blockchain
- Proof of Work (PoW)
Proof of Work (PoW) gọi là bằng chứng công việc. Với cơ chế đồng thuận, các node sẽ dùng sức mạnh máy tính để tạo ra mã hash. Node đầu tiên sẽ giải bài toán, giành quyền xác thực giao dịch, sau đó được nhận phần thưởng BTC. Quá trình này gọi là “mining” (đào coin), trong đó các node là các miners (thợ đào).
- Proof of Stake (PoS)
Proof of Stake (PoS), được gọi là bằng chứng cổ phần. Đây là cơ chế thuật toán đồng thuận phổ biến nhất hiện nay, được dùng đầu tiên bởi Ethereum. PoS yêu cầu các node tham gia xác thực giao dịch phải đặt cược (stake) một lượng nhất định native token của Blockchain để giành quyền tham gia xác thực và tạo khối.
Thông thường các blockchain sử dụng PoS sẽ yêu cầu một số lượng token tối thiểu để được tham gia làm validator (người xác thực) của Blockchain.
Validator node trong mạng lưới PoS sẽ nhận được phí giao dịch làm phần thưởng. Khi một giao dịch giao dịch diễn ra, validator sẽ được chọn ngẫu nhiên để xác thực giao dịch, số lượng token stake càng nhiều, tỉ lệ được chọn cũng sẽ tăng tương ứng.
PoS được đánh giá là ưu việt hơn Proof Of Work và đang rất được ưa chuộng với rất nhiều Blockchain sử dụng như Cosmos (ATOM), Binance Coin (BNB), Ontology (ONT),…
- Proof of Authority (PoA)
Proof of Authority còn gọi là bằng chứng uỷ quyền. Đây là thuật toán đồng thuận dựa vào danh tiếng. Khác với PoS, các validators làm nhiệm vụ xác thực khối sẽ không được chọn dựa trên số coin họ có mà sẽ dựa trên danh tiếng của chính họ.
Lượng validator của mạng lưới giới hạn, giúp cho PoA có khả năng mở rộng. Trong đó, các giao dịch được xác thực bởi các validator đã được chọn và phê duyệt, đây chính là những người điều tiết hệ thống.
PoA đề cao giá trị danh tính vì thế những người được chọn là validator đáng tin cậy. Thuật toán đồng thuật PoA được coi là lựa chọn có giá trị cho các ứng dụng trong ngành hậu cần hay logistic.
PoA được đề xuất lần đầu tiên bởi cựu CTO của Ethereum, Gavin Wood vào 2017, sau đó được dùng bởi Binance Smart Chain và các exchange chain như HECO, OKExChain, Gatechain,…
Blockchain có bao nhiêu loại?
Công nghệ Blockchain có 3 loại chính:
- Private
Ở chế độ riêng tư, các trader chỉ được phép đọc thông tin. Giao dịch diễn ra nhanh bởi hệ thống chỉ cần 1 số ít nút tham gia.
- Permissioned
Đây cũng là 1 dạng private nhưng người dùng được cung cấp 1 số tính năng đặc quyền khác tùy thuộc bên thứ 3 cung cấp.
- Public
Người dùng có thể ghi chép, chỉnh sửa dữ liệu nhập vào khối thông tin. Bất kỳ ai có tài khoản đều được chia sẻ quyền lợi này. Tuy nhiên, quá trình xác thực giao dịch Blockchain sẽ xảy ra khá lâu bởi chúng cần nhiều nút tham gia.
Các phiên bản công nghệ Blockchain
Tới thời điểm hiện tại, công nghệ Blockchain đã có 04 phiên bản khác nhau, cụ thể như sau:
- Blockchain 1.0: Áp dụng cho các thuật toán về tiền tệ (ví blockchain).
Blockchain 1.0 hỗ trợ các giao dịch liên quan đến chuyển đổi tiền tệ, kiều hối hay tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số trong phạm vi tiền điện tử bằng các thuật toán liên quan đến tiền tệ.
- Blockchain 2.0: Sử dụng trong ngành tài chính – ngân hàng.
Công nghệ này được sử dụng để xử lý các tài sản của ngành tài chính – ngân hàng. Các tài sản như cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu hay bất kỳ điều gì liên quan đến thỏa thuận, hợp đồng một cách rõ ràng nhất.
- Blockchain 3.0: Có thể ứng dụng được trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Thừa hưởng ưu điểm của các phiên bản Blockchain trước đó. Công nghệ Blockchain được mở rộng và hội nhập vào nhiều lĩnh vực trong đời sống như là y tế, giáo dục, chính phủ, nghệ thuật.
- Blockchain 4.0: Áp dụng cho các doanh nghiệp và ứng dụng giao dịch.
Công nghệ này được tạo ra để tối ưu hoá ưu điểm và khắc phục nhược điểm của các công nghệ trước. Blockchain 4.0 nhắm đến các doanh nghiệp với mục tiêu tạo ra các ứng dụng giao dịch nhanh chóng và hoàn hảo hơn.
Ưu và nhược điểm của công nghệ Blockchain
Ưu điểm
- Sự minh bạch, không thay đổi
Các thông tin được lưu trữ, truyền tải và xử lý trong hệ thống Blockchain đều được công bố một cách minh bạch, rõ ràng và không thể thay đổi hay giả mạo.
Nếu như bạn muốn truy xuất thông tin giao dịch của mình hoặc của người khác thì không cần quá lo lắng về độ chính xác của dữ liệu.
- Tính năng ẩn danh
Các trader sẽ cảm thấy tin tưởng và an tâm hơn khi tham gia vào cộng đồng Blockchain. Bởi vì, công nghệ này cung cấp cho người dùng tính năng ẩn danh. Nhờ vậy, mà người chơi có thể thoải mái giao dịch an toàn mà không sợ người khác biết được danh tính của mình.
- Tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch ngắn
Hệ thống Blockchain cho phép bạn và đối tác trực tiếp giao dịch mà không cần đến sự xác thực của bên thứ ba, chính hệ thống sẽ xác nhận cho bạn. Nhờ vậy, bạn có thể tiết kiểm được kha khá thời gian và tiền bạc bỏ ra.
Nhược điểm
- Khó khăn trong sửa đổi dữ liệu
Một khi bạn đã đưa dữ liệu vào hệ thống Blockchain thì việc sửa đổi thường rất khó khăn. Bởi vì để sửa dữ liệu trong một khối bất kỳ thì bạn phải sửa từ khối cuối cùng trước đó dần dần tới khối cần sửa. Đây cũng là một ưu điểm bảo mật của hệ thống thế nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
- Cá nhân hóa
Trong ứng dụng giao dịch tiền điện tử, công nghệ Blockchain hỗ trợ các trader một chìa khóa để nắm quyền sở hữu tiền điện tử của họ. Mỗi tài khoản có 2 chìa khóa là chìa khóa chung và chìa khóa cá nhân. Nếu bạn làm mất chìa khóa cá nhân thì xem như là mất trắng số tiền đó và không có cách nào lấy lại được.
- Mạng lưới lưu trữ quá tải
Công nghệ Blockchain hiện nay cần rất nhiều dung lượng để lưu trữ và tốc độ phát triển của nó có thể tăng trưởng mạnh trong tương lai. Vì thế, nó có thể vượt xa dung lượng lưu trữ của các node dẫn đến mất các node nếu kích thước của sổ cái lớn hơn các node.
Sự khác biệt giữa Bitcoin và Blockchain
- Blockchain là cơ sở dữ liệu phân tán còn Bitcoin là một loại Crypto.
- Bitcoin hoạt động dựa trên Blockchain, còn Blockchain có thể sử dụng nhiều tài sản khác, không chỉ riêng Bitcoin.
- Bitcoin hoạt động ẩn danh còn Blockchain lại hoạt động dựa trên cơ chế rõ ràng, minh bạch.
- Bitcoin chỉ có thể chuyển tiền tệ giữa các trader, còn Blockchain có thể giao dịch tất cả phương tiện gồm tiền tệ, quyền sở hữu tài sản,…
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
10 ứng dụng của Blockchain trong thực tiễn
Ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực sản xuất
Công nghệ Blockchain sẽ giúp giám sát quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm, số lượng, chất lượng hàng tồn kho và các thông tin giao dịch,… Từ đó, giúp gia tăng năng suất cho quy trình quản lý chuỗi cung ứng (supply chain) trong quá trình sản xuất.
Một số ứng dụng trong sản xuất của Blockchain:
- Quản lý nguồn hàng tồn kho và các kho bãi sản xuất.
- Giám sát nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong chuỗi cung ứng.
- Giám sát quy trình sản xuất, số lượng hàng mua, bán.
- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ứng dụng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe
Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe thì xu hướng số hóa tài liệu, thông tin bao gồm sức khỏe người bệnh, quản lý kho, giao dịch thành toán các thiết bị y tế,… trong quy trình quản lý dữ liệu đang rất phổ biến.
Các thiết bị thông minh được trang bị hầu hết ở các bệnh viện để quản lý và giám sát các dữ liệu thế nhưng chúng vẫn còn các hạn chế về bảo mật và sự kết nối giữa các thiết bị. Vì vậy, Blockchain đã được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực này nhờ những tính năng vượt trội của nó.
Một số các ứng dụng của công nghệ Blockchain trong y tế, chăm sóc sức khỏe:
- Liên kết, phát triển các ứng dụng quản lý bệnh như thiết bị đo chỉ số sức khỏe,… và quản lý chất lượng.
- Theo dõi nguồn cung, nguồn gốc, hạn sử dụng của thiết bị y tế, các loại vật tư,…
- Đảm bảo sự minh bạch và khả năng tự động hóa các giao dịch khám chữa bệnh, quyền sở hữu dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân.
Ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực giáo dục
Việc ứng dụng công nghệ này giúp hạn chế được tình trạng gian lận trong quá trình học, xin học bổng, khai gian về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc,…
Đồng thời, các điều khoản về nội quy đào tạo còn được thực hiện một cách tự động, giúp xử lý các trường hợp vi phạm và cải thiện quy trình giảng dạy.
Một số ứng dụng của Blockchain trong giáo dục:
- Theo dõi và lưu trữ bảng điểm, bằng của sinh viên cùng các thông tin của đơn vị đào tạo như trường học, trường dạy nghề, trung tâm kỹ năng.
- Đánh giá xem ứng viên có phù hợp đối với việc giảng dạy hay không và đánh giá năng lực của họ với các yêu cầu đầu vào dựa trên dữ liệu về điểm số được ghi lại.
- Quản lý mức độ đánh giá uy tín trong nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng trong ngành nông nghiệp
Trong nông nghiệp, điều quan trọng để lấy được lòng tin và sự trung thành của người tiêu dùng là nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Vì thế, Blockchain sẽ hỗ trợ người dùng cũng như nhà bán lẻ nắm được thông tin về sản phẩm rõ ràng, minh bạch.
Một số ứng dụng của Blockchain trong nông nghiệp
- Quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm.
- Lưu trữ thông tin hàng hóa, quy trình chăm sóc và tiêu chuẩn thực phẩm sạch.
- Truy xuất nguồn gốc sản xuất của nông sản.
Ứng dụng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các vấn đề về bảo mật thông tin, lạm quyền, tham nhũng thường xuyên diễn ra. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm tiết kiệm chi phí, giao dịch nhanh, tối thiểu hóa các rủi ro tài chính… sẽ là lựa chọn tốt nhất.
Một số ứng dụng của Blockchain trong tài chính – ngân hàng:
- Xác thực thông tin khách hàng, khả năng tín dụng mà không cần qua bất cứ trung gian nào.
- Sổ cái kỹ thuật số luôn xác minh, thanh toán và cập nhật những giao dịch một cách liên tục.
- Hệ thống quản lý thông minh cho phép liên tục đổi mới và cải tiến, dựa vào sự đồng thuận của người dùng trong mạng lưới.
- Quản lý và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán do trục trặc kỹ thuật hay vỡ nợ trước khi thanh toán giao dịch.
Xem thêm: Blockchain sẽ thay đổi cục diện ngành ngân hàng như thế nào?
Ứng dụng của Blockchain trong ngành bán lẻ
Một số ứng dụng của Blockchain trong bán lẻ:
- Quản lý hàng hóa qua mã định danh trên hệ thống Blockchain như quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm, thời gian vận chuyển, lưu và tồn kho.
- Theo dõi sự lưu thông của dòng tiền phát sinh từ các giao dịch và hạn chế thiệt hại xảy ra, có biện pháp xử lý khi có vấn đề phát sinh.
- Bảo đảm chất lượng sản phẩm khi nhà sản xuất trao đổi với công ty vận tải.
Ứng dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử (eCommerce)
Thời đại công nghệ số phát triển, các hình thức thương mại trên các nền tảng điện tử như Lazada, Shopee, Tiki,… và thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến. Thế nên, các vấn đề về quản lý chuỗi cung ứng, quy trình vận chuyển hàng hóa, bảo mật,… là rất cần thiết. Vì vậy, việc ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, kết nối các doanh nghiệp và thanh toán trực tiếp trên web,…
Một số ứng dụng của Blockchain trong eCommerce:
- Giám sát và vận hành chuỗi cung ứng.
- Quản lý thông tin, sản phẩm qua số serial hoặc mã QR.
- Quản lý dữ liệu khách hàng.
- Thiết lập hệ thống thanh toán trực tuyến thông minh.
Ứng dụng trong ngành du lịch
Blockchain giúp tối ưu quá trình giao dịch, xử lý thông tin khách hàng với tính bảo mật cao.
Một số ứng dụng của Blockchain trong du lịch:
- Theo dõi hành lý, đặt vé máy bay hay phòng khách sạn.
- Dịch vụ nhận dạng cá nhân.
- Hình thức thanh toán đa dạng từ ví điện tử, tiền điện ảo,…
- Thiết lập các chương trình chăm sóc khách hàng như khách hàng VIP, khách hàng thân thiết.
Ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực viễn thông – truyền thông
Một số ứng dụng của công nghệ Blockchain trong lĩnh vực viễn thông – truyền thông:
- Chống gian lận trong chuyển vùng: Thỏa thuận chuyển vùng giữa các nhà khai thác sẽ rõ ràng hơn, các nút được chỉ định đóng vai trò là trình xác nhận (người khai thác) để xác thực các giao dịch được phát trên mạng.
- Quá trình chuyển đổi 5G: Các quy tắc và thỏa thuận giữa các mạng khác nhau sẽ ở dạng hợp đồng thông minh, tự động kết nối các thiết bị với nhà cung cấp dịch vụ gần nhất và đánh giá sự liên tục của kết nối rồi tính phí dịch vụ.
- Kết nối Internet vạn vật: Tạo ra một hệ sinh thái an toàn hơn để truyền dữ liệu bằng cách tạo các mạng lưới tự quản có độ an toàn cao.
Ứng dụng của Blockchain trong ngành vận tải – xuất nhập khẩu (Logistics)
Blockchain có thể giúp tăng sự hiệu quả trong việc chia sẻ thông tin về quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản sản phẩm tới các bên liên quan. Từ đó, giúp giải quyết những vấn đề thách thức trong logistics như độ trễ trong giao nhận hàng, mất các giấy tờ, chứng từ, sản phẩm không rõ nguồn gốc,…
Các ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực vận tải và logistics :
- Truy xuất nguồn gốc, xác nhận giấy tờ minh bạch, rõ ràng.
- Đóng gói thông minh.
- Kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet để giám sát hành trình vận chuyển cũng như các phương tiện vận chuyển.
- Giúp giảm thiểu và tiết kiệm chi phí nhờ vào hợp đồng thông minh.
Tham khảo thêm:
Kết luận
Vậy là trong bài viết này VnRebates đã giải đáp cho bạn Công nghệ Blockchain là gì và những ứng dụng của nó trong thực tiễn. Nếu các bạn thấy bài viết này có giá trị thì hãy ủng hộ VnRebates bằng cách chia sẻ bài viết này nhé. Chúc các bạn giao dịch thành công!
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ