Đối với hầu hết nhà đầu tư chứng khoán, một Bear Market (thị trường Gấu) đáng sợ như một con gấu xám cao 7 feet – có thể “xóa sổ” toàn bộ thành tựu khó khăn mới đạt được của Bull market.
Tuy nhiên, xu hướng Bear (thị trường đi xuống) là một phần tự nhiên của sự lên xuống và dòng chảy của thị trường tài chính và không phải không có cơ hội cho nhà đầu tư tận dụng lợi thế từ thị trường Gấu để kiếm lời.
Với hầu hết các F0 mới tham gia thị trường chứng khoán giai đoạn 2020 – 2022 chưa từng trải qua hình thái thị trường “gấu” kéo dài này nên chưa có bài học cụ thể nào. Hãy cùng VnRebates tìm hiểu Bear market là gì? Bản chất của thị trường Gấu, nhà đầu tư cần làm gì khi bị thị trường gấu “vả” và liệu có cơ hội làm giàu cho nhà đầu tư từ thị trường Gấu này hay không?
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Bear Market là gì?
1.1 Bear Market hay thị trường Gấu là gì?
Bear Market hay thị trường Gấu được định nghĩa là một khoảng thời gian kéo dài trong đó giá cổ phiếu giảm mạnh một cách đột ngột, liên tục và kéo dài, ít nhất 20% so với mức trung bình lịch sử của chúng.
Một thị trường phải giảm 20% trở lên so với mức cao nhất trong thời gian ít nhất là 2 tháng mới được coi là thị trường gấu. Một khi giá xuống chạm mốc 20% so với trước đó, nó sẽ có xu hướng giảm mạnh, giảm sâu.
Thuật ngữ này thường đề cập đến sự đi xuống của thị trường chứng khoán – cụ thể là một trong những chỉ số chính: Dow Jones, S&P 500 hoặc Nasdaq và VN-index của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng có thể được áp dụng cho bất kỳ tài sản nào khác sụt giảm trong một khoảng thời gian đáng kể.
Hiểu nôm na thì Bear Market xảy ra khi cổ phiếu không ngừng rớt giá trên thị trường chứng khoán, khiến tâm lý sợ hãi và bi quan của các nhà đầu tư lan rộng trên thị trường và thôi thúc họ bán tháo các tài sản đang nắm giữ. Việc này càng khiến cho vòng xoáy đi xuống của giá cổ phiếu càng mạnh hơn.
1.2 Nguồn gốc của thuật ngữ “Bear Market”
Nguồn gốc của thuật ngữ “Bear Market” luôn là đề tài ưa thích của nhiều nhà kinh tế học và từ nguyên học. Rất có thể thuật ngữ này bắt nguồn từ một câu tục ngữ cổ “to sell the bear’s skin before one has caught the bear” (bán da con gấu trước khi bắt được con gấu) có thể hiểu theo nghĩa “bán thứ mà bạn không thực sự sở hữu nó”.
Trong giao dịch da gấu này sẽ xuất hiện những người trung gian giữa thợ săn cho người mua, những người này được xem là những nhà giao dịch trong ngắn hạn đầu tiên.
Sau khi đã tìm kiếm được nguồn khách hàng tiềm năng, những nhà giao dịch ngắn hạn này sẽ mong muốn rằng các thợ săn sẽ giảm giá bán da gấu so với thị trường hiện tại. Nếu điều đó xảy ra, những người trung gian sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận cá nhân từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.
Từ đó, những người trung gian trong giao dịch này được xem như là “gấu”, hay còn gọi “những người đầu cơ da gấu”. Vậy nên, thuật ngữ Bear market ra đời như để diễn tả một sự mong muốn và/hoặc hy vọng về sự giảm sút của thị trường để thu về lợi nhuận cá nhân.
1.3 Ví dụ về những giai đoạn “Bear market” của thị trường chứng khoán Việt Nam
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5/2022, chỉ số VN-Index chính thức bước vào thị trường con gấu (bear market) khi giảm so với đỉnh gần nhất trên 20%.
Tuy nhiên nhà đầu tư bị “gấu vả” không phải chuyện hiếm
Do gắn chặt với nền kinh tế nên thị trường chứng khoán hay phong vũ biểu của nó là chỉ số chứng khoán cũng có tính chu kỳ như nền kinh tế: có lúc tăng trưởng mạnh, có lúc đi ngang và có lúc lao dốc không phanh.
Theo thống kê từ quỹ đầu tư SGI Capital cho thấy, trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 lần sụt giảm mạnh về thị trường gấu:
- Lần 1 vào cuối năm 2012: Chỉ số VN-Index giảm 25% với tâm điểm là cuộc khủng hoảng hệ thống Ngân hàng, nợ xấu lên tới 17%, lãi suất tiền gửi tăng lên 14%/năm, thị trường bất động sản (BĐS) giảm mạnh và mất thanh khoản.
- Lần 2 vào đầu năm 2016: VN-Index giảm 18% dưới áp lực FED tăng lãi suất, dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, kinh tế Trung Quốc suy giảm ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
- Lần 3 vào tháng 3/2020: VN-Index giảm 34% khi đại dịch Covid-19 lan rộng gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Xem thêm: Định giá cổ phiếu đơn giản và hiệu quả với chỉ số P/E – Chỉ số P/E thế nào là tốt?
2. Nguyên nhân, đặc điểm và bản chất của Bear market – thị trường Gấu
2.1 Nguyên nhân dẫn đến thị trường Bear market
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường Gấu, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm những nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất là sự suy thoái nền kinh tế hoặc nền kinh tế tăng trưởng chậm. Có thể nhận thấy giảm tỉ lệ việc làm, thu nhập khả dụng thấp, năng suất thấp và lợi nhuận kinh doanh giảm là dấu hiệu dễ nhận biết của một nền kinh tế giảm sút.
- Nguyên nhân thứ hai có thể là thị trường tăng trưởng nóng, nhiều cổ phiếu có giá thị trường vượt xa nhiều giá trị nội tại, tạo ra các bong bóng tài sản. Đó có thể xuất phát từ khủng hoảng của một ngành quan trọng nào đó trong nền kinh tế như bất động sản, hay thị trường tài chính.
- Nguyên nhân thứ ba, bất kì sự can thiệp nào của Chính phủ vào nền kinh tế cũng có thể kích hoạt sự xuất hiện của thị trường gấu. Cụ thể, đó có thể là sự thay đổi chính sách đột ngột của một Ngân hàng Trung ương quan trọng như Fed, hay có thể là một đại dịch hay khủng hoảng địa chính trị.
- Nguyên nhân thứ tư khởi phát từ các nhà đầu tư. Sự sụt giảm niềm tin của các trader cũng có thể báo hiệu cho Bear Market sắp diễn ra. Nhìn chung, vào thời điểm thị trường giảm sâu sẽ khiến cho tâm lý nhà đầu tư bắt đầu lo sợ, khi đó họ tin rằng một sự kiện bất lợi sắp xảy ra. Và điều tất yếu để bảo vệ lợi ích của mình họ sẽ tìm cách bán bớt cổ phiếu để tránh thua lỗ. Điều đó đã góp phần làm cho thị trường càng giảm mạnh hơn.
2.2 Đặc điểm của Bear Market
- Tâm lý bi quan của các nhà đầu tư: Họ quyết định bán tháo các khoản đầu tư hiện tại hoặc ngừng mua them, khiến cho nguồn cung cổ phiếu có sẵn tăng lên và làm giảm giá.
- Giá trị cổ phiếu sụt giảm: Các công ty niêm yết có giá trị ít hơn trên giấy tờ do giá cổ phiếu của họ thấp hơn.
- Tâm lý nhà đầu tư chuyển sang tiêu cực: Sự đồng thuận là thị trường đã ngừng tăng trưởng và sẽ không sớm tăng giá. Các nhà đầu tư chuyển tiền sang các tài sản an toàn hơn và ổn định hơn, như Trái phiếu Kho bạc hoặc vàng.
- Lợi nhuận của các công ty giảm sút: Người tiêu dùng mua ít đi, nhà đầu tư mất niềm tin, lợi nhuận của công ty giảm đi hoặc hoạt động kinh doanh đình trệ.
3. Xu hướng của Bear market – thị trường Gấu tồn tại trong bao lâu?
Không có thời gian chính xác về việc Bear market tồn tại trong thời gian bao lâu. Các nhà đầu tư phân biệt giữa thị trường gấu “cyclical – theo chu kỳ” và “secular – thế tục”, các thị trường này khác nhau về khung thời gian. Thị trường Gấu theo chu kỳ có xu hướng ngắn hạn thường kéo dài vài tháng. Còn thị trường Gấu “thế tục” có thể kéo dài từ 5 đến 25 năm.
Xu hướng giảm giá của thị trường bao gồm ba thời kỳ, cụ thể như sau:
3.1 Thời kỳ đầu tiên: Phân bổ
Thời kỳ này thực ra bắt đầu ở giai đoạn cuối của Bull market trước đó (Bull market dùng để chỉ thị trường theo chiều hướng lên). Giai đoạn này được đặc trưng bởi giá cao và tâm lý nhà đầu tư lạc quan.
Vào giai đoạn này, các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm đều nhận thấy rằng, doanh thu và các chỉ số kinh doanh nói chung của các cổ phiếu họ đang nắm giữ đều đang đạt mức cao không bình thường. Khi đó, các nhà đầu tư thường muốn nhanh chóng thoát khỏi vị thế mua trong thời điểm này. Nói ngắn gọn lại là, các nhà đầu tư bắt đầu rút khỏi thị trường và thu lợi nhuận.
Tuy vậy, khối lượng giao dịch ở thời kỳ này vẫn rất cao mặc dù đã có những dấu hiệu của xu hướng giảm. Lý do được cho là vì nhà đầu tư vẫn rất “năng động” nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu lo lắng và cũng không còn nhiều kỳ vọng kiếm lợi nhuận.
3.2 Thời kỳ thứ hai được gọi là thời kỳ “hỗn loạn”
Vào thời kỳ này, số lượng người mua bắt đầu giảm dần. Các giao dịch và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm theo. Trên các thị trường lớn, các chỉ số kinh tế chính cũng bắt đầu giảm dưới mức trung bình.
Cũng trong cùng thời điểm, những người bán bắt đầu trở lên nôn nóng muốn bán đi những cổ phiếu mình đang nắm giữ. Xu thế giảm giá bắt đầu tăng mạnh, điều này thể hiện rõ nét trên đồ thị giá khi đường mô tả giá cả sẽ gần như dốc thẳng xuống và khối lượng giao dịch đạt đến mức đỉnh điểm.
Giai đoạn này được đặt tên là hỗn loạn. Nguyên nhân là vì sự sụt giảm thường xảy ra rất trầm trọng, thậm chí là mức độ vượt quá cả hoàn cảnh bất lợi thực tế của các doanh nghiệp.
Giai đoạn hỗn loạn có thể được nối tiếp bằng giai đoạn hồi phục (một dạng xu thế cấp hai) hoặc một giai đoạn dao động ngang của đồ thị thị trường trong một thời gian tương đối dài. Nếu giá đi ngang thì có nghĩa là các dao động không có hướng đi lên hay đi xuống mà là dao động trong một khoảng cố định theo chiều ngang của thị trường. Diễn biến tâm lý thị trường ở giai đoạn này đó là một bộ phận trader bắt đầu bị chán nản.
Họ cũng chính là những nhà đầu tư đã cố gắng nắm giữ cổ phiếu qua thời kỳ hỗn loạn trước đó.
Họ cũng có thể là những người đã mua cổ phiếu trong thời kỳ đó với tâm lý “bắt đáy”. Họ có thể chính là các nhà đầu cơ bắt đầu tham gia vào thị trường, dẫn đến giá và khối lượng giao dịch tăng ít.
Nhìn chung vào giai đoạn này, thông tin về các doanh nghiệp ngày càng xấu đi. Kết thúc giai đoạn này mới bước vào thời kỳ thứ ba.
3.3 Thời kỳ thứ ba, cả thị trường chỉ tập trung vào giao dịch một số loại cổ phiếu
Vào thời kỳ này, xu thế đi xuống trên thị trường đã yếu dần. Tuy nhiên, các lệnh bán vẫn còn nhiều và “nỗi buồn” cùng sự lo lắng của những nhà đầu tư vẫn thể hiện rõ nét trên thị trường. Lý do cực kỳ đơn giản, họ đang có nhu cầu về tài chính cho những mục đích riêng thay vì kiên nhẫn chờ giá tăng trở lại.
Các nhà đầu tư gần như khủng hoảng vì các cổ phiếu đều giảm đến mức thấp nhất. Thậm chí có những cổ phiếu còn gần như mất hoàn toàn giá trị. Vào thời điểm này, những cổ phiếu có chất lượng cao hầu như không được giao dịch vì những người sở hữu chúng đều muốn nắm giữ đến cùng.
Ở giai đoạn cuối của Bear Market, như một kết quả của toàn bộ thời kỳ giảm giá trước, cổ phiếu tiếp tục giảm, nhưng chậm đi. Gần như cả thị trường chỉ tập trung vào giao dịch một số loại cổ phiếu chất lượng cao.
Nhìn chung, vào cuối giai đoạn này, khi giá chứng khoán đã thấp đến đáy và các tin tốt bắt đầu thu hút các nhà đầu tư trở lại thị trường. Thị trường giá xuống dần chuyển thành thị trường giá lên, tức là Bear market đang chuyển hóa dần Bull market.
Đơn giản là vì Bear Market kết thúc tất cả với những tin xấu về các doanh nghiệp, về thị trường ở mức có thể coi là tồi tệ nhất đã thể hiện ra và có thể xảy đến cho các nhà đầu tư.
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
4. Nhà đầu tư cần làm gì khi thị trường bị “gấu vả”?
Câu hỏi này chỉ đặt ra với những nhà đầu tư trung hạn- dài hạn, bởi với những người mua đi bán lại thường xuyên với nguyên tắc cắt lỗ (stop loss) thì phần lớn họ sẽ không đợi đến mức giảm 20%.
Trước khi muốn đầu tư trong thị trường Bear Market, nhà đầu tư cần lưu ý: trong Bear Market: TĂNG là ĐIỀU CHỈNH và GIẢM là TIẾP DIỄN XU HƯỚNG.
Như các bạn đã biết, không ai có thể dự báo chính xác thị trường, nhất là thị trường Gấu có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào khi khả năng thị trường sụt giảm.
Có thể Bear market là “bad news” với nhiều nhà đầu tư nhưng không phải tất cả các nhà đầu tư đều kiên quyết đứng ngoài, đôi khi những người chấp nhận đứng ngoài cuộc trong thập kỷ qua đã bỏ lỡ một trong những cơ hội gia nhập thị trường tăng trưởng đáng giá nhất trong lịch sử.
4.1 Biết cách tận dụng lợi thế thị trường Gấu – Hoảng loạn và bán tháo là cơ hội đầu tư tốt
Tâm lý và quan điểm của nhà đầu tư sẽ quyết định rằng thị trường sẽ tăng hay giảm khi các hành vi của thị trường bị tác động. Hiệu suất của thị trường chứng khoán và tâm lý của các trader phụ thuộc lẫn nhau.
Nhìn chung, sự sụt giảm của giá cổ phiếu góp phần làm ảnh hướng đến tâm thế của các nhà đầu tư, khiến họ ồ ạt rút tiền ra khỏi thị trường. Việc này kéo dài khiến cho thị trường chứng khoán đã ảm đạm càng trở nên u ám.
Rất nhiều tài khoản nhà đầu tư đã giảm rất mạnh và mất đi toàn bộ lãi và cả một phần tiền gốc trong 2 năm tăng 2020-2021. Nhiều nhà đầu tư đang rơi vào tâm lý hoảng loạn và bán tháo tài khoản bằng mọi giá, trong đó có cả những cổ phiếu rất tốt và rẻ.
Trong thời gian Bear market, các nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao bởi giá cả không ngừng đi xuống và khó để xác định được đâu là điểm tận cùng.
Tuy nhiên, thị trường Gấu vẫn có thể đem đến cho nhà đầu tư những cơ hội tuyệt vời. Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp và có chút mạo hiểm thì thị trường Gấu là cơ hội vàng để mua vào. Vì lúc này, cổ phiếu của các công ty vốn có giá cao trên thị trường đang sụt giảm, đôi lúc là ngang hàng với các công ty khác và rơi vào mức giá rất hấp dẫn người mua.
Thực tế là dù bạn có tham gia vào thị trường chứng khoán hay không, thì khi Bear Market xảy ra thì đó không phải là điều tốt đẹp đang chờ đón. Bởi Bear market không chỉ gây ra suy thoái kinh tế mà còn dẫn đến khủng hoảng cục bộ ở một quốc gia, một khu vực, hay thậm chí là toàn cầu.
Không ai đoán trước được tương lai và dù thế nào đi nữa cuộc sống vẫn luôn mang lại cho ta những điều tốt đẹp, và thị trường tài chính cũng không phải ngoại lệ. Nếu bạn kiên nhẫn tìm kiếm những mối đầu tư lợi nhuận từ Bear market thì không lâu sau đó Bull market sẽ giúp bạn đạt được nhiều điều bất ngờ.
4.2 Thị trường phi lý hãy hành động hợp lý – Bình tĩnh khi đưa ra quyết định đầu tư
Kể cả đối với các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm nhất thì việc đầu tư trong tình trạng thị trường xuống giá vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Dưới đây là một số tip được các chuyên gia khuyến nghị khi đầu tư ở thị trường gấu:
- Kiểm soát được cảm xúc của bản thân: Khi thị trường rơi vào trạng thái con gấu, sẽ có những nhà đầu tư bắt đầu hoang mang và thậm chí bị hoảng loạn. Do đó, nếu không kiểm soát được cảm xúc bạn dễ đưa các quyết định sai lầm: bán tháo cổ phiếu hay “bắt dao rơi” với những cổ phiếu vừa tăng trưởng nóng trong thời gian trước.
- Bạn đừng nên bị tình trạng bán tất cả các khoản đầu tư của mình cùng một lúc cám dỗ. Nếu bạn muốn hoặc cần bán cổ phiếu của mình, hãy xem xét chỉ bán 10% mỗi lần và đánh giá lại vị thế của bạn mỗi lần trước khi bán. Để chế ngự cảm xúc và vượt qua giai đoạn khó khăn với những đợt “gấu vả” là tắt bảng điện, không thường xuyên theo dõi danh mục đầu tư nữa và dành thời gian cho các hoạt động khác.
- Nhìn vào khung thời gian dài hơn với kế hoạch dài hơi. Bởi vì nhìn ở khung thời gian dài hơn, nếu nhìn chỉ số ở khung tuần hay tháng thì sẽ thấy những biến động theo ngày trở nên nhỏ bé hơn nhiều. Cụ thể, các nền kinh tế có tăng trưởng thì chỉ số chứng khoán về dài hạn luôn tăng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường bị “gấu vả” sẽ đến một lúc nào đó kết thúc và hồi phục tăng trưởng trở lại.
- Ở thời điểm hiện tại, Kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ở giai đoạn vững vàng và ổn định nhất 15 năm qua và triển vọng KD của nhiều DN cũng rất sáng trong 1-3 năm tới. Do đó, theo chuyên gia đây không phải lúc các nhà đầu tư dài hạn hoảng loạn mà nên lên kế hoạch cho 1 năm tới để tận dụng thật tốt cơ hội mới.
- Bám vào mặt hàng chủ lực: Các công ty đã cung cấp cổ tức trong thời kỳ suy thoái trước đây hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà mọi người cần ngay cả khi nền kinh tế tồi tệ – thực phẩm hoặc tiện ích – thường giữ giá trị hoặc thậm chí tăng lên.
- Nhìn vào những cổ phiếu đang giảm giá: Thị trường Gấu là thời cơ thích hợp để bargain hunting – mua với giá hời. Về cơ bản, các công ty hoạt động tốt có thể tạm thời bị suy yếu, cổ phiếu của họ bị cắt giảm bởi “móng vuốt” của con gấu. Bởi, nếu lịch sử có tính tham khảo thì đầu tư vào những giai đoạn thị trường bị “gấu vả” là một chiến lược thông minh trong trung và dài hạn, vì nhà đầu tư sẽ mua được nhiều cổ phiếu ở mức giá tốt, và chờ đợi thành quả ở chu kỳ tiếp theo.
Xem thêm: 7 cuốn sách tâm lý giao dịch hay nhất gối đầu giường của mọi Trader thành công
Kết luận
Qua bài viết trên, VnRebates đã chia sẻ cùng bạn Bear market là gì, đặc điểm và bản chất của thị trường này cũng như những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư trong Bear market. Nhìn chung, Bear market là rủi ro nhưng cũng có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư thông minh và kiên nhẫn.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư đã phải hối tiếc khi lựa chọn đứng ngoài cuộc và bỏ lỡ một trong những cơ hội “vàng” để đầu tư. Còn nếu bạn chọn đầu tư thì chúng tôi khuyên bạn hãy bình tĩnh và sáng suốt để có những quyết định giao dịch chính xác.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ