VNREBATES

3 điều Sam Saiden đã sai về vùng cung cầu

14.09.2021, 06:00 13 phút đọc

Những quan điểm về cung và cầu của Sam Saiden được anh đưa ra khi làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán Chicago. Anh đã đưa ra kết luận dựa trên quan sát của mình về hành vi của các khách hàng lớn, cụ thể là các ngân hàng. Do đó, các nhận định của anh dường như mang tính chủ quan và chưa thực sự đúng.

Nếu anh em sử dụng vùng cung cầu, hay sử dụng các chiến lược giao dịch với cung và cầu, hẳn là anh em đã biết về Sam Saiden. Anh là người đã tạo ra chiến lược cung và cầu vào năm 2010, sau đó anh mở trang web của mình để hướng dẫn và cung cấp kiến thức cho các nhà giao dịch trên toàn thể giới về cách giao dịch với vùng cung cầu.

1. Quan điểm của Sam Saiden về vùng cung cầu

Bất cứ nhà giao dịch nào quan tâm và tìm hiểu về Sam Saiden cũng đều biết anh đến với giao dịch cung và cầu khi đang là nhân viên tại thị trường chứng khoán Chicago. Công việc của anh là thực hiện các giao dịch thay mặt cho các ngân hàng và các tổ chức lớn – những tổ chức giống như một nhà tạo lập thị trường nhưng mang tính cá nhân.

Sam Saiden

Chân dung Sam Saiden – tác giả của phương pháp giao dịch dựa theo cung và cầu

Trong thời gian này, anh đã quan sát hành vi của các ngân hàng và các tổ chức này, tổng hợp chúng lại và đưa ra các quan điểm của bản thân về xu hướng giao dịch của họ ở các mức giá cụ thể, nơi mà chúng ta thường gọi là vùng cung cầu.

Ở vị trí của Sam, anh có nhiều công cụ hỗ trợ để tìm ra các vùng cung cầu, cũng như phát hiện ra các giao dịch cung cầu. Tuy nhiên, anh ấy đã tổng hợp từ kinh nghiệm của mình để hướng dẫn mọi người về chiến lược này với 3 đặc điểm:

  • Các ngân hàng đặt lệnh chờ tại sẵn tại các khu vực cung cầu để làm cho giá đảo ngược
  • Các khu vực cũ có khả năng gây ra sự đảo ngược
  • Các khu vực mà giá di chuyển mạnh có nhiều khả năng đảo ngược hơn so với những khu vực giá chuyển động ít

Nghe có vẻ những điều này khá là đúng, thế nhưng sau khi tìm hiểu và tổng hợp quan điểm từ một số tác giả, mình đã đồng ý với họ rằng thật ra những điều trên dường như không có ý nghĩa gì cả, và thậm chí nó có thể khiến cho chúng ta mắc sai lầm trong giao dịch.

Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Sam Saiden và cho rằng anh hoàn toàn sai lầm. Anh vẫn là người đã đưa ra phương pháp giao dịch với cung và cầu, từ đó chúng ta mới có thể ở đây để rút kinh nghiệm và xây dựng nó trở nên hoàn thiện hơn.

Chúng ta cần xem xét lại rằng thị trường thực sự hoạt động như thế nào và tại sao Sam lại tin vào những điều trên. Từ đó, chúng ta cũng sẽ phân tích xem tại sao Sam đã hiểu sai, và chúng ta có thể thay thế những dữ kiện này như thế nào.

2. Tại sao 3 quan điểm trên của Sam Saiden có thể là sai lầm

2.1. Các ngân hàng có thật sự đặt lệnh chờ tại vùng cung cầu khiến giá đảo chiều?

Sam Saiden cho biết các ngân hàng sẽ thực hiện các giao dịch của họ ở một vị trí thích hợp khiến giá đảo ngược, tạo ra vùng, sau đó khiến cho giá trở lại vị trí đó một lần nữa để thực hiện các giao dịch còn lại với các lệnh chờ sẵn. Lý do họ phải làm như vậy là vì không có đủ lệnh để thực hiện tất cả các giao dịch trong một lần.

Giải thích rõ hơn về ý nghĩa của quan điểm này, anh em có thể hiểu như sau:

Các ngân hàng thực hiện giao dịch của họ ở một mức giá cụ thể, tạo ra vùng cung và cầu. Và bởi vì cách hoạt động của thị trường, họ không bao giờ có đủ đơn đặt hàng để thực hiện tất cả khối lượng giao dịch mong muốn trong một lần (không đủ người bán cho họ mua, hoặc không đủ người mua lượng họ muốn bán). Vì vậy họ buộc phải chờ đợi giá quay trở lại khu vực đó một lần nữa để thực hiện nốt giao dịch của mình.

Về tổng thể, Sam nói đúng về cách các ngân hàng phải thực hiện giao dịch 2 lần. Tuy nhiên, anh đã sai ở cách giao dịch của họ trong lần thứ 2, do đó anh đã cung cấp cho mọi người cách giao dịch theo vùng cung cầu không chính xác.

Khi các ngân hàng giao dịch bổ sung lần thứ 2, Sam cho rằng họ đặt sẵn các lệnh chờ ở một mức giá cụ thể (chẳng hạn các lệnh buy limit, sell limit). Anh cho biết họ sẽ đặt sẵn các lệnh ở mức giá mà họ đã thực hiện giao dịch đầu tiên, và khi giá quay trở lại đó, các lệnh của họ được khớp và sự đảo ngược lại xảy ra.

Xem thêm: Buy limit là gì? Bạn đã hiểu thế nào về các lệnh Pending Order

Trên thực tế, các ngân hàng không sử dụng lệnh chờ trên thị trường, lý do đơn giản là vì nó rất rủi ro.

Các ngân hàng phải thực hiện các giao dịch bổ sung lần 2 là do ở lần 1, sự đáp ứng của thị trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ. Vậy ở lần bổ sung này, nếu đặt sẵn các lệnh chờ thì họ cũng không thể đảm bảo được trong tương lai thị trường có thể đáp ứng được nhu cầu còn thiếu đó.

Họ không có cách nào biết được điều đó, và nếu thị trường không đáp ứng được hết các lệnh chờ của họ, có nghĩa là họ đã lãng phí thời gian và nguồn lực của mình mà không nhận lại được kết quả. Tình trạng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến thiệt hại khá lớn, do đó họ không thể mạo hiểm làm như vậy.

Vậy, họ sẽ làm thế nào ở lần giao dịch bổ sung? Câu trả lời là sử dụng lệnh thị trường, giao dịch ngay lập tức tại giá thị trường ở thời điểm hiện tại thay vì đặt lệnh chờ. Bằng cách này, các ngân hàng có thể xem xét điều kiện thị trường hiện tại để có khối lượng giao dịch chính xác mà không làm dư thừa hay lãng phí nguồn lực của mình.

Với các lệnh thị trường, ngân hàng có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các vị trí giao dịch của mình và tác động của chúng đối với thị trường. Họ có thể điều chỉnh các giao dịch của mình dựa vào điều kiện cụ thể thay vì mạo hiểm với các lệnh chờ.

Và một điều quan trọng khác, với lệnh thị trường giao dịch ngay tức khắc, các ngân hàng sẽ không để cho các nhà giao dịch khác biết được vị trí vào lệnh của mình. Với các lệnh chờ, các tổ chức hay các nhân khác có thể nhận biết được và sử dụng chúng làm thông tin để tác động đến thực tế thị trường, gây bất lợi cho họ.

2.2. Sự đảo ngược có thực sự luôn xảy ra ở các khu vực cung cầu cũ?

Nếu đã học được cách xác định vùng cung cầu trên biểu đồ, anh em có thể thấy các vùng cung cầu cũ gần như luôn luôn xuất hiện sự đảo ngược. Nhưng, điều mình muốn nói đến ở đây là liệu những sự đảo ngược đó có thực sự bị đảo ngược bởi vùng cung cầu.

Sam Saiden nói rằng các khu vực cung cầu cũ có khả năng gây ra đảo ngược nhiều như các khu vực mới. Quan điểm này của anh xuất phát từ kinh nghiệm khi còn làm ở sàn chứng khoán, anh thường thấy các ngân hàng đặt lệnh của họ xung quanh các khu vực cũ, do đó các khu vực này sẽ tiếp tục gây ra sự đảo ngược.

Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ cũng hợp lý, vì thực tế trên biểu đồ chúng ta thường xuyên thấy sự đảo ngược tại các vùng cung cầu cũ. Tuy nhiên, trên thực tế mọi thứ không thực sự là như vậy.

Mặc dù giá đúng là có sự đảo ngược tại các khu vực cung cầu cũ, nhưng nó không bị đảo ngược bởi cung cầu mà là một tác động khác, một số khái niệm kỹ thuật nào đó chứ không liên quan đến động lực cung cầu của thị trường.

Theo như Sam Saiden, các ngân hàng đặt lệnh của họ ở các vùng cung cầu cũ. Nhưng thông thường thị trường mất một khoảng thời gian khá dài để quay trở lại các vùng đó, nên nếu làm như vậy họ phải chờ đợi rất lâu, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm trời.

Câu hỏi là tại sao các ngân hàng phải chờ đợi lâu như vậy để giao dịch? Nếu các ngân hàng còn dư giao dịch, họ sẽ thực hiện chúng càng sớm càng tốt vì để lượng tiền của họ “chết” cũng chính là thiệt hại. Họ sẽ giao dịch ngay khi có cơ hội chứ không chờ đợi vào một thời điểm mà không ai biết chính xác là khi nào.

Vậy nên, khi giá đảo ngược tại các khu vực cũ, đó không hẳn là do thay đổi về cung cầu vì các ngân hàng, các tổ chức lớn không tham gia nên cung cầu không có sự tác động đột ngột. Những sự đảo ngược tại đây có thể là kháng cự / hỗ trợ thông thường, hoặc do tin tức, hoặc tác động nào đó khác mà chúng ta cần theo dõi từng thời điểm để biết chuyện gì xảy ra.

Xem thêm: Giới thiệu phương pháp giao dịch Forex đảo ngược

Qua những phân tích này, chúng ta cũng có thể rút ra rằng những vùng cung cầu đã cũ thường không mang lại hiệu quả cao nếu giao dịch theo phương pháp này, do đó anh em chỉ nên sử dụng những vùng cung cầu càng gần đây càng tốt để có kết quả tốt nhất.

Nếu anh em không chắc liệu một khu vực đã cũ hay chưa, anh em có thể tham khảo công thức xác định như sau:

  • Đối với biểu đồ 1 hút, 5 phút, 15 phút: các vùng cách đây quá 1 ngày có thể tính là đã cũ.
  • Đối với biểu đồ 30 phút, 1 giờ, 4 giờ: quá 20 ngày được xem là cũ.
  • Biểu đồ hàng ngày: một vùng là cũ nếu cách đây từ 3 tháng.

2.3. Giá di chuyển mạnh có thực sự khiến vùng cung cầu hoạt động tốt hơn?

Sam Saiden cho rằng các khu vực hoạt động tốt nhất là những khu vực được hình thành sau một bước chuyển biến mạnh mẽ của giá, giống như ví dụ dưới đây.

Sam Saiden cho rằng vùng giá chuyển động mạnh là vùng cun cầu hoạt động tốt

Sam Saiden cho rằng vùng giá chuyển động mạnh là vùng cung cầu hoạt động tốt

Sam Saiden nói rằng những khu vực như thế này có xác suất gây ra sự đảo chiều cao hơn bình thường, bởi vì trong khi giá chuyển động quá nhanh, các ngân hàng không ứng biến kịp, và không kịp thực hiện hết các giao dịch của họ, do đó họ sẽ còn một khối lượng lớn các lệnh được đặt sẵn tại khu vực kết thúc đợt biến động và sẽ khiến giá đảo chiều tại đó.

Đây cũng là một quan điểm hợp lý của Sam Saiden, tuy nhiên sai lầm của anh cũng chính là những gì chúng ta đã phân tích ở phần trước. Các ngân hàng không sử dụng lệnh chờ để thực hiện giao dịch, mà họ sử dụng lệnh thị trường ngay tại thời điểm phù hợp.

Vì lý do đó, việc giá có khả năng đảo chiều cao sau khi kết thúc đợt biến động lớn là không hợp lý. Bởi vì các ngân hàng không hề đặt sẵn giao dịch của họ, và cũng không có gì chắc chắn rằng họ sẽ giao dịch với lệnh thị trường tại đó nên không có gì chắc chắn rằng khu vực đó có hoạt động hiệu quả như một vùng cung cầu.

Vậy câu hỏi đặt ra là, trong điều kiện nào thì vùng cung cầu sẽ hoạt động tốt nhất? Đó là các khu vực mà trước đó đã có quá trình tăng giá hoặc giảm giá kéo dài, tức là sự biến động của giá diễn ra chậm rãi và kéo dài chứ không phải những biến động mạnh và nhanh chóng, giống như ví dụ dưới đây:

Vùng cầu thật sự hoạt động tốt khi trước đó có đợt giảm kéo dài

Vùng cầu thật sự hoạt động tốt khi trước đó có đợt giảm kéo dài

Để giải thích cho vấn đề này, anh em có thể hiểu đơn giản như sau:

Mỗi khi các ngân hàng thực hiện giao dịch với khối lượng cực lớn để tạo ra vùng cung cầu, họ cần điều kiện thị trường đáp ứng được những giao dịch của họ với khối lượng tương ứng theo hướng ngược lại.

Ví dụ, khi họ thực hiện giao dịch mua, họ cần phải có lượng người bán vô cùng lớn để đáp ứng nhu cầu. Và trong một quá trình giảm kéo dài mà chúng ta đang xét, càng ngày sẽ có càng nhiều người bán ra để nắm bắt theo xu hướng giảm đang rất mạnh mẽ. Và khi khối lượng bán ra lớn đến mức đáp ứng đủ nhu cầu các ngân hàng, đó sẽ là lúc họ thực hiện lệnh mua và khiến giá đảo chiều tăng lên.

Nói chung, phải trải qua một quá trình tăng hoặc giảm kéo dài thì thị trường mới có đủ động lượng để đáp ứng lại giao dịch của ngân hàng. Khi đó, vùng cung cầu mới thực sự hình thành theo đúng nghĩa và có thể khiến giá đảo chiều.

3. Tổng kết

Qua bài viết hôm nay, điều chúng ta cần bàn luận không phải là sai lầm của Sam Saiden. Anh làm việc trong sàn giao dịch nên chỉ có những nhận định theo góc nhìn của mình, do đó còn những thiếu sót cũng là điều dễ hiểu.

Điều mà chúng ta cần quan tâm là rút ra được những bài học từ thiếu sót của anh, để hiểu được bản chất và cách sử dụng đúng của những vùng cung cầu.

Nếu anh em đang thua lỗ vì sử dụng những vùng cung cầu đã quá cũ, hãy ngưng sử dụng chúng và tập trung vào các khu vực mới hơn.

Nếu anh em thường xuyên thực hiện giao dịch ở các khu vực giá chuyển động mạnh mà không thấy hiệu quả, hãy tập trung vào các khu vực mà trước đó có quá trình tăng hoặc giảm tích lũy dài.

Và điều quan trọng nhất, anh em hãy tập luyện và thực hành thường xuyên để thành thạo phương pháp sử dụng vùng cung cầu hay bất cứ phương pháp nào khác, và biến nó thành vũ khí giúp anh em kiếm được lợi nhuận một cách đều đặn trên thị trường. Cũng đừng quên cập nhật kiến thức mới mỗi ngày cùng VnRebates để đa dạng hóa các chiến lược của mình nhé.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

Xem thêm: Các bước xây dựng chiến lược giao dịch Forex hiệu quả

VnRebates tổng hợp

Theo priceactionninja.com

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.