ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Ý nghĩa và tầm quan trọng của Thông tư 42 đối với thị trường ngoại hối

18.08.2020, 13:00 15 phút đọc

Thông tư 42 ra đời với chủ trương chấm dứt cho vay ngoại tệ nhằm hạn chế tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế cũng như ổn định thị trường ngoại hối. Qua đó, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

Thông tư 42 ra đời với chủ trương chấm dứt cho vay ngoại tệ nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế cũng như ổn định thị trường ngoại hối. Qua đó, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

Trong bài viết này, Vnrebates sẽ cung cấp cho bạn những quy định cụ thể được đưa ra trong Thông tư 42 cũng như phân tích những ý nghĩa và tầm quan trọng của Thông tư 42 đối với thị trường ngoại hối trong tương lai.

Thông tư 42 về cho vay ngoại tệ (Ảnh Internet)

Ngày 28/12/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng các hoạt động cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, từ ngày 01/4/2019, thực hiện theo Thông tư 42 các ngân hàng cũng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với các doanh nghiệp để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng VND.

Những quy định cụ thể liên quan đến hoạt động cho vay ngoại tệ tại Thông tư 42

Theo quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải dừng tất cả các hoạt động cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước.

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này. 

Các quy định cụ thể như sau:

Quy định về các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau:

a) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 31 tháng 03 năm 2019;

b) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

c) Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30 tháng 09 năm 2019;

d) Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

đ) Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ;

e) Cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngoài quy định tại khoản 1. Điều này thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 4 Thông tư này đối với từng trường hợp cụ thể.

Quy định về đồng tiền trả nợ

1. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ mà tại thời điểm trước khi ký kết hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thẩm định khách hàng vay có đủ nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay:

a) Khách hàng vay bằng loại ngoại tệ nào phải trả nợ gốc và lãi vốn vay bằng loại ngoại tệ đó; trường hợp trả nợ bằng loại ngoại tệ khác được thực hiện theo thoả thuận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật liên quan;

b) Trường hợp khi đến hạn trả nợ vay, khách hàng vay chứng minh được do nguyên nhân khách quan dẫn đến nguồn ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay bị chậm thanh toán, khách hàng vay không có hoặc chưa có đủ ngoại tệ để trả nợ vay, khách hàng vay được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay hoặc tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để trả nợ vay.

  • Trường hợp khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phải bán ngoại tệ cho khách hàng.
  • Trường hợp khách hàng vay mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay. Khách hàng vay phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã bán ngoại tệ trong trường hợp nhận được ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ mà tại thời điểm trước khi ký kết hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thẩm định khách hàng vay không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay:

Khách hàng vay được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay hoặc tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để trả nợ vay.

  • Trường hợp khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phải bán ngoại tệ cho khách hàng.
  • Trường hợp khách hàng vay mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của Thông tư 42 đối với thị trường ngoại hối

Trước khi Thông tư 42 được đưa ra, cho vay ngoại tệ với mức lãi suất tương đối thấp so với các khoản vay nội tệ nhằm đạt được các mục đích như: góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn so với vay VND, từ đó hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ sẽ dẫn đến 2 vấn đề: một là, tỷ lệ vay ngoại tệ trên tổng dư nợ hay chính là đô la hóa tiền vay vẫn hiện hữu trong nền kinh tế; hai là tạo áp lực tới thị trường ngoại hối khi các khoản vay bằng ngoại tệ đến hạn phải trả.

Về nguyên lý, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chỉ cho các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ vay nhưng sự cân xứng các dòng tiền ngoại tệ vào ra tại một số thời điểm nhất định nào đó (thường vào cuối năm) cũng có thể gây ra căng thẳng cho thị trường.

Thông tư 42 thể hiện động thái của NHNN nhằm thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chủ trương “chuyển hoàn toàn từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ” nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa tiền vay trong nền kinh tế.

Thông tư 42 có hiệu lực sẽ góp phần ngăn chặn sự mở rộng đối với hoạt động cho vay ngoại tệ của các Ngân hàng thương mại (NHTM) khi đối tượng vay ngoại tệ chỉ là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và chỉ được phép vay ngắn hạn. Nói cách khác, đối tượng được vay ngoại tệ và thời hạn của khoản vay ngoại tệ đã bị thu hẹp đáng kể.

Những quy định trong Thông tư 42 so với các phiên bản trước đây có ý nghĩa tích cực đối các doanh nghiệp kể cả nhập khẩu và xuất khẩu. Thực tế, Thông tư 42 chỉ hạn chế hoạt động vay ngoại tệ ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước và hoạt động cho vay ngoại tệ dài hạn nói chung. Các hoạt động vay ngắn hạn ngoại tệ để sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu vẫn triển khai bình thường và không bị giới hạn thời gian hiệu lực.

NHNN giới hạn lại hay thu hẹp lại nhu cầu cũng như đối tượng cho vay trong Thông tư 42 sẽ góp phần giảm tình trạng đô la hóa tiền vay trong nền kinh tế. Tức là giảm tỷ lệ dư nợ cho vay bằng ngoại tệ/tổng dư nợ cho vay. Động thái này còn góp phần nâng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định hơn thị trường tài chính Việt Nam.

Những vấn đề tồn tại liên quan đến Thông tư 42 và giải pháp

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất trong nước, việc không được vay ngoại tệ với lãi suất thấp có thể sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên đôi chút.  Vì vậy giải pháp ở đây là doanh nghiệp đó phải hoạt động một cách có hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn để từ đó giảm bớt các chi phí khác. Đó cũng được xem là sự chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chủ động tìm nguồn vốn giá rẻ từ các công cụ tài chính khác như phát hành trái phiếu, tận dụng vốn của các đối tác thương mại để không rơi vào tình thế khó khăn khi ngân hàng chấm dứt hoàn toàn vay ngoại tệ.

Đối với bên cho vay là các NHTM: khi tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ còn 0%, nghĩa là việc huy động ngoại tệ tương đối khó khăn hơn so với trước đây và các NHTM không nên mong chờ các chủ trương thay đổi lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy nếu NHTM vẫn tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ thì có thể dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa tài sản có và tài sản nợ của ngân hàng. Trong trường hợp tỷ giá thay đổi hay biến động mạnh, các NHTM chắc chắn gặp rủi ro nếu không áp dụng những chiến lược phòng ngừa rủi ro cho hiệu quả. 

Thực tế, để hỗ trợ các doanh nghiệp khi không còn được vay ngoại tệ, ngân hàng thương mại đã và đang có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cụ thể như việc chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ thì việc giữ ổn định tỷ giá như hiện nay cũng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mua bán thuận lợi.

Khi chấm dứt vay ngoại tệ, điều cần quan tâm nhất là trạng thái ngoại tệ cân đối, hài hòa để doanh nghiệp sẵn sàng mua bán ngoại tệ”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Trên thị trường tài chính hiện nay, nhiều ngân hàng đã có những động thái chuẩn bị sẵn sàng cho doanh nghiệp chuyển đổi khoản vay sang VND sau đó mua lại ngoại tệ theo tỷ giá tại thời điểm vay tiền đồng để có ngoại tệ thanh toán hàng hóa nhập ngoại.

Các ngân hàng còn đưa ra nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp như tài trợ thanh toán bằng thư tín dụng trả chậm (L/C) hoặc tư vấn các giải pháp giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả.

Về phía các doanh nghiệp, dù phải chuyển sang vay bằng đồng nội tệ với lãi suất có thể lên tới 9-11%/năm, thay vì vay ngoại tệ lãi suất 4-5%/năm như trước, nhưng các doanh nghiệp này sẽ loại bỏ được nỗi lo về rủi ro biến động tỷ giá, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng. Tính đến hết tháng 3/2020, dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD, so với cuối năm 2019, Việt Nam đã mua vào thêm hơn 5 tỷ USD. Như vậy, có thể cân đối được trạng thái ngoại tệ trong thời gian đủ dài nên chủ trương hạn chế và chấm dứt cho vay ngoại tệ là hợp lý. Hơn nữa, do đã có lộ trình, thực hiện dần dần nên các doanh nghiệp đã có sự chủ động, không bị bất ngờ.

Với lộ trình trên, các nhà phân tích nhận định khi nhà điều hành hướng đến việc giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Tổng hợp bởi Vnrebates

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.