Đô la Mỹ (USD) có thể coi là đồng tiền phổ biến nhất trên thế giới và giá trị của nó được thừa nhận ở mọi nơi trên trái đất. Niềm tin vào đồng bạc xanh lớn tới mức tất cả các quốc gia đều cần dự trữ một lượng tiền đô nhất định trong ngân khố của mình, điển hình là gã khổng lồ Trung Quốc với lượng dự trữ hơn 3200 tỷ đô và con số này đang có xu hướng tăng lên.
Trữ lượng đô la trong ngân khố trung quốc (nguồn: trading economics)
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy 80% các đồng tiền từng xuất hiện rồi cũng sẽ biến mất, và 20% may mắn tồn tại sẽ chứng kiến giá trị của chúng suy giảm theo thời gian. Đô la Mỹ cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Trong vòng 20 năm quá, giá trị của một đồng Đô la tương quan với các loại tài sản khác, thực chất đã giảm tới 21%. Trong khi đó vàng – thước đo giá trị vĩnh viễn của loài người cho thấy sự tăng giá lên tới gần 6 lần so với 20 năm về trước, người anh em bạc cũng đạt mức tăng trưởng dài hạn lên tới hơn 400% sau 20 năm.
Thay đổi về giá vàng, bạc, USD và CPI trong 20 năm (nguồn: follow the money)
Điều này cho thấy, dưới góc nhìn là tài sản thì đồng đô la là một tài sản không có giá trị lưu trữ lâu dài. Và việc đồng đô la vẫn giữ được mức giá tương đối với các đồng tiền khác là bởi tất cả các loại tiền tệ khác ngoài kia cũng đều đang dần mất đi giá trị.
Giải thích nào cho việc tiền tệ dần mất đi giá trị?
Câu trả lời là lạm phát! Hay nói một cách dễ hiểu hơn – việc gia tăng in tiền!
Tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập ra quỹ đầu tư Bridgewater Associate – hiện đang quản lý lượng tài sản khoảng 160 tỷ đô la, đã nhận xét như sau trong cuốn sách mới nhất của ông: “khi lượng tiền và tín dụng ngày càng gia tăng, giá trị của tiền và tín dụng sẽ giảm, thông qua đó làm tăng giá của các loại tài sản đầu tư khác”. Và để chứng minh cho lập luận của mình, Ray Dalio dẫn chứng ra một loạt các sự kiện trong lịch sử khiến giá đồng tiền lao dốc: “Nixon tháng 8 năm 1971 (khi lạm phát Mỹ ở mức 5.84%), Roosevelt tháng 3 năm 1933, hay cũng giống như Volcker tháng 8 năm 1982, Ben Bernanke tháng 11 năm 2008 và Mario Draghi vào tháng 7 năm 2012”.
Và gần đây có sự kiện in tiền nào ở Mỹ có thể sánh được với các dấu mốc lịch sử trên? Chính là liên tiếp các gói cứu trợ được Hoa Kỳ đưa ra cho người dân của mình, trong đó có “CARES act” trị giá gần 2,300 tỷ đô – tương đương khoảng 10% GDP nước Mỹ, cùng với đó là các gói cứu trợ với quy mô nhỏ hơn, như gói 900 tỷ đô được ban hành đầu năm nay. Chưa kể tới khoản đang nằm trong kế hoạch của ngài tổng thống tân nhiệm Biden, dự kiến sẽ mang lại cho mỗi người dân Mỹ 2,000 đô, song song với đó là tiêu đi của ngân khố khoảng 464 tỷ.
Người ta thường không nhận ra mình đang ở tâm bão, cũng như một nhà đầu tư khó có thể nhận ra mình đang ở giữa một làn sóng của thị trường. Nhưng một nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ để mắt tới những chỉ báo mang tính xu thế, và sau đây là một trong những chỉ báo như vậy:
Thống kê cho thấy 22% lượng USD đang được lưu thông mới được in vào… năm ngoái. Và thị trường mặc dù đã phản ứng với việc giảm điểm DXY xuống mức thấp là 89 điểm, con số giảm này còn cách xa thực tế là đồng đô la đã mất đi tới hơn 20% giá trị. Góp phần vào đó, động thái in tiền này diễn ra vào lúc nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn trì trệ với tăng trưởng thực tế (real GDP) vào khoảng -4.2% (theo OECD).
Sức mua đồng đô Mỹ từ năm 1913 đến nay (nguồn: howmuch.net)
Một người Mỹ bình thường, vào một năm bình thường khó có thể nhận thấy sự thay đổi của đồng tiền mình nắm trong tay, bởi mặc dù đồng tiền mất giá nhưng thu nhập lại có xu hướng tăng lên trên toàn xã hội, qua đó bảo toàn sức mua. Tuy nhiên 2020, một năm hoàn toàn đối lập với “bình thường”, khi tiền được in ra ở mức kỷ lục giữa bối cảnh tăng trưởng âm, người dân sẽ dần cảm nhận được sự yếu đi của đồng đô la. Một trong những chỉ báo rõ ràng nhất là các than phiền về giá thực phẩm và nhà ở tại Mỹ trong suốt năm vừa rồi.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi giá đô la điều chỉnh giảm?
Trước hết sẽ là sự tăng giá của kim loại quý và hàng hoá: vàng, bạc, platinum, đồng, dầu mỏ, cafe, ngô… những tài sản này mang giá trị sử dụng thực tế và sẽ ngay lập tức phản ứng trước một đồng đô la yếu. Khu vực chịu ảnh hưởng thứ hai chính là các cặp tiền tệ khi được so sánh với USD sẽ chịu sức ép tăng giá. Tuy nhiên tỉ giá hối đoái thực tế của một cặp tiền tệ còn phụ thuộc vào chuyển động của đồng tiền còn lại trong cặp.
Tại thời điểm viết, DXY đã tăng nhiều phiên liên tục và vượt qua rào cản tâm lý ở mốc 90 điểm. Tuy nhiên, nhận định cá nhân của người viết, DXY sẽ dần điều chỉnh về giá trị thực tế của nó trong suốt năm 2021 này, đồng nghĩa với DXY sẽ tiếp tục giảm trong dài hạn.