ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Platinum – Mức giá nào cho kim loại của tương lai?

29.12.2020, 16:41 5 phút đọc

Platinum vốn là kim loại không được “ưu ái” bởi giới đầu tư và đang được giao dịch tương đối “rẻ” so với những kim loại quý khác. Rất có thể xu hướng đó sẽ thay đổi trong tương lai.

 

  • Nhu cầu thực tế của Platinum là rất lớn và đang tăng lên. Kim loại này đóng vai trò then chốt cho những công nghệ mang tính xu hướng.
  • Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung Platinum sẽ giảm trong năm 2021. Thêm vào đó là xu hướng sử dụng platinum như tài sản tích lũy sẽ góp phần đẩy mạnh nhu cầu platinum này trong trung hạn.
  • Platinum hiếm gấp 30 lần vàng theo trữ lượng trong vỏ trái đất.
  • Platinum đã từng được giao dịch với giá gấp 2 lần vàng vào năm 2008.
  • Những người anh em của bạch kim là Palladium và Rhodium đang được giao dịch ở mức giá rất cao.

Platinum không phải là một lựa chọn đầu tư phổ biến với nhiều người. Tuy vậy, làn sóng đầu tư vào “bạch kim” đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Lượng nắm giữ platinum cho mục đích đầu tư đã tăng từ 15% năm 2019 lên 21% vào năm 2020.

platinum

Những ngành sử dụng Platinum (Nguồn: Metals Focus)

 

Tuy nhiên không giống như vàng, platinum có tính ứng dụng rất cao trong nhiều ngành công nghiệp. Điều này tạo ra một nền tảng “cầu” vững chắc, thay vì nhu cầu theo “tâm lý đám đông” như vàng. Những ngành sử dụng Platinum như nguyên liệu gồm có:

  1. Công nghệ ô tô: chiếm 35 – 43% tổng cầu platinum: Kim loại quý này được sử dụng trong các bộ phận của ô tô như bugi đánh lửa hay các cảm biến trong xe nhằm giảm thiểu khí thải. Dự kiến nhu cầu này sẽ gia tăng trong năm tới do việc thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải tại Trung Quốc và châu Âu. Ngoài ra Platinum là một thành phần không thể thiếu để sản xuất pin Hydro – thứ công nghệ được coi là đối thủ đáng gờm nhất của xe sử dụng pin điện như Tesla. Hiện công nghệ này đã được Toyota, Honda và Hyundai thương mại hóa trong một vài mẫu xe của họ (FCEV).
  2. Công nghiệp sản xuất và các thiết bị điện tử: chiếm khoảng 21-26% tổng cầu. Platinum được sử dụng để sản xuất dung môi chất lượng cao cho ngành hoá dầu. Ngoài ra kim loại này là một phần không thể thiếu cho những ổ cứng dung lượng cao và là vật liệu được sử dụng cho hầu hết những cấy ghép về xương và răng trong ngành y tế.
  3. Platinum với đặc tính chống oxy hoá và sắc xám sang trọng của mình cũng được biết tới như một thứ trang sức đắt giá. Ước tính 23-35% sản lượng Platinum được sử dụng trong việc chế tạo trang sức.
  4. Cuối cùng, những nhà đầu tư nắm giữ từ 0-15% sản lượng platinum trên toàn thế giới như một công cụ đầu tư dài hạn, chống lại lạm phát.

Tính ứng dụng đa dạng và nhu cầu ngày càng tăng, tuy nhiên trữ lượng platinum trên vỏ trái đất là một con số rất khiêm tốn, hiếm hơn 30 lần so với vàng. Và quả thật kim loại này đã từng được săn đón với mức giá gấp đôi vàng vào năm 2008. Người anh em của Platinum là Palladium hiện đang được săn đón ở mức giá 2360 đô la một ounce, tuy nhiên ở thời điểm bài viết, giá platinum chỉ bằng khoảng ½ so với giá vàng.

 

giá Platinum so với vàng

Biểu đồ giá platinum so với vàng

Có một thực tế là nhu cầu sử dụng không phải lúc nào cũng tương đương với giá trị giao dịch của hàng hoá. Thay vào đó, mức giá tại một thời điểm bị ảnh hưởng lớn bởi sự giằng co giữa Cung-Cầu trong ngắn hạn. Hãy cùng tìm hiểu về cuộc chiến cung cầu platinum trong năm 2020 vừa qua.

Như đã đề cập, thay vì là một loại hàng hoá được định giá bằng “niềm tin” như vàng, nhà đầu tư nhìn nhận Platinum ít nhiều như một kim loại tiêu dùng (như đồng hay nickel). Một cách rất tự nhiên, khi nhu cầu Platinum giảm trên phạm vi toàn thế giới do dịch bệnh, giá kim loại này sẽ theo đó lao dốc. Điểm này giải thích cho cú trượt giá vào tháng 3 năm nay khi Platinum giao dịch ở mức 562 đô la 1 ounce – thấp nhất trong vòng 15 năm. Việc giảm giá sâu (dưới giá sản xuất) của Platinum đã gây ảnh hưởng nhiều tới các mỏ khai thác trên toàn thế giới – tập trung chủ yếu ở châu Phi và Nga. Và đây chính là điểm mấu chốt.

Để có thể xây dựng một mỏ Platinum là một quá trình hết sức tốn kém và mất nhiều thời gian. Theo hiệp hội đầu tư Platinum thế giới, một khu mỏ có thể mất từ 3 tới 10 năm để cho ra được những sản phẩm đầu tiên. Tính chất này khiến số lượng mỏ khai thác mới có thể mở ra là rất hạn chế mỗi năm. Và cũng theo hiệp hội này, con số mỏ khai thác năm 2020 đã giảm 21% so với một năm trước đó. Điều này sẽ gây trở ngại lớn cho việc thoả mãn nhu cầu Platinum toàn cầu trong trung hạn.

Việc thiếu nguồn cung song song với xu hướng tăng thu mua platinum như một khoản đầu tư dài hạn có thể sẽ tạo sức ép tăng giá cho kim loại này trong năm 2021. Các nhà đầu tư dài hạn có thể sẽ nhìn thấy triển vọng với platinum trong 12 tháng tới đây.

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.