Dải Bollinger là một chỉ báo khá quan trọng và cũng được sử dụng phổ biến trong thị trường, vì chúng vừa thể hiện mức độ biến động của giá, vừa cho chúng ta biết được động lượng thị trường. Việc kết hợp Bollinger Bands và MACD, hoặc kết hợp với MA sẽ giúp các nhà giao dịch tận dụng tốt hơn sức mạnh của Bollinger Bands, và dễ dàng thiết lập các quy tắc ra vào lệnh hợp lý.
#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading
1. Bollinger Bands và MACD – sự kết hợp hoàn hảo
Mặc dù Bollinger Bands thực sự là một chỉ báo mạnh mẽ và hữu ích trong nhiều trường hợp, cũng như đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của rất nhiều nhà giao dịch. Thế nhưng, bản thân Bollinger Bands lại không thể tự nó cung cấp cho chúng ta được tín hiệu để vào lệnh, vậy nên chúng ta cần đến sự hỗ trợ của một hoặc nhiều công cụ khác.
Cách tốt nhất để sử dụng Bollinger Bands là dùng nó để đánh giá điều kiện thị trường, xem thị trường đang sôi động hay lặng lẽ, giá cả biến động ra sao… Sau đó, chúng ta sẽ sử dụng một chỉ báo khác, dựa theo điều kiện thị trường mà dải BB đã chỉ ra để tìm kiếm tín hiệu và đưa ra các quyết định hợp lý. Một trong những sự kết hợp khá hoàn hảo theo nguyên lý này chính là Bollinger Bands và MACD.
Vậy tại sao lại là MACD?
Đường trung bình hội tụ phân kỳ MACD là một chỉ báo khá đa năng, vừa thể hiện được xu hướng, đồng thời cũng cho chúng ta biết phần nào động lượng thị trường.
Điều thú vị khi kết hợp hai chỉ báo mạnh mẽ Bollinger Bands và MACD, đó là chúng không hề xung đột với nhau, mà sẽ tạo ra một tổ hợp mạnh mẽ hơn, cung cấp nhiều thông tin về thị trường hơn. Đặc biệt, với chiến lược kết hợp Bollinger Bands và MACD, anh em sẽ có những phương án giao dịch trong cả thị trường sideway và thị trường có xu hướng, cũng như cả những giai đoạn biến động ít và biến động nhiều.
Xem thêm: Cách áp dụng chỉ báo Bollinger Bands trong giao dịch thật hiệu quả
#Thực_chiến_NGHỀ_Trading
2. Chiến lược kết hợp Bollinger Bands và MACD
Như chúng ta đã thảo luận, Bollinger Bands và MACD có thể giúp chúng ta giao dịch trong mọi điều kiện thị trường khác nhau. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng trường hợp cụ thể xem chúng hoạt động như thế nào.
2.1. Giao dịch đảo chiều với Bollinger Bands và MACD
Dựa vào sự kết hợp của Bollinger Bands và MACD, chúng ta có thể dự đoán một cách chính xác hơn về nơi một con sóng kết thúc, từ đó nắm bắt cơ hội ngay khi con sóng mới hình thành.
Quy trình để tìm kiếm tín hiệu và thực hiện giao dịch đảo chiều với Bollinger Bands và MACD như sau:
- Xác định rằng trước đó thị trường đang có xu hướng
- Tìm kiếm sự phân kỳ của MACD và giá (phân kỳ ngược lại so với xu hướng đang diễn ra)
- Sau khi phân kỳ xuất hiện, theo dõi đến khi giá quay trở lại phá vỡ đường MA trung tâm của dải Bollinger, đó chính là tín hiệu tiềm năng để vào lệnh
- Xác nhận sự đảo chiều bằng biểu đồ histogram cũng như các đường tín hiệu của MACD trước khi quyết định vào lệnh.
Trên lý thuyết, quy trình này có vẻ khá phức tạp, nhưng chúng ta sẽ đến với một số ví dụ để anh em thấy rằng thực tế những thiết lập này khá đơn giản và dễ thực hiện.
Thực hiện lệnh mua tại nơi giá đảo chiều tăng
Đầu tiên là một ví dụ về lệnh mua có thể được thực hiện khi giá đảo chiều tăng.
Bỏ qua con sóng tăng mạnh trước đó, anh em có thể thấy rằng giá đang có đợt giảm nhẹ với đỉnh và đáy thấp dần. Tuy nhiên phân kỳ tăng đã xuất hiện, khi giá tạo ra các đỉnh thấp hơn nhưng biểu đồ MACD lại tạo đáy cao hơn. Đây là lúc chúng ta cần theo dõi sát sao để nắm bắt ngay nếu tín hiệu xuất hiện.
Giá tiếp tục chạy, và không lâu sau đó đã thật sự tăng phá qua đường trung tâm của dải Bollinger. Lúc này anh em cần đối chiếu lại với MACD để xác nhận lực thị trường.
Và khi phân tích MACD tại thời điểm đó, chúng ta có đường MACD (xanh) đã cắt lên đường signal (cam), đồng thời histogram cũng tăng từ âm thành dương. Cả hai tín hiệu này đều thể hiện lực tăng đang dần mạnh hơn.
Đến đây, mọi điều kiện đã được đáp ứng theo quy tắc, anh em có thể thực hiện lệnh mua ngay khi cây nến phá vỡ dải giữa đóng lại. Stoploss có thể được đặt cách dải dưới một chút, và take profit theo tỷ lệ RR khoảng 1:2. Trên thực tế, lệnh này không phải quá đẹp vì lực tăng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu đo đạc trên biểu đồ, thì anh em sẽ thấy mức tỷ lệ RR vẫn đạt được mục tiêu là 1:2.
Bán ra khi xuất hiện tín hiệu đảo chiều giảm
Ví dụ tiếp theo là một lệnh bán, giúp anh em có cái nhìn đa chiều hơn.
Với các quy tắc tương tự, đầu tiên chúng ta thấy một đợt tăng giá đang diễn ra với các cây nến xanh liên tiếp, và các đỉnh tăng dần, hostogram cũng dương tại thời điểm đó.
Giá tiếp tục tăng cho đến khi xuất hiện phân kỳ giảm: giá tạo đỉnh cao hơn, nhưng histogram lại có đỉnh thấp hơn cho thấy lực tăng đã yếu đi.
Rất nhanh sau đó, giá giảm phá vỡ qua đường MA trung tâm của dải Bollinger, và MACD xác nhận cho lực đảo chiều khi đường MACD cắt xuống đường signal, histogram từ dương giảm dần và chuyển sang âm. Như vậy, điều kiện thực hiện lệnh bán đã được đáp ứng đủ, anh em có thể vào lệnh sau khi cây nến phá vỡ đóng lại.
Stoploss có thể được đặt ở dải trên, cũng là trên đỉnh gần nhất, và take profit với tỷ lệ RR 1:2. Trường hợp này anh em có thể thấy giá giảm rất sâu, nên những anh em thích mạo hiểm gồng lời có thể nhận được mức lợi nhuận tốt hơn rất nhiều.
Xem thêm: Làm thế nào để đặt Stop Loss và Take Profit thật xuất sắc
2.2. Giao dịch thuận theo xu hướng với Bollinger Bands và MACD
Nếu như không kịp nắm bắt vị trí đảo chiều để ăn trọn con sóng mới theo phương pháp đầu tiên, anh em vẫn còn nhiều cơ hội để giao dịch thuận theo xu hướng với sự kết hợp Bollinger Bands và MACD.
Ý tưởng của phương pháp này là trong một xu hướng, giá thường phải có những đợt pullback để “nghỉ” trước khi tiếp tục tăng hoặc giảm. Và với chỉ báo Bollinger Bands, những đợt pullback có thể dễ dàng được nắm bắt khi giá thường hồi về tới dải giữa hoặc dải đối diện rồi quay đầu.
Ví dụ, trong xu hướng tăng, giá sẽ pullback từ dải trên về tới dải giữa, hoặc về sâu hơn tới dải dưới rồi lại quay đầu tăng tiếp. Vì vậy, nếu quan sát những khu vực đó, anh em có rất nhiều cơ hội mua vào, để kịp bắt theo con sóng của thị trường.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào Bollinger Bands là chưa đủ, vì chúng ta không thể chắc chắn rằng những đợt thoái lui sẽ dừng chân tại dải Bollinger hay sẽ tiếp tục phá vỡ xu hướng và quay đầu thành xu hướng mới. Chính vì vậy, chúng ta cần có một thông tin khác xác nhận lực thị trường, để biết được đợt pullback có thể kết thúc hay không.
Sự kết hợp giữa Bollinger Bands và MACD chính là phương án rất tốt để giải quyết vấn đề đó. Dựa vào động lượng từ biểu đồ histogram, anh em sẽ xác nhận được lực pullback mạnh hay yếu, từ đó đưa ra quyết định hợp lý.
Hãy đến với ví dụ dưới đây để nắm rõ hơn về phương pháp giao dịch này.
Trước hết, với việc giá cắt qua đường trung tâm của dải BB từ dưới lên, đồng thời đường MACD cắt lên đường signal và histogram tăng lên, anh em có thể xác nhận rằng giá đã bước vào xu hướng tăng.
Sau đó, hãy theo dõi mỗi khi có đợt pullback diễn ra. Những mũi tên màu đen là các vị trí giá pullback về dải giữa hoặc dải dưới, đồng thời xuất hiện nến đảo chiều như Pinbar, Inside bar… mang lại cơ hội cho anh em mua vào.
Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu là chưa đủ. Anh em cần phân tích thêm histogram của MACD. Nếu histogram không giảm quá sâu, tức là lực giảm yếu thì anh em mới có thể tự tin thực hiện lệnh mua.
Ngược lại, nếu histogram giảm sâu thì anh em nên thận trọng, lực bán lúc này rất mạnh và giá có thể đảo chiều chứ không còn là pullback nữa. Ví dụ ở vị trí được đánh số 1 trên biểu đồ, anh em có thể thấy giá còn chưa chạm tới band dưới, nhưng histogram giảm quá sâu, rồi sau đó giá thực sự đã có dấu hiệu giảm xuống.
Với các lệnh mua tiềm năng trong ví dụ vừa rồi, anh em có thể đặt SL dựa theo dải dưới của Bollinger Bands, và take profit theo tỷ lệ RR 1:2 hoặc 1:3. Nếu tự tin hơn vào xu hướng, anh em có thể dời stoploss để gồng lời, và thoát lệnh khi giá phá vỡ dải dưới (vị trí 2), hoặc khi giá pullback cùng histogram giảm mạnh (vị trí 1).
Trong một xu hướng giảm, anh em có thể tìm kiếm các cơ hội bán ra theo cách hoàn toàn tương tự. Phần này mình sẽ để cho anh em tự backtest trên biểu đồ nhé.
Xem thêm: Top 2 chiến lược giao dịch hiệu quả kết hợp MACD với MA
2.3. Mua đáy bán đỉnh trong thị trường sideway
Chúng ta đã có phương pháp giao dịch thuận xu hướng, giao dịch đảo chiều. Tuy nhiên, cặp chỉ báo Bollinger Bands và MACD còn làm được nhiều hơn thế, khi nó giúp anh em giao dịch trong cả thị trường sideway.
Quy tắc giao dịch cho phương pháp này rất đơn giản như sau:
- Bollinger Bands nằm ngang, MACD cắt lên cắt xuống liên tục cho thấy thị trường không có xu hướng
- Mua khi giá chạm band dưới và MACD tạo đáy
- Bán khi giá chạm band trên và MACD tạo đỉnh
Ví dụ, trong một khoảng thời gian giá sideway như biểu đồ dưới đây, anh em có thể thực hiện nhiều lệnh mua và bán khác nhau:
Anh em có thể thấy cách giao dịch này rất hiệu quả, tuy nhiên nhược điểm của nó là khi thị trường sideway, giá biến động ít, do đó lợi nhuận thực tế có thể đạt được là không cao. Chính vì vậy, phương pháp này sẽ phù hợp để scalping thay vì giao dịch trung hạn và dài hạn.
3. Phương pháp kết hợp Bollinger Bands và đường MA
Nếu như không thích kết hợp Bollinger Bands và MACD, anh em có thể áp dụng một phương pháp đơn giản hơn, thay chỉ báo MACD bằng một đường trung bình động.
Về bản chất, Bollinger Bands cũng được hình thành từ đường trung bình MA, vậy nên cách giao dịch sử dụng MA và Bollinger Bands khá tương đồng với phương pháp sử dụng hai đường MA. Tuy nhiên, Bollinger Bands là một chỉ báo mạnh hơn, nên nó sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin hơn và giúp anh em có những tín hiệu xác suất cao hơn.
Với chiến lược này, chúng ta sẽ sử dụng dải Bollinger Bands tiêu chuẩn với chu kỳ 20 và độ lệch chuẩn 2, cùng với đó là đường trung bình động MA200.
Các quy tắc giao dịch như sau:
- Mua khi dải Bollinger Bands cắt lên đường MA200, đồng thời giá bám sát band trên của dải.
- Bán khi dải Bollinger Bands cắt xuống đường MA200, giá bám sát band dưới của dải.
Ví dụ, chúng ta có một thiết lập lệnh mua như dưới đây
Trong ví dụ thực tế này, anh em có thể mua ngay khi đường trung tâm của dải Bollinger cắt lên đường MA200. Stop loss có thể được đặt ngay dưới band dưới của dải BB, và take profit theo tỷ lệ RR 1:2 hoặc 1:3. Thậm chí, trong một xu hướng mạnh, anh em có thể gồng lời đến khi giá quay trở lại phá vỡ dải dưới rồi mới cắt lệnh.
Xem thêm: MA Cross là gì? Những chiến lược đơn giản mà siêu hiệu quả với MA Cross
4. Kết luận
Nếu so sánh sự kết hợp Bollinger Bands và MACD so với đường MA, anh em có thể thấy rằng chiến lược kết hợp dải Bollinger và MACD phức tạp hơn khá nhiều. Tuy nhiên, đổi lại hiệu quả của nó cũng cao hơn rõ rệt, đồng thời ưu điểm là có thể giao dịch trong nhiều điều kiện thị trường khác nhau.
Ngược lại, khi kết hợp với đường MA, chiến lược của chúng ta đơn giản hơn, nhưng hiệu quả và tỷ lệ thắng thấp hơn, do có ít thông tin được cung cấp hơn so với MACD.
Với các đặc điểm như vậy, anh em hãy tự mình lựa chọn cho mình chiến lược phù hợp với phong cách của mình nhé. Ngoài ra, hãy đồng hành cùng vnrebates.com để khám phá thêm nhiều chiến lược tuyệt vời khác nữa.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.
VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ