ic-markets
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
dupoin
Mở TK và hoàn phí 5 $/lot
san-trive
Mở TK và hoàn phí 9$/lot
tmgm
Mở TK và hoàn phí 2 $/lot
san-fxgt-dich-vu-forex-rebates
Mở TK và hoàn phí 1 $/lot
san-acy
Mở TK và hoàn phí 0.05$/lot
VNREBATES

Đón đầu xu hướng DeFi 2020-2021 (Kỳ 3): Sàn giao dịch phi tập trung: Cơ hội và thách thức

02.11.2020, 10:57 13 phút đọc

Sàn giao dịch phi tập trung đang ngày càng trở nên phổ biến trong giai đoạn bùng nổ của Defi. Trong bài viết này, VnRebates tập trung phân tích những vấn đề quan trọng mà các nền tảng trao đổi tiền điện tử đang gặp phải và đánh giá tương lai của các sàn giao dịch phi tập trung.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường tài chính trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số đang gặp phải những khó khăn chưa thể khắc phục. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ giao dịch dựa trên Blockchain dễ gặp rủi ro, không thể kiểm duyệt, thiếu minh bạch và bị thao túng vì vẫn mang tính tập trung. Sàn giao dịch phi tập trung có phải là giải pháp cho các vấn đề này?

1. Các nền tảng giao dịch dựa trên Blockchain vẫn rất tập trung

Tính tập trung trên các sàn giao dịch tiền điện tử được thể hiện qua việc lưu ký quỹ và sổ đặt hàng được kiểm soát bởi một bên thứ ba. Theo một báo cáo của ConsenSys.net, tính đến cuối tháng 1 năm 2018, ước tính 99% khối lượng giao dịch tiền điện tử được thực hiện trên các sàn giao dịch tập trung.

Các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung rất phổ biến, bao gồm những sàn được quản lý lỏng lẻo đến những sàn được hỗ trợ hoặc tạo lập bởi các tổ chức tài chính truyền thống. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến gồm :

  • Bitfinex: Được ra mắt vào năm 2012 và đã từng nổi tiếng với những cáo buộc lợi dụng Tether (USDT) để nâng lái giá Bitcoin trên sàn giao dịch.
  • Binance: Mới chỉ được thành lập vào năm 2017 nhưng đã nhanh chóng trở thành sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu hiện nay, tính theo khối lượng trao đổi.
  • Coinbase: Được thành lập vào năm 2012 và trở nên nổi tiếng khi được coi là sàn giao dịch “đáng tin cậy nhất”.
  • Gemini: Ra mắt vào năm 2014, là sàn giao dịch được điều chỉnh bởi bộ dịch vụ tài chính Bang New York. Gemini là sàn giao dịch đầu tiên tung ra hợp đồng tương lai Bitcoin vào tháng 12 năm 2017.
  • Ngoài ra Poloniex , Bitstamp và Bittrex cũng là các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung nổi bật khác.

sàn giao dịch tập trung

Một số sàn giao dịch tiền điện tử được vận hành bởi các tổ chức tài chính truyền thống hoặc những người đến từ nền tài chính truyền thống bao gồm: 

  • ErisX: Thị trường hợp đồng tương lai và giao ngay tiền điện tử được hỗ trợ bởi TD Ameritrade.
  • Bakkt: Nền tảng hợp đồng tương lai Bitcoin của ICE
  • Robinhood: Nhà môi giới từ các nguồn tài chính thương mại đến các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung.

2. Những mặt hạn chế của sàn giao dịch tập trung

Những lợi ích mà các sàn giao dịch tập trung mang lại bao gồm sự hiệu quả, tính thanh khoản và độ sâu / rộng của thị trường. Bên cạnh đó là những nhược điểm quan trọng: Các sàn giao dịch tập trung dễ bị tấn công hơn, thiếu tính minh bạch, dễ bị thao túng và hạn chế đối tượng tham gia bởi các quy định.

Rủi ro lớn từ lỗ hổng bảo mật

Rủi ro lớn nhất của các sàn giao dịch tập trung là họ nắm giữ tài sản của người dùng. Khoảng 73% các sàn giao dịch tiền điện tử có tính chất giám sát, có nghĩa là sàn giao dịch nắm giữ khóa riêng và quản lý ví tiền điện tử của khách hàng. Đó thực sự là mục tiêu rất hấp dẫn đối với tin tặc khi chúng chỉ cần tấn công vào một hoặc một vài ví để lấy đi toàn bộ tài sản. 

Một số ví dụ nổi bật về việc lỗ hổng bảo mật này đã bị khai thác bao gồm :

  • Vụ hack trên sàn Mt.Gox, trong đó gần 460 triệu đô la (dựa trên định giá tại thời điểm tấn công) đã bị lấy cắp do lỗ hổng bảo mật của ví trữ nóng.
  • Trên sàn giao dịch QuadrigaCX, số tiền của người dùng trị giá 190 triệu đô la không thể được sử dụng sau cái chết của CEO sàn này, vì ông ta là người duy nhất có quyền truy cập vào ví trữ lạnh của sàn giao dịch.

Từ các thống kê trong năm 2018, Gnosis – một nền tảng dự đoán thị trường cho biết:

“Một chuỗi các vụ tấn công đã dẫn đến thiệt hại 1,5 tỷ đô la trên các sàn giao dịch tập trung, làm hủy hoại niềm tin của cộng đồng vào tiền điện tử”

Rủi ro lớn từ lỗ hổng bảo mật của các sàn tập trung

Thiếu minh bạch và dễ bị thao túng

Nhiều sàn giao dịch tập trung vận hành các hệ thống ngoài chuỗi, có nghĩa là hầu hết các giao dịch không thực sự được diễn ra trên Blockchain. Thay vào đó, sàn giao dịch hoạt động giống như một nền tảng ký quỹ cho khách hàng, điều này thực sự thiếu minh bạch. 

Cách hoạt động này có thể dẫn đến các giao dịch với mục đích rửa tiền, các lệnh mua và bán được thực hiện đồng thời với mục đích tạo ra giao dịch giả trên thị trường. Sau khi phân tích 81 sàn giao dịch, Bitwise (một công ty đầu ngành về quản lý tài sản tiền điện tử) đã ước tính rằng có gần 95% giao dịch Bitcoin trên các sàn là giả mạo. 

Từ vụ việc sàn Bitfinex (đứng sau đồng Tether) bị điều tra và cáo buộc cũng chỉ ra rằng các sàn giao dịch tập trung có khả năng thao túng thị trường một cách dễ dàng. Ngoài ra, các sàn giao dịch tập trung cũng sử dụng quyền hạn của họ để quyết định niêm yết bất cứ đồng tiền nào hoặc chuỗi nào sẽ hỗ trợ sau một đợt hard fork hoặc mainnet. Điều đáng nói là những quyết định này tác động đáng kể đến diễn biến thị trường.

Khả năng sử dụng bị giới hạn

Các dự án tiền điện tử thường phải chi trả mức phí từ 10 đến 15 triệu đô la nếu muốn niêm yết trên các sàn giao dịch tập trung, rõ ràng đây là rào cản đối với việc tham gia thị trường. Ngoài ra, với các yêu cầu nghiêm ngặt về việc xác minh danh tính, không phải bất kỳ khách hàng nào cũng được phép sử dụng các sàn giao dịch.

3. Giải pháp thay thế: Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) 

Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) ra đời để khắc phục những vấn đề nêu trên của các sàn giao dịch tập trung. Các sàn giao dịch phi tập trung là mã nguồn mở và các giao dịch được thực hiện tự động mà không cần sự kiểm soát của một bên thứ ba nào. 

Cụ thể hơn, nền tảng sàn giao dịch phi tập trung không yêu cầu quyền quản lý của một trung tâm hoặc sự đồng ý của bên thứ ba để giải quyết các giao dịch.

Thời điểm hiện tại, DEX lớn nhất (tính theo khối lượng giao dịch 24H) là Uniswap với 380.588.741 đô la, tiếp theo là Compound Finance với 69.838.009 đô la và 0x Protocol với 43.229.139 đô la ( số liệu thống kê tại coingecko.com ).

Trên thực tế, hầu hết các “DEX” thực sự là các sàn giao dịch không giám sát. Trên đó, người dùng vẫn có quyền kiểm soát các khóa của riêng họ, duy trì quyền sở hữu tài sản trên Blockchain.Tuy nhiên, các sàn giao dịch phi tập trung vẫn lưu trữ sổ đặt hàng ngoài chuỗi trên một máy chủ tập trung. Điều này khiến các DEX không hoàn toàn là “ phi tập trung”.

sàn giao dịch phi tập trung

Một vấn đề khó khăn của sàn giao dịch phi tập trung là tính thanh khoản. Một sàn giao dịch càng phi tập trung thì việc tạo thanh khoản càng phức tạp. Ở thời điểm hiện tại, người dùng vẫn đang chấp nhận các sàn tập trung ở mức độ cao hơn so với các DEX. Ngoài ra, sự phân mảnh của toàn bộ hệ sinh thái trao đổi sẽ phân chia tính thanh khoản và dẫn đến sự thiếu hiệu quả do chênh lệch giá trên nhiều sàn giao dịch.

Như vậy, tạo tính thanh khoản trên thị trường phi tập trung là một vấn đề phức tạp và trong quá trình giải quyết vấn đề này, vấn đề khác lại nảy sinh.

4. Điểm danh các sàn giao dịch phi tập trung nổi bật 

0x Protocol

Được ra mắt vào tháng 8 năm 2017 và về bản chất 0x Protocol không phải là một DEX, đây là giao thức cho phép các “Relayers” tạo ra DEX trên một hệ thống hợp đồng thông minh công khai. Trong trường hợp này, Relayers có thể là các công ty sử dụng 0x cho cơ sở hạ tầng back-end của họ.

Điều quan trọng là, Replayer không quản lý tiền của người dùng hoặc thực hiện giao dịch, họ chỉ cung cấp một sổ lệnh để cho phép diễn ra các giao dịch ngang hàng. Với 0x Protocol, Replayer có thể lựa chọn thực hiện một trong hai chiến lược ghi sổ lệnh gồm: sổ lệnh mở hoặc sổ lệnh khớp lệnh.

Tính đến tháng 12 năm 2018, đã có 19 dự án sử dụng và 16 ứng dụng được xây dựng trên giao thức 0x, nổi bật trong số đó là District0x, MakerDAO và Dharma.

Uniswap

Uniswap được ra mắt vào cuối năm 2018 và có cách tiếp cận khác so với 0x Protocol. Uniswap bao gồm một tập hợp các hợp đồng thông minh ( smart contract) được triển khai trên Ethereum để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch các mã thông báo ERC-20 thông qua một phiên bản của AMM (Automated market makers – Các nhà tạo lập thị trường tự động) được gọi là Constant Product Market Maker.

Nói một cách dễ hiểu, Uniswap tạo ra một hợp đồng thông minh cho mỗi mã thông báo và áp dụng một tỷ lệ không đổi (x * y = k) giữa nhóm thanh khoản ETH và nhóm thanh khoản mã thông báo. 

Công thức này cho phép tỷ giá giữa ETH và ERC-20 có sự biến động, hãy xem biểu đồ đơn giản mô tả cho điều này.

biểu đồ các hoạt động của uniswap

Đồ thị này biểu diễn :

  • K: là một hằng số 
  • Trục x ( trục ngang ) : đại diện cho token A (ERC-20) và 
  • Trục y ( trục dọc ) : đại diện cho token B (ETH). 
  • 2 dấu chấm đỏ đầu tiên: đại diện cho giá hiện tại để hoán đổi cặp ETH-ERC20 này dựa trên số dư hiện tại của ETH so với token ERC 20. 

Ví dụ với việc swap token ERC-20 cho ETH thì kết quả sẽ xảy ra như sau: 

Số dư token ETH giảm xuống và số dư token ERC20 tăng lên, lúc này dấu chấm đỏ sẽ di chuyển đến vị trí mới khi có nhiều token ERC20 hơn và có ít ETH hơn trong pool thanh khoản. Như vậy, đây là một thuật toán định giá rất đơn giản, trong đó tỷ giá di chuyển dọc theo biểu đồ.

Kyber Network

Được ra mắt vào năm 2017, Kyber Network là một giao diện phân cấp kết nối các sàn giao dịch khác nhau (bao gồm cả các sàn tập trung) và cho phép trao đổi trên chuỗi mà không cần sổ đặt hàng. 

Thay vào đó, Kyber gộp các thanh khoản lại với nhau cho các mã thông báo ERC-20 khác nhau và được quản lý bởi “Reserve managers”. Đó là những người quản lý và cung cấp các khoản dự trữ trên Kyber ở mức chênh lệch. 

Không giống như một sàn giao dịch, Kyber có thể được xem như một ngân hàng dự trữ lưu trữ các loại tiền điện tử khác nhau, cho phép giao dịch tức thì giữa các mã thông báo ERC-20.

Mục tiêu của Kyber Network là khắc phục tất cả những nhược điểm mà các sàn giao dịch tập trung truyền thống đang gặp phải. Những điểm khác biệt và nổi bật của Kyber Network bao gồm :

  • Chi phí giao dịch thấp 
  • Đáng tin cậy 
  • Tốc độ giao dịch nhanh
  • Trao đổi trên chuỗi (On-chain) 
  • Tính thanh khoản cao 
  • Bảo mật tốt với khả năng chống lại sự tấn công tuyệt vời

5. Lời kết

Với xu hướng Defi đang phát triển mạnh mẽ, các hệ thống trao đổi cơ sở sẽ được thiết kế theo hướng phi tập trung hơn. Tuy nhiên do sự phức tạp về yếu tố công nghệ, mục tiêu này có thể sẽ cần nhiều năm nữa để hoàn thành. Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về các nền tảng trao đổi trong thị trường tiền điện tử và tương lai của chúng. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý nào, hãy để lại bình luận để chúng ta cùng trao đổi bạn nhé.

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.