VNREBATES

“Nữ hoàng tiền ảo Onecoin” lừa đảo tỷ đô

30.11.2019, 08:23 12 phút đọc

Được mệnh danh là kẻ huỷ diệt Bitcoin, nhưng giờ đây số phận của Onecoin và các nhà sáng lập đang đứng trước cán cân công lý khi âm mưu lùa đảo được phơi bày trước ánh sáng. Nữ doanh nhân Ruja Ignatova cũng là sáng lập viên của Onecoin hiện vẫn đang lẩn trốn và chưa có thông tin nào thêm về vụ việc này.

 

onecoin

Đầu tháng 6/2016, nữ doanh nhân Ruja Ignatova bước lên sân khấu tại Wembley Arena, Anh, phát biểu trước hàng nghìn người hâm mộ.

Cô nói với đám đông đang nhiệt tình cổ vũ rằng OneCoin đang trên đường trở thành loại tiền ảo lớn nhất thế giới, giúp mọi người có thể thanh toán ở bất cứ nơi đâu.

Khi đó, tiền ảo Bitcoin đang tạo ra một cơn sốt. Bitcoin là loại tiền ảo xuất hiện đầu tiên và vẫn là loại tiền được biết đến nhiều nhất. Việc nó tăng giá trị từ vài cent lên hàng trăm USD một coin vào giữa năm 2016 đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm cách tham gia vào cơ hội mới lạ này.

Ruja, người Bulgaria, 36 tuổi, nói với khán giả ở Wembley rằng OneCoin là “thứ tiêu diệt Bitcoin”. “Trong hai năm tới, sẽ không còn ai nói về Bitcoin nữa!”, người tự gọi mình là “nữ hoàng tiền ảo” nói. Cô đã sáng lập hai công ty bình phong ở Dubai và quốc gia Trung Mỹ Belize để quảng bá loại tiền này.

Nhiều người trên toàn thế giới đã đầu tư vào OneCoin, hy vọng trở thành một phần của cuộc cách mạng mới. Các nhà đầu tư Anh đã chi gần 30 triệu EUR (33 triệu USD) cho OneCoin trong 6 tháng đầu năm 2016. Từ tháng 8/2014 đến tháng 3/2017, hơn 4 tỷ EUR (4,4 tỷ USD) được đầu tư vào OneCoin từ người dân ở hàng chục quốc gia như Pakistan, Brazil, Na Uy, Canada hay Yemen.

onecoin

 

Đồng tiền chỉ có giá trị khi nhiều người nghĩ rằng nó có giá trị. Cho dù đó là tiền giấy, tiền xu, vỏ sò, đá quý hay que diêm, những thứ đã được sử dụng làm tiền, nó chỉ có giá trị khi mọi người tin tưởng. Từ lâu nhiều người đã cố gắng tạo ra một hình thức tiền điện tử, độc lập với các loại tiền tệ được nhà nước phát hành, nhưng luôn thất bại vì không ai tin họ. Sẽ luôn có một người đứng đầu có thể thao túng nguồn cung và việc giả mạo quá dễ dàng.

Bitcoin gây sốt vì nó giải quyết được vấn đề này. Loại tiền này phụ thuộc vào loại cơ sở dữ liệu đặc biệt gọi là blockchain, giống như cuốn sổ cái mà mọi chủ sở hữu Bitcoin đều có bản sao độc lập nhưng giống hệt nhau. Mỗi khi Bitcoin được gửi cho người khác, một bản ghi về giao dịch đó sẽ được ghi nhận trên sổ cái của mọi người.

Không ngân hàng, chính phủ nào, thậm chí cả người phát minh ra Bitcoin, có thể thay đổi hay thao túng nó. Điều này có nghĩa là Bitcoin không thể bị làm giả, xâm nhập hay gian lận bằng cách sử dụng hai giao dịch khác nhau để cùng chi tiêu số dư của một tài khoản.

Cơ sở dữ liệu blockchain đặc biệt là mấu chốt giúp tiền điện tử như Bitcoin hoạt động. Đối với nhiều người, đây là hình thức tiền tệ mới mang tính cách mạng. Còn đối với Ruja, đó là cơ hội để cô kiếm tiền bằng cách bán ý tưởng này cho nhiều người.

onecoin

 

Đầu tháng 10/2016, 4 tháng sau khi Ruja diễn thuyết ở London, chuyên gia về blockchain Bjorn Bjercke được một nhân viên tuyển dụng mời làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty khởi nghiệp tiền ảo từ Bulgaria. Bjercke sẽ có được một căn hộ và chiếc xe hơi cùng mức lương hàng năm khoảng 250.000 bảng (320.000 USD).

Bjercke hỏi nhà tuyển dụng công việc của mình là gì. “Chà, họ cần blockchain. Họ hiện không có blockchain. Tôi đáp ‘Cái gì cơ? Anh nói với tôi đó là một công ty tiền ảo cơ mà'”, Bjercke kể.

Đối phương thừa nhận rằng công ty tiền ảo đó đã hoạt động được một thời gian nhưng không có blockchain. “Tên của công ty là gì?” Bjercke hỏi. Sau khi nhận được câu trả lời là OneCoin, Bjercke không nhận công việc.

Vài tháng sau, Jen McAdam, người Anh 48 tuổi, nhận được tin nhắn từ một người bạn về cơ hội đầu tư không thể bỏ lỡ. Ngồi trước máy tính, bà nhấp vào một liên kết và tham gia hội thảo trên web của OneCoin.

Trong hơn một giờ sau, bà lắng nghe những người thuyết trình nhiệt tình về loại tiền ảo mới thú vị này. “Các bạn thật may mắn khi đang xem hội thảo trực tuyến này. Bạn tham gia ngay ở giai đoạn đầu, sau này nó sẽ phát triển như Bitcoin và còn lớn hơn”, một người thuyết trình nói.

Họ đề cập đến lý lịch đáng mơ ước của Ruja: tốt nghiệp Đại học Oxford, có bằng tiến sĩ từ Đại học Konstanz, là chuyên gia của công ty tư vấn quản lý nổi tiếng McKinsey & Company. Họ trình chiếu bài phát biểu của Ruja tại một hội nghị do tạp chí Economist tổ chức và điều đó thu hút McAdam. “Sức mạnh của phụ nữ. Tôi cảm thấy tự hào về cô ấy”, McAdam nói.

McAdam sau đó đầu tư 10.000 bảng và thuyết phục gia đình, bạn bè đầu tư 250.000 bảng. Bà hào hứng theo dõi giá trị đồng tiền trên trang web của OneCoin tăng đều đặn, vượt qua mốc 100.000 bảng. Bà bắt đầu lên kế hoạch đi mua sắm và du lịch.

Nhưng vào cuối năm, Jen McAdam được một người lạ trên mạng liên lạc, tự nhận là đã nghiên cứu OneCoin kỹ càng và muốn nói chuyện với các nhà đầu tư. Bà bất đắc dĩ đồng ý trò chuyện trên Skype và họ đã tranh cãi quyết liệt. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đó đưa cuộc sống của McAdam rẽ sang một hướng mới.

Người lạ mặt là Timothy Curry, người đam mê Bitcoin và ủng hộ tiền ảo. Anh nghĩ OneCoin sẽ gây ra tiếng xấu cho tiền ảo và nói thẳng với McAdam rằng đó là một trò lừa đảo. Trong vài tuần sau, Curry gửi cho bà một loạt thông tin về cách thức hoạt động của tiền ảo qua các đường dẫn web, bài viết và video trên YouTube. Bà hiểu ra rằng OneCoin không sử dụng công nghệ blockchain giống như Bitcoin. Những con số liên tục tăng trên trang web của OneCoin thực tế vô nghĩa. Chúng chỉ là những con số được nhân viên OneCoin nhập vào.

Theo OneCoin, hoạt động kinh doanh chính của công ty là bán tài liệu giáo dục để giao dịch. Các thành viên có thể mua các gói giáo dục từ 100 EUR đến 118.000 EUR hay 225.500 EUR. Mỗi gói sẽ bao gồm mã token để “đào” OneCoin.

Nhà đầu tư cần dùng tiền thật để đăng ký tham gia, với quy đổi hiện tại là 0,1 EUR đổi một mã token. Càng nhiều người tham gia thì việc đào càng trở nên khó khăn và số lượng mã phải bỏ ra càng nhiều. Để đào được OneCoin, bạn phải có nhiều mã token, mà để có nhiều mã token thì bạn phải “đóng tiền học”. Khi ngày càng nhiều người tham gia OneCoin thì số tiền bỏ ra sẽ càng nhiều hơn.

Các ngân hàng trung ương và thể chế quản lý tài chính ở một số nước như Italy, Na Uy, Hungary cáo buộc OneCoin không phải là tiền ảo mà là hình thức lừa đảo bằng mô hình Ponzi: lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Những người đến sau cùng thường không nhận được tiền và khi hệ thống không thể bành trướng thêm, người sáng lập sẽ ôm tiền chạy trốn hoặc bị bắt.

Mặc dù McAdam đã tỉnh ngộ, các nhà đầu tư khác của OneCoin vẫn chưa nhận ra vấn đề. Ruja đi khắp thế giới để quảng bá tầm nhìn của mình, từ Macau đến Dubai đến Singapore, thu hút các nhà đầu tư mới. OneCoin vẫn tăng trưởng nhanh và Ruja bắt đầu tiêu số tiền khổng lồ cô kiếm được: mua bất động sản trị giá hàng triệu USD tại thủ đô Sofia của Bulgaria và khu nghỉ mát Sozopol ở Biển Đen hay tổ chức tiệc trên du thuyền sang trọng. Tháng 7/2017, Ruja còn mời ngôi sao nhạc pop người Mỹ Bebe Rexha đến biểu diễn ở sự kiện kín.

onecoin

 

Cách duy nhất để đổi OneCoin sang bất kỳ loại tiền tệ nào khác là OneCoin Exchange, thị trường nội bộ dành cho các thành viên. Tuy nhiên, nó bị đóng cửa không báo trước vào tháng 1/2017, khiến các nhà đầu tư lo lắng. Các lãnh đạo của OneCoin tại châu Âu hứa hẹn việc này sẽ được giải quyết tại một cuộc họp ở Lisbon, Bồ Đào Nha tháng 10/2017. Nhưng vào ngày quan trọng, Ruja, người vốn nổi tiếng là đúng giờ, không xuất hiện.

“Không ai biết tại sao cô ấy không ở đó”, một đại biểu kể. Mọi người đều điên cuồng nhắn tin và gọi điện nhưng không được hồi đáp. Một số người lo Ruja bị giết hoặc bị các ngân hàng bắt cóc vì họ cho rằng hầu hết ngân hàng đều sợ hãi cuộc cách mạng tiền ảo. Thực tế, Ruja biến mất vào thời điểm giới chức Mỹ xin lệnh bắt cô ta. Số nạn nhân bị Ruja lừa đảo khi đó đã lên đến hơn một triệu người.

Hồ sơ của FBI cho thấy ngày 25/10/2017, chỉ hai tuần sau khi không xuất hiện ở Lisbon, Ruja đã lên chuyến bay Ryanair từ Sofia đến Athens rồi sau đó biến mất. Ruja được cho là đã phẫu thuật thẩm mỹ và vẫn ở châu Âu, nhiều khả năng sống bằng tên giả tại Frankfurt.

Em trai của Ruja, Konstantin Ignatov, điều hành OneCoin sau khi Ruja biến mất. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố có bằng chứng về mối liên hệ giữa anh ta và “những kẻ có vai vế trong tội phạm có tổ chức ở Đông Âu”.

onecoin

 

 

Ngày 6/3, Konstantin Ignatov bị FBI bắt tại sân bay quốc tế Los Angeles với cáo buộc tội gian lận liên quan đến OneCoin. Cùng thời gian đó, chính quyền Mỹ buộc tội Ruja lừa đảo qua thiết bị liên lạc điện tử, gian lận chứng khoán và rửa tiền.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là OneCoin vẫn tiếp tục hoạt động và nhiều người vẫn tiếp tục đổ tiền vào nó. OneCoin luôn bác bỏ cáo buộc về hành vi sai trái, nói rằng họ có “đầy đủ tất cả tiêu chí về định nghĩa của tiền mã hóa”.

Các nhà đầu tư cho biết họ đến với OneCoin vì lo sẽ bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền lớn. Họ ghen tị khi đọc những câu chuyện về những người trở nên giàu có nhờ Bitcoin và nghĩ rằng OneCoin là cơ hội thứ hai.

Nhiều người lại ấn tượng trước tính cách và sức thuyết phục của Ruja. Họ cảm thấy cô ta có uy tín vì đã phát biểu trước lượng lớn khán giả. Họ được cho xem những bức ảnh về bằng cấp của Ruja và bản sao tạp chí Forbes mà cô lên trang bìa.

Bằng cấp là thật, nhưng trang bìa của Forbes thì không: nó chỉ là một trang quảng cáo ở bên trong tạp chí, chỉ cần trả tiền để được xuất hiện.

Nhưng không chỉ là lời hứa về tiền bạc khiến mọi người tin tưởng. Khi Jen McAdam đầu tư vào OneCoin, bà liên tục nói rằng mình là một phần của “gia đình”. Bà được đưa vào một nhóm chat, nơi trưởng nhóm phổ biến thông tin từ trụ sở ở Sofia.

Trưởng nhóm của McAdam cảnh báo bà không nên trò chuyện với những người hoài nghi OneCoin. “Bạn được khuyên đừng tin bất cứ điều gì từ ‘thế giới bên ngoài’. Đừng nghe theo Google”, bà kể. “Họ gọi đó là ‘những kẻ thù ghét’ OneCoin”.

Giáo sư Eileen Barker của Trường Kinh tế London cho biết có những điểm tương đồng giữa OneCoin và các giáo phái, nơi mọi người tin rằng họ là một phần của điều gì đó lớn lao sẽ thay đổi thế giới. Một khi đã gia nhập, họ gần như không thể thừa nhận mình đã sai, bất kể có bao nhiêu bằng chứng đi chăng nữa.

Ngày 5/11, em của Ruja, Konstantin Ignatov, xuất hiện tại tòa án ở New York, điều trần cho vụ một luật sư bị cáo buộc rửa 400 triệu USD trong số tiền OneCoin kiếm được tại Mỹ. Một tháng trước đó, Ignatov đã chấp nhận thỏa thuận nhận tội, thừa nhận một số tội gian lận và rửa tiền. Ignatov dường như ám chỉ rằng người chị đã lừa anh ta giống như lừa các nhà đầu tư khác. Ruja biến mất vì sợ rằng ai đó thân cận sẽ khai báo về mình cho FBI.

“Vụ lừa đảo này thể hiện mặt tối của sự thay đổi công nghệ nhanh chóng, cách mà công nghệ mới tạo ra những cơ hội và khả năng tuyệt vời cho những người hiểu nó, nhưng cũng là cơ hội để lợi dụng những người không hiểu kỹ vấn đề”, Jamie Bartlett, nhà báo Anh đã điều tra tung tích của Ruja, viết.

Bartlett cho rằng Ruja đã xác định được một số điểm yếu của xã hội và lợi dụng chúng. Cô biết rằng sẽ có những người khao khát kiếm tiền hay dễ bị dụ dỗ để đặt cược vào OneCoin. Cô ta hiểu rằng ngày càng khó phân biệt sự thật và giả dối khi có quá nhiều thông tin mâu thuẫn trên mạng. Ruja cũng hiểu rằng khi gây dựng được một nhóm người tin tưởng vào OneCoin, các quan chức hành pháp và truyền thông sẽ khó khám phá sự thật.

“Và điều gây ức chế nhất là Ruja đã đoán chính xác rằng đến khi mọi người nhận ra vấn đề, cô ta đã ôm tiền cao chạy xa bay”, Bartlett viết.

Nguồn: Vnexpress (theo BBC)

Tổng hợp theo Vnrebates

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.