Hầu hết các loại chỉ báo phổ biến hoặc không phổ biến trên thị trường đều được xếp vào một trong bốn nhóm chính, bao gồm: chỉ báo xu hướng, chỉ báo động lượng (xung lượng), chỉ báo độ biến động (bộ dao động) và chỉ báo khối lượng. Việc đọc tín hiệu chỉ báo bất kỳ sẽ trở nên khá đơn giản nếu anh em biết được chúng thuộc nhóm nào.
Mỗi nhóm chỉ báo trong bốn nhóm trên đều có những nguyên lý riêng, cũng như đem lại cho chúng ta thông tin về thị trường theo những cách khác nhau. Nắm bắt được những nguyên lý này sẽ hỗ trợ anh em rất nhiều khi muốn đọc tín hiệu chỉ báo, dù là những chỉ báo quen thuộc hay những chỉ báo mới lạ trên thị trường.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu xem có những gì cần lưu ý khi đọc tín hiệu chỉ báo của từng nhóm nhé.
Xem thêm: Indicator là gì? Cách sử dụng indicator hiệu quả nhất
1. Cách đọc tín hiệu chỉ báo xu hướng
Đối với các chỉ báo xu hướng, điều anh em cần quan tâm chính là làm thế nào để nhận biết xu hướng một cách chính xác nhất dựa vào các chỉ báo đó. Để làm được điều đó, anh em cần biết được hai loại tín hiệu chính là “respect” và “whipsaws”.
Respect, tạm dịch là “tôn trọng”, xảy ra khi giá tuân thủ theo đúng tín hiệu mà chỉ báo xu hướng đưa ra, hay nói cách khác chính là giá tôn trọng chỉ báo đó.
Cụ thể, khi giá di chuyển chạm đến một đường trung bình (hoặc các chỉ báo xu hướng khác), nếu như giá quay đầu đảo ngược thì có nghĩa là giá đã tôn trọng chỉ báo.
Trên thực tế, điều này rất quan trọng vì nó chính là tín hiệu xác nhận rằng giá đang thật sự có xu hướng.
Ví dụ trong một xu hướng tăng, chúng ta có một đường trung bình động MA nằm dưới đường giá. Mỗi khi giá quay trở lại tiếp cận đến đường MA này, nếu như giá tôn trọng đường MA, tức là quay đầu tăng trở lại chứ không giảm xuyên qua nó, thì có nghĩa là một xu hướng tăng tiếp tục được xác nhận với lực tăng mạnh mẽ.
Còn trong trường hợp ngược lại, chúng ta có tín hiệu Whipsaws, xảy ra khi giá không còn tôn trọng các chỉ báo xu hướng mà liên tiếp phá vỡ tín hiệu của các chỉ báo này.
Whipsaws có thể hiểu là mô hình lưỡi cưa, và khái niệm này mô tả sự chuyển hướng liên tục của giá, tức là giá đang di chuyển theo hướng này nhưng lại nhanh chóng đảo chiều theo hướng ngược lại, và cứ diễn ra liên tục như vậy, tạo ra hình dạng giống như lưỡi cưa, hay cũng có thể hiểu là sự di chuyển qua lại như hành động cưa gỗ trong thực tế.
Áp dụng trong việc đọc tín hiệu chỉ báo, khi anh em thấy giá dao động lên xuống quanh một chỉ báo xu hướng thay vì “tôn trọng” nó, thì có nghĩa đó là tín hiệu whipsaws, cho chúng ta biết rằng không có một xu hướng rõ ràng ở thời điểm hiện tại.
Cách đọc tín hiệu chỉ báo này sẽ đơn giản nhất với các đường MA, tuy nhiên anh em cũng có thể áp dụng với các chỉ báo xu hướng khác như Parabolic SAR, theo dõi cách mà giá phản ứng với những chấm tròn trên biểu đồ.
Nếu giá ít khi đảo chiều so với các chấm tròn SAR, thì đó là tín hiệu respect, ngược lại, nếu giá liên tục di chuyển lên xuống so với các chấm SAR, đó là tín hiệu whipsaws và cho chúng ta biết xu hướng đang không rõ ràng.
Trên thực tế, anh em cũng không nhất thiết phải nhớ tên gọi của hai loại tín hiệu này, mà chỉ cần hiểu được đặc điểm cũng như ý nghĩa của nó, từ đó anh em có thể áp dụng để đọc tín hiệu của bất cứ chỉ báo xu hướng nào khác, và xác định một cách tương đối chính xác rằng thị trường có đang ở trong một xu hướng hay không.
2. Đọc tín hiệu chỉ báo động lượng
Hầu hết các chỉ báo động lượng đều hoạt động với nguyên lý đo lường sức mạnh tương đối của giá, cụ thể là so sánh sự khác biệt của giá cả theo thời gian (tính theo các phiên), từ đó đo lường và cung cấp cho chúng những thông tin khác nhau, như sức mạnh xu hướng, động lượng thị trường, trạng thái quá mua quá bán…
Chính vì vậy, việc đọc tín hiệu chỉ báo thuộc nhóm này cũng có nhiều vấn đề mà anh em cần lưu ý để có thể hiểu hết được ý nghĩa của các tín hiệu mà chúng đem lại.
2.1. Tín hiệu quá mua và quá bán
Xác định các mức quá mua và quá bán là ứng dụng rất quan trọng của các chỉ báo động lượng như RSI, CCI hay Stochastic.
Các chỉ báo động lượng hầu hết đều là một chỉ báo dao động trong một phạm vi nhất định xung quanh một trục gốc, và chúng ta có thể xác định mức quá mua hoặc quá bán của thị trường khi chỉ báo này đạt đến một mức cụ thể.
Ví dụ với RSI, chỉ báo này dao động trong phạm vi từ 0 đến 100, quanh trục gốc là đường 50. Thông thường, chúng ta lấy mức quá mua của RSI là 70 và mức quá bán ở 30, tức là:
- Khi RSI đạt đến 70, thị trường đang có hành vi mua quá nhiều, và rất có thể lực mua sẽ kết thúc để nhường chỗ cho phe bán, khiến cho giá quay đẩu giảm xuống.
- Ngược lại, RSI ở ngưỡng 30 là khi thị trường đã bán ra quá mức, lực bán có thể chấm dứt khiến cho giá quay đầu tăng lên.
Các chỉ báo động lượng khác cũng hoạt động tương tự như vậy, chỉ là khoảng đơn vị dao động được sử dụng và mức quá mua quá bán có thể khác nhau một chút.
Việc xác định rằng thị trường đang quá mua hay quá bán được thực hiện bằng cách đánh giá sức mạnh tương đối của thị trường, cũng như so sánh các mức giá hiện tại với hành vi giá cả trong quá khứ, từ đó có thể kết luận rằng lực mua hay lực bán đang quá cao so với mức trung bình.
Xem thêm: RSI là gì? Hướng dẫn cách sử dụng chỉ số RSI hiệu quả nhất
2.2. Đọc tín hiệu hội tụ và phân kỳ
Khi đọc tín hiệu chỉ báo động lượng, một trong những tín hiệu quan trọng mà anh em không thể bỏ qua chính là sự hội tụ và phân kỳ của giá so với chỉ báo.
Trong nhiều trường hợp, anh em có thể thấy các chỉ báo có xu hướng “bắt chước” những sự biến động của giá, tạo ra các đỉnh và đáy trên chính chỉ báo đó tương ứng với các đỉnh và đáy mà giá tạo ra.
Trong trường hợp khi giá tạo các đỉnh cao dần, chỉ báo cũng tạo ra các đỉnh cao dần hoặc ngược lại với các đáy thấp dần, thì chúng ta có sự hội tụ của giá và chỉ báo. Trên thực tế, sự hội tụ không có nhiều ý nghĩa, mà các nhà giao dịch cần tập trung hơn vào những tín hiệu phân kỳ:
- Trong một xu hướng tăng, nếu giá tạo ra các mức đỉnh cao dần, nhưng chỉ báo lại tạo ra các đỉnh thấp dần, thì chúng ta có phân kỳ giảm. Ý nghĩa của tín hiệu này là mặc dù giá được đẩy lên cao hơn, nhưng chỉ báo lại cho thấy lực mua của thị trường đang yếu hơn, và rất có thể giá sẽ sớm đảo chiều giảm xuống.
- Trong một xu hướng giảm, nếu giá tạo ra các mức đáy thấp hơn, nhưng chỉ báo lại tạo ra đáy cao hơn thì chúng ta có phân kỳ tăng, báo hiệu rằng lực bán đang yếu đi dù giá vẫn giảm thấp hơn, do đó có thể giá không giảm được thêm mà sẽ quay đầu tăng lên.
Chúng ta có được những tín hiệu phân kỳ như vậy cũng hoàn toàn dựa vào việc so sánh giá giữa hiện tại và quá khứ, cũng như xác định sức mạnh tương đối của thị trường, từ đó giúp anh em đưa ra được các quyết định giao dịch quan trọng, bao gồm cả vào lệnh hay thoát lệnh đang có.
Anh em có thể đọc tín hiệu chỉ báo phân kỳ trên hầu hết tất cả các chỉ báo động lượng như RSI, CCI, Stochastic… Tuy nhiên còn một chỉ báo khác dù không phải chỉ báo động lượng nhưng cũng có thể được dùng để đọc tín hiệu phân kỳ rất hiệu quả, đó là đường MACD, bởi vì chỉ báo xu hướng này thực chất cũng là một bộ dao động, tạo ra các đỉnh và đáy tương ứng với diễn biến của giá.
2.3. Tín hiệu Failure Swings
Tín hiệu Swing thất bại là một loại mô hình được hình thành bởi các chỉ báo động lượng, dựa vào tương quan so với mức quá mua và quá bán của chỉ báo đó để xác nhận sức mạnh của xu hướng.
Các dao động tại vùng quá mua hoặc quá bán nếu như xảy ra thất bại trong việc phá vỡ khỏi phạm vi cũ, thì có thể báo hiệu rằng một xu hướng đang suy yếu và có khả năng đảo ngược cao. Chúng được xác định theo cách sau:
Failure Swings tại mức quá bán:
- Đáy của chỉ báo được tạo ra ở dưới mức quá bán (đáy 1)
- Tiếp theo là một đỉnh thấp hơn mức quá mua (đỉnh 1)
- Đáy thứ hai tạo ra cao hơn đáy đầu tiên (đáy 2)
- Sau đó, chỉ báo tăng lên phá vỡ mức đỉnh 1 vừa được tạo ra trước đó, và có xu hướng tiến tới mức quá mua.
- Tín hiệu failure swings được xác định tại vị trí giá phá vỡ khỏi mức đỉnh số 1, cho chúng ta biết rằng lực bán đã thực sự cạn kiệt và giá có thể sẽ tăng lên khá mạnh.
Failure Swings tại mức quá mua:
- Đỉnh của chỉ báo được tạo ra ở trên mức quá mua (đỉnh 1)
- Tiếp theo là một đáy cao hơn mức quá bán (đáy 1)
- Đỉnh thứ hai tạo ra thấp hơn đỉnh đầu tiên (đỉnh 2)
- Sau đó, chỉ báo giảm xuống sâu hơn mức đáy 1 vừa được tạo ra trước đó, và có xu hướng tụt xuống tới mức quá bán.
- Tín hiệu failure swings được xác định tại vị trí giá phá vỡ khỏi mức đáy số 1, cho chúng ta biết rằng lực mua đã cạn kiệt.
Tín hiệu failure swings có thể sẽ rất hữu ích cho anh em trong quá trình đọc tín hiệu chỉ báo động lượng, cũng như áp dụng chúng vào trong giao dịch thực tế.
3. Đọc tín hiệu chỉ báo đo độ biến động thị trường
Đối với các chỉ báo độ biến động như Bollinger Bands, ATR, Kênh giá Keltner, cấu tạo chung của chúng là bao gồm hai đường biên trên dưới giới hạn phạm vi biến động của giá.
Phạm vi dao động này được tính toán dựa theo sự chênh lệch của giá trong quá khứ, từ đó tính toán ra mức biến động trung bình của giá trong tương lai. Nếu giá phá vỡ qua các đường biên, tức là có những biến động lớn hơn so với mức trung bình của thời gian gần đây, và đó sẽ là tín hiệu cảnh báo cho sự bắt đầu của một xu hướng mạnh.
Như vậy, khi đọc tín hiệu chỉ báo độ biến động, anh em cần lưu ý các trường hợp sau đây:
- Khi giá chạm tới các đường biên trên hoặc dưới, thông thường nó sẽ quay đầu trở lại trong phạm vi của chỉ báo.
- Nếu giá phá vỡ ra khỏi các đường biên, một xu hướng mạnh mẽ có thể sẽ bắt đầu theo hướng của sự phá vỡ.
- Đường trung bình (đường ở giữa) cũng cần được chú ý. Nếu giá dao động trên đường trung bình, nó cho thấy thị trường đang nghiêng về xu hướng tăng giá. Ngược lại, nếu giá nằm dưới đường trung bình, có nghĩa là lực giảm đang có phần chiếm ưu thế hơn.
4. Đọc tín hiệu chỉ báo khối lượng
Nhóm các chỉ báo khối lượng có thể nói là rất đa dạng, chúng chỉ có đặc điểm chung là cung cấp cho chúng ta thông tin về khối lượng giao dịch, nhưng lại được tính toán và hiển thị theo những cách rất khác nhau. Do đó, để đọc tín hiệu chỉ báo thuộc nhóm khối lượng, trên thực tế anh em cần phải tìm hiểu theo từng chỉ báo đơn lẻ.
Anh em có thể tìm hiểu về một số chỉ báo khối lượng phổ biến nhất trong bài viết dưới đây:
Tuy nhiên, một lưu ý, và cũng là yêu cầu chung để anh em có thể đọc được tín hiệu của các chỉ báo về khối lượng, đó là anh em cần hiểu rõ được mối quan hệ giữa giá và khối lượng giao dịch. Chỉ khi hiểu được khối lượng có ý nghĩa như thế nào đối với động lượng thị trường, thì anh em mới có thể hiểu và áp dụng được các chỉ báo khối lượng vào trong giao dịch.
5. Kết luận
Anh em cần lưu ý rằng, những cách đọc tín hiệu chỉ báo mà chúng ta vừa cùng nhau thảo luận chỉ là những kiến thức tổng quát về cách đọc tín hiệu của từng nhóm chỉ báo chung.
Những kiến thức này sẽ giúp anh em tiếp cận các chỉ báo một cách dễ dàng hơn, tuy nhiên nếu muốn sử dụng các chỉ báo đó, anh em cần tìm hiểu sâu hơn về nó, cũng như thực hiện backtest thật kỹ lưỡng để vừa biết được cách chúng hoạt động, lại vừa đánh giá được hiệu quả của chỉ báo trong thực tế.
Hy vọng anh em đã có thêm những kiến thức mới qua bài viết này, hãy luôn đồng hành cùng VnRebates để cập nhật thêm thật nhiều bài học bổ ích khác, để có thể tự tin chiến đấu trên thị trường nhé.
Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.