VNREBATES

Hệ thống Bretton Woods là gì? Vì sao hệ thống tiền tệ này sụp đổ?

03.01.2023, 21:19 22 phút đọc

Tuy hệ thống Bretton Woods không còn tồn tại nhưng trong quá khứ hệ thống tiền tệ huyền thoại này đã từng giúp duy trì sự ổn định và trật tự kỷ luật tương đối của tiền tệ thế giới. Nguyên nhân sự sụp đổ của hệ thống này cũng như di sản mà nó để lại vẫn còn là vấn đề được bàn luận cho đến ngày nay.

Nhắc đến nền kinh tế thế giới của thế kỷ 20, chúng ta không thể không nhắc đến hệ thống Bretton Woods nổi tiếng. Dù chỉ tồn tại hơn 30 năm nhưng hệ thống tiền tệ này có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và giá trị của nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. 

Vậy, trong bài viết dưới đây VnRebates sẽ cùng bạn phân tích sự ra đời, quá trình hoạt động cũng sự tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ huyền thoại này!

Xem thêm:

Hệ thống Bretton Woods là gì?

Hệ thống Bretton Woods là hệ thống tiền tệ quốc tế và các định chế tài chính có liên quan dùng đồng đô la Mỹ thay thế cho một thước đo duy nhất để thanh toán tiền tệ quốc tế và lưu trữ dự trữ. Hệ thống này tồn tại từ năm 1944 đến năm 1976 và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế thế giới.

Hệ thống Bretton Woods là gì?

Hệ thống Bretton Woods và thỏa thuận Bretton Woods

Sự ra đời của hệ thống tiền tệ Bretton Woods

Trước khi hệ thống tiền tệ Bretton Woods ra đời, vàng là thước đo tài chính duy nhất để trao đổi tiền tệ và mỗi quốc gia đặt ra tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia một cách độc lập tương ứng với giá trị của vàng. Khi đó một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế và Chiến tranh thế giới thứ II cho thấy hệ thống tiền tệ của nền kinh tế thế giới cần được nâng cấp.

Nhiều quốc gia bắt đầu từ bỏ “bản vị vàng“, dừng việc tự do chuyển đổi tiền tệ quốc gia sang vàng. Ngoài ra, việc phá giá tiền tệ cũng trở nên thường xuyên hơn trong giai đoạn này, gây bất ổn lớn cho nền kinh tế thế giới.

Vào tháng 7 năm 1944, trước khi chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt, các đại biểu từ 44 quốc gia Đồng Minh đã tập trung tại một khu nghỉ mát trên núi ở Bretton Woods, New Hamsphire, Mỹ tham gia Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên hợp quốc để thảo luận về một trật tự tiền tệ quốc tế mới.

Sự ra đời của hệ thống tiền tệ Bretton Woods

Hội nghị Tài chính và Tiền tệ của Liên hợp quốc diễn ra tại Bretton Woods, New Hamsphire, Mỹ

Mục tiêu của hội nghị là khôi phục nền kinh tế thế giới, cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế tránh được những sai lầm trước đây, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế trong khi vẫn bảo vệ các mục tiêu chính sách tự trị của các quốc gia riêng lẻ, cũng như tạo ra một trật tự tiền tệ quốc tế mới để tránh sự tan rã các mối quan hệ tiền tệ trên phạm vi quốc tế vào những năm 1930.

Hệ thống tiền tệ mới được ra đời cần phải đáp ứng các mục tiêu bao gồm:

  • Các tổ chức quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính tiền tệ đòi hỏi phải thành lập một tổ chức quốc tế với những chức năng và quyền hạn nhất định.
  • Chế độ tỷ giá hối đoái phải được xác định cố định trong ngắn hạn nhưng có thể được điều chỉnh khi xuất hiện tình trạng mất cân đối cơ bản.
  • Tăng cường dự trữ quốc tế bằng việc gia tăng vàng và các nguồn dự trữ bằng tiền để đảm bảo tỷ giá cố định điều chỉnh hoạt động hiệu quả.

Tại hội nghị xuất hiện 2 luồng quan điểm trái chiều từ phần lớn bị chi phối bởi lợi ích của hai cường quốc kinh tế vĩ đại tại thời điểm đó là Anh và Mỹ.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, các nước Châu Âu bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, Vương quốc Anh đang là quốc gia mang nợ lớn nên muốn tỷ giá hối đoái thả nổi tự do nhằm tách khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, để có sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái nhằm cải thiện cán cân thanh toán đang nghiêng hẳn sang một bên của Anh Quốc.

Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của nước Mỹ lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong vòng hai thập kỷ đầu sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ là trung tâm tài chính, kinh tế duy nhất của thế giới, đặc biệt Mỹ nắm đến 70% trữ lượng vàng thế giới. Với vai trò là chủ nợ lớn của thế giới, Mỹ muốn mở cửa thị trường thế giới để xuất khẩu, ưu tiên việc tạo thuận lợi cho thương mại tự do thông qua sự ổn định của tỷ giá cố định.

Cuối cùng, Hội nghị kết thúc với một thỏa ước quốc tế quan trọng mang tên Chế độ tiền tệ Bretton Woods được xây dựng chủ yếu trên cơ sở của Mỹ.

Xem thêm:

Đặc điểm và quy tắc của hệ thống Bretton Woods

1. Thay thế Bản vị vàng (Gold Standard) bằng Hệ thống chế độ tỷ giá cố định điều chỉnh hạn chế

Đồng USD được xem là tiền tệ quốc tế hay là đồng tiền chuẩn, được sử dụng làm phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế, trong đó việc sử dụng USD trong thanh toán quốc tế và ngoại thương không hạn chế.

Chế độ tỷ giá trong khuôn khổ hệ thống Bretton Woods (BWS) được đưa ra trên cơ sở áp dụng những nguyên tắc của chế độ bản vị vàng hối đoái, tỷ giá này gắn tất cả các tiền tệ với đồng đô la Mỹ, và đồng đô la được gắn với vàng.

Nói cách khác, tỷ giá trao đổi cố định giữa đồng tiền các nước được tính thông qua bản vị vàng thế giới với giá vàng được chuẩn hóa và cố định. Vàng được bán đi, mua lại hoặc vay mượn lẫn nhau giữa ngân hàng trung ương các nước, để có thể bán ra hoặc mua vào trong thị trường nội địa kịp thời nhằm giữ giá đồng tiền không đổi.

Theo hệ thống này, mỗi quốc gia xây dựng chính sách ngang giá tương ứng với đồng Đô la Mỹ và một giá vàng, còn đồng Đô la Mỹ được định giá theo vàng là 35$ = 1 ounce.

Thiết kế của Hệ thống Bretton Woods

Thiết kế của Hệ thống Bretton Woods

Thực chất Bretton Woods là thỏa thuận hướng về việc giữ giá đồng tiền các nước theo giá vàng và chống lạm phát giá cả. Hệ thống Bretton Woods được thực hiện năm 1946. Ý tưởng cố định giá USD vào giá vàng chính là để cho hệ thống này có được sự tin cậy tuyệt đối. Vào thời điểm năm 1945, chính phủ Mỹ nắm giữ gần 70% dự trữ vàng của thế giới nên các Ngân hàng trung ương nước ngoài có thể tin tưởng và sẵn sàng nắm giữ USD làm dự trữ của mình bởi Mỹ cam kết duy trì chuyển đổi USD ra vàng không hạn chế ở mức giá cố định 35 USD/ounce.

Các nước thành viên duy trì dự trữ quốc tế chính thức của họ một cách rộng rãi dưới hình thức vàng hoặc các tài sản bằng đô la và có quyền bán đô la cho Cục dự trữ liên bang Mỹ lấy vàng theo giá chính thức.

Theo quy định của BWS, các quốc gia khác phải gắn đồng tiên của mình với đồng USD, và từ đó gián tiếp gắn với vàng và chỉ được phép thay đổi các mức ngang giá chính thức đó khi có sự đồng ý của quỹ tiền tệ quốc tế. Các quốc gia đều có trách nhiệm giữ vững tỷ giá hối đoái trong dao động 1% so với ngang giá đã được thỏa thuận bằng cách mua hoặc bán ngoại hối khi cần thiết.

Tuy nhiên, thỏa thuận BWS cũng quy định cho phép thay đổi các mức ngang giá đó (phá giá, hoặc nâng giá đồng tiền) trong và chỉ trong trường hợp thanh toán quốc tế bị mất cân đối nghiêm trọng.

2. Hình thành 2 tổ chức IMF và IBRRD hay WB

2 tổ chức IMF và WB được thành lập từ hệ thống Bretton Woods

2 tổ chức IMF và WB được thành lập từ hệ thống Bretton Woods

Phần cốt lõi của hệ thống Bretton woods chính là việc hình thành 2 tổ chức IMF (International Monetary Fund – Quỹ tiền tệ thế giới) và IBRRD (International Bank for Reconstruction and Development – Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế) hay WB (World Bank – Ngân Hàng thế giới). Thỏa ước này được đa số các nước phê chuẩn và IMF bắt đầu hoạt động từ năm 1945.

IMF được hình thành với mục tiêu chính là giám sát và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ và thúc đẩy tăng cường thương mại thế giới. Những nhiệm vụ cơ bản của IMF trong việc thúc đẩy thương mại là đảm bảo cho hệ thống chế độ tỷ giá cố định hoạt động trơn tru và hiệu quả, giảm thiểu tối đa nhu cầu phá giá đồng tiền của các quốc gia thành viên bằng cách cung cấp cho mỗi quốc gia thành viện một hạn mức tín dụng thường xuyên để tài trợ cho thâm hụt tạm thời trong cán cân thanh toán.

Các quốc gia Bretton Woods quyết định không trao cho IMF quyền lực của một ngân hàng trung ương toàn cầu và IMF không thể in tiền và tác động đến các nền kinh tế bằng các chính sách tiền tệ.

Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) hay còn gọi là ngân hàng thế giới (WB) chịu trách nhiệm tài trợ cho những dự án phát triển, hỗ trợ cho những nước Châu Âu phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh và huy động vốn từ những nước phát triển để cho vay lại với lãi suất thấp ở những nước nghèo, kém phát triển nhằm giúp họ phát triển nền kinh tế.

Xem thêm: Bạn đã hiểu đúng về mối quan hệ giữa giá vàng và USD?

Những tác động tích cực của Hệ thống Bretton Woods đến nền kinh tế thế giới

Cho đến Thế chiến I, hầu hết các quốc gia đều theo chế độ bản vị vàng, nhưng họ đã phá vỡ các quy tắc để có thể in số tiền cần thiết để chi trả cho chiến tranh. Điều này dẫn tới siêu lạm phát, vì cung tiền quá lớn so với cầu tiền. Từ đó giá trị của tiền tệ giảm mạnh đến nỗi, tại một số nơi, một xe cút kít chở đầy tiền chỉ có thể đổi được một ổ bánh mì. Sau chiến tranh, các quốc gia quay trở lại sử dụng chế độ bản vị vàng an toàn. 

Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến cuộc Đại suy thoái, sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, các nhà đầu tư chuyển sang giao dịch ngoại hối và hàng hóa. Điều này đã khiến cho giá vàng bị đẩy lên cao, người dân khắp các quốc gia đổ xô đi mua vàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn bằng cách bảo vệ dự trữ vàng quốc gia bằng cách tăng lãi suất, dẫn đến kết cục là các quốc gia bắt đầu mong muốn từ bỏ chế độ bản vị vàng.

Sự ra đời của hệ thống Bretton Woods mang lại cho các quốc gia sự linh hoạt hơn so với chế độ bản vị vàng cứng nhắc trong khi tạo ra ít biến động hơn một hệ thống tiền tệ không có tiêu chuẩn nào. Đặc biệt, các quốc gia thành viên vẫn có khả năng thay đổi giá trị tiền tệ của mình khi cần thiết để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng của tài khoản vãng lai.

Hệ thống tiền tệ mới này đã có tác động tích cực đến sự ổn định của tỷ giá hối đoái, góp phần cải thiện nền kinh tế thế giới nói chung và thương mại quốc tế nói riêng.

Các quốc gia theo hệ thống Bretton Woods sẽ có nguồn dự trữ của họ dưới dạng tiền tệ của một nước duy nhất và chỉ có nước đó mới thực sự theo hệ thống bản vị vàng. Hệ thống hối đoái này cho phép các nước thành viên tiết kiệm được vàng vì họ có thể dùng vàng hoặc ngoại hối làm phương tiện thanh toán quốc tế.

Hệ thống này còn cho phép các nước thành viên hưởng thu nhập trong việc nắm giữ ngoại hối, trong khi cất trữ vàng không đem lại thu nhập. Ngoài ra các nước còn giảm được chi phí giao dịch do việc chuyển dịch vàng giữa các nước với nhau. Dự trữ tiền tệ quốc tế được cung ứng dồi dào khi tỷ giá hối đoái ổn định tạo thuận lợi cho đầu tư và mậu dịch quốc tế suốt những năm 50 và 60.

Quá trình hoạt động của hệ thống Bretton Woods

Thời gian hoạt động của hệ thống Bretton Woods có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn “đói USD” (1940-1958) và giai đoạn “bội thực USD” (1959 – 1971).

1. Giai đoạn 1940 – 1958

Trong thế chiến thứ II, Hoa Kỳ đã thu được nguồn vàng khổng lồ từ các quốc gia tham chiến thông qua việc bán vũ khí nên khi chiến tranh kết thúc, quốc gia này có nguồn dự trữ vàng lên tới 26 tỷ USD chiếm gần 70% dự trữ vàng toàn thế giới. Do đó đồng USD được coi trọng ngang bằng với vàng.

Trong khi đó, châu Âu bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh và cần tín dụng lớn để nhập khẩu những gì cần thiết để tái thiết nền kinh tế thông qua một kế hoạch có tên là Marshall khi tầm 17 tỷ Mỹ kim đã đưa vào 16 nước tại Tây Âu. Những động thái này đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu đô la và cân bằng cạnh tranh được khôi phục bằng cách giảm thặng dư thương mại của Mỹ. Cuối giai đoạn này nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu của khủng hoảng.

2. Giai đoạn 1959 – 1971

Công cuộc tái thiết thành công, nền kinh tế ở các nước Tây Âu phục hồi mạnh mẽ, dần đi vào ổn định và tăng trưởng mạnh. Nguồn dự trữ USD ở NHTW các nước tăng lên, sinh ra nhu cầu chuyển đổi USD sang vàng.

Cũng trong khoảng thời gian tình trạng những nhà đầu cơ mua vàng ở NHTW và bán vàng trên thị trường tự do xảy ra do giá vàng tại NHTW vẫn giữ ở mức $35/ounce trong khi giá vàng trên thị trường tự do lại biến động theo quy luật cung- cầu.

Ngoài ra, nền kinh tế của Tây Âu và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, làm tăng giá trị đồng tiền của các quốc gia này. Lòng tin vào đồng USD đã giảm sút, nguồn vốn khổng lồ bằng đồng Mỹ Kim dần được chuyển sang các đồng tiền khác mạnh hơn.

Đến năm 1971, Hoa Kỹ tuyên bố ngừng đổi đồng USD sang vàng và phá giá đồng USD lần thứ nhất thông qua Hiệp định Smithson – giá vàng chính thức được tăng từ 35 đến 38 USD/ounce.

Nhưng Hiệp định Smithson cũng chỉ tồn tại được hơn 1 năm, vào đầu năm 1973 do khủng hoảng đồng USD, sau khi Mỹ phá giá đồng USD lần thứ 2, các quốc gia công nghiệp chủ chốt đã bãi bỏ mức ngang giá chính thức với đồng USD và thực hiện thả nổi độc lập đồng tiền của mình. Điều này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn việc cải tổ hệ thống Bretton Woods dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ này.

Xem thêm: Chỉ số USD Index – Thước đo sức mạnh tuyệt đối của đồng bạc xanh

Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods

Vì sao hệ thống bretton woods sụp đổ?

Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods

Tính bất ổn của hệ thống Bretton Woods và sự sụp đổ của hệ thống này bất chấp những nỗ lực khôi phục

Chính sách tiền tệ mở rộng của Hoa Kỳ làm tăng nguồn cung USD, cùng với khả năng cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia thành viên khác, đã sớm làm cán cân thanh toán đảo ngược. Mỹ với tham vọng muốn cả thế giới dự trữ đô la Mỹ chứ không phải vàng, trong khi sự suy giảm dự trữ vàng của Mỹ đi kèm với những thâm hụt do muốn duy trì sự cân bằng cho toàn thế giới, đe dọa sự ổn định của hệ thống Bretton Woods.

Trong suốt những năm 60 và đầu thập kỷ 70, nền kinh tế các nước Tây Âu phát triển tăng nhanh hơn nền kinh tế Mỹ, cán cân thanh toán Mỹ bội chi và đồng USD mất giá liên tục.

Không thể phủ nhận hệ thống BWS đã thành công phần nào trong việc thúc đẩy nền kinh tế thế giới cũng như giảm bớt khủng hoảng tài chính đặc biệt trong giai đoạn khi hệ thống ra đời đến giữa những năm 60. Nhưng cuối cùng nó đã được chứng minh là quá thiếu linh hoạt để đối phó với sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Đức và Nhật Bản, cũng như sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế trong nước để duy trì bản vị vàng.

Hệ thống Bretton Woods đã giới hạn hoạt động chi tiêu của Hoa Kỳ và thế giới do lượng vàng sở hữu là có hạn trong khi nhu cầu sử dụng tiền lại lớn hơn rất nhiều. Việc Hoa Kỳ in tiền phục vụ cho việc tài trợ cho Chiến tranh Việt Nam hoặc viện trợ cho các nước khác đã khiến đôla mất giá và tăng lạm phát.

Các biện pháp khắc phục nhằm duy trì hệ thống này thường hiệu quả trong ngắn hạn nhưng không hiệu quả về lâu dài. Mối đe dọa chính đối với toàn bộ hệ thống là vấn đề Triffin, vấn đề này trở nên trầm trọng hơn sau năm 1965 do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của Hoa Kỳ dẫn đến lạm phát gia tăng.

Để xóa bỏ sự bất hợp lý trên, vào tháng 8 năm 1971 Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã phải rút hẳn khỏi hệ thống Bretton Woods và tiến hành thả nổi đồng tiền USD, và hệ thống tỷ giá hối đoái cố định tan rã.

Đồng đô la ngay lập tức hạ giá và các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách khôi phục lại hệ thống Bretton Woods bằng một hiệp định có tên gọi Hiệp định Smithson năm 1971, nhưng cố gắng này đã thất bại. Năm 1973, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chấp thuận cho phép tỷ giá hối đoái thả nổi.

Hệ thống Bretton Woods chính thức chấm dứt hoàn toàn vào năm 1976, khi Hệ thống tiền tệ Jamaica được thông qua, hệ thống này vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Theo thệ thống này, tỷ giá hối đoái thả nổi và không còn được gắn với vàng. Các loại tiền tệ khác bắt đầu phát triển và mạnh lên và đồng đô la đã mất vị thế là tiền tệ chính của thế giới.

Hệ thống Bretton Woods sụp đổ nhưng IMF và WB vẫn tồn tại và hoạt động cho đến ngày nay dù vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt từ cả nước phát triển lẫn đang phát triển.

Nguyên nhân của sự sụp đổ

Giáo sư Robert Triffin đã đưa ra một lời giải thích nổi tiếng về lý do tại sao hệ thống Bretton Woods chắc chắn phải sụp đổ. Theo vị giáo sư này, Mỹ đã bị đặt vào một tình trạng khó xử về thanh khoản cơ bản khi đồng tiền quốc gia của Mỹ được sử dụng làm tiền tệ quốc tế.

Ông lập luận, khi nền kinh tế phát triển nhu cầu USD nhiều hơn, Mỹ phải chịu thâm hụt cán cân thanh toán. Lượng vàng mà Mỹ dự trữ sẽ ít hơn lượng đô la mà các nước khác nắm giữ, điều này có nghĩa là Mỹ không thể đảm bảo việc chuyển đổi đô la quốc tế thành vàng, dần mất uy tín và hệ thống Bretton Woods sụp đổ.

Một yếu tố quan trọng dẫn đến sự đổ vỡ của Bretton Woods là sự gia tăng lạm phát ở Mỹ bắt đầu từ năm 1965. Cho đến năm đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, William McChesney Martin, đã duy trì lạm phát ở mức thấp. Bắt đầu từ năm 1965, Fed Martin chuyển sang chính sách lạm phát kéo dài cho đến đầu những năm 1980, và trong những năm 1970 được gọi là Đại lạm phát.

Nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ của hệ thống là việc Mỹ phá giá đồng USD. Tuy nhiên nguyên nhân cơ bản là ở chỗ hệ thống chứa đựng trong nó mầm mống của sự đổ vỡ nằm ở vấn đề thanh khoản và sự thiếu vắng một cơ chế điều chỉnh phù hợp.

Sự tồn tại của hệ thống Bretton Woods phụ thuộc vào sự tin tưởng rằng nội dung vàng của đồng USD phải được duy trì nhưng trước nguy cơ dự trữ vàng có thể biến mất để đáp ứng nhu cầu của NHTW các nước là bù đắp thiếu hụt trong cán cân thương mại (duy trì mức ngang giá với đồng đô la (mỹ đã chấm dứt cam kết đổi USD sang vàng).

Mặt khác, nếu Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện cán cân thanh toán thì sẽ dẫn đến thiếu hụt thanh khoản của hệ thống, tạo áp lực thiểu phát nền kinh tế thế giới. Do đó, sự sụp đổ của toàn bộ chế độ hối đoái vàng này là một hệ quả tất yếu.

Xem thêm: Giải mã nguyên nhân vì sao USD tăng giá bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Lời kết

Mặc dù đã kết thúc từ lâu nhưng với hơn 30 năm hoạt động, hệ thống Bretton Woods đã để lại di sản lớn cho nhân loại, đặc biệt là dưới hình thức hoạt động của IMF và Ngân hàng Thế giới.

Bất chấp sự tăng cường của các loại tiền tệ khác, bao gồm đồng Euro và sự đe dọa từ đồng nhân dân tệ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đồng đô la vẫn là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế và các cặp tiền tệ chính chủ yếu liên quan đến nó.

Nền kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu cũng vẫn còn vô cùng lớn lao, mà tác động phải kể đến chính là các cuộc khủng hoảng kinh tế gay gắt của nền kinh tế Mỹ, cũng như các tin tức địa chính trị, đối với tỷ giá hối đoái trên thế giới.

Theo thebalance

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.