Bạn có thể tìm được khá nhiều tài liệu về nến Inside bar, vì đây là một mô hình phổ biến và có lẽ cũng được khá nhiều nhà giao dịch quan tâm. Hôm nay, mình sẽ gửi đến bạn góc nhìn về mẫu nến này từ một tác giả, một huấn luyện viên đồng thời cũng là một nhà giao dịch nổi tiếng Nial Fuller.
1. Inside Bar là gì?
Nến Inside bar là một cây nến (hoặc một vài cây nến liên tiếp) nằm hoàn toàn trong phạm vi của cây nến đứng trước, hay còn gọi là “nến mẹ”. Nến Inside bar phải có mức cao nhất (kể cả đuôi nến) thấp hơn, hoặc ít nhất là bằng so với nến mẹ. Đôi khi trên các khung thời gian nhỏ, bạn có thể thấy mô hình Inside bar trông giống như một hình tam giác.
Có thể có nhiều biến thể khác nhau đối với Inside bar, tuy nhiên trong bài học này tác giả sẽ xác định cây nến là Inside bar khi nó nằm trong phạm vi từ giá cao nhất đến giá thấp nhất của cây nến mẹ. Tức là chúng ta sẽ tính cả phần râu nến của cây nến mẹ thay vì chỉ tính phần thân như nhiều người khác nhận định.
Trong ví dụ bên dưới, chúng ta có thể thấy cấu trúc của một mẫu Inside bar. Anh em có thể thấy một hoặc nhiều thanh Inside bar nằm trong phạm vi của một cây nến mẹ. Nếu bạn thấy các cây nến đó “cuộn” dần lại, tức là nến sau lại nằm gọn trong nến trước, thì đó là báo hiệu một sự bứt phá mạnh sắp xảy ra.
2. Ý nghĩa của Inside Bar
Chiến lược giao dịch với Inside bar giống như một tín hiệu dành cho các nhà giao dịch, để biết được sự đảo ngược hoặc phá vỡ sắp xảy ra. Mô hình nến này thường xuất hiện khi thị trường chậm lại để củng cổ sau khi thực hiện một động thái lớn, hoặc xảy ra tại các điểm ngoặt của thị trường và các khu vực giá quan trọng như hỗ trợ và kháng cự chính.
Các tín hiệu nến này thường cung cấp một vị trí có rủi ro thấp để tham gia giao dịch, hoặc một điểm thoát lệnh hợp lý. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các ví dụ về Inside bar trong trường hợp chúng là tín hiệu tiếp tục xu hướng, và một trường hợp khác khi chúng đóng vai trò là tín hiệu nến đảo chiều trong phần tiếp theo ngay dưới đây.
Mặc dù mô hình nến này được sử dụng trong cả hai trường hợp, nhưng Inside bar cũng cấp tín hiệu tiếp diễn xu hướng thường đáng tin cậy hơn và dễ sử dụng hơn dành cho Trader mới tìm hiểu về thị trường. Giao dịch đảo chiều với mẫu nến này sẽ an toàn hơn khi bạn đã có kinh nghiệm vững chắc các kiến thức về Price Action.
3. Cách giao dịch với mô hình nến Inside Bar
Như đã thảo luận phía trên, chúng ta có hai cách sử dụng Inside bar trong giao dịch. Một là tín hiệu tiếp tục xu hướng và hai là tín hiệu đảo chiều.
Trong biểu đồ ví dụ bên dưới, bạn có thể thấy các mẫu Inside bar trong cả hai trường hợp này.
3.1. Điểm cắt lỗ trong thiết lập Inside Bar
Trước khi đi vào chi tiết hai trường hợp sử dụng của mẫu nến Inside bar, chúng ta cùng thảo luận trước về việc đặt stop loss như thế nào đối với các thiết lập sử dụng mẫu nến này.
Về cơ bản, chúng ta có hai cách đặt stop loss khác nhau đối với trường hợp này. Bạn sẽ phải sử dụng kinh nghiệm nhận định thị trường của mình để xác định vị trí nào là điểm cắt lỗ tốt nhất cho từng trường hợp khác nhau.
Vị trí stop loss cổ điển và được sử dụng phổ biến nhất sẽ nằm ngay phía trên (với lệnh bán) hoặc ngay phía dưới (với lệnh mua), đối với cây nến mẹ. Khoảng cách với cây nến mẹ bao xa còn phụ thuộc vào lệnh của bạn là lệnh dài hay ngắn, nhưng nó cũng không quá quan trọng vì nằm ngoài phạm vi cây nến mẹ đã là một vị trí đủ an toàn.
Cách đặt stop loss thứ hai thường áp dụng trong trường hợp cây nến mẹ có độ dài quá lớn so với cây Inside bar. Nếu cứ đặt stop loss trên hoặc dưới phạm vi của nến mẹ, khoảng cách cắt lỗ có thể trở nên quá xa và tỉ lệ Rick Reward sẽ không còn tốt đối với bạn.
Trường hợp này, bạn có thể đặt stop loss ở mức 50% của cây nến mẹ, tức là khoảng chính giữa của giá cao nhất và giá thấp nhất của cây nến đó. Có thể nó ít an toàn hơn so với cách đầu tiên, nhưng đây cũng là cách duy nhất để chúng ta giữ được tỉ lệ lợi nhuận rủi ro tốt nhất khi mà cây nến mẹ có độ dài quá lớn.
Những thiết lập Pinbar có cây nến mẹ ngắn hơn thường có nhiều ưu điểm hơn. Ngoài việc có điểm stop loss tốt hơn như chúng ta vừa thảo luận, nó còn thể hiện rằng thị trường đang được “nén” lại nhiều hơn, và từ đó sẽ có sự bứt phá mạnh hơn từ sức nén đó. Vì vậy, khi mới làm quen mẫu nến này, bạn nên tránh các mẫu Inside bar có cây nến mẹ quá dài.
Xem thêm: Làm thế nào để đặt stop loss và take profit thật xuất sắc
3.2. Nến Inside bar là tín hiệu tiếp tục xu hướng
Đây là thiết lập giao dịch tốt nhất khi sử dụng nến Inside bar. Thời điểm thích hợp nhất là khi một xu hướng mạnh đang diễn ra hoặc thị trường đang hoàn toàn di chuyển theo một hướng, sau đó có một khoảng dừng và di chuyển chậm lại.
Khung thời gian tốt nhất để giao dịch với Inside bar nên là khung ngày hoặc 4 giờ. Bạn khi mới tham gia thị trường hay mới làm quen với mô hình nến này nên bám sát vào biểu đồ khung ngày trước cho đến khi nắm vững và giao dịch có hiệu quả thường xuyên trước khi chuyển sang các khung thời gian nhỏ hơn.
Trong ví dụ dưới đây, bạn có thể thấy một vài thiết lập Inside bar với biểu đồ khung ngày của cặp tiền EUR/USD. Các thiết lập này phù hợp với xu hướng đang chiếm ưu thế, và hoạt động khá hiệu quả khi mà sự bứt phá diễn ra thành công.
3.3. Nến Inside bar đóng vai trò là tín hiệu đảo chiều
Dù không mạnh bằng tín hiệu tiếp tục xu hướng, nhưng đôi khi bạn cũng có thể sử dụng Inside bar như một tín hiệu nến đảo chiều. Lưu ý là anh em chỉ nên sử dụng thiết lập này khi đã thành thạo nến Inside bar để giao dịch tiếp tục xu hướng.
Trong biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy ví dụ về tín hiệu đảo chiều khá tốt với Inside bar. Điều quan trọng ở đây là nến Inside bar này phải được hình thành ở các mốc quan trọng, ví dụ như kháng cự và hỗ trợ. Điều đó cho thấy thị trường đang do dự và không chắc rằng nó có thể tiếp tục xu hướng để phá qua mốc đó hay không, do đó rất có thể nó sẽ đảo chiều.
4. Khung thời gian tốt nhất để giao dịch với Inside bar
Mình cũng đã đề cập phía trên rằng khung thời gian phù hợp nhất để giao dịch với nến Inside bar là khung ngày hoặc khung H4. Lý do đơn giản là ở khung thời gian thấp hơn, các mẫu nến này xuất hiện quá nhiều và phần lớn trong số đó có thể là tín hiệu nhiễu, xác suất thành công không cao.
Trên thực tế, ví dụ như ở khung thời gian H1, có thể có rất nhiều nến Inside bar xuất hiện trước khi giá có thể thực sự đột phá để tiếp tục xu hướng. Trong khoảng thời gian đó, nếu bạn cố gắng giao dịch với tất cả các mô hình nến đó thì bạn sẽ phải thất vọng khá nhiều lần khi sự phá vỡ không thể xảy ra.
Việc giao dịch với Inside bar ở các khung thời gian thấp thực sự rất lãng phí. Khung thời gian thấp nhất bạn nên sử dụng là khung H4, nhưng đó là khi bạn đã có kinh nghiệm nhất định. Còn nếu mới tham gia thị trường, bạn chỉ nên dùng khung thời gian ngày để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất, thậm chí khung thời gian tuần cũng là lựa chọn đáng được cân nhắc.
Trong các biểu đồ ví dụ dưới đây,bạn có thể thấy các mô hình Inside bar hoạt động tốt như thế nào. Không phải tất cả chúng đều chắc chắn thành công, nhưng trên khung biểu đồ ngày chúng tỏ ra đáng tin cậy hơn nhiều so với các khung thời gian thấp hơn.
5. Kết luận
Nến Inside bar là một tín hiệu giao dịch khá tuyệt vời với những ưu điểm mà chúng ta đã cùng nhau thảo luận phía trên, bao gồm đặc điểm có vị trí cắt lỗ tốt, dễ sử dụng và hiệu quả thì tương đối cao. Hy vọng bạn đã nắm bắt được những kiến thức về tín hiệu Price Action phổ biến này.
Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng trong thị trường Forex không có phương pháp nào hiệu quả 100% và hoạt động tốt trong mọi điều kiện thị trường. Bạn cần đa dạng hóa các chiến lược giao dịch của mình, và học thành thạo từng chiến lược một để có thể chiến đấu trong bất cứ giai đoạn nào của thị trường. Hãy đồng hành cùng VnRebates để cùng chúng mình thực hiện điều đó nhé.
“VnRebates tổng hợp”
[Bài viết của tác giả Nial Fuller]